NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN, KẾT CẤU, NGÔN NGỮ
3.4.2. Độc thoại nội tâm – Những phức cảm tâm lý
Chủ nghĩa hậu hiện đại đề cao tính vô ngã trong sáng tạo. “Dấu ấn chủ
quan của tác giả càng đến gần hơn với “độ không của lối viết” thì tác phẩm càng có giá trị thuyết phục cao hơn” (Thế Thị Thùy Dương). Raymond Carver
không chỉ xây dựng những đoạn đối thoại rời rạc “không ai nghe ai”, đối thoại vô cảm - phá vỡ ngữ nghĩa mà còn tiến tới xây dựng câu văn lai ghép giữa đối thoại và độc thoại nội tâm. Độc thoại nội tâm cũng chiếm một số lượng không nhỏ trong truyện ngắn của Raymond Carver.
Độc thoại nội tâm là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lý bên trong; kiểu độc thoại thầm, mô phỏng hoạt
động suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó. Thủ pháp này được dùng rộng rãi trong truyện ngắn cực hạn của Raymond Carver. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm “Em làm ơn im đi, được không?”:
“Anh nhắm mắt lại. Anh lắc đầu, cố nghĩ ra một khả năng khác, những kết luận khác. Anh thật sự băn khoăn liệu anh có thể hồi tưởng lại đêm ấy cách đây hai năm và tưởng tượng ra chính anh đi vào bếp đúng lúc họ ra đến cửa, nghe giọng chính mình xúc động mạnh, ồ em không được đi đâu với gã Mitchell
Anderson đấy. Chẳng những hắn say mà hắn còn là một tài xế tồi tệ, và bây giờ em phải đi ngủ để thức dậy với Robert và Dorothea vào buổi sáng và dừng lại! Anh mở mắt. Cô đang lấy tay che mặt và khóc rưng rức.” [15;319]
Phần in nghiêng đậm chính là lời nói không thể cất thành lời của nhân vật. Xét về mục đích, đó là những lời đối thoại hướng về người vợ Marian nhưng xét theo bản chất, đó lại là dòng độc thoại nội tâm, cất lên từ những phức cảm tâm lí của nhân vật. Đó là điều anh muốn nói với vợ nhưng anh chỉ có thể nói ra trong chính suy nghĩ của mình mà thôi, câu nói vẫn mãi không được cất ra thành lời. Trong truyện ngắn “Ngài café và ngài sửa chữa” là lời độc thoại nội tâm của nhân vật “tôi”:“Tôi nghĩ có lẽ Myrna yêu gã kia thực lòng. Nhưng hắn cũng có
một thứ nho nhỏ bên cạnh – hai mươi hai tuổi tên Beverly. Một kẻ nhỏ con vận áo len cài khuy như Ngài Sửa chữa mà làm ăn thế cũng khá” [5;24]. Nhân vật
“tôi” đang tự độc thoại với suy nghĩ của chính mình về tình cảm của vợ với một
người tên là Beverly.
“Nếu như Hemingway hoài nghi “tính liên hoàn của ngôn ngữ” thì Carver còn đẩy xa hơn, hoài nghi chính ngôn ngữ, điều mà Hassan định danh là “sự phản ngôn ngữ của vô ngôn” hay Phan Thị Vân Thanh gọi là “ngôn ngữ trong hành trình đi đến sự câm lặng”” (7). Ngôn ngữ đang hủy diệt chính nó. Biểu
hiện cụ thể trong truyện ngắn của Carver không chỉ là cuộc thoại “không ai nghe ai”, sự phi lí của ngôn từ mà đó còn là những ngôn ngữ không bao giờ được cất thành lời. Ở truyện ngắn “Toa xe lửa”, cuộc hội thoại giữa hai cha con: “Có lẽ
nó sẽ nói một vài từ - Rất vui khi gặp bố. Chuyến đi thế nào? Và Myers sẽ nói một vài điều. Ông ta thực sự không biết ông ta sẽ nói những gì (…) Mẹ con thế nào? Ông có thể nói với con sau khi họ đi một đoạn ngắn từ nhà ga. Con có
nghe tin về mẹ không?” [22] tuy có đầy đủ các nhân tố người nói, người nghe và
lời trao đáp nhưng nó chỉ là một cuộc đối thoại ảo. Ngôn từ tuy được thiết lập nhưng không được sử dụng. Chủ thể của lời nói cảm thấy khó khăn khi phải tìm kiếm phát ngôn thể hiện tình trạng của mình.
