Người kể chuyện ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 61 - 65)

Như trên đã nói, Trò chuyện trong quán La Catedral có kiểu cốt truyện đa tuyến phân rã lồng khung với rất nhiều tuyến truyện được lồng trong tuyến truyện chính là cuộc trò chuyện của hai nhân vật Santiago và Ambrosio. Và trong cuộc trò chuyện khung này, hai nhân vật chính lần lượt và luân phiên kể cho nhau nghe câu chuyện cuộc đời mình từ ngôi kể thứ nhất xưng tôi qua 296 câu thoại mà họ trực tiếp nói với nhau một cách không liền mạch nhưng xuyên suốt tác phẩm. Việc lựa chọn ngôi thứ nhất xưng tôi để cho hai nhân vật trực tiếp nói với nhau và kể cho nhau nghe – và cũng là kể cho độc giả – những câu chuyện quá khứ đã mang đến cho Santiago và Ambrosio những khả năng lớn lao trong việc trực tiếp phát biểu những ý kiến, quan điểm của họ hay thổ lộ và giãi bày những tâm trạng, tình cảm, cảm xúc mà họ đã trải qua dọc bước đường đời nhiều biến cố lắm chông gai của mình: sự sôi nổi của tuổi trẻ, tình yêu đơn phương, niềm hạnh phúc lớn lao khi yêu và được yêu, những nỗi đau thầm kín, sự căm thù, nỗi thất vọng chán chường….

Trong thời điểm hiện tại, khi đang ngồi cùng Ambrosio trong quán rượu La Ctedral ồn ào và bẩn thỉu, Santiago nhìn lại những chặng đường quá khứ mà mình đã đi qua, kể lại cho Ambrosio nghe xen lẫn với những nhận xét, đánh giá và phơi bày những cảm xúc cứ đan xen lẫn lộn trong nội tâm của mình dọc theo những chặng đường đời ấy.

Đầu tiên, trong những năm tháng Santiago học tại trường Đại học San Marcos, những năm tháng mà anh nhận xét là “cách mạng, tình bạn, ghen tị, đố kỵ, tất cả, tất cả trộn lẫn” ấy, trong anh chàng sinh viên Santiago Zavalita thường xuyên nảy sinh những xúc cảm đan xen lẫn lộn: vừa vui thích lại vừa có chút ganh tị trong mối quan hệ giữa ba người (Santiago – Aída – Jacobo):

“Chúng tôi thấy cùng những điều quan trọng như nhau, chúng tôi ghét cùng một thứ, và chúng tôi chưa bao giờ đồng ý về bất cứ điều gì”, Santiago nói. “Như thế cũng thích”

“Vậy tại sao hồi đó cậu cay đắng thế”, Ambrosio hỏi. “Có phải vì cô gái”

“Tôi không bao giờ gặp cô ấy một mình”, Santiago nói. “Tôi không cay đắng; thỉnh thoảng con sâu nhỏ cồn cào một chút trong dạ dày, thế thôi” [17, tr.108]

Santiago chia sẻ với Ambrosio những suy nghĩ của mình về Jacobo: “Anh ta là bạn tốt nhất của tôi…Tôi ghét anh ta nhưng đồng thời tôi mến và cảm phục anh ta” [17, tr.109].

Đó là trong mối quan hệ với các bạn đồng khóa và cũng là đồng chí của anh trong tổ chức Đảng Cahuide, còn trong những sinh hoạt chính trị, Santiago hoàn toàn không có niềm tin và luôn luôn hoài nghi những gì mình đang đeo đuổi.

