Phi trung tâm

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 71 - 77)

NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN, KẾT CẤU, NGÔN NGỮ

3.2.2.Phi trung tâm

Trong truyện ngắn truyền thống sẽ có một nhân vật trung tâm, ví dụ như trong truyện “Viên mỡ bò” của Maupassant nhân vật trung tâm là cô gái có tên “viên mỡ bò”, trong truyện ngắn “Chí phèo” nhân vật trung tâm là Chí Phèo… Nhưng trong số gần 50 truyện ngắn của Raymond Carver chúng tôi tập hợp, tuyệt đối không có truyện ngắn nào chỉ có một nhân vật trung tâm. Chính xác là,

người đọc luôn thấy gần như có bao nhiêu nhân vật trong truyện thì có bấy nhiêu nhân vật đóng giữ vai trò chủ chốt như nhau. Từ cách dựa vào nhân vật được định danh cụ thể ở nhan đề như Người bố, Hàng xóm, Vợ người sinh viên,... thì những nhân vật ấy không phải là nhân vật duy nhất đóng vai trò then chốt trong tác phẩm. Cho đến cách đặt nhan đề dưới hình thức là những câu nghi vấn mang tính đối thoại, bỏ ngỏ như Có phải anh là bác sĩ?, Có gì ở Alaska?, Tại sao, con

trai?, Em làm ơn im đi, được không, Công tơ mét này chạy có đúng không?, Thử đặt anh vào địa vị của tôi... là một sự xác lập ngầm rằng nhân vật trong câu

chuyện được kể ít nhất là một cặp đôi và có vai trò ngang nhau. Hay kiểu đặt nhan đề bằng cách trưng ra một loạt nhân vật, sự việc tồn tại như trong một đẳng thức hoặc danh từ ở dạng số nhiều Xe đạp, cơ bắp, thuốc lá; Jerry và Molly và

Sam, Những dấu hiệu, Những người đi thu tiền... đã như thông báo trước cho người đọc số lượng nhân vật có vai trò ngang bằng nhau trong tác phẩm. Về mặt hình thức, các kiểu đặt nhan đề ấy bước đầu cho phép người đọc nhận dạng kiểu nhân vật sẽ hiện diện trong truyện của Raymond Carver không còn chiếm giữ vị trí độc tôn hay then chốt như truyện ngắn trước kia.

Truyện của Raymond Carver tuyệt đối không có truyện ngắn nào chỉ có một nhân vật trung tâm. “Người bố” là truyện có dung lượng ngắn nhất, khoảng hơn 2 trang, kể về nhân vật người bố đang ở trong bếp nghe được cuộc đối thoại giữa những đứa trẻ, người mẹ và bà nội bàn luận xem đứa bé mới sinh giống ai. Người bố được nhắc đến duy nhất một lần và ông ta đứng ngoài cuộc không hề tham gia cuộc đối thoại của những người kia. Chỉ bằng tiếng “suỵt” của bà nội cắt ngang những lập luận mang tính phản đề của mấy đứa trẻ, một bí mật liên quan đến ba thế hệ được gợi ra: liệu người bố có phải là con của ông nội và đứa bé mới sinh có phải là con của người bố không? Bởi chỉ cần xâu chuỗi 3 lời thoại của những người tham gia: “Đứa bé có đôi môi của ông nội” (lời bà nội), “Nó

giống bố” (lời một đứa trẻ), mà “Bố không giống bất cứ ai” (lời một đứa trẻ

khác) thì dễ dàng suy luận ra một sự thực hiển hiện rằng bố - đứa bé - ông nội, cả ba thế hệ trong một gia đình này hóa ra không liên quan gì với nhau. Họ không cùng huyết thống. Ông bố không còn là nhân vật trung tâm, đứa bé cũng vậy. Sẽ có rất nhiều câu chuyện bí mật của bà nội, của người mẹ trẻ được khơi gợi bên

cạnh bi kịch của người bố, và có thể sau này những đứa trẻ cũng lại rơi vào bi kịch tương tự. Cốt truyện có sự tham gia của cả ba nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề.

