Điểm nhìn bên trong – điểm nhìn chủ đạo

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 79 - 88)

Điểm nhìn bên trong thể hiện quá trình tư duy và cảm xúc. Khác với điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong chỉ xuất hiện khi người trần thuật nhập vào cuộc sống nội tâm, phân tích, mổ xẻ cảm xúc hoặc để nhân vật tự bộc lộ. Như vậy, điểm nhìn bên trong là cái cảm thấy, biểu hiện bằng tự quan sát, tự thú nhận hoặc người trần thuật dựa vào giác quan tâm hồn nhân vật để biểu hiện và cảm nhận thế giới.

Ngay từ những trang văn đầu tiên của quyển tiểu thuyết, với kiểu người kể chuyện ngôi thứ ba tựa vào nhân vật để kể và điểm nhìn được đặt vào bên trong nhân vật Santiago, chúng ta thấy sự xuất hiện của một câu hỏi lớn, một niềm băn khoăn cứ trở đi trở lại trong nội tâm nhân vật và trong tác phẩm khi Santiago tự hỏi: “Hắn cũng như Pêru, Zavalita, hắn đã làm khốn khổ khốn nạn đời mình vào lúc nào chẳng rõ. Hắn nghĩ: hồi nào?...Cả nước Pêru khốn nạn, Carlitos cũng khốn nạn, mọi người đều khốn khổ khốn nạn. Hắn nghĩ: vô phương cứu chữa” [17, tr.13]. Qua những dòng suy tư đó của nhân vật chúng ta thấy rằng Santiago đang rơi vào trạng thái chán nản với cuộc sống hiện tại, không chỉ là cuộc sống riêng của bản thân anh mà còn là tình hình chung cả đất nước Pêru.

“Vô phương cứu chữa”, Santiago đau xót không chỉ bởi vì cái thực trạng thảm hại ấy mà còn là vì chưa tìm ra được giải pháp để chấm dứt tình trạng “khốn khổ khốn nạn” ấy. Những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật Santiago ngay trong chương đầu tiên của Phần Một có thể xem là một lời đón trước cho những nội dung sẽ được triển khai tiếp theo sau đó và có thể nói là cho toàn bộ tác phẩm. Trong những phần tiếp theo của Trò chuyện trong quán La Catedral, không chỉ có Santiago mà còn có rất nhiều nhân vật khác, với điểm nhìn bên trong từ ngôi thứ nhất tự thuật hoặc từ ngôi thứ ba tựa vào nhân vật, đã kể về quá trình cuộc đời mình dần trở nên bi đát như thế nào. Trên bước đường lần tìm về quá khứ

ấy, cuộc sống mà họ đã trải qua không phải chỉ toàn nỗi buồn, sự đau khổ và bất hạnh mà tất nhiên còn có cả những niềm hạnh phúc, hân hoan với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Trước hết, từ điểm nhìn bên trong của hai ngôi kể – ngôi thứ nhất tự thuật và ngôi thứ ba tựa vào nhân vật – tâm lí của nhân vật Santiago được khai thác một cách triệt để với tất cả sự phức tạp của nó, các cung bậc cảm xúc trong tâm trạng của nhân vật này thay đổi liên tục. Đầu tiên, đó là sự trào dâng của những nỗi niềm xúc động và ngạc nhiên khi Santiago tình cờ gặp lại người tài xế cũ của cha mình sau bao nhiêu năm xa cách. Cuộc gặp gỡ này khiến cho Santiago xúc động không phải chỉ vì gặp lại “cố nhân”, mà quan trọng hơn chính là việc anh muốn tìm ra lời đáp cho câu hỏi mà anh đã đau đáu muốn tìm hiểu suốt một khoảng thời gian dài, đó là: liệu rằng cha anh có liên quan đến vụ án giết người năm xưa hay không và có phải chính Ambrosio là kẻ thủ ác đã ra tay sát hại Nàng Thơ theo yêu cầu của cha mình và mối quan hệ đồng tính giữa cha anh và gã tài xế da đen Ambrosio phải chăng chỉ là những lời bịa đặt? Ambrosio không thể nói cho Santiago nghe tất cả sự thật mà anh muốn biết, chỉ có độc giả mới thật sự biết được câu trả lời sau khi đọc đến những trang văn cuối cùng của quyển tiểu thuyết.

Từ cuộc gặp gỡ tình cờ đó, cuộc trò chuyện giữa Santiago và Ambrosio mở ra dần với những bước lùi vào quá khứ, họ lần lượt kể cho nhau nghe về những chặng đường mà mình đã đi qua. Từ điểm nhìn được đặt vào bên trong nhân vật, độc giả được chứng kiến, đồng hành cùng nhân vật, cùng họ trải qua những trạng thái xúc cảm khác nhau trên những bước đường đời mà họ đã đi qua.

