Hành vi mang tính chất chỉ dẫn gây nhầm lẫn

Một phần của tài liệu pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (Trang 37 - 40)

Theo pháp luật Việt Nam, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn được hiểu là chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.

Khoản 1 Điều 39 Luật cạnh tranh 2004 đề cập đến hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn và được làm rõ hơn tại Điều 40 như sau:

“1. Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh;

2. Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn này”. Từ những quy định này có thể rút ra một số đặc điểm nhận dạng hành vi như sau25:

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi phải là "doanh nghiệp". Tuy nhiên, không đồng nghĩa hoàn toàn với khái niệm "doanh nghiệp" được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp, hiểu theo nghĩa của Luật cạnh tranh 2004, rộng hơn so với Luật doanh nghiệp 2005. Cụ thể tại Điều 4 khoản 1 Luật doanh nghiệp 2005 quy định “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” và Điều 2 khoản 1 Luật cạnh tranh 2004 thì quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh

25

TS. Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, ThS. Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, Nxb Tư pháp, 2006, tr 134 -137.

nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam” .Theo đó, doanh nghiệp trong Luật cạnh tranh 2004 không chỉ bao gồm các tổ chức kinh doanh như quy định của Luật doanh nghiệp 2005, mà còn bao gồm cả cá nhân kinh doanh, trong đó gồm cá nhân có đăng ký kinh doanh và cá nhân không có đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, đối tượng của hành vi xâm phạm là các chỉ dẫn thương mại của hàng hóa dịch vụ. Các chỉ dẫn thương mại có thể là tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý… có trên sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Với việc đưa ra quy định dưới dạng các quy phạm cấm đoán, Luật cạnh tranh 2004 không đưa ra định nghĩa hay các dấu hiệu để nhận dạng các đối tượng bị xâm phạm này, do đó, phải sử dụng phối hợp các quy phạm định nghĩa trong các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan để từ đó có cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng. Hiện nay, định nghĩa về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bao bì hàng hóa được ghi nhận trong Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 về nhãn hàng hóa; các đối tượng còn lại là biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh và kiểu dáng bao bì hàng hóa được ghi nhận tại mục (ii), (iii), (iv) điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 của Bộ khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 97/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Còn các chỉ dẫn chứa đựng các thông tin gây nhầm lẫn về “các yếu tố khác” được đề cập trong Luật cạnh tranh 2004 chưa có quy định giải thích cụ thể.

Thứ ba, mục đích cuối cùng của các doanh nghiệp thực hiện hành vi là gây ra sự lầm tưởng cho khách hàng, khiến họ nhầm lẫn giữa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khác và thu lợi từ đó. Điều này chẳng khác gì “bóc lột” thành quả lao động của người khác một cách bất lương và bất hợp pháp. Rõ ràng, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, xâm phạm đến quyền tự do được lựa chọn của họ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp là nạn nhân của hành vi xâm phạm.

Để xác định doanh nghiệp vi phạm có sử dụng những chỉ dẫn chứa đựng các thông tin làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác hay không cần làm rõ một số vấn đề. Đầu tiên là xác định doanh nghiệp đã bị xâm phạm, nghĩa là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp vi phạm đã gây nhầm lẫn với sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp nào. Tiếp theo là xác định khả năng có thể gây nhầm lẫn của các chỉ dẫn thương mại vi phạm. Theo luật cạnh tranh, khả năng gây nhầm lẫn là khả năng làm sai lệch nhận thức của khách hàng, khiến

cho họ không thể phân biệt đâu là sản phẩm mà họ muốn mua và đâu là sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn. Vấn đề được đặt ra ở đây là căn cứ vào đâu để xác định được mức độ khác biệt giữa các chỉ dẫn thương mại đó. Với sự bỏ ngỏ của Luật cạnh tranh, những người áp dụng pháp luật phải dựa trên những hiểu biết thực tiễn của mình mà tính toán cho được sai số của sự khác biệt trên có nằm trong khoản hợp lí, hay đã vượt mức đó, đã đủ khả năng gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn đều là cạnh tranh không lành mạnh. Chúng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh một khi thỏa mãn các điều kiện về chủ thể cạnh tranh, vì mục đích cuối cùng là cạnh tranh một cách bất chính, xâm phạm đến đối thủ cạnh tranh cụ thể trong cùng một thị trường hàng hóa, dịch vụ hay thị trường liên quan. Như vậy, sẽ có những hành vi về mặt khách quan là xâm phạm chỉ dẫn thương mại, nhưng không xuất phát từ chủ thể cạnh tranh, không vì mục đích cạnh tranh, không nhằm và xâm phạm đến đối thủ cạnh tranh thì không bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh và trong trường hợp này hành vi đó có thể bị xử lí theo pháp luật về sở hữu trí tuệ do xâm phạm đối tượng chỉ dẫn thương mại do luật này bảo hộ.

Đối với lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, tiêu chí uy tín và niềm tin được đặt lên hàng đầu. Các bên tham gia thỏa thuận, ký kết hợp đồng, chọn lựa loại hình dịch vụ ngân hàng đều dựa trên uy tín và niềm tin. Khi mà uy tín và niềm tin bị các hành vi cạnh tranh không lành mạnh phá hủy sẽ dẫn đến một hệ quả cuối cùng là đối thủ cạnh tranh bị loại khỏi thị trường. So với sự cạnh tranh giữa các loại hình doanh nghiệp khác thì hành vi cạnh tranh mang tính chất này giữa các ngân hàng có tính nguy hiểm cao hơn rất nhiều, bởi lẽ uy tín và lợi ích của mỗi ngân hàng có tác động trực tiếp đến lợi ích của nhiều chủ thể trong xã hội như người gửi tiền vào ngân hàng, người vay tiền của ngân hàng, các ngân hàng khác và thậm chí là cả hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Lấy ví dụ như đối với tên gọi của một ngân hàng, nhưng tên gọi này trong nhận thức của khách hàng đi đôi với nguồn lực tài chính, chất lượng phục vụ, thành quả đầu tư của ngân hàng và niềm tin của khách hàng. Trong trường hợp đó, những thông tin gây nhầm lẫn gắn với tên gọi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động của ngân hàng. Cụ thể những hành vi mang tính chỉ dẫn gây nhầm lẫn có thể gây hiểu lầm đó là: Sử dụng tên gọi, logo, chỉ dẫn địa lý để gây nhầm lẫn với các tổ chức tín dụng nước ngoài, khiến khách hàng lầm tưởng dịch vụ đó do tổ chức tín dụng nổi tiếng cung cấp; Cung cấp thông tin sai sự thật về nguồn lực tài chính, về các chiến lược trong tương lai với các đối tác có uy tín hay nổi tiếng như việc đối tác nước ngoài ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ hay mua cổ phần…khiến cho khách hành lầm tưởng vào khả năng kinh doanh của ngân hàng.

Như vậy, cho đến hiện nay, để xem xét hành vi mang tính chất chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong hoạt động ngân hàng ta chỉ có thể dựa trên nền tảng cơ bản là các quy định của Luật cạnh tranh 2004 kết hợp với các kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, hành vi này ảnh hưởng khá lớn đến quá trình hoạt động ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng, do vậy cần thiết có các quy định chi tiết giúp nhận dạng các hành vi và đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính trên thương trường, tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Một phần của tài liệu pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (Trang 37 - 40)