Điểm nhìn bên ngoài

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 88 - 91)

Với sự kết hợp giữa người kể chuyện ngôi thứ nhất tự thuật và ngôi thứ ba tựa vào nhân vật để kể trong nhiều tuyến truyện, có thể nói điểm nhìn bên trong là điểm nhìn chủ đạo trong tác phẩm Trò chuyện trong quán La Catedrtal. Điểm nhìn này ít nhiều mang tính chủ quan. Và những tuyến truyện về Don Cayo được trần thuật bởi ngôi thứ ba tiềm ẩn đã đem lại một cái nhìn khách quan cho truyện kể với điểm nhìn bên ngoài. Độc giả không hề cảm nhận được sự tồn tại của người kể chuyện. Câu chuyện được triển khai và tự phát triển chủ yếu nhờ vào các cuộc đối thoại giữa các nhân vật. Người kể chuyện đứng ngoài câu chuyện, quan sát và ghi lại những lời nói và những hành động của các nhân vật trong tuyến truyện này. Nhưng người đọc nhờ sự điều khiển diễn biến của chủ thể trần thuật mà nhận ra những lớp nghĩa ẩn sâu trong cấu trúc văn bản tự sự. Từ điểm nhìn bên ngoài, chủ thể trần thuật giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài có khoảng cách nhất định với đối tượng trần thuật, đó là kiểu trần thuật khách quan.

Với một góc nhìn đứng từ xa, quan sát và kể lại cho độc giả từ ngôi kể thứ ba tiềm ẩn, Vargas Llosa đã cung cấp nhiều sự kiện, tình tiết, dựng lại nhiều cuộc đối thoại trong nhiều bối cảnh, tái hiện lại nhiều mối quan hệ từ đó bức chân dung nhân vật Don Cayo dần dần hiện lên với rất nhiều đường nét.

Ở Phần Một của tiểu thuyết, người kể chuyện cung cấp cho chúng ta những thông tin về lai lịch Don Cayo và việc Espina đề cử hắn vào vị trí giám đốc an ninh. Sau đó, qua các phần của tiểu thuyết bức chân dung nhân vật này dần dần hiện lên với nhiều đường nét hơn. Thông qua việc dựng lại hàng loạt các cuộc đối thoại giữa Cayo và các nhân vật khác cũng như các cuộc đối thoại giữa các nhân vật khác về gã cộng với việc tái hiện lại rất nhiều sự kiện và các diễn biến chính trị mà hắn trực tiếp tham gia, chúng ta thấy bản chất của nhân vật này ngày càng lộ rõ. Đầu tiên, khi hắn vừa mới nhận chức thì đã dám qua mặt Espina – Bộ trưởng Công an – ra lệnh chiếm San Marcos và bắt những người bị tình nghi. Tiếp theo sau đó, càng ngày hắn càng tỏ ra là kẻ độc tài và nắm trong tay tất cả mọi quyền hành, có thể nói quyền lực của hắn còn lấn át cả Tổng thống. Với vị trí Giám đốc an ninh của mình, Don Cayo ra sức củng cố chế độ độc tài bằng bạo lực và tiền bạc, mọi tổ chức chính trị và sinh hoạt công dân đều bị cấm đoán, báo chí bị kiểm duyệt. Hắn cũng ra sức vơ vét vào túi riêng bằng những phi vụ làm ăn mờ ám, ăn cháo đá bát khi phản lại Espina.

Chỉ thông qua một hình ảnh tiêu biểu của viên Giám đốc An ninhDon Cayo với tất cả những bản chất xấu xa của hắn như đã nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, sự thối nát đã từ trung tâm quyền lực lan ra mọi lĩnh vực và thể chế, làm băng hoại cuộc sống.

Trong tuyến truyện về Don Cayo, chủ thể trần thuật đã đẩy nhân vật về phía bạn đọc mà không có bất cứ một bình giá, nhận xét nào nhưng hình ảnh một Don Cayo bằng xương bằng thịt lại như đang đứng trước bạn đọc qua lời kể của chủ thể trần thuật – tác giả Mario Vargas Llosa. Trong các cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong mảng truyện về Don Cayo, chủ thể trần thuật không hề can thiệp vào, mà để nó tự diễn ra như tất yếu nó cần phải thế. Chủ thể trần thuật trong truyện đã tuyệt đối thể hiện vai trò khách quan của mình đối với câu chuyện. Người đọc theo dõi diễn biến của câu chuyện và tự lí giải tâm lí, sự vận động bên trong tâm trạng của Don Cayo qua những lời nói, cử chỉ, điệu bộ của

gã. Không phải tác giả giải thích mà chính người đọc sẽ nhận biết được tầng ý nghĩa sâu xa của lớp truyện này dựa trên những tình huống truyện.

