Thời gian kéo căng – dồn nén

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 117 - 122)

Trong Trò chuyện trong quán La Catedral, các sự kiện nối tiếp nhau không theo chuỗi thời gian tuyến tính mà lựa trên logic của trí nhớ, của dòng hoài niệm gợi lên bất chợt nên thời gian trong tác phẩm bị khúc xạ qua tâm lí và kí ức của nhân vật. Thời gian không trôi chảy bên ngoài sự vật nữa mà vận động bên trong tâm lý nhân vật. Thời gian được kể biến thành thời gian chủ quan, thời gian hồi tưởng. Chính vì vậy thời gian ở mỗi nhân vật có sự biến động khác nhau làm cho thời gian nghệ thuật của tác phẩm đôi lúc bị kéo căng ra, giãn nở, trương phình và đôi lúc thì dồn nén một khoảng thời gian dài chỉ trong vài trang viết ít ỏi.

Llosa đã sử dụng thủ pháp dồn nén thời gian khi tái hiện lại cả một bức tranh lịch sử xã hội Pêru trong cả một giai đoạn lịch sử mười mấy năm sau Thế chiến thứ hai chỉ gói gọn trong một buổi nói chuyện trong vòng một buổi chiều với khoảng 640 trang giấy theo bản dịch của Phạm Văn. Rất nhiều sự kiện chỉ được dồn nén trong một khoảng thời gian ngắn đã góp phần tô đậm ấn tượng về một không khí hết sức căng thẳng bao trùm đất nước Pêru, nhất là dưới thời Odría:

“Các đoạn đối thoại khác nhau đặt sát cạnh nhau, bố cục gẫy vụn và đảo lộn thứ tự thời gian, Trò chuyện trong quán La Catedral như một bản trường ca, trong đó có những tiểu truyện của nhiều nhân vật. Có thể nói tác phẩm là hình ảnh hỗn loạn của một cuộc đổi đời hay sau một trận thiên tai. Hàng trăm nhân vật tràn ngập, hàng chục cuộc đối thoại chồng chất như bức tranh cắt dán, tạo cảm giác biến động và căng thẳng không ngừng” [43].

Người đọc dõi theo bước chân của các nhân vật và bị cuốn vào hàng loạt những biến cố, tiếp xúc với hàng loạt những cảnh đời, những con người, lắng nghe tất cả những nỗi niềm, những ưu tư của họ.

Thời gian trong tiểu thuyết trôi qua vùn vụt theo những mạch kể đan xen giữa hồi ức và hiện tại. Trong đó có những khoảng thời gian khá dài nhưng chỉ được miêu tả ngắn gọn trong những trang viết ít ỏi, chẳng hạn như khoảng thời gian kể từ khi Santiago bỏ nhà ra đi (khoảng năm 1950) và đến làm việc ở La Croníca và được cử đi viết bài về cái chết của Nàng Thơ Hortensia (1958). Cả một khoảng thời gian dài khoảng tám năm chỉ được kể lại ngắn gọn với 146 trang văn trong bản dịch của Phạm Văn. Chúng ta càng thấy rõ độ chênh lệch thời gian văn bản này khi so sánh với dung lượng 84 trang mà Vargas Llosa đã dành cho khoảng thời gian 3 năm ngắn ngủi mà Santiago học ở trường Đại học San Marcos. Với kiểu dồn nén thời gian này, chúng ta thấy rằng đây chỉ là một khoảng thời gian thoáng qua, vai trò của nó ít quan trọng hơn những giai đoạn khác và trong khoảng thời gian này không có nhiều biến cố trong cuộc đời nhân vật, vì thế nó không được tập trung tái hiện một cách tỉ mỉ, chi tiết.

Bên cạnh sự dồn nén thời gian, chúng ta còn bắt gặp những khoảnh khắc thời gian như bị kéo căng ra đến trương phình, giãn nở, chẳng hạn như người đọc bị ấn tượngvới khoảng thời gian chàng sinh viên Santiago học ở trường đại học San Marcos và khuynh hướng cộng sản của anh ta. Khoảng thời gian tuổi trẻ nơi giảng đường đại học với những hoạt động chính trị sôi nổi và tình yêu đơn phương với cô bạn cùng khóa Aída chiếm trọn bốn chương trong tổng số mười chương và 84 trang trong tổng số 200 trang của Phần Một. Và trong khoảng thời gian đó thì cái đêm mà Santiago bị bắt giam cùng với các đồng chí của mình trong tổ chức Cahuide cũng là một khoảng thời gian bị kéo căng ra đến hết mức có thể. Trong khi những trang viết trong các chương trước đó cũng đề cập đến những sinh hoạt chính trị của Santiago và tổ chức Đảng Cahuide nhưng không hề đề cập đến những mốc thời gian mà chỉ thiên về kể lại nội dung các cuộc họp