Tiếp theo sau đó, Santiago kể cho Ambrosio nghe về quá trình chính mình làm cuộc đời mình trở nên “khốn khổ khốn nạn”: từ chỗ là một chàng sinh viên say mê hoạt động chính trị trong những năm tháng ở đại học San Marcos (dù thiếu niềm tin) đến khi trở thành một nhà báo vô danh ngày ngày viết những trang xã luận tẻ nhạt cho tờ La Crónica, sống một cuộc sống chật vật cùng với cô vợ y tá Ana trong một khu chung cư tí hon. Không hoài bão, không lý tưởng, chàng thanh niên vỡ mộng Santiago kéo lê cuộc đời mình về phía trước một cách không có ý thức. Santiago đã chua chát nhìn lại cuộc đời mình :

“Luôn luôn nói dối, luôn luôn giả vờ…Ở trường luyện thi, ở nhà, trong khu phố, trong nhóm nghiên cứu, trong Đảng, ở La Crónica…Cả đời tôi sống toàn làm những điều mình không tin, cả đời tôi sống giả vờ…Và cả đời tôi muốn tin vào một điều gì, và cả đời tôi là một sự dối trá, tôi không tin vào một điều gì” [17, tr.118]

Với ngôi thứ nhất tự thuật, Santiago đã thổ lộ và sẻ chia với Ambrosio, với Carlitos và cũng là với độc giả tất cả những nỗi niềm sâu kín trong lòng mình với rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Cũng trong cùng tuyến truyện khung với 296 câu đối thoại giữa Santiago và Ambrosio, nhân vật Ambrosio cũng kể cho Santiago về tất cả mọi chuyện xảy ra trong quá khứ nhưng lại né tránh một sự thật mà Santiago muốn biết đó là mối quan hệ đồng tính bí mật với cha của Santiago – ông Don Femin – và việc mình chính là kẻ giết người năm xưa đã gây ra cái chết cho Nàng Thơ – Hortensia.

Mặc dù cũng được kể từ ngôi thứ nhất nhưng cuộc trò chuyện của các nhân vật sau đây không thuộc tuyến truyện khung mà chỉ là những tuyến truyện con được hình thành do hệ quả của sự phân rã cốt truyện:

+ Ambrosio kể cho Don Femin về lai lịch của Don Cayo, về người cha của mình – Trifulcio, về bộ ba Ambrosio – Hipolito – Ludovico và những công việc mà họ được giao như: chuẩn bị cho một cuộc mít tinh ở Plaza de Armas hôm hai mươi bảy tháng Mười hay dẹp loạn ở quảng trường Povenir.

+ Ambrosio còn kể cho Don Femin nghe về những trò ma mãnh mà Lozano đã giở ra để thu tiền ở các ổ hút và nhà thổ và tâm sự với Don Femin về sự chán chường trong những ngày làm tài xế cho Don Cayo. Và thật là một thiếu sót lớn nếu chúng ta bỏ qua cuộc trò chuyện đặc biệt giữa Ambrosio và cô gái điếm Queta trong căn phòng số 12 ở quán mụ Ivonne. Trong căn phòng tối tăm, chật chội và hôi hám đó, Ambrosio đã tìm đến gặp Queta và chia sẻ với cô những điều bí mật mà anh luôn giấu kín, ngay cả với Amalia, vợ anh: đó là mối quan hệ đồng tính giữa anh và ông chủ của mình, Don Femin.

Và cuối cùng, từ ngôi thứ nhất, nhân vật Ludovico kể cho Ambrosio nghe về vụ bạo loạn ở Arequipa, nhờ vậy mà Ambrosio mới biết rằng cha mình – Trifulcio – đã chết trong vụ bạo loạn ấy, ở Rạp hát Thành Phố.

Như vậy, với chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến tác giả để cho nhiều nhân vật xưng “tôi” đứng ra kể lại rất nhiều câu chuyện. Những chủ thể trần thuật này cũng là những nhân vật trong truyện, họ vừa đóng vai trò người dẫn truyện trong tác phẩm vừa là thành viên trong hệ thống nhân vật tham gia vào các tình huống, diễn biến của truyện. Nhân vật “tôi” giữ vai trò chủ chốt bên trong của câu chuyện và điểm nhìn của “tôi” giữ vai trò định hướng cố định cho độc giả.

