Không gian bên ngoài và không gian bên trong

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 123 - 134)

3.2.1.1. Không gian bên ngoài

Không giống như nhiều quyển tiểu thuyết trước đó, Vargas Llosa chỉ tập trung vào một hoặc nhiều nhất là hai vị trí địa lí, Trò chuyện trong quán La Catedral bao quát một không gian bên ngoài rộng lớn hơn với nhiều góc nhìn về đất nước Pêru đương thời. Trong quyển tiểu thuyết này, Lima vẫn được xem là trung tâm như thường thấy ở những tác phẩm khác, và lần này tầm quan sát của tác giả đã mở rộng hơn với nhiều thành phố lớn, một số thị trấn nhỏ, vùng đồi núi hay khu vực bờ biển: Miraflores, Arequipa, Cuzco, Pucallpa, Iea, Camana, Chincha và Trujillo. Không gian bên ngoài trong tác phẩm có thể được chia ra làm hai loại: không gian đời thường và không gian lịch sử.

Trước hết, khi khảo sát kiểu không gian đời thường trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy rằng chúng đều có chung một tính chất: nghèo nàn, chật chội, dơ bẩn và cũ kỹ. Và trong số những kiểu không gian đời thường ấy, đáng chú ý là hình ảnh sương mù. Hình ảnh sương mù xuất hiện đến tám lần và mang nhiều ý nghĩa hàm ẩn. Nó mang tính dự báo cho một tương lai mờ mịt ở phía trước: không chỉ số phận nhân vật không định hướng mà tương lai của đất nước này cũng sẽ mờ mịt và chưa tìm được lối ra vì tình hình chính trị xã hội vô cùng bất ổn với những tệ nạn đang hoành hành. Từ thời Odría sang thời Prado, chính quyền trở thành một thứ mafia gớm guốc, bây giờ chế độ mới “vẫn ăn cắp như vậy hay thậm chí nhiều hơn…” [17, tr.395]. Như vậy thì biết đến bao giờ đất nước này mới khá lên được, bao giờ lớp sương mù mới tan đi để vầng thái dương đến mang một chút ánh nắng tươi sáng hơn cho những kiếp người nghèo khổ.

Trong không gian đời thường, bên cạnh hình ảnh sương mù, hình ảnh quán xá cũng xuất hiện nhiều lần và là một loại không gian đặc biệt trong tác phẩm. Cái không gian chật hẹp, bừa bộn, lộn xộn, màu sắc ảm đạm với sự hòa trộn của những mùi hôi thối, bẩn thỉu này là nơi chất chứa bao nhiêu kỉ niệm, nơi chứng kiến những niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như nỗi buồn, niềm đau khổ của các nhân vật: Santiago, Ambrosio, Carlitos. Ngay từ tựa đề của tác phẩm, cái không gian đông đúc, ồn ào này đã xuất hiện: quán La Catedral. Cũng giống như các loại không gian khác trong loại không gian đời thường của tác phẩm, quán La Catedral hiện lên qua những dòng mô tả:

“Bên trong, dưới mái tôn, đám đông ăn uống ngấu nghiến, ầm ĩ, chen chúc trên các băng ghế thô ráp và xung quanh mấy cái bàn cục mịch…cuối phòng, sau màn khói, tiếng ồn, mùi thức ăn và rượu nồng nặc, đàn ruồi lượn múa, có một bức tường thủng lỗ, nhà ổ chuột, một dải sông, bầu trời màu chì. Mùi mồ hôi, ớt và hành, nước tiểu và rác tồn đọng. Mùi chiên rán, bàn chân và nách lượn lờ xung quanh, cắn xé và bao vây, trên những cái đầu tóc thẳng hay rậm rạp, trên những cái bờm tóc bê bết, và những cái cổ bẹt ghẻ lở dính sáp chải tóc..” [17, tr.23].

Quán La Catedral, một quán rượu rẻ tiền đông đúc, dơ bẩn dành cho người nghèo, là nơi hai nhân vật chính là Santiago và Ambrosio đến để trò chuyện cùng nhau sau bao nhiêu năm xa cách, để cùng sẻ chia và tâm sự cho nhau nghe về những gì đã xảy ra gần hai mươi năm về trước, về những nỗi thất vọng chán chường, những sự đau khổ tột bực. Họ lần tìm về quá khứ để tìm hiểu xem lúc nào và ở nơi đâu mà cuộc đời họ trở nên khốn khổ khốn nạn. Họ thừa nhận rằng cả hai đều là những kẻ thất bại. Sau bốn tiếng đồng hồ ngồi cùng nhau bên những chai bia trong quán La Catedral, cuộc nói chuyện giữa họ chỉ càng khơi sâu thêm những vết thương trong quá khứ tưởng như đã ngủ yên nhưng giờ đây chợt trở lại nhức nhối qua những câu chuyện mà họ kể cho nhau nghe. Kết thúc cuộc trò chuyện, ngoài những nỗi đau còn đọng lại, hai nhân vật chính cũng

chưa biết tương lai rồi sẽ ra sao, liệu nó có tươi sáng hơn những tháng ngày mà họ đã trải qua hay không.

