Ở các trường PTDTNT đối tượng đào tạo là con em các dân tộc thiểu số, con em các dân tộc định cư lâu dài ở các vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn. Phần lớn các em đều ngoan, biết nghe lời khuyên bảo dạy dỗ của thầy cô và người lớn tuổi. Chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất, ham thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động tập thể khác.
Hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn giáo dục
chưa phát triển. Năng lực nhận thức của học sinh không đồng đều, khả năng tư duy còn hạn chế, nhất là ở lớp 10. Một số ít chưa chăm chỉ học tập, chưa xác định động cơ học tập, đặc biệt là nhóm dân tộc rất ít người như: dân tộc Cống, Sila.
Các phong tục tập quán lạc hậu cũng có ảnh hưởng xấu nhất định đến nề nếp sinh hoạt của học sinh như: tác phong chậm chạp, thích uống rượu, hút thuốc lá, yêu và kết hôn sớm, không ham mê học văn hóa…..
Với đặc điểm đối tượng như trên đã cho thấy các em học sinh dân tộc khi hòa nhập với cuộc sống tập thể còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, nhiều mặt chưa có mục tiêu phấn đấu, đó chính là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến động lực học tập, rèn luyện của các em. Vì vậy ngoài việc đáp ứng yêu cầu quản lý HS nội trú, BLĐ, GV ở các trường PTDTNT còn phải đáp ứng được các năng lực khác như: có vốn hiểu biết về tâm lí, ngôn ngữ, phong tục, tập quán đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi địa phương các em sinh sống, biết khơi dậy cho các em lòng tự hào dân tộc và hướng phấn đấu đúng đắn. Giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đặc biệt việc giúp các em khắc phục, sửa chữa những phong tục tập quán, thói quen lạc hậu là điều gặp nhiều khó khăn. Điều đó đặt ra cho công tác quản lý hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh ở các trường PTDTNT phải phù hợp với đặc thù của trường nội trú, với công tác quản lý và giáo dục của nhà trường.