Hành trình tìm kiếm hạnh phúc

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 27 - 29)

Một trong những cuộc hành trình dài của nhân loại là cuộc hành trình dài đi tìm hạnh phúc. Nhân vật của Carver – những con người phải thường xuyên đối mặt với nhiều thảm họa, chấn động mạnh về tinh thần lại càng khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc theo quan niệm của Carver là điều rất giản dị. Đó là cảm giác ấm áp của Carlyle khi thấy người giúp việc và hai đứa trẻ chuẩn bị bữa tối (Cơn sốt), cảm giác hạnh phúc khi hai vợ chồng Bill và Miler khám phá cuộc sống mới trong căn hộ của nhà bên (Hàng xóm), Nhân vật Loyld (Cẩn thận) “cảm thấy mọi thứ đổi khác” khi được vợ của mình lấy đi những thứ lấp đầy trong tai, cảm giác được giải thoát khỏi cơn bùng nhùng khó chịu, được chăm sóc

khiến nhân vật như được tái sinh… Cho dẫu đó hoàn toàn không phải là một cuộc hành trình dễ dàng và thuận lợi.

Trong “Hàng xóm”, cặp vợ chồng trẻ là Bill và Miller đang nhận việc trông nhà giúp cho vợ chồng Jim và Stone – những người hàng xóm đang đi nghỉ dưỡng. Vợ chồng nhà Miller không mấy danh giá, họ mơ màng thèm muốn một cuộc sống sung túc hơn, tươi sáng hơn, được đi du lịch nhiều như vợ chồng nhà Stone. Càng ngày họ càng thấy mình bị thu hút bởi căn hộ kia, những bộ quần áo đắt tiền, những tủ đồ sang trọng – một thế giới khác đang ngự trị, chiếm hết cả suy nghĩ nhà Miller và kích thích cho đời sống tình dục tẻ nhạt hàng ngày của họ trở nên cháy bỏng hơn.

Ngay từ chuyến viếng thăm đến căn hộ, Bill đã không chỉ cho chú mèo Kitty ăn và tưới cây mà anh còn lân la từ phòng này sang phòng khác. Những ngày sau đó anh lẩn tránh sang nhà hàng xóm, làm một cuộc khảo sát về những của cải mà họ có và cuối cùng anh ngả lưng trên chiếc giường của họ. Anh cố nhớ khi nào cặp Stone về, rồi anh tự hỏi liệu họ có về không. Anh thử những bộ quần áo của nhà Stone, tất cả, kể cả váy… Tất cả những điều đó thể hiện sự thèm muốn vươn đến cuộc sống cao quý như người khác của đôi vợ chồng trẻ Bill, họ đang mơ một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ.

Còn Carlyle trong truyện ngắn “Cơn sốt” lại cảm thấy cơn sốt dịu hẳn lại khi có người lắng nghe tâm sự của anh. Đối lập với giấc mơ Mỹ, nhân vật trong sáng tác của Raymond Carver không theo đuổi giấc mộng thành công, thành danh mà chỉ cố kiếm tìm cho mình một cuộc sống yên ổn. Đó hoàn toàn không phải là một cuộc hành trình dễ dàng. Phải đối mặt với những bất trắc trong cuộc sống và bất ổn của bản thể, nhân vật mỗi khi vừa với tay chạm đến hạnh phúc thì ngay lập tức nó lại vỡ vụn. Người giúp việc một lần nữa lại ra đi, Carlyle lại trở về với trạng thái rối bời của một ông chồng đơn thân chăm sóc hai đứa con, chìm vào cơn sốt bất tận. Cũng như cách cửa của căn hộ nhà hàng xóm đóng sập lại đã khép lại vĩnh viễn thiên đường của vợ chồng Bill. Họ vĩnh viễn không thể trở lại những giây phút trải nghiệm một cuộc sống mới. Hạnh phúc với họ cũng chỉ là hư vô và mờ nhạt.

Nhân vật của Raymond Carver có những sang chấn tinh thần, rơi vào sự khổ đau tuyệt vọng. Nhưng họ không buông xuôi mà nỗ lực kiếm tìm cho mình một con đường mới, là lắng nghe và chia sẻ cùng nhau. Trong truyện ngắn “Điều

tốt lành nho nhỏ” là cuộc gặp gỡ giữa những con người cô đơn và mất mát. Họ

tìm đến với nhau, chia sẻ, động viên giúp nhau lấy lại thăng bằng và có niềm tin vào cuộc sống. Hạnh phúc tái sinh trên nền tuyệt vọng, khổ đau của con người. Raymond Carver đã kín đáo thể hiện vẻ đẹp, sức sống của con người.

Truyện ngắn “Sau đồ Jeans” là câu chuyện kể về người chồng nghiện rượu và người vợ nghiện thuốc lá. Họ đang phải đối diện với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là bệnh tình của người vợ. Nhưng cả hai không thôi nỗ lực vượt qua khó khăn này. Chi tiết người chồng xỏ sợi chỉ xanh vào kim thêu hết mũi này qua mũi khác trên nền vải lanh trắng tinh ở cuối truyện là chi tiết có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Dù cuộc sống có khó khăn đến nhường nào thì con người cũng không ngừng thêu dệt ước mơ. Truyện ngắn “Những giấc mơ” chi tiết Mary ra vườn gieo những hạt giống mà hai đứa con của chị để lại sau vụ tai nạn thảm khốc ấy thể hiện ước mơ và nỗi lòng của người mẹ và nỗ lực vượt thoát trước nỗi đau, sự mất mát quá lớn.

Nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver luôn cố tìm kiếm một chốn bình yên, sự cân bằng và hạnh phúc bản thể nhưng kết quả thường không như mong đợi, bởi họ luôn chông chênh và bất an trong chính hành trình tìm kiếm của họ.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 27 - 29)