Nhìn vẻ bề ngoài chúng ta dễ dàng lầm tưởng rằng tất cả các tuyến truyện trong Trò chuyện trong quán La Catedral đều được kể từ ngôi thứ nhất xưng tôi vì nội dung chính của quyển tiểu thuyết này là một cuộc trò chuyện trong đó hai nhân vật chính luân phiên kể cho nhau nghe về những sự việc đã xảy ra trong
quá khứ, thế nhưng chỉ có cuộc trò chuyện khung giữa hai nhân vật chính là Santiago và Ambrosio và một số tuyến truyện con như đã nêu trên là được kể từ ngôi thứ nhất, còn lại đa số các tuyến truyện con khác và nhất là tuyến truyện riêng về nhân vật Don Cayo đều được kể từ ngôi thứ ba. Kiểu người trần thuật từ ngôi thứ nhất thường mang đậm dấu ấn chủ quan do đó, để gia tăng tính khách quan cho câu chuyện được kể, Vargas Llosa đã linh hoạt phối hợp thêm kiểu người trần thuật ngôi thứ ba.
Trong Trò chuyện trong quán La Catedral, hình thức người kể chuyện ngôi thứ ba được chia làm hai loại: người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn và người kể chuyện ngôi thứ ba mượn giọng nhân vật để kể. Với kiểu người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn, câu chuyện thường được kể lại bởi một người không phải là nhân vật trong truyện. Lúc này, người kể chuyện nằm ngoài những biến cố, sự kiện, quan sát và kể lại câu chuyện, câu chuyện được nó kể lại có thể theo điểm nhìn tác giả – cái tôi thứ hai. Còn với kiểu người kể chuyện ngôi thứ ba mượn giọng nhân vật để kể, câu chuyện được kể lại theo điểm nhìn nhân vật.
Đa số các tuyến truyện về Don Cayo, Llosa đều sử dụng phương thức trần thuật khách quan với người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn. Chúng ta dùng từ “đa số” là vì ngoại trừ duy nhất tuyến truyện về vụ cưới vợ động trời của Don Cayo khi gã còn là một thanh niên ở chương 3 của Phần Một là được kể từ ngôi thứ ba mượn giọng Ambrosio để kể, còn tất cả các tuyến truyện còn lại về nhân vật này đều được kể từ ngôi thứ ba tiềm ẩn. Đặc biệt, ở chương 3 này, khi kể về lai lịch của Don Cayo, người kể chuyện ngôi thứ ba tựa vào nhân vật để kể và ngôi thứ ba tiềm ẩn đều xuất hiện. Vụ cưới vợ động trời của Don Cayo được kể từ ngôi thứ ba mượn giọng Ambrosio để kể thế nhưng việc đại tá Espina cử người đến Chincha để mời Don Cayo lên Chincha lại được kể từ ngôi thứ ba tiềm ẩn, do tác giả kể. Như vậy, với việc kết hợp hai ngôi kể và hai điểm nhìn khác nhau (một là do người trong cuộc chứng kiến và kể lại và một là do tác giả
kể từ ngôi thứ ba lùi ra xa để quan sát và kể lại về nhân vật Don Cayo) nhân vật này được soi chiếu từ hai góc độ, với nhiều giai đoạn cuộc đời và mối quan hệ của nó với nhiều nhân vật khác được hé mở, từ đó bức chân dung nhân vật hiện lên dần dần đầy đủ hơn.
Từ chương 3 của Phần Một trở về sau, các tuyến truyện về Don Cayo hoàn toàn được kể từ ngôi thứ ba tiềm ẩn.
Đây là hình thức trần thuật phổ biến trong văn học truyền thống. Người kể chuyện tiềm ẩn – toàn tri là người thống lĩnh mọi vấn đề của câu chuyện được kể, điều phối tất cả hành vi và sự kiện. Thông thường ở dạng thức này, người kể chuyện lớn hơn nhân vật (narrateur > personne), tiêu cự trần thuật bằng không (focalisation zero), điểm nhìn bên ngoài.
