Những phút giây hồi tưởng

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 56 - 59)

NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

2.2.2. Những phút giây hồi tưởng

Đây là một kiểu thời gian điển hình trong sáng tác của Raymond Carver. Thời gian hồi tưởng miêu tả thời gian theo kiểu đồng hiện dựa trên hồi ức nhân vật. Con người luôn đi về giữa hai dòng quá khứ và hiện tại. Từ hiện tại kỉ niệm trào dâng mang nhân vật về với quá khứ, từ hiện tại của quá khứ con người lùi về một quá khứ xa xôi hơn. Vì hiện tại quá đau khổ, bế tắc nên con người thường nhớ về quá khứ hoặc quá khứ đau khổ cứ ám ảnh con người ở hiện tại.

Nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver không kể một câu chuyện xảy ra trực tiếp mà thường kể về các câu chuyện đã xảy ra, sau đó nhân vật mới đứng ra kể lại câu chuyện đó. Đó là “thứ Sáu tuần trước”, “thứ Tư tuần trước”, “sáng hôm đó”, “hôm sau khi chuyện xảy ra”… Trong truyện ngắn “Béo” nhân vật Rita hồi tưởng và kể lại cho bạn mình nghe câu chuyện về một thực khách to béo. “Hôm đó là chiều tối thứ Tư không đông khách, Herb dẫn lão béo ấy vào

chỗ mấy bàn mình phục vụ” [15;9] và cứ thế câu chuyện được kể lại theo hồi

tưởng của Rita, cô còn kể về chuyện làm tình với bạn trai và cảm thấy mình béo ra khi bạn trai trèo lên người mình.

Quá khứ luôn ở trong hiện tại, theo cách này hay cách khác, nhưng để cho nó lấn át, chi phối hiện tại lại là một chuyện khác. Nhân vật trong sáng tác của Raymond Carver không thể vượt thoát ra khỏi bóng ma quá khứ để sống với thực tại. Điều này có hai nguyên cớ. Thứ nhất, do nỗi đau, ám ảnh quá khứ lớn khiến con người không thể vượt qua được. Thứ hai, do hiện tại không tạo nên nguồn hứng khởi, đam mê sống cho các nhân vật.

Nhân vật trong truyện ngắn Raymond Carver nhiều khi đứng ra kể lại câu chuyện của chính mình. Nhân vật Carlyle trong “Cơn sốt” kể về những tháng ngày ngọt ngào mà hai vợ chồng anh đã từng có. Nhân vật “tôi” trong truyện

“Thanh thản” cũng đang nhớ và kể lại câu chuyện quan trọng trong quá khứ,

thay đổi cuộc đời của ông: “Nhưng hôm nay tôi lại nghĩ đến nơi đó, đến

Crescent City đến việc tôi đã định sống một cuộc đời mới với vợ mình như thế nào, và trên chiếc ghế cắt tóc của người thợ sáng hôm đó, tôi đã nhất quyết từ bỏ ra sao. Hôm nay tôi nghĩ đến sự thanh thản tôi cảm thấy khi nhắm mắt lại và để cho những ngón tay của người thợ lùa vào tóc, sự ngọt ngào của những ngón tay ấy, những sợi tóc đã bắt đầu mọc” [12;161]. Vì hiện tại đang bất ổn nên nhân vật càng

khao khát sự thanh thản nho nhỏ, bình dị đã từng có. Câu chuyện đã mở ra cho ta nhiều điều về thực trạng sống và những khát khao rất đỗi bình dị của con người.

Quá khứ, hiện tại đan xen còn là biểu hiện của thời gian hồi tưởng hoài niệm quá khứ. Trong truyện “Vọng lâu”, người vợ như muốn tiếc nuối, như muốn níu kéo lại quá khứ bởi quá khứ kia vẫn còn để lại một kỉ niệm tuyệt đẹp, một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc trong lòng người vợ:

““Khi bọn mình còn trẻ trước khi lấy nhau?” Holly nói. “Khi bọn mình đầy những kế hoạch và mộng ước lớn? Anh nhớ không?” Nàng ngồi trên giường, tay bó gối, cầm li rượu” [12;36]

“Anh nhớ lần mình chạy xe đến cái nông trang cũ bên ngoài Yakima, qua cả Terrace Heights không? Lần mình cứ thế chạy xe loanh quanh ấy? Mình lái xe trên con đường nhỏ bụi bặm ấy? Mình cứ thế chạy xe rồi đến cái nhà cũ đó, và anh hỏi xin một miếng nước? Anh có tưởng tượng nổi bây giờ mình lại làm thế không? Tối một ngôi nhà và hỏi xin miếng nước?” [12;37]

Đó là quá khứ đã qua còn hiện tại người vợ đang chua xót, đau khổ, bế tắc và dự báo một tương lai ảm đạm, mờ mịt. Những hồi ức ấy đến với cô như vết kim châm khiến cô đau đớn, vùng vẫy, và chỉ muốn nhớ lại hồi ức ngày xưa như để tự an ủi mình về những điều đã mất.