Đó là những niềm ân hận và thương cảm của cậu thanh niên Santiago khi đang học bậc cuối trung học đối với cô hầu gái Amalia. Vì những trò đùa tai hại của Santiago và Popeye mà cô bị đuổi việc. Hay đó là “con sâu nhỏ” của sự hờn ghen và ích kỉ cứ thi thoảng lại “cồn cào một chút trong dạ dày” vì tình yêu đơn phương dành cho cô bạn cùng khóa Aída ở trường Đại học San Marcos không

được đền đáp hoặc tâm trạng hăm hở và nhiệt tình hoạt động chính trị nhưng lại xen lẫn một sự hoài nghi và mất niềm tin vào những gì mà mình đang làm, vào cái lý tưởng mà mình đang đeo đuổi. Có thể nói Santiago là hình mẫu điển hình cho kiểu người trí thức tiểu tư sản: lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ dao động và mất niềm tin.

Tiếp đó, sau khi rời khỏi nhà và đến làm cho tòa soạn báo La Croníca, Santiago từ chỗ hăng hái và lạc quan trong những buổi đầu làm việc đã dần trở nên chán nản và ngán ngẩm công việc tẻ nhạt hàng ngày của mình. Trong suốt khoảng thời gian tẻ nhạt đó, chỉ duy nhất có hai sự việc làm cho Santiago ghi nhớ và khiến cho anh trải qua rất nhiều xúc cảm khác nhau đó là vụ án Nàng Thơ bị giết và chuyện tình yêu của anh với Ana.

Khi phát hiện ra sự thật về người cha mà mình hằng kính yêu, rằng Bê Vàng – Don Femin– có liên quan đến vụ án mạng nổi tiếng đó, Santiago cảm thấy vô cùng đau khổ đến phát khóc và thậm chí nghĩ cái chết: tự sát và giết cha, sau đó nỗi đau đớn ấy càng tăng thêm khi anh lại khám phá ra thêm một sự thật rằng chỉ mình anh là không biết về việc cha mình là một kẻ đồng tính. Thế nhưng, anh lại cố bám víu vào một tia hi vọng khi anh mong đó chỉ là một sự bịa đặt mặc dù trong thâm tâm anh đã biết đó chính là sự thật:

“Ừ, may mắn là tình cờ gặp anh, may mắn là đến Plaza San Martín mà không về nhà trọ ở Barranco, may mắn là không về nhà áp miệng xuống gối khóc trong sự cô đơn của căn phòng nhỏ, cảm thấy đã tận thế và nghĩ tới chuyện tự sát hay giết ông già đáng thương của mày, Zavalita…”

[17, tr.383].

“Không phải mày biết lúc nào, Zavalita, mà là biết chính ở đó. Hắn nghĩ: lúc mình biết ra rằng mọi người ở Lima đều biết ông là người đồng tính, trừ mình. Mọi người trong tòa báo, trừ mày, Zavalita…Mày nói và xé chiếc khăn tay của mày, Zavalita, lau miệng, lau mắt. Hắn nghĩ: tận thế sẽ không đến, mày sẽ không hóa điên, mày sẽ không tự sát… Không thể thế

được và mày hút thuốc, Zavalita, chuyện đó chắc là bịa đặt, mày uống một ngụm rồi bị xúc động, và mày mất giọng rồi mày cứ lặp đi lặp lại không thể thế được” [17, tr.385].

Khác với điểm nhìn bên ngoài, sau khi hẹn gặp cha mình để dò hỏi ông về việc có phải Ambrosio là kẻ sát nhân trong vụ án hay không và nghe ông phủ nhận hoàn toàn, Santiago không hỏi ông thêm một câu nào nữa về việc đó, ta những tưởng Santiago đã hoàn toàn yên tâm và tin vào những lời nói của cha mình, rằng ông không hề liên quan gì đến cái chết của Hortensia, vậy mà khi đi vào điểm nhìn bên trong, chúng ta mới biết được rằng anh hoàn toàn không tin vào những lời nói ấy:“Chuyện ấy không phải là bịa đặt, pa pa” [17, tr.396], và anh bắt đầu cảm thấy ghê tởm cha mình:

“Một kẻ diễn tuồng, Zavalita, một tay nham hiểm, một tên cay độc?...Một đứa có thể biến thành nhiều kẻ khác nhau tới nỗi không thể biết kẻ nào thật sự là hắn?...Tử tế với con cái ở nhà, phi đạo đức trong kinh doanh, cơ hội trong chính trường, chẳng hơn chẳng kém mọi người khác?...Bất lực với vợ, dâm đãng vô độ với nhân tình, tuột quần trước mặt tài xế của mình?...Tự bôi mỡ, hắn nghĩ, hổn hển và nhỏ dãi như người đàn bà đau đẻ bên dưới ông?” [17, tr.398].