Những dòng đối thoại, độc thoại lệch pha thể hiện rõ nét sự lưỡng phân giữa mong muốn và thể hiện. Nhân vật Carlyle: “Tôi không bao giờ muốn thấy khuôn
mặt cô lần nữa. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cô điều này, cô là con chó cái điên loạn”. Rồi một phút sau - “Hãy trở lại, em yêu, anh yêu em và cần em, các con cũng cần em.” (Cơn sốt) [22]. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Mình đang gọi từ đâu” cũng có những lần độc thoại nội tâm với chính mình: “Tôi nghĩ sẽ gọi cho cô bạn gái và khi quay số của nàng, tôi nhận thấy mình thực sự không muốn nói chuyện với nàng. Có lẽ nàng đang ở nhà xem cùng chương trình trên tivi như tôi đang xem. Dẫu sao, tôi không muốn nói chuyện với nàng. Tôi hi vọng nàng khỏe. Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, thì tôi cũng không muốn nói chuyện.” [22].
Vừa thế này, lại vừa thế khác, trạng thái nước đôi của nhân vật thể hiện trong mỗi con người luôn có sự phức hợp của nhiều cái “tôi”. Cái “tôi” lí trí tỉnh táo, cái “tôi” vô thức mê muội, cái “tôi” muốn xé cào, cái “tôi” muốn bảo toàn bản thể, cái “tôi” cô đơn, cái “tôi” kiêu ngạo… tất cả đều hiện tồn trong mỗi bản thể, khiến họ trở thành những con người đa phức, đa tính cách. Những phần bản thể ấy cứ tranh chấp nhau trong từng khoảnh khắc khiến cho nhân vật luôn ở trong tình trạng mắc kẹt.
Như vậy, Raymond Carver kiệm đến từng câu, từng chữ; người đọc có cảm giác văn chương của ông có độ nén và lược hóa ngôn từ, thông tin tối đa, vừa đủ để cho người kiên nhẫn đọc tác phẩm của ông hơn một lần có thể tạm giải mã được ý nghĩa tiềm ẩn sau đó. Nghĩa là đọc truyện của Raynond Carver không bao giờ đọc một lần nếu như muốn thực sự hiểu nó, nếu không sẽ có cảm giác chưa chạm được tới cái được biểu đạt đằng sau lớp vỏ ngôn từ có vẻ giản lược kia sẽ ám ảnh mãi người đọc. Đúng như lời nhận xét trên tờ Dallas Moring News: “ít
có nhà văn nào sánh được với phong cách và ngôn ngữ của Raymond Carver. Trong truyện của ông, tôi nghe được giọng những nhà kể chuyện khác mà tôi
hằng tin cậy: giọng kể và cách tả lôi cuốn của Chekhov, đối thoại “vòng đồng tâm” kiểu Hemingway…” [4;62]. Chính những vấn đề trên, Raymond Carver
xứng đáng là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ thế kỉ vừa qua. * *
*
Theo xu hướng chung của các sáng tác hậu hiện đại, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ trong truyện ngắn của Raymond Carver thể hiện đặc trưng của chủ nghĩa cực hạn. Truyện ngắn của ông có kiểu cốt truyện đa lớp, đơn giản, kiểu cốt truyện mà không có cốt truyện, ông chủ trương hủy bỏ cốt truyện truyền thống với những cái kết lửng lơ. Xây dựng kết cấu đa tuyến, phi trung tâm, tác giả không chỉ nói đến một nhân vật cụ thể mà khái quát lên nhiều nhân vật, nhiều số phận chung của con người trong xã hội đang cùng chung những nỗi đau và những bi kịch giống nhau. Ngôn ngữ lệch pha, kênh giao tiếp bị đứt gãy thể hiện sự chông chênh và đổ vỡ của nhân vật. Truyện của ông nói được nhiều nhất từ những cái ít nhất. Đây cũng là cách làm khá quen thuộc của các nhà hậu hiện đại. Tính chất “cực hạn” của các nhân vật trong truyện ngắn Raymond Carver được thể hiện rõ qua các phạm trù nghệ thuật như chúng tôi đã phân tích ở chương này.
KẾT LUẬN
Raymond Carver là một cây bút thành công với nhiều thể loại, đặc biệt là truyện ngắn. Ông là đại biểu xuất sắc của truyện ngắn hậu hiện đại Mỹ theo khuynh hướng chủ nghĩa cực hạn. Trang viết cực hạn của nhà văn trở thành một khuynh hướng tiêu biểu của truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, khai mở con đường sáng tạo cho rất nhiều những cây bút đương thời và hậu thế. Qua tìm hiểu kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver chúng tôi minh định rõ hơn về phong cách và đóng góp của ông.