Ngoài quán La Catedral, chúng ta cũng không thể không nhắc đến quán

Negro – Negro, nơi Santiago và Carlitos thường xuyên đi uống với nhau: “Đây là chỗ mình nói chuyện khổ dâm lần đầu, Zavalita…Đây là chỗ mình thú nhận mình là gã thi sĩ bất tài và là tên cộng sản thất bại. Bây giờ mình chỉ là hai thằng nhà báo. Đây là chỗ mình thành bạn, Zavalita” [17, tr.384] . Quán Negro – Negro còn là nơi Santiago sẻ chia cùng Carlitos những giây phút đau khổ tột cùng khi anh phát hiện ra bí mật khủng khiếp về người cha mà mình hằng yêu kính, khi anh biết được sự thật rằng chính cha mình là kẻ đứng đằng sau gây ra cái chết của cô cựu ca sĩ hộp đêm Hortensia – Nàng Thơ và càng đau đớn hơn nữa khi anh phát hiện ra rằng những người xung quanh anh ai cũng biết về chuyện đó chỉ có duy mỗi anh là không biết.

Ngoài quán La CatedralNegro – Negro, không gian nhà thổ cũng có thể được xếp vào kiểu không gian quán xá này. “Trong nhà thổ mình gần với thực tế hơn trong tu viện ” [17, tr.163]. Cái không gian đặc biệt này có thế ví như xã hội Pêru thu nhỏ, đây là nơi lui tới của đủ mọi hạng người: anh chàng trí thức Santiago, Carlitos, gã nhân viên Chính phủ Don Cayo, tên tài xế da đen Ambrosio…Đây là nơi “hút máu ”của khách hàng và cuối cùng chính nó lại bị bọn Ludovico, Don Cayo “ hút máu”… Thế nhưng nơi đây con người đối xử với nhau rất có tình có nghĩa: tình bạn của cô gái điếm Queta và Hortensia, sự quan tâm lo lắng của Ivonne dành cho Queta, Ambrosio tìm đến nơi đây để chia sẻ tâm sự cùng một cô gái điếm…

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, không gian quán xá gắn liền với những cuộc trò chuyện quan trọng trong tiểu thuyết, là một loại không gian đặc biệt và không thể thiếu trong Trò chuyện trong quán La Catedral. Chính trong cái không gian này, hai nhân vật chính và nhiều nhân vật khác đã trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện đời mình và từ sự ráp nối những

mảnh đời của các nhân vật lại với nhau, chúng ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh của cả một xã hội hỗn loạn dưới chế độ độc tài. Vì vậy, kiểu không gian quán xá này cũng góp một phần không nhỏ vào việc thể hiện những vấn đề tư tưởng của tác phẩm.

Trên cái nền không gian đời thường tù túng, nghèo nàn và bẩn thỉu ấy nổi bật lên hình ảnh căn nhà nhỏ ở San Miguel giàu có, sang trọng, đầy đủ tiện nghi với cuộc sống xa hoa của Hortensia – nhân tình của Don Cayo, từ đó tố cáo bộ mặt thật của một quan chức làm việc cho Chính phủ: tham nhũng, sống phè phỡn và đủ đầy. Sự đối lập này đã vạch trần bản chất của giai cấp thống trị cầm quyền trong xã hội đương thời.

Tóm lại, không gian đời thường trong tiểu thuyết là không gian sống của những con người nhỏ bé trong xã hội lúc bấy giờ. Cái không gian ấy vô cùng chật chội, tù túng, ồn ào với màu sắc vô cùng ảm đạm, vẩn nhiều thứ mùi khó ngửi, bề bộn những đồ đạc, sương mù bao phủ… Kiểu không gian đời thường này cũng góp phần thể hiện cái không khí ngột ngạt, tù túng của xã hội Pêru trong giai đoạn lịch sử sau Thế chiến 2 vào những năm 1950 với những tệ nạn và sự tệ hại của nó.