thì cái đêm Santiago bị bắt lại đặc biệt chú ý đến thời gian: cuộc họp bắt đầu vào lúc tám giờ và cuộc họp này là để chuẩn bị cho cuộc họp với Liên hội vào lúc mười giờ. Đến tám giờ rưỡi các thành viên vẫn chưa có mặt đầy đủ (vì vắng Jacobo và Aida), khoảng hơn chín giờ thì họ bị tóm, vào lúc mười giờ, khi Liên hội đang họp thì Santiago và các đồng chí của mình đang ngồi trong phòng giam của Tổng nha Cảnh sát. Khoảnh khắc này lại càng bị kéo giãn ra thêm khi mạch truyện được chen thêm vào câu chuyện xảy ra ở nhà Santiago khi gia đình anh ta hay tin anh bị bắt: “Tối hôm ấy nhà như một cái nhà điên, thưa cậu…” [17, tr.201]. Mười hai giờ rưỡi, Santiago được thả. Anh về nhà, trò chuyện thẳng thắn với cha: Santiago muốn rời khỏi nhà để sống tự lập và để có thể quyết định rõ hơn mình sẽ làm gì và muốn là gì…Tất cả mọi việc diễn ra trong đêm ấy chỉ trong vòng hơn bốn tiếng đồng hồ nhưng dường như đã bị kéo căng ra, làm cho giãn nở để từ đó nhấn mạnh cái mốc thời gian mà Santiago kết thúc những tháng ngày “sống vì lý tưởng mà cũng không phải vì lý tưởng” với một niềm tin nửa vời vàbắt đầu cuộc sống tự do và làm theo ý mình. Từ đó anh ta bắt đầu sống những chuỗi ngày bình lặng và tẻ nhạt của một nhà báo tầm thường với những bản tin vặt vãnh và mặc kệ cho cuộc sống của mình muốn ra sao thì ra.

Câu chuyện đêm ấy đã xảy ra rất lâu mà như đang diễn ra trước mắt Santiago và Ambrosio trong quán La Catedral. Từng câu nói, từng dáng hình, từng diễn biến câu chuyện đã được Santiago khắc ghi trong tâm trí mình. Santiago nói với Ambrosio rằng: “Trước khi tôi rời nhà, trước khi tôi vào San Marcos, tôi trong trắng” [17, tr.73], thế nhưng, sau khi rời khỏi ngôi trường đại học và chấm dứt những tháng ngày nhiệt huyết tuổi trẻ, liệu cuộc sống của anh có trở nên tốt đẹp hơn không hay vẫn tiếp tục làm cho đời mình khốn khổ khốn nạn? Những năm tháng sôi nổi hoạt động chính trị khó quên ấy đối với Santiago dù “không trong trắng” nhưng thật sự lại là khoảng thời gian đáng nhớ nhất đối với anh, như lời của Carlitos:

“Anh như một cô điếm già đang nghĩ về thời thanh xuân của cô ta, Zavalita, Carlitos nói. Chúng ta cũng khác nhau chỗ đó. Điều đã xảy ra cho tôi hồi còn niên thiếu đã bị xóa đi, và tôi cầm chắc rằng điều quan trọng nhất đối với tôi sẽ xảy ra vào ngày mai. Dường như anh đã ngừng sống lúc anh mười tám tuổi” [17, tr.169].

Thời gian bị kéo căng đến độ trương phình, giãn nở khiến cho chúng ta có cảm giác thời gian ngừng trôi, ngưng đọng.

Sau khi rời nhà, một khoảnh khắc thời gian khác cũng bị kéo căng:đó chính là lúc Santiago phát hiện ra toàn bộ sự thật về mối quan hệ đồng giới của cha mình và Ambrosio, người tài xế da đen của ông, ở chương 1 của Phần Ba của quyển tiểu thuyết: vỏn vẹn chỉ có ba ngày mà chiếm đến 42 trang. Các sự việc liên tiếp xảy ralàm cho thời gian như ngưng đọng lại càng tô đậm thêm sự chua chát của nhân vật Santiago. Ở chương này, Santiago được giao nhiệm vụ đi lấy tin về cái chết của Nàng Thơ. Vì thế, anh đi cùng với Becerrita – người phụ trách cột tin cảnh sát – đến gặp Paqueta ở hộp đêm Cabana để điều tra và lấy tin về vụ án. Tiếp sau đó, theo “lời chỉ điểm” của Paqueta, họ lại tiếp tục đến quán của mụ Ivonne để tìm gặp Queta và chính ở nơi này, từ cô gái điếm Queta mà họ biết được kẻ sát nhân thật sự đằng sau vụ án là chính là cha của Santiago, người có biệt danh là “Bê Vàng”– Don Femin. Sau khi biết được điều bí mật động trời đó, Santiago vô cùng bàng hoàng, sửng sốt và đau khổ tột bực, trong anh xen lẫn nhiều cảm xúc lẫn lộn: vừa đau khổ, vừa căm ghét cha mình nhưng cũng lại vừa hi vọng đó không phải là sự thật. Sau đó anh đến quán Negro – Negro uống rượu cùng Carlitos, ngày hôm sau anh hẹn gặp cha mình ở Regatas Club để làm rõ mọi việc...

