đất nước
- Giáo dục Việt Nam qua các thời kì
Đề án cải cách giáo dục được Hội đồng Bộ trưởng thông qua năm 1950 được coi là cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất. Với mục tiêu đào tạo là giáo dục thế hệ trẻ thành những người công dân trung thành với Tổ quốc, với chế độ dân chủ nhân dân, có năng lực và phẩm chất phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Và nhiệm vụ của giáo dục nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu lao động, trọng của công, tinh thần tập thể, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học. Nội dung giáo dục thời gian này chưa mang tính toàn diện, mà chỉ tập trung vào những nội dung thiết yếu, cơ bản do bối cảnh xã hội lúc bấy giờ vừa xây dựng đất nước, vừa kháng chiến.
Năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn mới, vì vậy tháng 5/1956, chính phủ thông qua đề án cải cách giáo dục lần thứ 2. Mục tiêu của cải cách giáo dục lần này là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt, trung thành với Tổ quốc, những người lao động tốt,
cán bộ tốt của nước nhà, có đức, có tài để phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và dân chủ. Phương châm giáo dục là liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với đời sống xã hội. Nội dung giáo dục có tính toàn diện gồm bốn mặt: đức dục, trí dục, thể dục, mĩ dục.
Tháng 12/1976, Đại hội Đảng lần thứ IV đã vạch ra con đường cả nước tiến lên CNXH. Xuất phát từ những yêu cầu mới đối với con người và giáo dục, ngày 11/1/1979 Bộ chính trị đã ra nghị quyết số 14 NQ/TW cải cách giáo dục lần thứ ba với những nội dung và mục tiêu cơ bản là coi giáo dục là một bộ phận của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, một nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, kĩ thuật....Và thực hiện tốt hơn nữa việc học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Cuộc cải cách giáo dục diễn ra chủ yếu từ năm 1981 và cơ bản xây dựng được một nền giáo dục quốc dân hoàn chỉnh.
Sau Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 với chủ trương đổi mới đường lối chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, giáo dục thực hiện việc điều chỉnh cải cách giáo dục và thực hiện những yêu cầu mới nhằm đáp ứng công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đánh giá thực trạng giáo dục sau Đại hội VI, Đại hội VII vào tháng 6/1991 đã đề ra mục tiêu GD&ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu CNXH. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng làm việc trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
Nghị quyết TW 4 khóa VII của Đảng Cộng Sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và ĐT đã nêu quan điểm chỉ đạo: giáo dục là quốc
sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư cho sự phát triển. Nghị quyết còn xác định rõ: “ Xác định lại mục tiêu, thiết kế lại chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục cụ thể cho từng cấp học, bậc học, ngành học”. Và trên cơ sở đó ngành giáo dục tiến hành đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đến nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 BCHTW Đảng khóa VIII (1997) đã đánh giá sự bất cập của giáo dục so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, phân tích những nguyên nhân yếu kém và đề ra định hướng chiến lược phát triển GD&ĐT trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Giáo dụcViệt Nam bước vào thế kỉ XXI
Bước vào thế kỷ XXI, giáo dục Việt Nam đã trải qua 15 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được về việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường vẫn còn những yếu kém, bất cập về chất lượng, mất cân đối về cơ cấu, hiệu quả giáo dục chưa cao, giáo dục chưa gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, đào tạo chưa gắn với sử dụng, cơ sở vật chất còn thiếu, chương trình phương pháp giáo dục và công tác quản lý còn chậm đổi mới.
Trong khi trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang tiếp tục phát triển với những bước nhảy vọt, đưa thế giới chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển tri thức, đồng thời tác động lên tất cả các lĩnh vực làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, vừa là quá trình hợp tác để phát triển vừa là quá trình đấu tranh của các nước đang phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia. Và đổi mới giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhà trường từ chỗ khép kín chuyển sang mở cửa rộng rãi, đối thoại với xã hội và gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu khoa học – công nghệ và ứng dụng, nhà giáo thay vì chỉ truyền đạt tri thức,
chuyển sang cung cấp cho người học phương pháp thu nhận tin một cách có hệ thống, có tư duy phân tích và tổng hợp. Các quốc gia đều nhận thức được vai trò, vị trí hàng đầu của giáo dục, phải đổi mới giáo dục để có thể đáp ứng một cách năng động hơn, hiệu quả hơn những nhu cầu của sự phát triển đất nước.
Trước tình hình đó, Đại hội IX của Đảng đã tiếp tục khẳng định trên cơ sở nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu chiến lược là trong thời gian từ nay đến năm 2010, nước ta sẽ không còn nằm trong danh sách những quốc gia kém phát triển, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được nâng cao với những số liệu minh chứng rõ rệt. Đây là nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với những quan điểm chỉ đạo cụ thể:
GD là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển ĐNGV và CBQL là khâu then chốt.
Xây dựng nền giáo dục có tính nhân văn, dân tộc, khoa học, hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học – công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo sự hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền.
Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học thường xuyên, học suốt đời.
Tóm lại:giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng có vai trò quan trọng góp phần phát triển đất nước, tùy theo những đòi hỏi
khác nhau của từng thời kì mà giáo dục cần phải tiến hành cải cách cho phù hợp với tình hình thực tế. Mặc dù trong quá trình thực hiện đâu đó vẫn còn những hạn chế, bất cập. Song, bắt đầu từ sau đổi mới, giáo dục được đặt lên một vị trí mới cực kì quan trọng, đặc biệt với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu đã mở đường cho sự ra đời hàng loạt những văn kiện, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đồng thời cũng tác động rất lớn đến toàn xã hội, đến thực tiễn giáo dục ở nước ta. Ngoài ra, cùng với sự thay đổi có tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mục tiêu giáo dục mà Đảng và Nhà nước đề ra cũng có những bổ sung quan trọng theo hướng ngày càng phát huy hơn nữa nội lực người học, tư duy sáng tạo, năng lực thực hành, tác phong công nghiệp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở đề cao truyền thống nhân – trí – dũng của dân tộc. [ 4], [36]