Ở một cấp độ khác nhân vật phân thân bản thể thành hai mảnh rời, cái tôi hiện tại và cái tôi quá khứ. Trong dòng ý thức xuôi về quá khứ của nhân vật “tôi” trong “Mình đang gọi từ đâu”, thế giới như chia làm hai phần mà tấm rèm đóng vai trò ngăn cách. Tấm rèm gợi đến sân khấu, cuộc đời như những màn diễn được trình diễn song song nhau. Ở sâu khấu bên ngoài, một người đàn ông già nua với công việc vất vả, còn bên trong là đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc. Hình ảnh ông già ở sân tuyết trắng có điều gì khiến “tôi” phải chú ý đến vậy? Ở đây có sự tồn tại của hai nhân vật “tôi”, “tôi” hiện tại và “tôi” quá khứ. “Tôi” quá khứ nhìn ông già, nghĩ về sự tàn lụi, tuổi tác rồi cảm thấy hạnh phúc vì mình không phải là ông ta. Nhưng “tôi” hiện tại thì đau khổ, bởi lúc này, mình là ông ta. Lúc này nhân vật cũng không khác gì là ông già đó, làm một công việc quá sức mình – cai nghiện, cô độc, không người thân trước thềm năm mới.

Tuy nhiên, không phải bao giờ thời gian hồi tưởng cũng là hoài niệm về một quá khứ tốt đẹp còn hiện tại bế tắc đau khổ. Có khi hiện tại khổ đau, quá khứ đau khổ cũng là biểu hiện của thời gian hồi tưởng. Đó là nhân vật người cha trong truyện “Túi quà”, người cha kể lại quá khứ của mình với người con trai khi đang ở trong hiện tại chẳng mấy tốt đẹp, đó là phải đối mặt với những tháng ngày cô đơn của tuổi già và bị quá khứ ám ảnh. Là nhân vật người vợ trong truyện ngắn “Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà” khi sống với nỗi ám ảnh chồng mình có liên quan đến cái chết của cô gái ở bờ sông, làm cô nhớ lại một cái chết khác của một cô gái khác lúc cô còn là một thiếu nữ. Hiện tại đau khổ, quá khứ ám ảnh làm cho cô gái cảm thấy bế tắc, mất phương hướng. Quá khứ luôn thức tỉnh và ngự trị trong lòng. Người chồng trong truyện ngắn “Em làm ơn im đi,

được không?” sống mãi với quá khứ của người vợ và lúc nào cũng chịu sự ám

ảnh của nó. Người chồng đó luôn hoài nghi và đặt câu hỏi liệu vợ mình đã làm gì với gã đó. Quá khứ ám ảnh và nhức nhối, mãi đeo bám con người khiến họ không thể vượt thoát được nỗi đau sâu thẳm từ chính mình. Quá khứ chính là

nguyên nhân của những bất hạnh, đau khổ trong hiện tại, nhưng điều này tác giả không kể lại mà người đọc phải tự mình xâu chuổi lại để suy đoán điều đó.

Cũng có lúc quá khứ ám ảnh để lại những sang chấn tinh thần nặng nề khiến nhân vật không thể vượt qua được. Người cha trong “Toa xe lửa” đã cố gắng bỏ qua quá khứ để tìm cho mình một tương lai hạnh phúc – gặp lại đứa con trai sau những tháng ngày xa cách. Nhưng những ám ảnh về quá khứ quá lớn khiến ông không đủ tự tin để bước xuống tàu gặp con trai mình. Và có lẽ người con cũng vì những ám ảnh về quá khứ của người cha nên đã không tới bến tàu để gặp lại cha mình.

Với thời gian hồi tưởng, một lần nữa khắc sâu hơn bi kịch con người hậu hiện đại, bi kịch của sự đổ vỡ, mất niềm tin, lí tưởng, của nỗi ám ảnh quá khứ chất chồng. Nhân vật của Raymond Carver bị mắc kẹt trong xã hội, họ cứ vùng vẫy mãi trong chính cuộc sống của mình, họ luôn gặp bất trắc và đau khổ. Chính quá khứ đã để lại vết thương trên thân thể và tâm hồn các nhân vật. Cho dù họ có cố gắng vượt thoát ám ảnh của quá khứ nhưng cuối cùng họ đành bất lực.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w