Bên cạnh việc chồng chất liên tiếp các sự việc đã xảy ralàm cho thời gian như ngưng đọng, Vargas Llosa còn chèn điểm nhìn tâm lý vào hành động của các nhân vật để làm gián đoạn thời gian sự kiện từ đó càng làm tăng thêm sự

ngưng trệ của thời gian. Tác giả đã đan cài vào những khoảng thời gian ngắn ngủi đó những chi tiết, hình ảnh, cảm giác, suy nghĩ của nhân vật Santiago:

“Đúng lúc ấy, Zavalita? Hắn nghĩ: ừ, ở đó. Bộ mặt hóa đá của Ivonne, hắn nghĩ, nỗi nghi ngờ và bực tức trong mắt bà, ngón tay Becerrita bất động trên hàng ria mép, Periquito thúc vào hông mày, Zavalita, cảnh giác mày. Bốn người giữ im lặng, nhìn Queta đang nức nở dữ dội. Hắn nghĩ: cặp mắt hí của Becerrita đâm thủng mái tóc đỏ, tất cả bốc cháy” [17, tr.380].

“Mọi lỗ chân lông toát mồ hôi, hắn nghĩ, mọi khúc xương kêu răng rắc. Không bỏ qua một cử chỉ nhỏ, một âm tiết, một cử động, một hơi thở, và trên cuống dạ dày của hắn con sâu nhỏ lớn lên, con rắn, lưỡi dao, như hồi ấy, hắn nghĩ, tệ hơn hồi ấy. Ồ, Zavalita… Khuôn mặt biến dạng vì khóc, Zavalita, cặp mắt sưng đỏ, cái miệng méo vì đau khổ, đầu và tay ra dấu phủ nhận: không phải Bermúdez” [17, tr.381].

Có khi mạch truyện ngưng đọng ở một khoảnh khắc và xen vào khoảnh khắc đó là những câu chuyện lùi vào quá khứ trước đó nên góp phần kéo dãn thời gian, gây cảm giác như thời gian ngừng trôi. Việc cố tình kéo căng một khoảng thời gian nào là nhằm để tô đậm những ấn tượng trong quá khứ từ đó có tác dụng nhấn mạnh một giai đoạn nào đó trong cuộc đời nhân vật để thể hiện những vấn đề tư tưởng của tác phẩm.

Tóm lại, qua cách xử lí thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết, chúng ta thấy rằng mặc dù quá khứ đã đi qua thế nhưng nó vẫn luôn sống một cách vô cùng mạnh mẽ trong tâm trí của các nhân vật, vì thế chỉ qua một cuộc trò chuyện trong vòng bốn giờ đồng hồ thì tất cả những lát cắt sống động của cái quá khứ ấy chợt ùa về, sống dậy, gây nên biết bao nhiêu cảm xúc cho các nhân vật và cho cả độc giả. Chính những mảng thời gian đồng hiện đã mang đến cho tác giả những khả năng lớn lao trong việc mở rộng biên độ truyện kể, từ đó vẽ nên bức tranh toàn cảnh về chính trị xã hội và đời sống con người trong cả một giai đoạn

lịch sử. Theo dõi mạch tự sự, với những khoảnh khắc thời gian kéo căng hay dồn nén, người đọc không chỉ nắm bắt diễn biến sự kiện mà còn có thể đồng hành cùng nhân vật trong những khoảnh khắc đó: cùng trải nghiệm, cùng buồn, cùng vui, cùng hi vọng…

Theo Trần Đình Sử: “Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật” [25].

Chính cách xử lí thời gian kể truyện của Mario Vargas Llosa đã đem lại một sự đổi mới cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết, khác hẳn cách kể trong các tiểu thuyết cổ điển. Thế giới được phản ánh dường như không như cái ta cảm thấy mà là do cái ta nghĩ ra theo dòng tâm tư của người kể “cái thấy là” thành “cái như là” (G.Genette). Cách xử lí thời gian của hành vi kể truyện trở thành mối quan tâm hàng đầu của nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại. Vì vậy trung tâm của nghệ thuật tiểu thuyết chuyển từ xây dựng nhân vật sang cách xử lí thời gian.

Bằng những trải nghiệm, suy tư, triết lý trong cảm nhận về thời gian, người kể chuyện đã làm sai lệch dòng chảy tự nhiên của thời gian câu chuyện khiến cho thời gian tự sự đạt đến độ năng động tuyệt vời.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 117 - 122)