Đó là không gian đời thường trong tác phẩm, trong không gian bên ngoài còn một loại không gian khác cũng không kém phần quan trọng, đó chính là không gian lịch sử. Không gian lịch sử là không gian gắn liền với các sự kiện lịch sử và những nhân vật lịch sử. Nó là không gian chính trị - xã hội. Trong Trò chuyện trong quán La Catedral, không gian này gắn liền với chế độ độc tài của tướng Manuel Odría. Đó là không gian hoạt động của các các nhân vật đứng đầu thể chế chính trị của xã hội Pêru những năm 1950 như giám đốc an ninh Cayo Bermudez, bọn tay chân của hắn ta, các vị Bộ trưởng…

Chúng ta có thể khảo sát kiểu không gian lịch sử này trước hết là qua không gian quảng trường. Bằng con mắt nhìn sắc sảo, với một giọng văn sắc lạnh xen lẫn mỉa mai, chế giễu, Mario Vargas Llosa đã vạch ra cho chúng ta

thấy những sự giả dối đáng buồn cười ẩn đằng sau những cuộc biểu tình, mít tinh diễn ra ở không gian quảng trường và sự tàn nhẫn của chế độ cai trị độc tài Odría.

Buổi mít tinh ở quảng trường Grocio Prado, Ica vào năm 1950 hiện lên với tất cả sự sôi động cần phải có của một buổi mít tinh, và khi Don Emilio Arévalo xuất hiện, tất cả mọi người đều im lặng để lắng nghe tiếng nói của ông được phát qua những chiếc loa phóng thanh và “Trifulcio thậm chí đã đặt một loa phóng thanh trên Tu viện Thánh Nữ!” [17, tr.172]. Arévalo thu hút được sự chú ý của đám đông và có được sự ủng hộ nhiệt tình từ họ. Mọi việc diễn ra thật là hoàn hảo đúng như mong đợi, thế nhưng tác giả đã vạch trần sự thật đằng sau thắng lợi của cuộc mít tinh ấy: Don Emilio Arévalo đã phải “tốn mất nửa triệu mới thắng.” [17, tr.173].

Cũng tương tự như vậy là cuộc mít tinh ngày 27/10 ở quảng trường Plaza de Armas. Trong cuộc mít tinh, chúng ta thấy sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng dành cho Tổng thống: “ban công trên Dinh mở ra và Tổng thống tiến ra cùng với đông đảo quý ông và giới quân nhân, và người ta bắt đầu vui nhộn. Rồi, khi Odría nói về cách mạng, Peru, họ hăng lên cả. Họ tự hò la, khi bài diễn văn chấm dứt có rất nhiều tiếng hoan hô…” [17, tr.245]. Nhưng thật ra những sự ủng hộ nhiệt tình đó đều phải mua bằng tiền và bao công sức “cổ động, đạo diễn” của bọn tay chân Ludovico, Hipólito: “Họ bắt đầu khuấy động dân chúng, bắt họ hò la và thổi kèn. Họ cười, lắc đầu, Ludovico nói hăng hái lên nào, Hipólito chạy quanh như con chuột từ nhóm này qua nhóm khác, vui vẻ hơn lên, to hơn lên..” [17, tr.245]. Ludovico, Hipólito đã phải trả cho Calancha rất nhiều tiền để hắn có thể đưa người từ khu ổ chuột đến quảng trường càng đông càng tốt và bày tỏ sự ủng hộ giả tạo với một một sự nhiệt tình dối trá dành cho vị lãnh tụ.

Nếu như qua hai không gian quảng trường kể trên, tác giả đã vạch trần sự giả dối của những cuộc mít tinh thì với quảng trường ở Povenir, chúng ta lại biết

thêm một bản chất xấu xa nữa của chế độ độc tài Odría: vô cùng tàn nhẫn vì thường xuyên sử dụng bạo lực. Ở quảng trường Povenir, chúng ta được chứng kiến một vụ đàn áp đẫm máu biểu tình khi phe đàn áp là những tên tay sai côn đồ được trang bị rất nhiều vũ khí trong tay còn phe bị đàn áp thì chỉ toàn “bà già, bà trẻ, con nít, nhưng không có đàn ông…”

Trong không gian lịch sử, ngoài không gian quảng trường còn có không gian Rạp hát thành phố. Có một điều đặc biệt là mặc dù nhân vật Trifulcio xuất hiện rất ít trong tiểu thuyết, thế nhưng mỗi lần y xuất hiện là lại gắn với một sự kiện chính trị quan trọng: “Tao đã dự nhiều buổi mít tinh,”Trifulcio nói. “Năm 1950 ở Ica, làm cho Nghị sĩ Arévalo. Nhưng lần đó là ngoài trời. Đây là lần đầu tiên tao dự trong rạp hát” [17, tr.483].

