Lý thuyết về hànhđộng ngôn từ

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ trong nghi thức chào, mời, chúc mừng của người việt (Trang 34 - 40)

I. Giao tiếp ngôn ngữ

5. Lý thuyết về hànhđộng ngôn từ

1.5.1.Con người tồn tại trong xã hội bằng những hoạt động trao đổi, trong đó có hoạt động nói năng. Hoạt động lời nói là một phần, một dạng trong toàn bộ các hoạt động sống của con người. Tư tưởng này được Hegel đề cập từ lâu, ông đã viết : " Lời nói thực chất là những hành động diễn ra giữa con người, cho nên nó không phải là trống rỗng". [24, 37]

Những phát kiến của F. de Saussure vào đầu thế kỷ XX về ngôn ngữ và lời nói đã mở ra hướng nghiên cứu mới cho các nhà ngôn ngữ học. Nhưng mãi đến những năm 60 của thế kỷ XX, J. Austin (1962) và J.Searle (1969) mới đi sâu vào vấn đề này và đề xuất lí thuyết hành động ngôn từ (speech act theory).

Người xây dựng nền móng cho lý thuyết hành động ngôn từ là J.L Austin (1962) với công trình "How to do things with words ?". Trong công trình này, Austin đã đưa ra một lý thuyết vững chắc về môi quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói. Lần đầu tiên người ta biết đến một sự phân biệt độc đáo : nói - làm. Nói là cách sử dụng ngôn ngữ để biểu hiện, diễn tả, thông báo một nội dung nào đó. Làm là hành động thực tế.

Bên cạnh LAustin còn có J. Searle (1969). Hai ông đã đi sâu vào lý giải mối quan hệ giữa nói - làm, và đề xuất lý thuyết hành động ngôn từ (Theory of speech act). Các ông cho rằng ngôn ngữ, bên cạnh việc dùng để thông báo hoặc miêu tả nội dung nào đó, nó còn được dùng để thực hiện một hành động nào đó. Chẳng hạn như : cám ơn, thông báo, hứa, thề, xin lỗi, ... Các hành động được thực hiện bằng lời gọi là hành động ngôn từ (speech act). Hành động ngôn từ chính là ý định về mặt chức năng của một phát ngôn.

Theo Austin hành động ngôn từ là thể thống nhất của 3 hành động :

- Hành động tạo lời (locutionary act) là hành động cơ sở của phát ngôn. Hành động tạo lời sử dụng phương tiện ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) của một ngôn ngữ để cấu tạo nên phát ngôn. Mỗi hành động tạo lời đã tạo ra một nội dung

mệnh đề và một ý nghĩa xác định. Do vậy, đối với những người có khuyết tật ở bộ phận phát âm ( ngắn lưỡi, đầy lưỡi, nói ngọng, người nước ngoài) thì hiệu quả tạo lời trong phát ngôn đó không đạt. Chẳng hạn : trong bài thơ "Vịnh cái chuông" của Hồ Xuân Hương có ghi lại phát âm "ấy ái uổng" của "đám người ngọng" . Bình thường chúng ta -những người nghe không hiểu người nói muốn nói gì trong phát ngôn nếu như không biết được ngữ cảnh của phát ngôn.

- Hành động tại lời (illocutionary act) là hành động được thực hiện ngay khi ta phát ra câu nói. Các hành động tại lời được chi phối bởi những quy tắc đã được xã hội ước chế. Vì vậy, có những điều kiện dùng cho mỗi loại hành động tại lời. Hầu như chúng ta không chỉ tạo ra những phát ngôn chuẩn, không có mục đích gì mà phát ngôn được phát ra còn nhằm một một mục đích nào đó trong ý nghĩ. Đó chính là hành động tại lời. Hành động tại lời được thực hiện nhờ hiệu lực giao tiếp của phát ngôn. Chẳng hạn, khi chúng ta nói: "Nóng quá ! " hoặc là để giải thích hoặc là để đưa ra một đề nghị nào đấy. Những mục đích đó được coi là hiệu lực tại lời của phát ngôn.

