NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN, KẾT CẤU, NGÔN NGỮ
3.1. Cốt truyện đa lớp
Cốt truyện (Tiếng Pháp: subject: đối tượng chỉ sự việc, đề tài; tiếng Anh: plot: chỉ chi tiết, sự kiện, diễn biến) được các nhà văn cổ điển P. Corneille, N. Boileau đề cập lần đầu tiên. Về sau nó trở thành một thuật ngữ chỉ “sự phát triển
hành động, tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình” [9;112].
Cốt truyện là một trong những vấn đề quan trọng then chốt của truyện ngắn truyền thống. Nhà văn có sứ mệnh “sáng tạo tình huống”, vạch ra con đường khai tâm. Cốt truyện tất nhiên không phải là cái tiên quyết để phân biệt truyện ngắn truyền thống với truyện ngắn hiện đại mà là ở cách kể chuyện. Mặt khác, “cốt truyện” của truyện ngắn hậu hiện đại có khi nằm ở chính sự “không có cốt
Cốt truyện có thể làm nổi bật, hấp dẫn nhưng chức năng của chúng nói chung là để nhận một chân lí, một điều gì đó.
Raymond Carver được xem là một nhà văn thành công nhất với phong cách tối giản. Những truyện ngắn của ông là những ví dụ hoàn hảo cho đặc tính của sự tối giản: Tránh những đoạn trần thuật rườm rà, gạt bỏ sự hư cấu mang tính chủ quan của người viết, nhanh chóng tạo dựng không khí gợi sự tò mò với người đọc… Song, truyện ngắn của Raymond Carver không đánh đố người đọc như bắt họ chơi trò vừa đọc truyện vừa ghép hình thông qua việc che dấu cốt truyện như thủ pháp quen thuộc của nữ nhà văn Pháp Annie Saumont. Câu chuyện trong truyện ngắn được Raymond Carver phơi bày rõ ràng khiến độc giả an tâm đọc một mạch từ đầu đến cuối. Chỉ ở một số truyện như “Hàng xóm” hay “Người
bố”, cốt truyện được triển khai không có biến cố. Nhưng nên nhớ trong truyện
ngắn, việc nhà văn tạo ra một không khí bất thường cốt chỉ để gây nên tâm trạng chờ đợi của độc giả, sau đó khiến họ ngộ ra mình bị lừa thì truyện ngắn cũng được xem như tạo một biến cố rồi. Cho nên, nhiều người không ưa truyện của Raymond Carver nếu họ có thói quen đọc truyện ngắn có cốt truyện kịch tính.
Truyện ngắn cực hạn của Raymond Carver có kiểu cốt truyện đa lớp, ghìm nén, cộc lốc, rất lạ, rất Mỹ. Trong tuyển tập “Đặc trưng truyện ngắn Anh Mỹ”, Lê Huy Bắc nhận xét “Truyện ngắn của Raymond Carver là kiểu truyện không
tập trung khai thác xung đột. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng cốt truyện. Sáng tác của ông không có cốt truyện theo kiểu kịch tính năm thành phần của Edgar Poe, Maupassant hay O. Henry, mà là kiểu kết truyện đồng hiện nhiều mảnh đời, nhiều cảnh ngộ, tương ứng. Vì vậy, nếu tóm lược các sự kiện chính thì cốt truyện của Raymond Carver rất lỏng lẻo và chẳng có gì đáng nói.”
[6;259]. Lật dở từng trang sách của Raymond Carver ta thấy truyện ngắn của ông tựa một lát cắt rất thực trong đời sống. Cốt truyện của ông chủ yếu kể về những con người trong đời sống hằng ngày với những vấn đề sinh hoạt thường nhật. Hoặc có thể chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối, mơ hồ, kiểu “truyện mà không có cốt truyện”. Raymond Carver đặc biệt chú ý xây dựng kiểu cốt truyện đa lớp (các lớp truyện đan vào nhau).