Như vậy, “tôi” có thể kể chuyện về mình, có thể không. Chủ thể trần thuật khi giữ vai trò là người quan sát các nhân vật khác thì anh ta chỉ kể lại những gì nghe và thấy được, từ đó thuật lại theo quan điểm chủ quan của mình. Do vậy, điểm nhìn của tuyến truyện được kể bằng ngôi thứ nhất tự thuật này bị giới hạn vào điểm nhìn của nhân vật “tôi”. Trong dạng thức trần thuật ngôi thứ nhất trong Trò chuyện trong quán La Catedral, chúng ta bắt gặp trường hợp nhiều chủ thể trần thuật xưng tôi tự kể về chuyện của mình, tự bộc lộ những tình cảm, chiêm nghiệm, suy tư của mình trước cuộc đời, thế thái nhân tình. Cũng có khi chủ thể trần thuật là người chứng kiến hoặc nghe kể về cuộc đời, số phận của một ai đó và kể lại cho độc giả. Cũng có khi chủ thể trần thuật vừa là người kể chuyện, vừa là một nhân vật tham gia vào các sự kiện, biến cố đang được nói tới.

Với ngôi thứ nhất xưng tôi theo điểm nhìn đa tuyến, điểm nhìn được di động liên tục từ nhân vật này sang nhân vật khác, trong đó đóng vai trò trung tâm và kết nối tất cả chính là điểm nhìn của Santiago và Ambrosio do cuộc trò chuyện giữa họ đóng vai trò là cái khung chính kết nối mọi tuyến truyện trong tác phẩm và do mối quan hệ của họ với hầu hết các nhân vật khác trong tác phẩm.

Điểm nhìn đa tuyến với nhiều câu chuyện được kể từ đã gia tăng tính khách quan cho ngôi kể thứ nhất vốn mang đậm dấu ấn chủ quan của người trần thuật. Điểm chung của người kể các câu chuyện trên là họ đều trực tiếp tham

gia vào tình tiết, sự kiện mà họ kể và đều xuất phát từ điểm nhìn bên trong và kể lại câu chuyện một cách chủ quan. Mỗi chủ thể tự sự trong một câu chuyện góp phần tạo nên tính đa thanh cho tác phẩm.

Với cách kể chuyện ngôi thứ nhất, tác giả có thể hoàn toàn hóa thân vào nhân vật. Và lúc này ngôn ngữ của tác giả chính là ngôn ngữ nhân vật, khiến cho khoảng cách giữa tác giả và nhân vật không còn. Ranh giới giữa nhà văn và nhân vật được rút ngắn lại đến mức gần nhất. Chính sự hóa thân đó đã khiến cho nhà văn vừa khám phá được chiều sâu bí ẩn trong tâm hồn để từ đó phác họa hình ảnh các nhân vật một cách hiện thực và sống động với những biến thái tinh vi của tâm trạng con người, vừa thể hiện được những tư tưởng, tình cảm, những quan niệm của mình về cuộc sống.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, với chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất xưng tôi theo điểm nhìn đa tuyến, tiểu thuyết đã mang đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật, cung cấp cho người đọc nhiều tình tiết, sự kiện, hé lộ nhiều bí mật...Từ những tuyến truyện được kể bởi ngôi kể này, Vargas Llosa đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều mảnh ghép khác nhau về nhiều giai đoạn trong cuộc đời nhân vật, từ đó, sau khi ráp nối chúng lại với nhau, chúng ta có sẽ có được một cái nhìn toàn vẹn và đầy đủ hơn từ đó cũng góp phần làm cho câu chuyện chân thực và khách quan hơn.

Những dạng thức trần thuật như vậy đã từng bắt gặp trong một số những tiểu thuyết khác cùng thời. Tuy nhiên Mario Vargas Llosa đã có một sự cách tân đáng kể: nhà văn không chỉ hóa thân vào nhân vật của mình mà còn dùng sự hỗ trợ của ngôi thứ ba để gia tăng tính khách quan cho câu chuyện được kể.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa (Trang 61 - 65)