III. Nghi thức lời nói của người Việt
4. Đặc trưng nghi thức lời nói của người Việt
4.1. Xét trên bình diện kết pháp, NTLN người Việt có những đặc trưng sau : - Chủ thể phát ngôn ở ngôi chủ (người phát ngôn) có thể hàm ẩn hoặc tường minh nhưng trong hội thoại thường hàm ẩn, cho nên các phát ngôn NTLN của người
Việt thường cổ mô hình câu đơn khuyết chủ ngữ. Ngôi đối (người tiếp ngôn) có thể hàm ẩn hoặc tường minh .
Ví dụ : Trong nghi thức chào, người Việt có thể dùng lời chào : "Chào bác/ông/anh.." khi gặp người khác. Lời chào này không có sự khu biệt về phạm vi, bối cảnh, vai giao tiếp, mức độ thân sơ của các nhân vật giao tiếp, nghĩa là có thể sử dụng ở mọi cuộc giao tiếp. Có khi người Việt chào nhau "Bác đến chơi ạ!" , "Xin
chào !"
-Các động từ ngôn hành thường xuất hiện tường minh. Có thể coi đây là đặc điểm chung của các phát ngôn thuộc NTLN được sử dụng trong bối cảnh giao tiếp mang tính nghi lễ, hình thức .
Ví dụ : - Mời cô vào nhà ! - Chúc mừng anh chị !
-Không có sự tương ứng 1-1 giữa câu trúc cú pháp của phát ngôn NTLN với hiệu lực tại lời của chúng, tức là có thể có hành động gián tiếp thông qua NTLN. Chẳng hạn, hành động xin lỗi, có thể là xin lỗi vì phạm một khuyết điểm nào đó, cũng có thể là câu nói xã giao lịch sự gây sự chú ý khi muốn xin phép hay đề nghị người khác làm việc gì đây. Đặc trưng này thể hiện rõ trong cách chào hỏi của người Việt: "Bác ái làm đấy à ?" , "Chú Thủ đấy à ?"
4.2.Xét trên bình diện nghĩa học, NTLN mang đặc tính hành động nghĩa là khi tạo ra một phát ngôn, người nói cũng đồng thời thực hiện một hành động cụ thể trong hiện thực. Hành động đó được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua nội dung toàn bộ phát ngôn. Nếu động từ ngữ vi tồn tại trong phát ngôn thì đó là hành vi ở lời trực tiếp ; nếu động từ ngữ vi không xuất hiện trong phát ngôn mà ngầm ẩn trong từng câu chữ của phát ngôn thì đó là hành động ở lời gián tiếp.
Ví dụ: "Anh ở lại ăn cơm với chúng em !" Người nghe đều hiểu đây là một
phát ngôn mời mặc dù trong phát ngôn không tồn tại động từ ngữ vi "mời". Hành động mời được thể hiện gián tiếp qua toàn bộ câu chữ của phát ngôn. Hay như trong phát ngôn "Tôi có lỗi với cô !" động từ ngữ vi không hiện diện mà chỉ là động từ chỉ
sự tồn tại "có" nhưng người nghe nhận thức được rằng xin lỗi là đích của phát ngôn. Phát ngôn như một lời thú nhận, chính sự thú nhận đó gián tiếp thể hiện hành động xin lỗi của người nói.
4.3.Xét trên bình diện dụng học, NTLN người Việt gắn chặt với kiểu xưng hô đặc trưng của người Việt : khuynh hướng gia tộc hóa các từ xưng hô. Cho nên cần lưu ý người sử dụng NTLN về sự phân hóa các chi tiết trong cách chiếu vật và chỉ xuất, về vai giao tiếp và vị thế xã hội của người tham gia hội thoại. Chẳng hạn người Hà Nội và một số vùng lân cận khi xưng hô với người có vị thế bằng mình vẫn thường có cách gọi khiêm xưng là "bác" và xưng "tôi / em" ("Bác ngồi chơi, tôi đi đằng này tý !" , "Mời bác vào nhà em chơi !")
Khi tiến hành giao tiếp, người Việt rất chú trọng đến vấn đề xưng hô. Tuy nhiên, trong giao tiếp có rất nhiều yếu tố tác động đến sự lựa chọn từ ngữ xưng hô như vị thế xã hội, bối cảnh giao tiếp, đặc trưng thẩm mỹ, tâm lý dân tộc. Từ xưng hô của người Việt được thể hiện ba đặc điểm sau :
(1)Từ dùng để xưng hô trong giao tiếp của người Việt không chỉ có các đại từ (như: tôi, tớ, mình, cậu ) mà còn có nhiều từ thuộc từ loại khác chuyển sang, trong đó chiếm đa số là nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc (như : ông, bà, anh, chị, chú, bác, cô, dì, em, con, cháu ...)
Ví dụ : - Con chào thím !
- Bao nhiêu một ký đậu vậy dì ?
(2)Hầu hết các từ xưng hô tiếng Việt biểu hiện khoảng cách, mức độ quan hệ của các vai giao tiếp. Chẳng hạn, trong câu "Cậu cho mình mượn quyển sách", các từ xưng hô biểu hiện vị thế giao tiếp : người A (người xưng "mình" ) và người B (người được gọi là "cậu") có vị thế ngang bằng nhau, cách xưng hô này biểu thị mối quan hệ thân mật giữa A và B. Nếu ở đây cách xưng hô giữa A và B được đổi là "anh" và "tôi" thì xảy ra 3 trường hợp sau:
a. Sự ngang bằng về vị thế giao tiếp (A = B), trung tính về mặt tình cảm và khoảng cách trong quan hệ.
b. Vị thế giao tiếp của A cao hơn B (A > B), thể hiện sự tôn trọng, và khoảng cách trong quan hệ.
c. Vị thế giao tiếp của A thấp hơn B (A < B), trung tính về mặt tình cảm và khoảng cách về quan hệ.
(3) Cách sử dụng các từ xưng hô thể hiện thái độ và chiến lược giao tiếp của người sử dụng. Chẳng hạn, hiện nay (từ 1990 lại đây) trong giao tiếp người Việt cách gọi "đồng chí" đang dần được thay thế bởi cách gọi "ông, bà, ngài" trong giao tiếp, nhất là trong bối cảnh nghi lễ ; hay người Việt hiện nay nhất là trong lớp trẻ thường dùng cách tự xưng tên khi xưng hô trong giao tiếp. Ví dụ : "Hoa cho Tâm mượn quyển sách lý nghen !" .
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA NGHI THỨC CHÀO, MỜI, CHÚC MỪNG CỦA NGƯỜI VIỆT