Nguyên lý hội thoại

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ trong nghi thức chào, mời, chúc mừng của người việt (Trang 28 - 32)

I. Giao tiếp ngôn ngữ

3. Nguyên lý hội thoại

3.1.Hội thoại

Hội thoại là "Hoạt động giao tiếp bằng lời ở dạng nói giữa các nhân vật giao tiếp nhằm trao đổi các nội dung miêu tả và liên cá nhân theo đích được đặt ra." [88,122] Đây là hoạt động giao tiếp phổ biến nhất, căn bản nhất của giao tiếp ngôn ngữ.

Hội thoại có thể diễn ra theo nhiều kiểu khác nhau. Nếu căn cứ vào số lượng người tham gia giao tiếp, ta có song thoại - dialogue (hai người), tam thoại - trilogue (ba người), đa thoại - polylogue (nhiều người), ... Nếu căn cứ vào đặc điểm của người nói và người nghe có hội thoại mà người nghe hiện diện hoặc vắng mặt (phát thanh trên đài, trên truyền hình, bài viết trên báo); hội thoại mà chỉ có người nói chủ động còn người nghe thụ động nếu có đáp lời thì rất ít (như thầy giáo giảng bài) ; hội thoại giữa những người mới gặp mặt, giữa những người đối kháng về quan điểm, quyền lợi hoặc những người đã quen biết. Căn cứ vào đề tài có những cuộc thoại phân chia theo phạm vi sinh hoạt, hoạt động của xã hội như giao dịch, hội thảo khoa học, tán gẫu, ... Có thể qui các cuộc hội thoại theo đề tài thành hai nhóm : các cuộc hội thoại theo đề

tài định trước (phỏng vấn, thuyết giảng, hội thoại, ...) và không theo đề tài định trước, các đề tài kế tiếp nhau thay đổi (chuyện phiếm, tán gẫu, ...) v.v... Nội dung và hình thức của các ngôn bản ở các cuộc thoại khác nhau nhiều hay ít là tùy theo các kiểu hội thoại nói trên.

Trong quá trình hội thoại, các nhân vật hội thoại sử dụng công cụ chính là ngôn ngữ, ngoài ra còn sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặtđể hỗ trợ. Không chỉ thế mà tất cả mọi giác quan của con người đều được vận dụng trong cuộchội thoại, từ thính giác đến thị giác, xúc giác, khứu giác, ... Có thể nói hội thoại là một hoạt động "đa phương tiện", đa kênh.

3.2. Các nguyên lý hội thọai

Con người tiến hành giao tiếp trước hết xuất phát từ nhu cầu : trao đổi thông tin, giải trí, bày tỏ, yêu cầu, ... Người ta dùng ngôn ngữ, những yếu tố kèm lời (cách phát âm kéo dài, ...), những yếu tố phi lời (nháy mắt, lắc đầu , ...) tạo nên cuộc hội thoại. Khi thực hiện hội thoại, các nhân vật phải tôn trọng những nguyên lý nhất định. Đó là nguyên lý cộng tác và nguyên lý lịch sự. Những nguyên lý này không được qui định bằng văn bản, nhưng lại rất quan trọng và cần thiết đôi với những người tham gia giao tiếp. Bởi vì nếu không tuân thủ những nguyên lý này, cuộc hội thoại sẽ thất bại.

3.2.1. Nguyên lý cộng tác (cooperative principle)

Nguyên lý cộng tác do H.P.Grice đề xướng vào năm 1967 và được in trong công trình "Lôgio và sự hội thoại" (1975).

Nguyên lý cộng tác gồm một nguyên lý khái quát bao trùm và 4 phương châm hội thoại (coversation maxims)

-Nguyên lý cộng tác : Hãy làm cho phần đóng góp của mình ở giai đoạn mà cuộc hội thoại được xem xét đúng như mục đích hay phương hướng mà cuộc thoại đòi hỏi và mình đã chấp nhận tham gia. (Grice ) [18 ,130]

-Phương châm về lượng : (the maxim of quanti)

a. Hãy làm cho phần đóng góp của mình có lượng tin đúng như nó đòi hỏi cho mục đích của cuộc hội thoại.

b. Không đóng góp lượng tin của mình nhiều hơn điều mà nó đòi hỏi. -Phương châm về chất: (the maxim of quality)

a. Không nói điều mà mình tin là sai.

b. Không nói điều mà mình không có bằng chứng chính xác -Phương châm về quan hệ : (the maxim of relation)

Đóng góp những điều có liên quan.

-Phương châm về cách thức : (the maxim of manner) a. Nói rõ ràng, tránh tối nghĩa, tránh mơ hồ. b. Nói ngắn gọn, mạch lạc.

Các nguyên lý này giúp cho cuộc hội thoại diễn ra suôn sẻ và đi đến đích giao tiếp.

3.2.2. Nguyên lý lịch sự (principle of politeness)

Nói tới vai giao tiếp, chúng ta không thể không nhắc tới một vấn đề vô cùng quan trọng trong việc giao tiếp, nó thể hiện tính cách, văn hóa của người hội thoại, đó là lịch sự.

