2- Một số giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế làng nghề tỉnh Thái Bình.
2.10- Hoàn thiện môi trường thể chế, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.
- Rà soát và đánh giá lại hệ thống văn bản pháp lý đặc biệt là các văn bản dưới luật về công nghiệp nông thôn và làng nghề và việc thực hiện chúng ở cấp tỉnh, huyện, cũng như các ngành nghề chuyên môn từ đó phát hiện ra những chồng chéo mâu thuẫn bất hợp lý... Từ đó đề nghị nghiên cứu sửa đổi bổ xung hoàn thiện. Tiếp tục nghiên cứu soạn thảo để sớm ban hành và đi vào áp dụng hệ thống luật pháp và các văn bản hướng dẫn đối với các chủ trương chính sách áp dụng cho nông thôn và làng nghề nông thôn.
Trước mắt nghiên cứu và hoàn chỉnh tiêu chuẩn và quy định về làng nghề nông thôn, các chính sách đối với làng nghề, xã nghề đó là :
* Chính sách cơ cấu ngành nghề mặt hàng : Ưu tiên những ngành nghề có hiệu quả kinh tế xã hội cao như dệt may, thêu…những sản phẩm xuất khẩu.
* Chính sách về vốn: Dành sự ưu tiên cho kinh tế làng nghề từ các quỹ hỗ trợ đầu tư, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo khuyến công...
* Chính sách thuế: Giảm thuế cho các Doanh nghiệp mới thành lập, đầu tư thiết bị công nghệ mới...
* Chính sách đất đai: Ưu tiên giải quyết mặt bằng đất đai lâu dài, giá thuế ưu đãi, được thế chấp hoặc góp vốn liên doanh.
* Chính sách đào tạo: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, đào tạo khen thưởng, phong danh hiệu cho các nghệ nhân, người truyền nghề, du nhập nghề mới.
* Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp ở làng nghề trong việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường và các chương trình phúc lợi công cộng khác.
- Tập trung vào hoạch định mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung, nghề và làng nghề nói riêng. Xây dựng các chương trình du nhập nghề mới, xoá xã trắng nghề.
- Tổ chức lại và củng cố tăng cường bộ máy quản lý ngành nghề tiểu thủ công nghiệp từ tỉnh đến huyện. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các sở, ban ngành tránh chồng chéo, bổ xung và bố trí đội ngũ cán bộ tham gia quản lý sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Kết luận
Làng nghề nông thôn Việt Nam đã ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Làng nghề là nguồn sống của dân làng, là nét đẹp truyền thống văn hoá, bản sắc địa phương và dân tộc. Trong chiến lược công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước kinh tế làng nghề được khẳng định như một khu vực kinh tế độc lập, là một yếu tố tích cực được thừa nhận cả về mặt lý thuyết và thực tiễn. Nó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện xoá đói giảm nghèo, tăng cường phúc lợi cho người dân ở nông thôn... và như vậy kinh tế làng nghề được coi là hạt nhân của quá trình cơ cấu kinh tế và công nghiệp hoá nông thôn.
Qua việc nghiên cứu và khảo sát về tình hình hoạt động của kinh tế làng nghề Thái Bình như đã trình bày ở trên ta có thể rút ra một số kết luận sau :
- Kinh tế làng nghề có vai trò và vị trí quan trọng đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn ở Thái Bình nói riêng và đất nước nói chung. Đây cũng là một thế mạnh của Thái Bình cần được phát huy nhằm đóng góp vào quá trình tăng tốc về kinh tế của tỉnh giai đoạn 2001-2005.
- Trong nền kinh tế thị trường; kinh tế làng nghề nói chung đã có những bước phát triển mang tính tự phát trong thời gian vừa qua. Để khắc phục nhược điểm này việc vận dụng lý thuyết về phân tích chiến lược kinh doanh vào khu vực kinh tế làng nghề là một sự cần thiết. Trên cơ sở đó làm căn cứ cho những định hướng, những bước đi trong tương lai.
- Bằng việc áp dụng một số mô hình phân tích chiến lược (mô hình ma trận SWOT và Mc Kinsey). Luận án đã đưa ra các chiến lược và một số giải pháp cụ thể nhằm khôi phục và phát triển kinh tế làng nghề của tỉnh. Tuy nhiên vấn đề xây dựng chiến lược kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta còn mới mẻ (đặc biệt là ở Thái Bình). Đây là những bước đầu tiên của quá trình kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, chúng tôi tin tưởng rằng các nhà quản lý kinh doanh, các nhà quản trị sẽ đầu tư nghiên cứu và áp dụng vào tổ chức, đơn vị của mình./.