Lật giở bất kì truyện ngắn nào của Raymond Carver, người đọc đều có thể bắt gặp kiểu tồn tại đồng thời nhiều nhân vật đóng giữ vị trí then chốt như thế. “Tại sao, con trai?” có hình thức giống như một lá thư của người đàn bà gửi một người đàn ông bí mật, không rõ danh tính, kể chuyện về đứa con của bà từ khi nó còn nhỏ là một đứa bé ngoan, cho đến khi lớn hơn một chút nó thường dối trá thế nào và sau này nó nói dối kinh niên ra sao. Đọc hết câu chuyện, sự băn khoăn của người đọc không còn dừng lại ở việc khám phá, tìm hiểu xem người đàn ông bí mật đó là ai, ông ta làm thế vì mục đích gì, mà hơn hết, người đọc lại băn khoăn với câu hỏi mới: Tại sao bà thấy sợ hãi hơn trước con trai, nhất là khi nó đã thành đạt? Dù không trực tiếp nói trong thư, dù mục đích của lá thư là muốn được người đàn ông kia giải thích ông ta là ai, dù đối tượng nhận thư là người đàn ông bà không quen biết, nhưng niềm trăn trở lớn nhất của bà vẫn là những băn khoăn về đứa con trai, về tính nết và những hành động có vấn đề của nó. Muôn thuở phụ nữ vẫn là phụ nữ, dù bề ngoài cố tỏ ra không quan tâm nhưng đứa con bao giờ cũng là mục đích sống cao cả, thiêng liêng nhất của người mẹ. Có điều, người mẹ này khác nhiều bà mẹ khác là cả đời luôn phải sống trong những hoài nghi không có lời giải đáp. Và hành động của bà có thể hiểu theo nhiều cách: người mẹ trong truyện ngắn này của Carver mãi mãi không bao giờ hiểu được hành động dối trá của đứa con dù trên đời này không ai hiểu con nhất bằng người mẹ hoặc người mẹ này vì quá hiểu con mình nên lo sợ khi con thành công ở vai trò là thống đốc, hẳn là nó đạt được vị trí đó nhờ muôn vàn trò dối trá và sẽ còn tiếp tục dối trá để thành danh hoặc khi con bà ở vị trí của người nổi tiếng, có ai đó muốn hạ bệ nó bằng việc điều tra, tìm hiểu từ chính người mẹ. Và cũng có thể hiểu, người viết thư và theo dõi bà chính là con trai của bà, bà giả vờ như không biết điều đó để đứa con nhận được thư cũng hiểu được nỗi lòng của bà? Song dù theo cách hiểu nào thì bà mẹ này cũng vẫn là một người mẹ đau khổ, bất hạnh bậc nhất. Bởi không có người mẹ nào lại hạnh phúc khi con cái luôn đem lại nỗi sợ hãi cho người mẹ. Do đó, nhân vật “trung tâm” không chỉ là

người mẹ mà còn là đứa con. Hai nhân vật này song hành bên nhau, cùng làm rõ các tầng bậc ý nghĩa chủ đề của truyện.

Truyện ngắn “Béo” cũng vậy, người đọc sẽ không thể nhận ra đâu là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Câu chuyện có sự xuất hiện của gã thực khách to béo, Rita, nhân vật “tôi”, và bạn trai của “tôi”… Người đọc sẽ khó xác định được đâu là nhân vật trung tâm của câu chuyện, bởi họ được đề cập đến trong truyện với dung lượng ngang nhau. Ngoài sự xuất hiện đồng thời nhiều nhân vật trung tâm, trong truyện ngắn của Raymond Carver còn có sự xuất hiện phi trung tâm đàn ông.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Carver không quá phức tạp, không được mô tả ở những chiều sâu tâm lí, tâm trạng, không mang tính cách chuyên biệt... Nhân vật đàn ông của Carver thường vẫn là những con người có trách nhiệm với gia đình, người thân: hoặc là người lo kiếm tiền nuôi gia đình, hoặc là chỗ dựa tinh thần cho vợ con, hoặc đang thất nghiệp hay phá sản thì cũng đang tìm cách xoay sở cơ hội khác. Họ là những người đàn ông yêu chiều vợ con như Hamilton trong “Xe đạp, cơ bắp, thuốc lá”; Wayne trong “Những dấu hiệu”; Harry trong “Còn cái này thì sao?”; Earl trong “Họ đâu phải chồng em”; Jack trong “Có gì ở Alaska?”... Nhưng họ lại luôn rơi vào trạng thái tự vấn: “Không rõ mình có yêu vợ mình thật không?” hay “gia đình mình có thực sự hạnh phúc không?”... Họ luôn hoài nghi chính mình và hạnh phúc của mình. Đây có lẽ là tâm lí chung của những con người hậu hiện đại.