Cũng giống như không gian quảng trường, rạp hát thành phố được miêu tả là một không gian đông đúc, ồn ào: “Trên sân khấu, hơn hai chục cái ghế, một micrô, một lá cờ Pêru, mấy tấm bích chương lớn ghi Liên minh Quốc gia, Tự do...” [17, tr.483], “…ông mặc bộ áo xanh đứng trước micrô: Odría là tên độc tài, Luật An ninh Nội chính là vi hiến, bà con cô bác muốn tự do…” [17, tr.484]. Sau những màn hô hào đầy khí thế là những cảnh hỗn loạn đầy bạo lực: “Lựu đạn trên ban công rơi xuống như một nắm đá nâu, nảy lên khô giòn trên hàng ghế ban nhạc và sàn sân khấu, rồi lập tức các cuộn khói bắt đầu dâng lên…Tiếng la hét lớn hơn, tiếng người lăn, ghế gãy, tiếng ho” [17, tr.487]. Cảnh sát dã chiến vào rạp, có tiếng súng. Ludovico đã miêu tả khung cảnh rạp hát sau cuộc hỗn chiến: “Giống như thức dậy mà vẫn thấy giấc mơ, rạp hát đã hầu như trống trơn. Mọi thứ gãy đổ, máu tung tóe, thằng đi cặp với tao nằm trong vũng máu…Và có mấy đứa nằm dài ra mà ho” [17, tr.488].

Như vậy, không gian rạp hát thành phố là nơi diễn ra cuộc chiến đẫm máu giữa phe Liên minh chống lại Odría và phe Chính phủ, là nơi Don Cayo bị chính những người cộng sự của mình chơi xỏ, khi họ bắt tay với phe đối lập để ép buộc Don Cayo phải từ chức.

Với một cái nhìn sắc lạnh, Mario Vargas Llosa đã phát biểu những nhận xét đầy sắc sảo của mình về phe Liên minh: “Một đám triệu phú hồi trước liếm giày Odría rồi bây giờ lại muốn thử lòng kiên nhẫn với ông ấy” [17, tr.465]. Còn âm mưu của bọn Don Cayo là lợi dụng buổi mít tinh đó của Liên minh để biến nó thành cuộc biểu tình của đông đảo quần chúng ủng hộ chính quyền bằng cách cho bọn tay chân vào rạp hát và gây om sòm trong đó. Rồi khi họ đi ra, họ sẽ đụng với một đám phản biểu tình ở chợ. Thế nhưng mọi kế hoạch đã diễn ra không như Don Cayo mong muốn, hắn cay đắng nhận ra rằng đây là “một vụ phục kích thường tình” để chống lại hắn [17, tr.491]. Vì thế hắn bị loại ra khỏi nội các và phải rời khỏi Pêru.

Trong cuộc chiến giữa hai phe phái đó, chỉ có những bọn tay chân của cả hai bên là những người phải gánh chịu những hậu quả đau đớn nhất:“Người ta biết rõ họ đưa tụi tao đến lò sát sinh” [17, tr.468], Ludovico nói. Họ là những con tốt bị đem ra làm vật hi sinh để cả hai phe phái đạt được những bước tiến mới trên bàn cờ chính trị. Ludovico bị thương nặng, Trifulcio và rất nhiều người khác chết trong cảnh hỗn loạn đẫm máu bên trong rạp hát.

Không gian lịch sử cũng được tái hiện trong tác phẩm bởi những sự kiện và nhân vật có thật đan xen trong câu chuyện hư cấu của nhà văn. Chẳng hạn như ông đã dựa vào những nhân vật chính trị có thật trong lịch sử Pêru như Tướng Odría, Manuel Prado, Cayo Bemudez và những cuộc mít tinh như cuộc mít tinh ngày 27/10, những phe phái chính trị như phe Aprista, phe Liên minh. Sự hư cấu tài tình của nhà văn kiêm chính trị gia Llosa đã khiến cho diễn biến của các sự kiện chính trị trong không gian lịch sử tăng thêm độ chân thực và khắc họa một cách sinh động bức chân dung của những nhân vật lịch sử.

Không gian lịch sử trong tiểu thuyết là nơi diễn ra những cuộc tranh cử, vận động bầu cử với những thủ đoạn thấp hèn hay những cuộc bạo động giả tạo do bị giật dây. Bằng những chiêm nghiệm qua những cơn biến động lịch sử trong đời sống của chính dân tộc mình, Vargas Llosa đã có một cái nhìn bình

tĩnh và thấu suốt về lịch sử, về đời sống và về số phận con người trong mối quan hệ với lịch sử. Cái nhìn đó được ông chia sẻ nhằm giúp cho chúng ta thoát khỏi việc trở thành những kẻ mù quáng, bị lôi kéo vào những cơn bão của những mưu đồ chính trị. Với kiểu không gian lịch sử, Llosa đã thể hiện sự phê phán mạnh mẽ của mình khi bóc trần những thủ đoạn chính trị đê hèn cũng như sự tàn bạo và độc ác của chế độ đương thời.

Như vậy hai mảng không gian đời thường và không gian lịch sử đã hợp

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 123 - 134)