Trong các tuyến truyện về Don Cayo, với đầu óc sắc lạnh và tỉnh táo, Llosa như một phóng viên đã vô cùng nhạy bén khi quay lại những thước phim tư liệu rất “đắt”, có ý nghĩa lịch sử về tình hình chính trị đất nước Pêru những năm 1950 dưới chế độ cai trị của tướng Odría: một chế độ cai trị độc tài với nạn tham nhũng hoành hành, chế độ cai trị ấy được củng cố bằng bạo lực với những cuộc đàn áp đẫm máu và các trò gian lận trong bầu cử…Và trong những thước phim ấy nổi bật lên bức chân dung của Cayo Bermudez. Llosa đã tái hiện lại cả một giai đoạn cuộc đời hết sức quan trọng của Don Cayo từ khi gã nhận chức Giám đốc An ninh và ngày càng gia tăng quyền lực của mình trong bộ máy cai trị của Tướng Odría và thậm chí còn làm lu mờ cả Tổng thống. Trong suốt những trang văn tái hiện lại cuộc đời và những hoạt động chính trị của Don Cayo, tác giả không hề lộ diện mà giấu mình sau những lời kể trung tính, không xuất hiện mà chỉ ẩn ngầm, không đóng vai trò Chúa trời mà chỉ như là một khán giả.
Người kể chuyện tiềm ẩn – tác giả Mario Vargas Llosa – đứng bên ngoài quan sát và kể lại những câu chuyện bằng cách dựng lại hàng loạt cuộc đối thoại giữa Don Cayo và các nhân vật khác có liên quan nên khả năng bao quát mọi
biến cố, mọi thời khắc trong tuyến truyện này là rất lớn. Người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn biết mọi thứ cần biết về nhân vật, sự kiện, hoàn toàn tự do di chuyển theo ý muốn trong thời gian và không gian, chuyển dời từ nhân vật này sang nhân vật khác, kể lại hoặc giấu giếm những gì anh ta chọn về ngôn ngữ hay hành động của các nhân vật mà chủ yếu là nhân vật Don Cayo. Mặc dù đứng ngoài và kể lại câu chuyện về Don Cayo thế nhưng, người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn này thường xuyên xâm nhập vào ý nghĩ, tình cảm của nhân vật. Chẳng hạn như việc tác giả đã khéo léo miêu tả sự đối lập giữa những lời nói bên ngoài vô cùng lịch sựvới những suy nghĩ bên trong xấu xa của Don Cayo từ đó làm bật lên bản chất thật của nhân vật này hay việc đào sâu vào không gian bên trong của hắnvới những giấc mơ đầy dục tính, nhầy nhụa những quan hệ đồng tính của các nhân vật nữ: Herrida – Hortensia – Queta – Maclovia hay giấc mơ về bà Herrida, về cô hoa hậu Cristina, con gái của Landa.
Người trần thuật đứng ở ngôi thứ ba dạng tiềm ẩn này đã đứng ngoài câu chuyện, chỉ làm một hành động là thuật lại câu chuyện bằng lời lẽ của mình theo đúng những gì nó đã diễn ra. Với cách trần thuật này, giữa tác giả và nhân vật luôn có một khoảng cách. Người kể chuyện luôn tách mình ra khỏi những diễn biến của câu chuyện và tạo một khoảng cách nhất định với câu chuyện được kể. Trong kiểu kể chuyện này, người kể không bày tỏ thái độ nhưng luôn hướng sự quan tâm của người đọc đến những nhân vật và những sự kiện được kể cùng tính chất của chúng từ đó làm gia tăng tính khách quan cho câu chuyện được kể.
Từ điểm nhìn của một người quan sát không thuộc vào các nhân vật trong câu chuyện được kể, người trần thuật ngôi thứ ba tiềm ẩn có thể nắm bắt những khoảnh khắc mà chính nhân vật không nắm bắt được. Với một tầm nhìn bao quát, người trần thuật tập trung làm nổi bật những sự kiện chính trị hay đặc tả những chi tiết quan trọng. Trong việc tái hiện lại diễn biến của câu chuyện, sự nhạy bén của người trần thuật thể hiện ở chỗ đã lựa chọn được những sự kiện và
những mối quan hệ rất điển hình từ đó làm bật lên tính cách nhân vật. Chẳng hạn như việc Don Cayo giở những trò mưu mẹo của mình ra với Tallio – nhân viên của hãng thông tấn Ansa – để dồn ép anh này phải tăng tiền gia hạn hợp đồng từ đó Cayo kiếm được một món hời dễ như trở lòng bàn tay ở chương 3, Phần Hai của tiểu thuyết từ đó làm lộ rõ sự mưu mô quỷ quyệt của nhân vật này hay việc tái hiện lại cuộc trò chuyện giữa Tiến sĩ Arbeláez và Don Cayo ở chương 6 của Phần Hai từ đó giúp cho chúng ta nhận biết được rằng quyền lực thật sự nằm trong tay của Don Cayo chứ không phải là Tổng thống khi hắn giữ độc quyền một nửa kinh phí và được tùy ý sử dụng số tiền đó…Trong rất nhiều sự kiện có liên quan đến nhân vật Don Cayo được tái hiện lại một cách tỉ mỉ, chúng ta không thể không kể đến chiến công lừng lẫy của Don Cayo khi đập tan âm mưu tạo phản của bốn vị lãnh tụ phe đối lập: Espia, Don Femin, Chamorro và Landa ở chương 2 Phần Ba. Bằng cái đầu đầy mưu mẹo của mình, Don Cayo dùng mọi cách để các lãnh tụ của mưu đồ tạo phản này phải đầu hàng và viết giấy tái xác nhận lòng trung thành với chính phủ:“Trước tiên làm nhục, rồi hăm dọa” [17, tr.419]. Tiến sĩ Arbelaes đã nói về công trạng của Don Cayo như sau:“Không ồn ào, không đổ một giọt máu, và chẳng ai giúp hay cố vấn” [17, tr.412].