Nhân vật đàn ông trong truyện của Carver có vẻ thuộc kiểu người nhường nhịn, hiền lành, ít lời đôi khi đến khó hiểu. Họ thường “ở hiền” nhưng không “gặp lành”. Họ yêu vợ nhưng vợ họ lại ngoại tình hoặc có tình ý với người đàn ông khác. Đó là kiểu người chồng như Jack trong “Có gì ở Alaska?” Jack yêu vợ, cuộc sống gia đình anh có vẻ hạnh phúc, êm đềm. Vợ chồng họ được vợ chồng người bạn là Carl và Helen mời đến nhà ăn tối. Sẽ rất bình thường nếu không có chi tiết, trong bữa tối đó, khi ăn đến món tráng miệng, Mary, vợ anh đi vào bếp cùng với Carl, “Jack nhìn theo họ đi vào nhà bếp. Anh ngả người ra gối

tựa lưng và nhìn họ đi. Rồi thật từ từ anh nhổm tới trước. Anh nheo mắt. Anh thấy Carl với lên cái kệ trên tủ chén bát. Anh thấy Mary cà vào người Carl từ

phía sau và vòng tay quanh eo Carl” [15;121]. Anh không tỏ thái độ gì. Tác

phẩm không một lần nào nói thêm về hành động nào tương tự của Mary, hay phản ứng nào của anh với vợ. Đến gần cuối truyện, lúc trở về nhà, bằng chi tiết “anh nghe tiếng giày chị lê” và lời đề nghị: “Khi về nhà, Jack, em muốn anh làm

tình với em, nói chuyện với em, giải khuây cho em... Đêm nay, em cần được giải khuây” [15;128]. Trước đó, từ phần mở đầu truyện, nhà văn có kể đến chi tiết

anh mua một đôi giày mới rất êm và thoải mái, nhưng khi nghe vợ đề nghị vậy, “anh cảm thấy giày mình ẩm ướt”. Và khi trở về nhà, anh chưa kịp thực hiện lời đề nghị của vợ thì “chốc lát chị đã ngáy” và “anh nhặt một chiếc giày lên. Anh

ngồi thẳng dậy và nắm chiếc giày bằng cả hai tay. Anh nghe vợ ngáy và anh nghiến răng” [15;129]. Đến đây, người đọc tha hồ tưởng tượng và cắt nghĩa.

Thái độ cam chịu của anh dường như là cách làm của người đàn ông bất lực. Bất lực về mọi phương diện. Đôi giày của anh tưởng chừng rất êm và thoải mái kia cuối cùng chỉ khiến cho anh khó chịu. Những bức xúc, uất ức của anh bị dồn nén khiến anh muốn giải tỏa. Rõ ràng là Jack không phải là mẫu người đàn ông đứng ở vị trí trung tâm của thế giới, trung tâm của niềm tự hào về giới tính, lòng tự tin và sức mạnh. Anh là người đáng giận thật nhiều và cũng đáng thương thật nhiều.

Kiểu đàn ông bị lép vế trước vợ trong truyện của Carver còn xuất hiện ở nhiều dạng khác. Nếu họ không rơi vào trạng huống bất lực ở khả năng làm chồng thì lại mang một kiểu “quái đản” không bình thường. Đó là anh chàng Earl Ober trong “Họ đâu phải chồng em”. Earl Ober là nhân viên bán hàng đang thất nghiệp. Hàng ngày đưa đón bọn trẻ đến trường, một tối anh ghé quán cà phê nơi vợ anh làm hầu bàn ca đêm. Tại đây, anh vô tình được chứng kiến thái độ của hai người đàn ông đến quán tỏ ý chê bai vợ anh béo cùng lời bình luận “nhưng có những thằng hề lại thích gái béo” [15; 36]. Không rõ muốn vợ đẹp lên trong mắt

mọi người hay không muốn mình trở thành thằng hề, về nhà, anh quyết định đề nghị vợ thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân. Hàng ngày, anh chỉ lo cân, đo, ghi chép các số liệu liên quan đến vóc dáng và số cân của vợ. Thời gian sau, anh quay lại quán cà phê để mong tìm được lời đánh giá mới từ phía những khách hàng của vợ. Trớ trêu thay, chẳng ai quan tâm đến điều đó ngoài anh. Anh yêu cầu mọi người phải đưa ra nhận xét về ngoại hình của vợ khiến cho một cô phục

vụ khác trong quán không biết anh là ai mà có hành động kì quặc nên hỏi vợ anh

“Rốt cuộc cái thằng hề này là ai?”.

