CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP LIÊN KẾT VÙNG NHẰM THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀ
4.1. Định hướng thu hút FDI của Vùng KTTĐ miền Trung
Xuất phát từ thực tiễn thu hút FDI của Vùng, trong những năm tới, việc thu hút FDI cần thực hiện dựa trên những định hướng như sau:
Một là, cần chú trọng đến chất lượng và định hướng của dòng vốn. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu; tạo việc làm cho người lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ; các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Khuyến khích thu hút vào ngành công nghiệp phụ trợ, ngành du lịch, y tế, giáo dục–đào tạo, dịch vụ giải trí, các dự án đầu tư công nghệ sinh học, dự án đầu tư công nghệ chế biến thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Kết hợp đảm bảo môi trường và có tác động lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác trong vùng.
Hai là, phối kết hợp giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư của Chính phủ với các địa phương trong Vùng, tăng cường liên kết vùng. Việc phối kết hợp này sẽ khiến cho
công tác xúc tiến và thu hút FDI trong khu vực được tiến hành theo một hướng thống nhất, tránh việc lãng phí do chồng chéo cũng như tiết kiệm được nguồn lực. Bên cạnh đó, các địa phương trong toàn Vùng cần phối hợp xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng có hiệu quả dòng vốn FDI, lồng ghép chiến lược này vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và của cả nước phù hợp với từng giai đoạn, cũng như gắn liền với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chiến lược này phải giải quyết các vấn đề như: quy hoạch tổng thể các ngành, lĩnh vực thu hút FDI, đặt ra ưu tiên cho việc thu hút
FDI đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong Vùng, tránh những vấn đề bất cập trong phân cấp đầu tư, tránh sự manh mún và tản mạn trong xúc tiến đầu tư trong Vùng, kết hợp có hiệu quả dòng vốn FDI với vốn ODA và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ba là, chú trọng vào các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và EU.
Song song với việc thu hút dòng vốn FDI từ các thị trường mới , cần định hướng thu hút vốn FDI từ những nước có công nghệ nguồn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vào Vùng, để có thể đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt cần có những chính sách xúc tiến và thu hút FDI từ những công ty đa quốc gia và những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, vì những công ty và tập đoàn này sử dụng và chuyển giao các công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, thêm vào đó các tập đoàn này còn giúp đào tạo nguồn nhân lực với kĩ năng cao, có thể giúp các địa phương trong Vùng kết nối mạng lưới sản xuất, thị trường và nghiên cứu triển khai toàn cầu của họ; các công ty và tập đoàn kinh tế hàng đầu thường thực hiện những dự án với giá trị vốn lớn, giúp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong Vùng nắm bắt được những xu hướng và sản xuất kinh doanh đang diễn ra trên toàn cầu, những dự án đầu tư của các công ty và tập đoàn hàng đầu thường có tính khả thu cao và thực hiện nhanh chóng.
Bốn là, các doanh nghiệp trong Vùng cần tận dụng những lợi ích lan tỏa từ việc thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn, bằng cách
xây dựng chiến lược phát triển để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty này trên thị trường thế giới, cũng như trong nước với tư cách là nhà thầu phụ, nhà cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra, cung ứng nguồn lao động, đặc biệt là lao độngcó chất lượng cao. Chính phủ và chính quyền các địa phương trong Vùng cũng cần có những chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, kể cả trong việc liên doanh với nước ngoài.
Đi kèm với các chính sách thu hút đầu tư, cần tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác vận động và xúc tiến đầu tư chú trọng đối tác chiến lược, cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh của khu vực đối với các nhà đầu tư quốc tế. Cùng với việc tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về môi trường đầu tư chung tại các địa bàn và đối tác đã được nghiên cứu, qua các kinh nghiệm đầu tư, cần tăng cường vận động trực tiếp các tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án cụ thể. Có thể nói hướng thu hút đầu tư có hiệu quả nhất của Việt Nam nói chung và khu vực nói riêng là vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành có sử dụng nhiều nhân công, các ngành chế biến và lắp ráp. Đặc biệt cần đẩy mạnh thu hút FDI đầu tu các các ngành sử dụng nhiều nhân công vì giá nhân công thấp là điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam.