8. Cấu trúc của khóa luận
2.1.1. Im lặng thể hiện sự đồng tình
Im lặng thể hiện sự không đồng tình của nhân vật giao tiếp chúng tôi thống kê được 8 trường hợp ở tác phẩm của Nam Cao, trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là 4 trường hợp.
Xét ví dụ:
“Có lần tôi ái ngại quá, bảo anh:
- Ốm quá thế thì đắp chiếu nằm nhà mà nghỉ có hơn không? Mình ốm nỡ ai nói?
Anh lắc đầu, nói như người chực khóc:
- Đã đành, ốm thì chắc người ta cũng phải cho mình nghỉ. Nhưng một lần, hai lần còn được, chứ nay ốm, mai ốm thì coi sao tiện? Người ta thuê mình cho mình làm chứ không phải để mình đắp chiếu nằm như bố già người ta. Thiệt đến người ta thì người ta phải xót…Vả lại mình ăn cơm, lấy công của người ta, mình phải nghĩ.
Tôi chỉ chép miệng, không còn biết nói sao.”
(“Điếu văn”, Nam Cao).
Đoạn thoại trên được thêm vào phần giải thích hành động của nhân vật “tôi”: “Tôi chỉ chép miệng, không còn biết nói sao”. Ở đây, không phải người nói có ý kết thúc cuộc thoại (chẳng hạn thấy không có gì đáng nói tiếp thì im lặng để từ đó tiếp tục chuyển hướng đề tài của cuộc thoại). Sự im lặng lúc này là có lí do: nhân vật “tôi” cảm thấy lời người bạn nói là đúng. Vì vậy, việc người bạn dù ốm nhưng vẫn đi làm là hợp lí. Vấn đề là ở chỗ nhân vật “tôi” không muốn người bạn đi làm, vì anh thương bạn. Song trước lí lẽ sắc
bén của bạn thì nhân vật “tôi” đành phải chấp nhận sự lựa chọn của bạn. Cho nên, dù đồng tình với ý kiến của bạn, nhân vật “tôi” miễn cưỡng “không còn biết nói sao”, mà chỉ chép miệng. Dù không nói ra, nhưng sự im lặng cũng giúp người đọc hiểu được tình cảnh éo le mà người bạn nhân vật “tôi” gặp phải, cũng như sự ái ngại của nhân vật cho người bạn của mình, tình thương giữa những người bạn.
Trong “Bên đường chiến tranh” của Nguyễn Minh Châu cũng có
trường hợp im lặng để biểu hiện sự đồng tình, nhưng dấu hiệu để người đọc nhận biết sự im lặng của nhân vật thì bị lược bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, dựa vào ngữ cảnh, người ta vẫn xác định được đó là trường hợp im lặng trong thoại.
“Đêm hôm ấy, vào lúc gần sáng, người đàn bà đánh thức chồng dậy. Lần đầu tiên từ ngày lấy ông Phái, Hạnh âu yếm đặt một cái hôn lên môi chồng rồi nói: “Anh Phái ạ, em đã tính toán, nay mai em có thể thu xếp về dưới Thái công tác với anh được rồi!”
Ông Phái hết sức mừng rỡ:
- Còn ngôi nhà trên này, anh sẽ lại gọi người ta sang bán đi được rồi chứ? - Anh Thụy đang cần một chỗ trong thị xã để đặt trạm liên lạc, lại làm chỗ nghỉ cho bộ đội, - Hạnh bàn với chồng, - hay là chúng mình nhường ngôi nhà trên này cho đơn vị anh Thụy?”
Kết thúc cuộc thoại trên là câu hỏi của bà Hạnh mà không có câu trả lời của ông Phái. Nhưng, không cần biết lời đáp của ông Phái, người đọc cũng hiểu được ông đồng ý với đề nghị của vợ mình. Phải đặt cuộc thoại trên trong toàn bộ tác phẩm thì mới hiểu được điều đó. Tình cảm của bà Hạnh dành cho ông Thụy rất sâu đậm. Bà đã “bên đường chiến tranh” bao nhiêu năm trời chỉ để mong có ngày được gặp lại ông. Và nay gặp lại đã thỏa ý nguyện, không còn vướng bận, bà có thể toàn tâm toàn ý với ông Phái. Phải hiểu được sự thấu hiểu sâu sắc của ông Phái với vợ mình thì mới hiểu sự im lặng đồng tình
của ông Phái là điều tất yếu. Nhưng, sự im lặng ấy đa nghĩa. Nó có thể chứa đựng nhiều thái độ khác nhau của ông Phái. Ông đồng tình nhưng có thể hơi chạnh lòng, bởi trước sau bà Hạnh vẫn nặng lòng với ông Thụy (người yêu cũ của bà). Ta có thể suy ra được điều đó bởi thái độ “hết sức mừng rỡ” của ông khi bà Hạnh nói sẽ về dưới Thái cùng ông. Ông nghĩ có thể bán ngôi nhà đang ở cho người ta. Nhưng dự định của bà Hạnh thì hoàn toàn ngược lại, bà muốn nhường ngôi nhà cho đơn vị ông Thụy. Hoặc có thể ông Phái đồng tình và hiểu được rằng bà Hạnh đã dứt bỏ được gánh nặng của tình xưa nghĩa cũ mà toàn tâm với ông. Có lẽ hiểu theo cách thứ hai thì hợp lí hơn đối với một người chồng vị tha, giàu đức hi sinh, thủy chung như ông Phái.