Lời kể đan xen giữa hồi tưởng và liên tưởng

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 97 - 100)

Với vai trò mở đầu cuốn tiểu thuyết, chương 1 của Phần Một đã giới thiệu cho độc giả về một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Santiago, hiện là phóng viên viết tin xã luận cho tờ La Crónica và Ambrosio – người tài xế cũ của cha mình. Hai người đã lâu không gặp và họ cùng nhau đi đến một quán bia dành cho người nghèo – quán La Catedral. Tại đây, vào một buổi chiều, họ đã trò chuyện cùng nhau trong vòng bốn giờ đồng hồ. Nội dung cuộc trò chuyện là quay về quá khứ gần hai mươi năm về trước với những sự đổi thay của biết bao nhiêu kiếp người và điều quan trọng mà Santiago muốn tìm hiểu khi trò chuyện cùng gã tài xế cũ của cha mình là sự thật về cái chết của Nàng Thơ, thủ phạm thật sự trong vụ án có phải là Ambrosio hay không và có phải Don Femin, cha của Santiago đã sai gã tài xế của mình làm việc đó hay không. Bắt đầu từ chương 2, cuộc hành trình trên chuyến tàu tốc hành quay về quá khứ thật sự bắt đầu.

Câu chuyện được mở ra từ một thời điểm trong hiện tại nhưng mạch kể tiếp theo lại hướng về quá khứ và cái quá khứ ấy không hề đơn nhất, tập trung mà được tạo bởi vô số những vết cắt lộn xộn do sự đông đảo của nhân vật và sự dồi dào của sự kiện. Cái quá khứ ấy cứ hỗn độn hiện lên trong cuộc đối thoại giữa họ: chuyện về Amalia, chuyện của Ambrosio, chuyện Don Femin, chuyện Cayo Bermudez…chuyện về những thân phận con người bé nhỏ đan xen với chuyện chính trị lớn lao to tát…Thoạt nhìn các sự kiện diễn ra rời rạc, không ăn nhập gì với nhau, người kể chuyện kể các câu chuyện tách bạch, không theo diễn tiến thời gian tuyến tính: các sự việc diễn ra trong quá khứ ở nhiều mốc thời gian khác nhau được kể đan xen với nhau. Nhưng nếu đi sâu phân tích tìm hiểu thì chúng ta có thể thấy rằng các sự việc được kể theo thời gian tâm lí và được liên kết với nhau theo trường liên tưởng của người kể chuyện. Sự đan cài hỗn độn

các tuyến truyện luôn dựa trên những chủ đề nhất định của dòng hồi tưởng của hai nhân vật chính và đôi khi bị thay đổi bất ngờ sang những ngả rẽ bởi những sự liên tưởng bất ngờ thú vị.

Chẳng hạn như ở chương 2 của Phần Một, dòng hồi tưởng của nhân vật Santiago được mở ra bắt đầu từ mốc thời gian khi anh mới học xong bậc trung học và đang chuẩn bị thi vào đại học. Lát cắt đầu tiên của quá khứ này được hiện lên với hình ảnh cậu bạn Popeye Mặt Tàn Nhang. Sở dĩ dòng hồi tưởng được mở ra ở mốc thời gian này và gắn với hình ảnh Popeye là do xuất phát từ câu hỏi của Ambrosio: “Cậu tóc đỏ, cái cậu mặt tàn nhang, con trai của Nghị sĩ Emilio Arévalo, đúng rồi. Cô ấy (Téte) có cưới cậu ta không?” [17, tr.36].

Và cũng chính vì câu hỏi của Ambrosio có nhắc đến cậu bạn Popeye cho nên cậu bạn Mặt Tàn Nhangấy đã gợi cho Santiago một sự liên tưởng đến sự việc anh ta và Popeye cho Amalia dùng thuốc kích dục và giở trò với chị.