Cốt truyện đa lớp là cốt truyện mà các sự kiện được đưa vào tác phẩm rất đa dạng, nhiều tầng lớp, các tuyến nhân vật, chủ đề đan chéo tương nhập và phản chiếu lẫn nhau nhằm chuyển tải nhiều ý nghĩa sâu sắc. “Người đọc tùy khả năng của mình có thể bóc tách từng lớp cốt truyện khác nhau để hình thành nên những cách hiểu khác nhau” [8;35]. Xây dựng kiểu cốt truyện đa lớp, Raymond Carver có điều kiện để gợi lên nhiều cảnh đời, nhiều số phận. Vì vậy, có thể nói cốt truyện đa lớp góp phần thể hiện thành công kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver.
Điển hình của lối viết này là hủy bỏ cốt truyện truyền thống. “Với chủ
nghĩa cực hạn bản thân cuộc sống không hề có một cốt truyện hoàn hảo và duy nhất mà có nhiều kiểu cốt truyện, nhiều khả năng cốt truyện đan xen và phát triển cùng nhau.” [7;41]. Thế giới càng hiện đại, đời sống xã hội càng phức tạp,
vì thế cốt truyện cuộc đời sẽ luôn không mạch lạc. Ở truyện ngắn Raymond Carver cũng vậy. Dù là những truyện có dung lượng ngắn (dưới 10000 chữ) như truyện “Người bố”, đến truyện dài hơn (trên 10000 chữ) như “Em làm ơn im đi,
được không?”, “Mình đang gọi từ đâu” thì bao giờ cũng có sự song trùng của
nhiều tuyến truyện. “Người bố” là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho cốt truyện cực hạn của Raymond Carver. Truyện có dung lượng rất ngắn, ngắn nhất trong số các truyện ngắn của Raymond Carver. Câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc tranh luận của ba bé gái về cậu em trai vừa mới chào đời, trước sự chứng kiến của bà nội, của bố và mẹ. Ông bố không tham gia vào cuộc tranh luận mà chỉ ngồi ngoài cạnh bàn ăn, xoay lưng lại với mọi người. Vấn đề được đưa ra tranh luận là đứa bé giống ai. Mỗi người đưa ra một ý kiến, không ai đồng thuận với ai. Alice cho rằng “nó giống mũi ai đó”. Phyllis bảo “nó không giống ai cả”. Carol nói “nó giống bố”. Bà nội nói “nó có đôi môi của ông nội”. Người mẹ bảo không biết, không có ý kiến. Phyllis lại hỏi “Bố giống ai?”. Alice nói “ Bố không giống bất cứ ai cả”. Cuộc tranh luận không có kết quả. Không có kết luận nào được đưa ra, tác giả đã để cho người đọc tự đưa ra kết thúc cho câu chuyện. Đằng sau câu chuyện về đứa bé là cả một loạt những vấn đề về người cha, người mẹ, ông nội và cả bà nội. Cốt truyện của Raymond Carver có nhiều chi tiết rất đắt, làm người đọc nhớ mãi. Những gì mà người đọc nhìn thấy không phải do nhà văn “cầm tay
dẫn dắt, chỉ bảo” mà do chính người đọc tự kết nối các điểm rời rạc cài đặt một cách lộn xộn trong tác phẩm.
