Liên kết vùng trong phát triển dịch vụ du lịch nhằm thu hút FD

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp liên kết vùng nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Trang 62 - 64)

KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG

2.3.1.4.Liên kết vùng trong phát triển dịch vụ du lịch nhằm thu hút FD

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với lợi thế chiến lược khi có tới 5/5 tỉnh thành giáp biển, đặc biệt là nơi tập trung nhiều bãi biển đẹp nhất ở miền Trung, đang nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đặc biệt ba Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được xác định là một khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong Chiến lược và Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đóng góp của du lịch, dịch vụ vào tăng trưởng GDP lên tới hơn 50% với tốc độ tăng cũng luôn trên mức 10% mỗi năm. Đây được coi là nguồn thu ngân sách vô cùng lớn của địa phương cũng như đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của toàn vùng, đem lại cái nhìn lạc quan trong mắt các nhà đầu tư. Du lịch phát triển kéo theo sức hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào các lĩnh vực dịch vụ, nhà nghỉ khách sạn, khu vui chơi giải trí.

Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch từ châu Âu sang châu Á. Các tỉnh cần quan tâm đến vai trò được hưởng lợi từ sản phẩm du lịch của cộng đồng dân cư để tạo ra sự bền vững trong phát triển du lịch; tiến hành thành lập một quỹ xúc tiến du

lịch chung dưới sự điều phối của Ban chỉ đạo phát triển du lịch miền Trung. Một trong những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần gắn kết du lịch các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm tạo ra sản phẩm mang tính đồng bộ, độc đáo, phát huy được tiềm năng du lịch vùng. Trước hết, các tỉnh trong vùng cần nhận định được những nét khác biệt và nổi trội về du lịch của khu vực; từ đó xác định tập trung đầu tư sản phẩm du lịch chủ đạo nào của từng tỉnh để tránh trùng lặp, dàn trải; trên cơ sở đó triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch; đề ra những chính sách để liên kết phát triển du lịch; cách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Vấn đề mấu chốt đầu tiên là phải phát triển sản phẩm gắn liền với thị trường. Tỉnh nào cũng có tài nguyên biển nhưng cần xác định sản phẩm du lịch biển nào là trọng tâm. Chẳng hạn, với khu du lịch Bà Nà và bán đảo Sơn Trà, Ðà Nẵng có thể phát triển du lịch nghỉ mát kết hợp nghỉ dưỡng và du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch Quảng Nam nên theo hướng kết hợp tài nguyên biển với các di sản... Sau đó, cần phải chú trọng về liên kết sản phẩm như liên kết các di sản văn hóa tại Quảng Nam hình thành cụm các di sản văn hóa thế giới (Thành Nhà Hồ, Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn ..), Con đường di sản miền Trung. Bên cạnh đó còn hướng tới liên kết toàn vùng và các điểm du lịch trong và ngoài nước khác thông qua việc liên kết trong giao thông, cụ thể cảng hàng không Phú Bài hình thành các tuyến du lịch hàng không hấp dẫn kết nối cố đô Huế với các cố đô khác trong khu vực như Luông Prabăng (Lào), Ayutthaya (Thái Lan), Bagan (Myanmar) hoặc Tokyo (Nhật Bản) hay cảng Chân Mây kết nối Bắc Trung Bộ với các trọng điểm du lịch biển đảo khác của Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang hoặc Phú Quốc và tới các quốc gia khác trong khu vực; hay thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành trong khai thác khách quốc tế.

Hơn nữa, để xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch của vùng, vai trò của cấp chính quyền là đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ tổ chức các sự kiện như hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư, triển lãm.. và duy trì các trang thông tin điện tử nhằm tạo dựng hình ảnh toàn vùng như một điểm đến du lịch và đầu tư hấp dẫn. Các hoạt động xúc

tiến cần được triển khai đa dạng và thống nhất trên toàn vùng giúp các nhà đầu tư nước ngoài không những cần được thuyết phục về hình ảnh một điểm đến mới, mà còn cần được cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về các điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như những lợi thế so sánh của cả vùng đó. Việc tiếp cận nguồn thông tin chính xác, cập nhật mang lại những cơ hội đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ gián tiếp bằng cách cung cấp các điều kiện về cơ sở hạ tầng cơ bản cho các dự án du lịch, như đầu tư vào nguồn cung cấp nước, điện, giao thông, viễn thông và các công trình cấp thoát, xử lý nước. Tuy nhiên các chính sách này cần được xây dựng đồng bộ và thống nhất giữa các địa phương, tránh tình trạng địa phương nào cũng trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư, gây cạnh tranh lợi ích giữa các bên. Thêm vào đó, việc quy hoạch du lịch của toàn vùng nhằm dành ra những khu đất thu hút các dự án về du lịch là một trong những hoạt động mang tính xúc tiến có hiệu quả, sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài giảm được các chi phí đầu tư.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp liên kết vùng nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Trang 62 - 64)