Như vậy, dòng hồi tưởng về quá khứ của Santiago đã rẽ sang mạch truyện nhỏ với câu chuyện của Santiago – Popeye – Amalia do sự liên tưởng bất ngờ từ hình ảnh cậu bạn Popeye. Và sau khi kết thúc mạch truyện nhỏ này, dòng hồi tưởng chính của Santiago lại được tiếp nối với những mốc thời gian tiếp theo: khi Santiago chuẩn bị thi vào Đại học San Marcos, khi anh đã thi đỗ và hăm hở hoạt động chính trị, khi anh bị bắt và sau đó đến làm cho La Croníca, khi anh gặp Ana và cưới cô ấy làm vợ…Trên mạch hồi tưởng chính ấy lại tiếp tục xuất hiện những sự liên tưởng bất ngờ khác khiến cho mạch truyện bị rẽ sang nhiều mạch nhỏ khác.

Chúng ta có thể dẫn ra thêm một ví dụ nữa chẳng hạn như ở chương 1 của Phần Bốn. Đến phần này dòng hồi tưởng chính của Santiago đang trôi đến mốc thời gian mà anh đang là một phóng viên chuyên viết các bài về những người thắng giải Gá bạc cho tờ La Croníca. Dòng hồi tưởng đó đột ngột rẽ sang mạch truyện về Ana vì Santiago chợt trông thấy một cô “son phấn tùm lum” – cô gái điếm tên là Margot mỗi ngày đều ghé qua quán La Catedral – và trông cô ta rất

giống Ada Rosa. Ada Rosa đã gợi nhắc cho Santiago về ban nhạc Bim – Bam – Bum và từ đó làm cho Santiago nhớ đến chuyện tình yêu của mình với Ana. Do đó, cuộc trò chuyện giữa Santiago và Ambrosio ở chương này bắt đầu với câu hỏi của Ambrosio: “Bim Bam Bum? Tôi chưa bao giờ xem họ, tại sao cậu lại hỏi tôi thưa cậu?” [17, tr.501].

Trò chuyện trong quán La Catedral là một buổi trò chuyện giữa hai nhân vật Santiago và Ambrosio về những sự việc xảy ra trong quá khứ và Llosa đã chứng tỏ tài năng thật sự trong nghệ thuật kể chuyện của mình khi sử dụng lời kể đan xen liên tục giữa hồi tưởng và liên tưởng. Chúng ta có thể hình dung dòng hồi tưởng của hai nhân vật chính là mạch chính và trên dòng hồi tưởng đó sẽ bất ngờ xuất hiện những sự liên tưởng từ đó tạo nên những mạch rẽ chia tuyến truyện ra thành nhiều nhánh nhỏ nhưng sau đó vẫn tiếp tục quay về mạch chính – dòng hồi tưởng.

Những chi tiết nào đó đột ngột từ cuộc sống gieo vào lòng nhân vật những suy nghĩ, cảm xúc, ấn tượng miên man. Các mảnh chuyện chia nhánh lan tỏa từ những sự liên tưởng bất ngờ ấy. Trên con đường đi bất định của sự hồi tưởng và liên tưởng, những sự kiện từ quá khứ được gọi dậy, thức tỉnh.

Llosa đã tái hiện lại một cách chân thực cuộc trò chuyện trong quán La Catedral mà trong cuộc trò chuyện đó chủ đề luôn luôn thay đổi bất ngờ không thể dự đoán trước được theo mạch hồi tưởng xen lẫn với những liên tưởng kiểu “chuyện nọ xọ chuyện kia”, từ đó đòi hỏi người đọc phải hòa mình vào câu chuyện và tự lần tìm ra các “manh mối” để kết nối, lắp ráp những dữ kiện để từ đó tái hiện lại câu chuyện một cách hoàn chỉnh.

Những hồi ức về quá khứ đan xen với những sự liên tưởng bất ngờ đã liên kết cốt truyện một cách chặt chẽ và tạo ra khả năng liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Đây là điều mới mẻ trong Trò chuyện trong quán La Catedral, tạo nên sự đa dạng phong phú trong kết cấu cốt truyện, mang đến một hình thức tự sự mới cho quyển tiểu thuyết này.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 97 - 100)