- Hành động mượn lời (perlocutionary act) là hành động mà người nói tác động đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc, hành vi của người tiếp nhận nghĩa là hành động gây được hiệu quả ở người nghe. Hiệu quả đó chỉ dành riêng cho hoàn cảnh phát ngôn mà thôi.

Qua hành động tại lời thông báo như "Hôm qua mình vừa nhậu với sếp", với những người bình thường thì nó chỉ là một thông báo bình thường. Nhưng người nói có thể dùng nó để gây ra những hành động mượn lời khác nhau. Người nói muốn gây tâm lý tò mò nơi những người đang nhờ anh ta một việc gì đó. Người nói muốn gây tâm lý lo lắng nơi những người có định kiến với anh ta (hành động đe dọa ngầm). Người nói muốn khoe khoang về mối quan hệ của anh ta với "sếp".

1.5.3. Mỗi hành động ngôn từ đòi hỏi những điều kiện nhất định. Do đó theo J.Austn và J.Searle có những điều kiện sau đây:

a, Điều kiện chung (general condition) quy định điều kiện cho những người tham gia giao tiếp. Những người tham gia giao tiếp phải hiểu ngôn ngữ đang sử dụng, phải có bộ máy phát âm và tiếp âm bình thường.

b, Điều kiện nội dung mệnh đề (content condition) quy định những điều kiện cần thiết, cụ thể cho việc thực hiện hành động ngôn từ. Chẳng hạn hành động cảnh báo thì nội dung phát ngôn phải nói về một sự kiện tương lai.

c, Điều kiện ban đầu (preparatory condition) qui định những gì liên quan đến sự cần thiết để hành động ngôn từ được thực hiện.

d, Điều kiện chân thực (sincerity condition) là điều kiện quy định người nói phải chân thành trong nội dung phát ngôn.

e, Điều kiện thiết yếu (essential condition) quy định trách nhiệm và sự ràng buộc của người nói.

J.Austn và J.Searle đã tiến hành phân loại các hành động ngôn từ, nhưng bảng phân loại của họ không giống nhau.

a, Bảng phân loai của J. Austin :

Theo ông có 5 loại hành động ngôn từ. Đó là :

- Hành động phán xử (verdictives) như : hành động tuyên án, đánh giá, xếp loại, kết luận, ...

- Hành động hành sử (exercitives) như : hành động phạt, tha thứ, ban hưởng, ...

- Hành động hứa hẹn, cam kết (commissives) như : hành động hứa, cam kết, thề,...

- Hành động trình bày, bày tỏ : (expositives). Chẳng hạn : hành động khẳng định, thừa nhận, phản bác,...

- Hành động ứng xử (behabitives) như : hành động xin lỗi, cám ơn, chúc mừng, trách, khen,...

Bảng phân loại của Searle có bước tiến so với bảng phân loại của Austin vì ông đã đưa ra tiêu chí xác định có quan hệ chặt chẽ với nhau để phân loại các hành động ngôn từ. Searle đã đưa ra 12 tiêu chí, trong đó có 3 tiêu chí quan trọng, đó là : mục đích của hành động tại lời (illocutionary point), hướng thích nghi giữa lời lẽ và hiện thực ( direction of fit), trạng thái tâm lý được biểu hiện.

Dựa vào 3 tiêu chí này, Searle đã chia các hành động ngôn từ thành 5 loại như sau

- Hành động tái hiện (representatives) như : khẳng định, tường thuật, giải thích,...

- Hành động điều khiển (directives) như : cầu khiến, ra lệnh, van nài, đề nghị, cảnh báo, cho phép,..

- Hành động cam kết (commissives) như : hứa, thề, cam đoan, cho, tặng, biếu

- Hành động biểu cảm (expressives) như : cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, ...

- Hành động tuyên bố (declarations ) như : Tuyên bố, báo cáo, ...

Ngoài ra còn có các cách phân loại của một số nhà ngôn ngữ khác như D.Wunderlich, F. Recanatil, K. Bách và R.M. Harnish. Ở đây chúng tôi xin theo hướng phân loại của LAustin .

