I. Giao tiếp ngôn ngữ
4. Quan hệ giao tiếp (vai xã hội và vai giao tiếp)
Để có thể giao tiếp được với nhau, những người tham gia giao tiếp phải có một mối quan hệ qua lại nhất định, đó chính là quan hệ giao tiếp. Quan hệ giao tiếp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các mối quan hệ xã hội chung, trên cơ sở cấu trúc của xã hội. Trước khi bước vào giao tiếp, người nói và người nghe phải tìm cách nhập thân vào cuộc đối thoại, phải thu hút sự chú ý của người đối thoại, phải xưng hô, phải chào hỏi, giới thiệu, phải thể hiện sự lịch sự sao cho phù hợp với hoàn cảnh đó. Tức là người nói phải xác định tư cách của mình đối với người đối thoại bằng cách dùng một số nghi thức lời nói như chào, cám ơn, xin lỗi, ... để thiết lập quan hệ, kiểm tra quan hệ tiếp xúc, bảo đảm cho sự tiếp xúc được duy trì và đạt hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình giao tiếp, mỗi nhân vật tham gia giao tiếp phải tuân thủ những nguyên tắc giao tiếp cũng như những nguyên tắc, chuẩn mực ngôn ngữ. Các nhân vật giao tiếp nói như thế nào là tùy thuộc vào quan hệ xã hội của họ. Lúc này mối tương tác ngôn ngữ (linguistic interraction) nhất thiết là một tương tác xã hội (social interraction).
Nói đến quan hệ giao tiếp là nói đến mối quan hệ giữa các nhân vật tham gia giao tiếp. Mỗi nhân vật ở đó là một "thực thể đa chức năng", mỗi người có rất nhiều vai từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Tất cả những mối quan hệ đan xen ấy làm nên một mạng các quan hệ với rất nhiều vai khác nhau : Quan hệ trong gia đình, quan hệ xã hội. Chẳng hạn, một người trong gia đình có thể là con trong quan hệ với cha mẹ, là cha trong quan hệ với con, là chồng trong quan hệ với vợ. Nhưng ở ngoài xã hội, anh ta là thầy trong quan hệ với học trò, là nhân viên trong quan hệ với thủ trưởng ... ở mỗi vị thế khác nhau trong những hoàn cảnh giao tiếp tương ứng anh ta phải sử dụng ngôn ngữ phù hợp với vị thế giao tiếp hiện tại của mình.
Có thể nói trong giao tiếp tồn tại hai mối quan hệ cơ bản, đó là quan hệ vị thế và quan hệ thân hữu. Quan hệ vị thế biểu thị khoảng cách xã hội. Đây là nhân tố khách quan bên ngoài nhưng có ảnh hưởng và tác động lớn đến vị thế giao tiếp của các nhân vật giao tiếp.
Các nhà ngôn ngữ học dùng thuật ngữ vai giao tiếp để biểu thị vị thế xã hội của nhân vật hội thoại. Có thể nói vai giao tiếp là cơ sở mà các nhân vật hội thoại dựa vào để tổ chức và biểu hiện vị thế xã hội của mình trong giao tiếp. Vị thế xã hội phụ thuộc vào giới tính, địa vị, tuổi tác. Chính điều này tạo ra những cách xưng hô khác nhau trong xã hội cũng như chính trong cuộc hội thoại đó. Chẳng hạn ở Việt Nam vấn đề tuổi tác được coi trọng, người nhiều tuổi hơn thường ở bậc trên so với những người ít tuổi hơn. Và các cặp từ xưng hô thường là bác - tôi, anh - tôi, bác - cháu, chị - em, ... Hoặc để thể hiện sự tôn trọng đối với người có vị thế cao hơn, người ta thường nói đầy đủ họ tên kèm theo chức vụ, nghề nghiệp như: Nhà báo Hữu Thọ, Giáo sư Võ Quí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ... Trong trường hợp vị thế xã hội bình đẳng thì họ có ý khiêm xưng hô tôn tạo nên sự tôn trọng đối với người đối thoại.
Quan hệ thân hữu biểu thị mức độ gắn bó giữa các nhân vật giao tiếp. Đây là nhân tố bên trong có thể xảy ra ở các nhân vật giao tiếp. Quan hệ thân hữu thường được thương lượng trong quá trình giao tiếp, khi mà vị thế xã hội - cái khoảng cách xã hội ban đầu có sự thay đổi trong quá trình giao tiếp. Mức độ thân hữu đó giúp cho
cuộc giao tiếp diễn ra trong không khí thân thiện và thoải mái hơn, đồng thời cũng là điều kiện giúp cho cuộc hội thoại đạt đến đích giao tiếp.