Xâm phạm bí mật kinh doanh của ngân hàng khác

Một phần của tài liệu pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (Trang 40 - 42)

Vấn đề xâm phạm bí mật kinh doanh đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm do nhiều yếu tố. Trong đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt nên các đối thủ chắc chắn không hề muốn chia sẽ thông tin cho nhau. Hơn nữa, khi mà người lao động có quyền tự do lựa chọn và thay đổi nơi làm việc, sẽ có khả năng rất cao là họ mang theo thông tin đến nơi làm việc mới mà thông thường là các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp cũ. Cuối cùng, bản thân các thông tin bí mật không phải là giải pháp kỹ thuật nên không thể nào bảo hộ được dưới danh nghĩa sáng chế và cũng không thể giải trình công khai để đăng ký bảo hộ do tính bảo mật của thông tin. Trong tương lai, khi mà trình độ khoa học- kĩ thuật của đất nước ngày càng phát triển hơn nữa và các tiến bộ khoa học – kĩ thuật này được áp dụng vào hoạt động thương mại thì tình trạng xâm phạm các bí mật kinh doanh sẽ trở nên phổ biến và bức xúc hơn.

Bí mật kinh doanh bao gồm những thông tin, nhưng không phải là những hiểu biết thông thường phát sinh trong kinh doanh và đem lại cho chủ sở hữu những lợi ích nhất định. Vì lí do đó mà người chủ sở hữu luôn dành cho nó một sự bảo vệ đặc biệt để tránh bí mật bị tiết lộ và một khi đã bị tiết lộ thì bí mật kinh doanh cũng có thể sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình thế đầy rủi ro bởi tính quyết định của nó.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 cũng như các văn bản có liên quan cho đến hiện tại vẫn chưa đưa ra những khái niệm cụ thể về vấn đề xâm phạm bí mật kinh doanh trong hoạt động của một ngân hàng là như thế nào. Về cơ bản vẫn áp dụng pháp luật dựa theo các quy định được nêu trong Luật cạnh tranh 2004.

Khoản 10 điều 3 Luật cạnh tranh 2004 đưa ra khái niệm về bí mật kinh doanh như sau:

“Bí mật kinh doanh là thông tin có đủ các điều kiện sau đây: a) Không phải là hiểu biết thông thường;

b) Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;

c) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

Với bí mật kinh doanh, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật. Những hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh bao gồm: Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các

biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó; Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh; Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó; Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm”26.

Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, những vấn đề như: sở thích và yêu cầu của khách hàng, hồ sơ khách hàng, kế hoạch tiếp thị và kinh doanh, các chiến lược quảng cáo, các kết quả nghiên cứu thị trường, các kế hoạch và phương pháp thu hút khách hàng… được hiểu như là bí mật kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, các hành vi cố ý tiếp cận, tiết lộ, sử dụng giá trị của các vấn đề nêu trên trái với ý muốn của chủ sở hữu nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng mình được xem như hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng, các hành vi đó có thể bao gồm: tiết lộ những thông tin thuộc bí mật kinh doanh của ngân hàng khác mà không được sự cho phép; phá hệ thống bảo mật của ngân hàng khác nhằm chiếm đoạt những thông tin bảo mật của ngân hàng; lừa gạt, mua chuộc, lợi dụng lòng tin của nhân viên bảo mật làm trong ngân hàng đối thủ nhằm thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của ngân hàng này; thâm nhập hệ thống thông tin bảo mật của cơ quan nhà nước để chiếm đoạt thông tin của ngân hàng khác nhằm làm lợi cho mình.

Mặc dù đã có cách xác định bí mật kinh doanh theo quy định Luật cạnh tranh, nhưng khái niệm về bí mật kinh doanh cũng như những đặc điểm nhận dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng lại còn rất chung chung, mơ hồ chưa có các quy định cụ thể. Điều đó có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, chẳng hạn như kết quả khảo sát ý kiến của khách hàng hoặc các thông tin về sản phẩm dịch vụ mới vẫn có thể được doanh nghiệp xem là bí mật kinh doanh của mình. Chính thực tế này đem lại nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Khác với Việt Nam, pháp luật ở các nước mà nền kinh tế phát triển mạnh thường quy định khá rõ

26

ràng về vấn đề bí mật kinh doanh. Ví dụ như theo khoản 4 Điều 1 Luật bí mật thương mại hợp nhất của Mỹ năm 1979, đã giải thích khá tương đối cụ thể khái niệm bí mật thương mại, thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế cụ thể là “Bí mật thương mại là các thông tin bao gồm công thức, hình mẫu, sưu tập các thông tin, chương trình, phương sách, biện pháp, công nghệ hoặc quy trình”27. Chính sự bỏ ngỏ trong các quy định của pháp luật đặt ra một yêu cầu thực tế là khi một tranh chấp phát sinh, điều đầu tiên phải làm là cần xác định xem những thông tin tranh chấp có phải là bí mật kinh doanh hay không. Việc này có ý nghĩa quyết định ở chỗ nó sẽ xác định có hay không có hành vi xâm phạm xảy ra.

Quy định pháp luật đã đặt ra cho chủ sở hữu bí mật kinh doanh quyền lợi và cũng là nghĩa vụ “tự bảo vệ” những thông tin của mình. Pháp luật chỉ can thiệp khi nào tranh chấp phát sinh, khi đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định những thông tin mà chủ sở hữu đang nắm giữ và cho rằng quyền sở hữu của mình đang bị xâm phạm có phải là bí mật kinh doanh hay không trên cơ sở người chủ sở hữu này có nghĩa vụ chứng minh những thông tin của mình thỏa mãn ba điều kiện mà Luật cạnh tranh quy định. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh có xu hướng tăng và ngày càng tinh vi, bên cạnh đó ảnh hưởng của nó là không nhỏ đối với lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có các văn bản chuyên ngành điều chỉnh vấn đề này, tạo thuận lợi cho quá trình kiểm soát và xử lí hành vi.

Một phần của tài liệu pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (Trang 40 - 42)