Llosa đã lựa chọn được những điểm nhấn rất lý tưởng từ đó chuyển tải câu chuyện một cách hiệu quả nhất. Tầm nhìn khái quát từ người trần thuật khách quan ngôi thứ ba tiềm ẩn đã mang đến cho Llosa những lợi thế to lớn đó.
Bên cạnh đó, cái hay, cái tài tình của Mario Vargas Llosa còn ở chỗ trong những tuyến truyện về Don Cayo, mặc dù người trần thuật ngôi thứ ba không hề kèm theo những lời đánh giá, bình phẩm, nhận xét về nhân vật và những sự kiện, sự việc được kể nhưng thông qua việc khéo léo lựa chọn những sự kiện tiêu biểu, điển hình và rất đắt giá có liên quan đến nhân vật này và kể lại một cách tỉ mỉ, tác giả đã tạo cơ hội cho độc giả của mình có những thái độ và nhận xét, cảm giác và xúc cảm của riêng mình. Do đó chúng ta có thể thấy rằng,
không cần đến những lời thuyết minh, người kể vẫn hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ khi bày ra trước mắt độc giả một cách chi tiết những gì đã diễn ra và chính vì không có những lời chỉ dẫn hay định hướng nào về sự cảm nhận nên người đọc bắt buộc phải tự mình bước vào câu chuyện, hòa nhập vào những diễn biến, quan sát kĩ càng từ đó rút ra những nhận xét riêng của bản thân mình. Người kể chuyện dù không lộ diện, vẫn lôi kéo sự nhập cuộc trọn vẹn của độc giả. Chính thái độ khách quan của người trần thuật đã tạo khoảng không để người đọc tự do giải nghĩa và xúc cảm với câu chuyện. Người đọc chủ động trong quá trình tiếp nhận tác phẩm từ đó mà cảm giác khám phá cũng trở nên thú vị hơn.
Với những ưu thế vượt trội dựa vào khả năng bao quát, chiếm lĩnh, phản ánh hiện thực, ngôi kể này chính là một sự lựa chọn tuyệt vời và nó đã tỏ ra vô cùng đắc lực trong Trò chuyện trong quán La Catedral khi đã giúp cho Llosa có thể chuyển tải hết những vấn đề bộn bề của hiện thực xã hội và chính trị của đất nước Pêru trong cả một giai đoạn lịch sử với một bối cảnh rộng lớn, kết cấu phức tạp và nhiều tuyến nhân vật đan xen.
Với kiểu người kể chuyện từ ngôi thứ ba tiềm ẩn, tác giả ít để lộ mình hơn nhưng lại là hình thức trần thuật gần gũi với tác giả nhất. Qua việc lựa chọn tình tiết, tái hiện sự kiện, miêu tả ngoại hình và tính cách nhân vật, giọng điệu và góc nhìn của người trần thuật…phong cách của tác giả vẫn thể hiện rất rõ nét. Người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn này chính là hình bóng của Mario Vargas Llosa, với nhữngcái nhìn sắc bén về chính trị. Là một nhà văn dấn thân, đã từng hăng hái hoạt động chính trị ngay từ khi còn là sinh viên và đã từng ra tranh cử, Vargas Llosa đã phản ánh tình hình chính trị xã hội Pêru dưới thời Odría với tất cả những tệ nạn và sự thối nát của nó.
Tuy nhiên, hình thức trần thuật ngôi thứ ba không chỉ có dạng tiềm ẩn, Mario Vargas Llosa đã có một sự cách tân đáng kể: ngôi kể này không còn giữ nguyên “bản gốc” truyền thống như trong các truyện kể dân gian, văn học cổ
điển hay tiểu thuyết hiện thực thế kỉ XIX do sự xuất hiện của kiểu người kể chuyện ngôi thứ ba tựa vào nhân vật để kể.