Như vậy là, thế giới đàn ông trong sáng tác của Carver khá đa dạng. Họ không hoàn toàn tốt nhưng cũng không hoàn toàn xấu. Họ là sự phân mảnh của những tấm ghép tạo nên bức tranh đời sống con người thời hiện đại. Họ mang lối nghĩ, cách sống, cách hành xử có phần khác trước kia nhưng chưa bao giờ họ hoàn toàn tự tin trước cuộc sống. Hoài nghi, băn khoăn, tự vấn là những đặc điểm nổi bật ở họ khiến họ không có đủ khả năng dẫn dắt thế giới, chi phối thế giới đi theo cách của họ. Và do vậy, thế giới đàn ông trong truyện ngắn của Carver vẫn luôn chịu sự chi phối của thế giới phụ nữ. Nhưng ngay cả khi ấy, phụ nữ trong truyện của ông liệu có mang sức mạnh độc tôn để trở thành trung tâm của thế giới hay không.

Khi đọc truyện của Raymond Carver, người ta có cảm giác dường như nhà văn có phần ưu ái hơn cho người phụ nữ. Những người phụ nữ trong truyện thường là được yêu chiều, được chồng quan tâm chăm sóc, nhường nhịn và thường có tiếng nói nhất định ảnh hưởng tới người đàn ông của mình.

Người vợ trong “Em làm ơn im đi, được không?”, dù rằng đến cuối tác phẩm, bằng khả năng rất đàn bà hoặc giả dụ nhìn ở góc độ khác, Marian ngoại tình do lúc uống rượu say không kiểm soát được hành động và lí trí nên sau đó cô quyết tâm níu giữ hạnh phúc gia đình mình bằng sự kiên nhẫn của người đàn bà nhận ra giá trị đích thực của tình yêu, của gia đình, của hạnh phúc, cô đã khiến chồng “nghiêng sang cô”. Và hàng loạt những người phụ nữ như Doreen - người vợ chịu thương chịu khó và sẵn lòng làm vừa ý chồng trong “Họ đâu phải chồng

em”, là người đàn bà đủ khả năng để thuyết phục người đàn ông đầy bản lĩnh

như Arnold trong “Có phải anh là bác sĩ”, Mary - người vợ ngoại tình trong “Có

gì ở Alaska”, người vợ ưa đòi hỏi và sự chiều chuộng trong “Vợ người sinh viên”, bà mẹ trong “Tại sao, con trai?”..., mỗi người với những thế mạnh riêng (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

và những hạn chế cũng rất khác nhau, tuyệt đối chưa có nhân vật nào đứng ở vị trí trung tâm của thế giới, khiến mọi người phải khâm phục và ngưỡng mộ. Họ tồn tại được, họ hạnh phúc hay không rốt cuộc vẫn rất cần đến nửa kia của thế

giới. Carver không hoàn toàn ngợi ca hay hạ bệ họ, mà đơn giản ông chỉ nêu một cái nhìn đầy đủ nhất về họ mà thôi.

Vì thế, đọc truyện ngắn hậu hiện đại nói chung và truyện của Carver nói riêng, độc giả đa phần rơi vào trạng thái hoang mang, khó hiểu nhưng luôn muốn đọc lại, đọc nữa để khám phá, thâm nhập vào đời sống tinh thần mới mẻ của con người ngày nay và nhận diện cuộc sống chân xác hơn. Phi trung tâm hoá nhân vật là một trong những “kênh” giúp tác phẩm của Carver đến với bạn đọc bằng nhiều sự tiếp nhận phong phú và cách giải mã cái nhìn cuộc sống đa dạng hơn.

Việc không xác lập một nhân vật nào đóng vai trò trung tâm, then chốt, chủ đạo trong quá trình thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm là một đặc điểm nổi trội trong sáng tác của Raymond Carver. Khi các nhân vật đóng giữ các vai trò đồng thời như nhau, nghĩa là nhà văn đã làm mờ khái niệm nhân vật trung tâm đã từng tồn tại rất lâu bền trong văn học nhân loại. Giờ đây, khi nhiều nhân vật có vai trò song hành trong cùng một tác phẩm, tính đa chủ đề của tác phẩm nhờ đó được khai thác triệt để hơn. Người đọc thâm nhập tác phẩm với vô vàn cách hiểu khác nhau từ sự tổ hợp các mối liên kết giữa các nhân vật hoặc căn cứ vào góc nhìn của mỗi nhân vật thì lại có cách nhận diện khác nhau về cuộc sống và con người.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 71 - 77)