Sau khi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, Santiago tự ản ủi bản thân mình khi nghĩ về mặt tích cực duy nhất trong những ảnh hưởng từ cái chết của Nàng Thơ đối với bản thân anh và cuộc sống của anh: dù sao cú sốc về mặt tinh thần này cũng đã khiến cho anh cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt hiện tại của mình có một chút thay đổi:

Nhiều năm lúng túng, Zavalita, tầm thường ban ngày và đơn điệu ban đêm, bia, nhà thổ. Các câu chuyện, các bài báo: đủ giấy để chùi đít suốt cuộc đời còn lại của mày, hắn nghĩ. Những cuộc đối thoại ở Negro – Negro, những buổi Chúa nhật với tôm hầm, các khoản nợ trong căn tin ở La Crónica, một mớ sách để nhớ. Những buổi ăn nhậu lu bù mà không cảm

thấy tội lỗi, viết báo mà không thấy tội lỗi. Các khoản nợ vào cuối tháng, một cuộc thanh tẩy, sự chìm đắm chậm chạp, không ngừng vào rác rưởi vô hình. Bà ấy là điều khác biệt duy nhất, hắn nghĩ. Bà ấy làm mày đau khổ, Zavalita, mất ngủ, khóc lóc. Hắn nghĩ: con sâu của bà đã hơi lay động tôi một chút, Nàng Thơ, nó làm tôi sống một chút” [17, tr.398].

Song hành cùng nhân vật chính Santiago trên những chặng đường đời mà anh đã trải qua, chúng ta đã được cùng vui, cùng buồn, cùng đau khổ với nhân vật. Sỡ dĩ làm được điều đó là do tác giả đã đặt điểm nhìn vào bên trong nhân vật với sự phối hợp tài tình và khéo léo cả hai ngôi kể: ngôi thứ nhất tự thuật và ngôi kể thứ ba tựa vào nhân vật để kể.

Bên cạnh những trang văn đầy xúc cảm viết về quá khứ của Santiago từ điểm nhìn bên trong của nhân vật, những tuyến truyện về Amalia cũng đã giúp cho độc giả có dịp khám phá trái tim đa cảm của chị cũng từ điểm nhìn bên trong của ngôi kể thứ ba tựa vào nhân vật để kể.

Qua những tuyến truyện về Amalia, chúng ta được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật nữ này, mà trước hết là trong tình yêu với Trinidad. Nếu như trong mối tình vụng trộm với Ambrosio khi hai người cùng làm thuê ở nhà Don Femin, Amalia lúc nào cũng sống trong tâm trạng hồi hộp và lo âu vì sợ bị người khác phát hiện thì trong cuộc tình với Trinidad, chị được sống trọn vẹn trong những tháng ngày hạnh phúc yêu đương thật sự với nhiều cảm xúc: đó là tâm trạng hồi hộp, bỡ ngỡ của những ngày mới quen biết cho đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của đôi vợ chồng nghèo:

“Về sau Amalia nghĩ những ngày tháng ấy là đẹp nhất đời mình. Chị sẽ nhớ mãi những phim họ xem, những buổi họ đi dạo xuống phố và dọc bờ biển, những lần họ ăn da lợn rán trên bờ sông Rímac, và ngày hội hương thảo Amancaes họ cùng đi với Senõra Rosario. . .” [17, tr.97].

Nối tiếp sau những tháng ngày hạnh phúc đẹp đẽ ấy là những chuỗi ngày lo âu của Amalia vì Trinidad vướng vào những vụ rắc rối do có liên quan đến

chính trị. Trinidad vướng vào cảnh tù tội, bị bắt bớ, bị tra tấn cho đến chết và bị vứt xác ra đường. Nỗi đau lại chồng chất thêm nỗi đau khi đứa con trai của chị và Trinidad chết lúc mới sinh ra. Mặc dù trong cuộc hôn nhân với Trinidad, những niềm hạnh phúc quá nhỏ nhoi so với những nỗi khổ đau mà chị phải chịu đựng, thế nhưng trong suốt quãng đời về sau của mình, hình ảnh Trinidad và tình yêu của anh dành cho chị vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí chị. Khi đang làm người giúp việc ở nhà Hortensia, tình cờ trông thấy Don Femin, “chị nhớ lại ngay lập tức những gì đã xảy ra từ khi chị thấy ông lần cuối, Trinidad, ngõ hẻm ở Mirones, Bệnh viện phụ sản, và chị cảm thấy nước mắt tuôn ra” [17, tr.263]. Hay khi trông thấy Hortensia khóc vì gã nhân tình Lucas, hình ảnh Trinidad lại hiện ra “lúc gã đau ốm, lúc họ bắt gã, lúc gã chết” [17,tr.443]. Và, nhất là trong cuộc tình với Ambrosio, chị rất hay nhớ về Trinidad.