Trong tất cả các tuyến truyện được kể từ ngôi thứ ba trong tiểu thuyết, điểm nhìn của người trần thuật không bất di bất dịch, ngược lại thường xuyên di động, đổi chỗ cho nhau. Xen kẽ giữa người trần thuật tiềm ẩn là kiểu người trần thuật ở ngôi thứ ba không toàn tri với giọng điệu và điểm nhìn hòa vào các nhân vật trong tác phẩm. Lúc này, người kể chuyện sẽ hòa nhập vào một nhân vật nhất định để quan sát sự việc, hiện tượng từ điểm nhìn của nhân vật này do đó hình thức kể chuyện ngôi thứ ba này vẫn sử dụng người kể chuyện ở ngôi ba nhưng bị hạn chế tầm nhìn bởi nhân vật. Nội dung câu chuyện được kể vì thế không chỉ là thế giới khách quan bên ngoài mà còn có cả thế giới chủ quan của nhân vật. Sự việc khách quan bên ngoài đã được thay đổi chức năng, trở thành cái cớ để bộc lộ tâm hồn, ý thức nhân vật.
Như trên đã nêu, hai nhân vật chính Santiago và Ambrosio đã trực tiếp nói với nhau 296 câu đối thoại trong tuyến truyện khung từ ngôi thứ nhất xưng tôi để kể cho nhau nghe về những gì họ đã trải qua trong quá khứ. Thế nhưng, từng mảng, từng mảng một của cái quá khứ ấy được tái hiện bằng cách dùng sự hỗ trợ của ngôi thứ ba tựa vào nhân vật để kể. Người kể chuyện ngôi thứ ba này không phải chỉ đứng bên ngoài quan sát và kể lại câu chuyện mà là tựa vào điểm nhìn của các nhân vật: trước hết, đó là điểm nhìn của hai nhân vật chính trong cuộc trò chuyện là Santiago và Ambrosio, ngoài ra còn có điểm nhìn của các nhân vật: Amalia, Trifulcio, Queta…
Nếu như trong tuyến truyện về Santiago, nhân vật này đã từ ngôi kể thứ nhất kể lại cho Ambrosio nghe về quá khứ của mình trong cuộc trò chuyện khung với những nét phác thảo tổng thể thì những lát cắt của cái quá khứ hiện lên chi tiết, tỉ mỉ với tất cả những đường nét qua người kể chuyện ngôi thứ ba lùi ra xa để kể lại nhưng đôi lúc lại nhập thân vào chính nhân vật Santiago để kể. Ngay từ những trang văn đầu tiên của tiểu thuyết (Phần Một – chương1)
chúng ta đã nhận ra người kể chuyện ngôi thứ ba – người kể chuyện tiềm ẩn – này qua đại từ nhân xưng “hắn” mà người kể chuyện gọi nhân vật Santiago trong câu chuyện mà mình kể.
Tương tự như vậy, Ambrosio cũng từ ngôi thứ nhất kể chuyện đời mình cho Santiago nghe và tác giả đã phối hợp với ngôi kể thứ ba tựa vào điểm nhìn của chính nhân vật này để kể lại nội dung diễn biến của các sự việc, sự kiện một cách tỉ mỉ. Thế nhưng tuyến truyện về Ambrosio này có điểm khác biệt so với tuyến truyện về Santiago ở chỗ ngôi thứ ba tựa không chỉ tựa vào điểm nhìn của Ambrosio (qua đại từ nhân xưng“gã”) mà còn tựa vào điểm nhìn của Amalia (qua đại từ nhân xưng“chị”) do mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại giữa hai nhân vật này.
Cũng trong cùng tuyến truyện về Ambrosio, ở Phần Ba – chương 4, từ ngôi thứ nhất, Ludovico kể cho Ambrosio nghe về vụ bạo loạn ở Arequipa và tất cả những diễn biến của cuộc bạo loạn ấy được tái hiện lại một cách đầy đủ hơn với sự kết hợp với ngôi thứ ba tựa vào điểm nhìn của Trifulcio (qua đại từ nhân xưng“gã”).
Cuối cùng, trong cuộc trò chuyện với Queta ở quán mụ Ivonne ở Phần Bốn của tiểu thuyết, Ambrosio đã từ ngôi thứ nhất chia sẻ những bí mật với Queta và cuộc trò chuyện ấy được kể lại tỉ mỉ từ người kể chuyện ngôi thứ ba tựa vào điểm nhìn của nhân vật Queta.
Do tựa vào nhân vật để kể nên câu chuyện chủ yếu được kể theo điểm nhìn của những nhân chứng đồng sự: các nhân vật vừa thuật truyện đồng thời vừa