Lịch sự (politeness), theo cách hiểu thông thường, là dùng để nói về hành vi xử sự phù hợp với phép tắc chuẩn mực mà xã hội thừa nhận. Trong quan hệ xã hội nói chung, lịch sự là nhân tố không thể thiếu được vừa để duy trì trật tự công cộng, vừa để thúc đẩy quan hệ tương tác xã hội. Trong quan hệ giao tiếp ngôn ngữ, lịch sự là yếu tố rất được coi trọng. Cùng với "nguyên lý cộng tác" (cooperative principle), lịch sự trở thành một trong những nguyên tắc có ảnh hưởng mạnh mẽ có tác dụng chi phối cả quá trình cũng như kết quả giao tiếp : nguyên lý lịch sự (principle of politeness)

Phép lịch sự trong giao tiếp còn được coi là chuẩn mực xã hội. Mỗi nền văn hóa đều có những chuẩn mực mà mọi người phải tuân theo. Truyền thống văn hóa Việt Nam đề cao những chuẩn mực đó trong giao tiếp xã hội, chẳng hạn : Gọi dạ bảo vâng ; Đi thưa về trình ; đối với vua phải dùng từ tâu, đối với thầy phải dùng từ trình ; khi

muốn yêu cầu người khác giúp việc gì thì phải có thêm từ xin, từ mời ( Xin bà con yên tâm ; Mời chị phát biểu), ...

Trong quan niệm của người Việt Nam lịch sự thể hiện ở cung cách xử thế (như cách xưng gọi, chào mời, ... ) , ở giọng điệu khi nói, ở sự tế nhị, khoan dung, sự khiêm tốn, sự cảm thông đối với người khác.

Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Ngoài ra lịch sự trong giao tiếp còn được thể hiện ở sự tôn trọng thể diện (face). "Thể diện là hình ảnh bản thân trước công chúng của một cá nhân, nó liên quan đến ý thức xã hội và tình cảm mà mỗi cá nhân có và mong muốn người khác tri nhận" [24,104].

E. Goffman (1973) là người đầu tiên đề cập đến vấn đề thể diện trong giao tiếp. Sau này, P. Brown và S. Levinson (1978) trình bày những phương tiện cơ bản của thể diện. Đến 1992, Kerbrat Orecchioni đã đề cập sâu hơn về vấn đề thể diện.

Theo E.Goffman, thể diện của một con người liên quan đến sự tồn tại về phương diện xã hội - tâm lý của một cá nhân trong giao tiếp. Về mặt xã hội thì thể diện của mỗi người được thể hiện ở hai mặt : thể diện tích cực (thể diện dương -positive face) và thể diện tiêu cực (thể diện âm - negative face) .Từ góc độ ngôn ngữ mà xét (cụ thể là trong hội thoại các nhân vật đều sử dụng ngôn ngữ để trao đổi) thì sự tôn trọng thể diện được phân chia thành hai loại : hành vi đe dọa thể diện (face-threatening acts) và hành vi tôn vinh thể diện (face-flattering acts).

Trong giao tiếp, phép lịch sự được hiểu là sự tôn trọng thể diện người khác. Tùy vào mối quan hệ, khoảng cách xã hội, nhu cầu và tính chất giao tiếp mà phép lịch sự được biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn : giữa những người giao tiếp nếu có quan hệ thân hữu thì ngôn ngữ sử dụng có tính thân tình, mật thiết, có khi là bỗ bã , xuề xoa. Còn nếu giữa họ có khoảng cách về mặt xã hội thì ngôn ngữ sử dụng có phần khách sáo, kiểu cách.

Khái niệm "thể diện" liên quan mật thiết với khái niệm "vị thế xã hội" nhất là ở những nơi có sự phân biệt đẳng cấp và tôn ti xã hội. Vị thế xã hội càng cao thì thể diện càng lớn và vì vậy mà người có vị thế xã hội càng phải được tôn trọng hơn. Việc tôn trọng thể diện được bảo đảm không chỉ bằng luật pháp mà nhiều khi bằng cả sự phán xét ngầm ẩn trong tâm thức và được thể hiện qua nếp nghĩ, phong tục, tập quán .... Chẳng hạn, cùng câu nói "Này, cho tôi mượn quyển sách" nếu người nói là một người lớn hơn hoặc bằng tuổi người nghe thì không có gì bàn cãi, nhưng nếu người nói ít tuổi hơn người nghe thì bị đánh giá là vô lễ, bởi vì trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm : đối với người trên phải nói năng lễ phép.

Như vậy trong giao tiếp sẽ có những kiểu lịch sự khác nhau liên quan và được đánh dâu về mặt ngôn ngữ với những tiền ước về vị thế xã hội, mức độ gắn bó thân sơ và sự tôn trọng thể diện của nhau. Các phát ngôn đưa ra phụ thuộc rất nhiều vào những nhân tố này. Từ đó tạo nên sự thành công hay thất bại trong giao tiếp.

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ trong nghi thức chào, mời, chúc mừng của người việt (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)