Khái niệm, phân loại chi phí sản xuất

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường kiểm soát chi phí sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Trang 25 - 27)

a/ Khái niệm chi phí và chi phí sản xuất

Chi phí có thể hiểu là giá trị của một nguồn lực bị tiêu dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một tổ chức để đạt được một mục đích nào đó. Bản chất

của chi phí là phải mất đi để đổi lấy một kết quả. Kết quả có thể dưới dạng vật chất như sản phẩm, tiền, nhà xưởng,… hoặc không có dạng vật chất như kiến thức, dịch vụ được phục vụ,…

Chi phí sản xuất là toàn bộ chi phí có liên quan đến chế tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp trong một kỳ thời gian nhất định.

b/ Phân loại chi phí sản xuất

Phân loại chi phí sản xuất một cách khoa học và hợp lý là một yêu cầu quan trọng trong công tác quản lý và hạch toán chi phí sản xuất trong doanh nghiệp. Tùy theo yêu cầu của công tác quản lý và hạch toán chi phí mà có nhiều cách phân loại, nhưng có hai cách phân loại chủ yếu được sử dụng trong các doanh nghiệp là phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ với sản phẩm/dịch vụ và phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ với quá trình sản xuất.

Thứ nhất, phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ với sản phẩm/dịch vụ: theo góc độ này chi phí sản xuất được chia thành chi phí sản xuất trực tiếp và chi phí sản xuất gián tiếp bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: là chi phí của các loại nguyên liệu cấu thành nên thực thể của sản phẩm và có thể nhận diện mức sử dụng một cách tách biệt cho từng sản phẩm và được tính thẳng cho từng đơn vị sản phẩm.

Chi phí nhân công trực tiếp: là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản trích theo lương của công nhân trực tiếp sản xuất. Chi phí nhân công trực tiếp, giống như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, có thể nhận diện cho từng sản phẩm dựa trên định mức hao phí lao động cho từng sản phẩm nên cũng được tính thẳng cho từng sản phẩm.

Chi phí sản xuất chung: gồm chi phí vật liệu gián tiếp và chi phí nhân công gián tiếp. Chi phí nhân công gián tiếp là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản trích theo lương của bộ phận nhân viên làm việc ở khâu trực tiếp sản xuất, cần thiết cho hoạt động sản xuất nhưng không trực tiếp sản xuất sản phẩm, như

quản đốc phân xưởng, nhân viên bảo trì,…Chi phí vật liệu gián tiếp gồm chi phí của các loại vật liệu cấu thành sản phẩm nhưng giá trị nhỏ và không thể xác định tách biệt cho từng đơn vị sản phẩm.

Ngoài chi phí vật liệu gián tiếp và chi phí nhân công gián tiếp, chi phí sản xuất chung còn bao gồm nhiều khoản mục chi phí khác cần thiết cho hoạt động sản xuất như chi phí khấu hao máy móc thiết bị, nhà xưởng, chi phí điện, nước, chi phí bảo hiểm, chi phí của thời gian ngừng sản xuất và chi phí phụ trội thanh toán cho lao động trực tiếp về khoản thời gian làm thêm giờ ngoài số giờ định mức,…

Thứ hai, phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ với quá trình sản xuất: theo góc độ này chi phí sản xuất được chia thành chi phí ban đầu và chi phí chuyển đổi.

Chi phí ban đầu gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp. Chi phí ban đầu phản ánh mức chi phí chủ yếu gắn liền với sản phẩm, là cơ sở để tính toán chi phí và giá bán cho những đơn đặt hàng ngoài kế hoạch khi lượng tiêu thụ kế hoạch đã vượt qua điểm hòa vốn.

Chi phí chuyển đổi gồm chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Chi phí chuyển đổi phản ánh mức chi phí cần thiết để chế biến nguyên vật liệu thành thành phẩm, là cơ sở để tính toán lượng chi phí cần thiết để chế biến một lượng nguyên liệu sẵn có thành thành phẩm.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường kiểm soát chi phí sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w