1.5.4. I.L. Austin, J.R. Searle, O.Ducrot đã xây dựng và hoàn thiện lý thuyết hành động ngôn ngữ. Các ông cho rằng : khi chúng ta nói năng là chúng ta thực hiện một loại hành động đặc biệt mà phương tiện là ngôn ngữ. Chẳng hạn khi chúng ta nói : " Mời bác chủ nhật này đến nhà em chơi" tức là ta đã thực hiện một hành động : hành động mời. Hành động này không được thể hiện bằng các hành động vật lý như bắt tay, gật đầu, nhún vai, nháy mắt, ... mà bằng hành động ngôn ngữ : phát ra lời mời.

Lý thuyết hành động ngôn ngữ gọi đó là hành động ở lời. Có hai loại hành động ở lời:

- Hành động ở lời trực tiếp là hành động được thực hiện đúng với các điều kiện sử dụng, đúng với đích ở lời của chúng. Nói cách khác, đó là hành động mà phát ngôn chứa nó có sự tương ứng giữa câu trúc hình thức với hiệu lực ở lời của chính hành động đó.

Ví dụ :

- Cháu chào bác ạ !

- Cháu mời cô xơi cơm !

- Thân ái chào qui vị và các bạn xem truyền hình .

- Chúc anh lên đường bình an !

Các phát ngôn trên đều chứa các động từ ngôn hành (hay ngữ vi) : chào, mời, chúc mừng. Trong tiếng Việt, các động từ đó khi được dùng đúng với

hiệu lực ngôn hành thì người phát ngôn sau khi nói xong các phát ngôn có chứa động từ ngôn hành đã đồng thời thực hiện luôn hành động chào, mời, chúc mừng. Các động từ chào, mời, chúc mừng ở các ví dụ trên đã sử dụng đúng hiệu lực ngữ vi: Người nói (tạo ra phát ngôn) muốn bày tỏ thái độ thân ái, quan tâm đối với người nghe.

Xét theo lý thuyết hành động ngôn từ thì các phát ngôn trên là các phát ngôn chào, mời, chúc mừng trực tiếp (hiển ngôn) mà dấu hiệu nhận diện chính là các động từ chào, mời, chúc mừng được dùng trong điều kiện ngôn hành.

- Hành động ở lời gián tiếp : theo Austin và Searle trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, do nhiều lý do mà người nói sử dụng hành động ngôn từ này nhưng lại nhằm đạt đến hiệu lực ở lời của một hành động ngôn từ khác. Các hành động ngôn từ này không có sự tương ứng giữa hình thức cấu trúc với hiệu lực ở lời và được gọi là hành động ở lời gián tiếp. Ta có thể xem xét điều này ở ví dụ sau :

Chẳng hạn , khi gặp Bác Tâm - người hàng xóm đi làm về, cô Lan nói : " Bác đi làm về roi à? " và bác Tâm đáp : "Cô đi đâu muộn thế ?. Ở đây phát ngôn của cô

Lan và bác Tâm có cấu trúc một câu hỏi (được đánh dấu bằng tiểu từ tình thái à , thế và dấu chấm hỏi ) . Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, cô Lan và bác Tâm có quan hệ láng giềng, họ đều biết về thời gian làm việc của nhau. Những phát ngôn của họ có dạng câu hỏi nhưng không có ý chờ sự hồi đáp cho câu hỏi của mình mà chỉ cốt để chứng tỏ rằng họ có quen biết , họ đã nhìn thấy nhau, họ quan tâm đến nhau. Như vậy chúng ta thấy rằng phát ngôn hỏi của cả cô Lan và bác Tâm đều vi phạm điều kiện sử dụng của hành động hỏi nhưng lại đáp ứng yêu cầu của hành động chào. Lý thuyết hành động ngôn từ gọi đó là hành động chào gián tiếp (chào hàm ẩn): chào bằng cách hỏi.

Như vậy, hành động ngôn từ (hành vi ngôn ngữ ) được thể hiện thông qua động từ ngôn hành (động từ ngữ vi). Những phát ngôn có quan hệ trực tiếp giữa một cấu trúc với một chức năng là những phát ngôn có hành động ngôn từ trực tiếp (direct speech act). Những phát ngôn có quan hệ gián tiếp giữa một chức năng và một cấu trúc là phát ngôn có hành động ngôn từ gián tiếp (indirect speech act).

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ trong nghi thức chào, mời, chúc mừng của người việt (Trang 34 - 40)