Theo quan điểm của các nhà quản trị chiến lược, chúng ta không thể nào thu được lợi nhuận cao nếu như vẫn duy trì những sản phẩm cũ, thị trường cũ, phương thức quản trị cũ. Chính vì vậy, tác giả cho rằng: Ngoài việc nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý kênh phân phối hiện tại thì doanh nghiệp cũng rất cần phải tìm ra thị trường mới cho mình.
Như chúng ta đã biết, ngành phân phối cũng như một số ngành kinh tế mới hết sức phát triển trong thời gian gần đây. Điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh hết sức gay gắt giữa các thành viên trong ngành. Sự cạnh tranh diễn ra đặc biệt khốc liệt tại những thành phố lớn với những “ông lớn” trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ. Trong khi đó, các thị trường ở nông thôn và các tỉnh thành xa lại tương đối trống. Tuy chúng ta không thể áp dụng chiến lược quản lý hiện tại cho các khu vực này, nhưng nếu có những cách tiếp cận tốt,
tận dụng được những thuận lợi và giải pháp khắc phục khó khăn như giao thông, thông tin liên lạc, sự yếu kém của cơ sở hạ tầng,… của các vùng này thì đây chắc chắn là một “đại dương xanh” cho các đại gia phân phối hiện nay, trong đó có FPT Trading.
Không những vậy, các thị trường các nước sát biên giới Việt Nam như Lào, Campuchia hay các nước kém phát triển ở châu Phi cũng là một thị trường hết sức tiềm năng. Các thị trường này còn khá mới, chưa được khai thác hết. Thực tiễn thể hiện qua thành công của Viettel khi triển khai mạng di động và mô hình cửa hàng bán lẻ rất thành công tại các nước này. Với kinh nghiệm hoạt động lâu trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam, thông qua sự hiểu biết về văn hóa, kinh tế, chính trị nước sở tại, chắc chắn công ty sẽ đạt được những thành công lớn, mở ra hướng phát triển lớn cho công ty, theo kịp xu thế toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.