Nếu như trong cuộc tình với Trinidad, chị đã được sống trong những tháng ngày hạnh phúc yêu đương trọn vẹn khi mới quen thì trong cuộc tình với Ambrosio chị lúc nào cũng sống trong một sự mâu thuẫn: có những lúc chị nghĩ mình yêu gã nhưng có lúc chị lại băn khoăn do dự về tình cảm của mình, liệu hắn có thật sự yêu chị không và liệu chị có thật sự muốn cùng hắn xây nên một mái ấm gia đình hay không? Trong đầu óc chị cứ vẩn vơ nhiều suy nghĩ, chị nhớ về khoảng thời gian trước đó, khi hai người quan hệ lén lút với nhau trong căn phòng nhỏ cạnh gara của Ambrosio và chị vô cùng tức giận và đau khổ khi nhớ đến việc Ambrosio đã đối xử tệ với chị vì cố giấu nhẹm mối quan hệ của hai người, nhất là với Don Femin. Chị nghĩ nhiều về gã và chị lo lắng, nghĩ vu vơ khi mấy ngày gã không đến gặp chị. Thế nhưng, khi đã lấy lại được niềm tin nơi gã, con tim chị đã vui trở lại, chị lại hân hoan sống trong những giây phút yêu đương cùng Ambrosio. Giây phút chị ôm đứa con vừa mới sinh gặp lại Ambrosio sau khi Hortensia đã bị giết khiến cho độc giả phải rơi nước mắt:

“Khi chị đang rẽ ở góc phố một dáng người rời cột đèn rồi bước tới trước chị, Amalia rú lên…chị ngã vào người gã, không nói nên lời. Cứ thế, chị nuốt nước

mắt và đờm dãi, mặt chị trên ngực gã…chị nức nở…chị khóc…chị cảm thấy cô đơn quá, sợ hãi quá…chị nghĩ gã đã bỏ chị…” [17, tr.462].

Ấy vậy mà khi cùng nhau bỏ trốn đến Pucallpa, chị “không cảm thấy vui khi bỏ đi, sống với gã; chị cảm thấy lạ” [17, tr.463]. Nhưng đó chỉ là những cảm giác ban đầu, khi đến cái thị trấn nhỏ nghèo nàn ấy, dù cuộc sống khó khăn và nghèo khổ thế nhưng Ambrosio đối xử với mẹ con chị rất tốt và chị cảm thấy rằng mình hạnh phúc, chị đã không còn mơ thấy những cơn ác mộng về cái chết của Hortensia nữa. Một niềm vui nữa đến với gia đình nhỏ bé của chị khi chị biết mình có thai đứa con thứ hai với Ambrosio, thế nhưng cũng chính cái niềm vui ấy đã đoạt đi mạng sống của chị khi cả chị và đứa bé trong bụng đều chết khi chị mang thai tháng thứ tám.

Từ điểm nhìn bên trong, chúng ta thấy rằng cả Santiago và Amalia đều là những con người có trái tim đa cảm. Thế giới nội tâm của họ vô cùng phong phú, được thể hiện qua những dòng độc thoại nội tâm: “hắn nghĩ…” hay “chị nghĩ, “Amalia nghĩ”.

Ngoài Santiago và Amalia, chúng ta có thể dẫn ra đây thêm một trường hợp nữa, đó chính là nhân vật Ambrosio với thế giới nội tâm đầy xáo trộn của mình trong cuộc trò chuyện giữa gã và Queta. Có thể nói, dù chiếm dung lượng không lớn, nhưng cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật này khá đặc biệt. Từ điểm nhìn bên trong, Queta đã quan sát, miêu tả và bộc lộ những suy nghĩ, nhận xét về Ambrosio qua hàng loạt cụm từ “Queta nghĩ”, còn Ambrosio thì tự bộc bạch những suy nghĩ thầm kín, những cảm xúc lẫn lộn và phức tạp của mình về Don Femin và mối quan hệ đồng tính bí mật giữa hai người cho Queta nghe qua ngôi thứ nhất tự thuật: Ambrosio vừa hoảng hốt, lo sợ, vừa khó chịu và tức giận nhưng vì một sự tôn sùng mù quáng của một kẻ bề tôi nghèo hèn với người bề trên của mình, cái mà Ambrosio gọi là “kính trọng”, và cũng có thể là vì một sự thương hại mà Ambrosio không dám thoát ra khỏi mối quan hệ đó.

Dễ thấy điểm nhìn tập trung bên trong được tổ chức xoay quanh điểm nhìn của một nhân vật là chủ yếu. Vì vậy, mức độ bao quát hiện thực của tác phẩm

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 79 - 88)