Sự khách quan trong điểm nhìn này đã chi phối rất nhiều đến giọng kể sắc

lạnh của Mario Vargas Llosa trong Trò chuyện trong quán La Catedral. Sở dĩ

quyển tiểu thuyết này mang một giọng sắc lạnh là bởi sự quy định điểm nhìn khách quan của chủ thể trần thuật đem lại.

Tóm lại, ở mảng truyện về Don Cayo với những âm mưu và thủ đoạn chính trị, chủ thể trần thuật ẩn danh kể lại tất cả một cách khách quan, nhưng người ta vẫn khám phá ra được thông điệp mà Vargas Llosa muốn gửi gắm. Phát huy lợi thế của ngôi kể vô nhân xưng theo điểm nhìn khách quan hóa, tác giả đã tạo điều kiện để người đọc thâm nhập vào diễn biến của câu chuyện bằng chính kinh nghiệm sống, khả năng phân tích, bóc tách lớp vỏ ngôn từ để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Theo dõi toàn bộ tác phẩm, ta thấy với điểm nhìn bên ngoài, người kể cố tách ra khỏi sự kiện để bộc lộ rõ tính khách quan cần có của chủ thể trần thuật đối với những đoạn văn bản trần thuật từ ngôi thứ ba. Trong vai trò một người kể chuyện, tác giả vừa đồng hành cùng nhân vật vừa có ý thức “tách mình ra” tạo lập một khoảng cách trong người trần thuật và nhân vật.

Điểm nhìn của chủ thể trần thuật có một sự bao quát lớn. Do nhiệm vụ đứng ngoài quan sát, thuật kể nên điểm nhìn của chủ thể trần thuật có thể di chuyển linh hoạt từ nhiều ý thức, nhiều không gian, thời gian, góc độ khác nhau. Như vậy, qua việc phân tích một số tuyến truyện về Don Cayo, có thể thấy chủ thể trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài là lối kể chuyện khách quan, tái hiện trực tiếp thế giới hình tượng trong tác phẩm thông qua việc miêu tả các hoạt động bên ngoài của nhân vật. Trong tác phẩm xuất hiện rất ít những chi tiết miêu tả nội tâm của nhân vật Don Cayo. Người kể chuyện ít khi can thiệp vào suy nghĩ của nhân vật, không đưa ra những phán đoán, suy xét chủ quan. Sự khách quan của chủ thể trần thuật gần như là tuyệt đối. Chủ thể trần thuật luôn tạo ra những khoảng cách nhất định đối với nhân vật khi thuật kể.

Chủ thể trần thuật để người đọc nhận ra tính cách, suy nghĩ, việc làm của nhân vật thông qua sự biểu hiện của chính bản thân nhân vật. Tính hướng ngoại của chủ thể trần thuật vô nhân xưng đã tạo cho câu chuyện một khoảng cách nhất định giữa chủ thể trần thuật và nhân vật. Vì thế, người đọc phải tự khám phá bề chìm của “tảng băng trôi” mà truyện kể đem lại. Chính dạng thức trần thuật này đã quy định ngôn ngữ, giọng kể sắc lạnh: lạnh lùng và khách quan, và giọng kể này đã trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của Trò chuyện trong quán La Catedral khiến nhiều nhà nghiên cứu chú ý.

Với người kể chuyện ngôi thứ ba tiềm ẩn, điểm nhìn trở nên rất linh hoạt phù hợp với các câu chuyện được kể và tác giả đã sử dụng điểm nhìn bên ngoài để quan sát bao quát các sự kiện và các diễn biến chính trị từ đó tái hiện một cách khách quan và chân thực cuộc sống.

Trong Trò chuyện trong quán La Catedral, điểm nhìn bên ngoài tuy không đóng vài trò chủ đạo nhưng nó cũng góp phần làm hoàn thiện các góc chiếu về các nhân vật, sự kiện. Nhờ có điểm nhìn bên ngoài mà tác giả có thể phối hợp tạo ra sự luân phiên điểm nhìn từ đó giảm thiểu sự đơn sắc trong trần thuật.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)