Tìm hiểu về kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carever chúng tôi nhận thấy nhân vật của ông rất đa dạng và phong phú, tập trung vào phân khúc những người bình lưu trong xã hội. Ông đã rất thành công trong việc xây dựng các nhân vật có số phận bấp bênh, chịu nhiều tác động của nền kinh tế xã hội. Nhưng khác với các nhà hiện thực chủ nghĩa, Raymond Carver không chủ ý thế hiện những biến động đó tác động đến con người như thế nào mà là con người phải hứng chịu tất cả những điều đó ra sao. Tiếp cận với Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver, chúng tôi nhận thấy nổi bật các
vấn đề sau:
1. Nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver họ đều là những con người nhỏ bé, đơn độc bên lề cuộc sống, mờ nhạt, khiêm nhường. Họ bị chấn thương về vật chất và tinh thần nghiêm trọng, gây nên khủng hoảng và bi kịch. Nhân vật của Raymond Carver hầu hết đều cô đơn, họ mãi quẩn quanh, bế tắc trong cuộc sống, họ khát khao vượt thoát khỏi thực tại và đang trên hành trình kiếm hạnh phúc và bản thể. Vì cô đơn, vì chấn thương, bất lực trên con đường tìm kiếm bản thể nên trong truyện của Raymond Carver thường có những biểu hiện của sự nổi loạn, vượt thoát nhưng cuối cùng họ vẫn không thể thoát ra được, họ vẫn mãi vùng vẫy trong hố sâu do mình tạo ra. Đó là bi kịch của sự khủng hoảng mất niềm tin, lí tưởng, của nỗi cô đơn đến cùng cực và sự mất phương hướng trước cuộc đời, của sự day dứt ám ảnh.
2. Không gian và thời gian trong truyện ngắn của Raymond Carver cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cực hạn. Tính chất ám gợi thể hiện rõ qua các mảng không gian: không gian sinh hoạt nhỏ bé, ngột ngạt, tù túng; không gian thảm
họa của xã hội Mỹ với những bệnh viện, căn phòng khép kín; không gian trong tâm tưởng của nhân vật. Thời gian trong truyện của ông là những lát cắt đời thường, những phút giây của hồi tưởng, những khoảnh khắc nổi loạn, những phút giây vô thức hành động theo bản năng. Với không gian và thời gian đó một lần nữa khắc sâu thêm bi kịch của nhân vật, khởi nguồn từ cảm giác chông chênh về thân phận con người, về những mất mát và đổ vỡ trong cuộc sống. Họ muốn thoát ra khỏi những đổ vỡ, áp lực và bế tắc nhưng cuối cùng thứ họ nhận được cũng chỉ là hư vô.
3. Trong chương cuối chúng tôi tìm hiểu về cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ trong truyện ngắn của Raymond Carver. Truyện của ông có cốt truyện đa lớp, đó là những ví dụ hoàn hảo cho đặc tính của sự tối giản, thể hiện dấu ấn riêng của nhà văn. Phần lớn truyện của ông có kết cấu đa tuyến, song trùng nhiều tuyến truyện, những câu từ ngắn gọn nhưng phía sau đó thể hiện được nhiều vỉa tầng ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời và con người trong xã hội hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa trong sáng tác của ông cũng là một điểm nhấn mang màu sắc hậu hiện đại. Điển hình nhất cho phong cách cực hạn của Raymond Carver có lẽ là cách kết thúc để ngỏ, lửng lơ. Nhà văn để cho độc giả tự viết tiếp cho mỗi câu chuyện của mình, gợi cho người đọc sự tò mò và thôi thúc họ đọc tiếp tác phẩm.
Trong ba vấn đề mà chúng tôi đã trình bày ở trên, đi từ nội dung đến nghệ thuật, từ tổng quan đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể, đề tài đã góp phần làm nổi bật những đặc trưng cơ bản của nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver. Hi vọng với những gì đã làm trong khóa luận, chúng tôi sẽ góp thêm một tiếng nói vào hành trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver đang được quan tâm trên văn đàn hiện nay. Truyện ngắn của Raymond Carver đã thực sự đã giúp ông trở thành vị chủ soái của chủ nghĩa tối giản. Với những gì đã làm được, Raymond Carver đã chiếm được sự cảm phục của người đọc trong nước và thế giới trong suốt những năm qua.
Với khả năng của một sinh viên, khóa luận sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế trong lập luận, phát hiện điểm sáng nghệ thuật, khả năng khái quát vấn đề và bao quát tài liệu tham khảo. Người viết mong quý thầy cô và các bạn góp ý bổ sung.