Truyện ngắn “Cơn sốt” có 5 câu chuyện kể. Mở đầu là câu chuyện về tình trạng hiện tại của Carlyle – người kể chuyện, tiếp đến là hồi ức về chuyện về cô giữ trẻ đầu tiên Debbie, chuyện Eileen - người vợ phản bội, chuyện vợ chồng già Webster, câu chuyện về người tình của Carlyle – Carol. Các tuyến truyện được sắp xếp lộn xộn trong dòng ý thức bề bộn của Carlyle. Tác phẩm “Những giấc
mơ” có 4 câu chuyện (những giấc mơ của Dotty, cái chết của 2 đứa trẻ nhà hàng
xóm, câu chuyện về người mẹ Mary Rice, câu chuyện của người quan sát thầm lặng – người trần thuật xưng tôi). “Truyện ngắn của Raymond Carver không
phức hộp như dạng truyện chồng lớp của G. Marquez, V. Lossa nhưng với dung lượng có hạn của truyện ngắn, sự đan xen của nhiều tuyến truyện khiến người đọc khá vất vả trong việc nắm bắt sự kết nối tổng thể các mảnh ghép ấy. Truyện của Carver cũng khác với dạng truyện của Akutagawa, dạng đa chủ thể và đa điểm nhìn trần thuật nhưng thống nhất ở vấn đề trần thuật” [7;42].
Một điển hình tiêu biểu nữa cho truyện ngắn đa lớp cốt truyện của Raymond Carver là truyện ngắn “Em làm ơn im đi, được không?”. Ông lấy bối cảnh sinh hoạt chung của một gia đình, gồm bố, mẹ và con cái: Ralph, Marian, con gái và con trai. Lớp truyện đầu tiên tập trung vào sự kiện Ralph nhớ đến chuyện Marian có thể ngoại tình một lần cách đây bốn năm. Khi Marian hỏi Ralph có nhớ về sự kiện ấy không? Đương nhiên là Ralph vẫn nhớ, mọi chuyện bắt đầu bằng việc Ralph hỏi gã đó có hôn Marian không? Sau đó Marian tự thú tất cả với chồng mình. Sau đó Ralph trở nên điên dại, lang thang trong đêm, đến quán rượu, sòng bạc, bị một gã da đen gây sự đánh sưng mặt, anh về nhà không ngủ với vợ. Sáng hôm sau hai người không đi làm, họ ở nhà làm tình với nhau. Sau đó Ralph chìm vào giấc ngủ.
Ở lớp truyện thứ hai, thực tại và quá khứ đan xen với nhau để tiếp nối đến tương lai. Thực tại là cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc của đôi vợ chồng. Họ là những người có công ăn việc làm ổn định với nghề giáo viên, được đồng nghiệp và học trò quý mến, họ có với nhau hai đứa con ngoan… nhưng họ cứ bị ám ảnh mãi với lỗi lầm của người vợ dù mới chỉ một lần, và thế là hạnh phúc thực tại
chao đảo với những ghen tuông ám ảnh, những ân hận giày vò. Dù kết truyện người kể không nói ra nhưng người đọc vẫn biết là đôi vợ chồng Ralph làm hòa, cùng nhau giữ gìn hạnh phúc.
Nếu truyện chỉ dừng lại ở lớp nghĩa này thì sẽ chẳng có gì đáng bàn và nó sẽ chẳng bao giờ được xem là một trong những kiệt tác ngắn của nhân loại. Vẫn đang có nhiều lớp truyện khác đợi người đọc khám phá. Lớp truyện thứ ba có thể khai thác là sự đùa giỡn với chính hạnh phúc gia đình của đôi vợ chồng Ralph. Lớp truyện này nắm giữ nền tảng tự sự của truyện và nó ẩn rất sâu, yêu cầu người đọc phải thật am hiểu và có cái nhìn rộng mới hiểu được tầng nghĩa này. Còn nhiều lớp truyện nữa mà tác giả đã để cho người đọc tự khám phá.
Trong các tác phẩm của mình Raymond Carver cũng dành rất nhiều truyện ngắn thể hiện cốt truyện “truyện lồng trong truyện”. Điển hình cho loại truyện này là truyện “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình”. Mở đầu truyện ngắn là câu chuyện do Terri kể về người chồng điên cuồng của cô trước đó. Tiếp theo là câu chuyện do Mel kể về đoạn cuối chuyện tình của Terri. Câu chuyện bị ngắt quảng một lúc do sự tranh luận của Laura, Nich. Mel tiếp tục kể về một câu chuyện khác – về cặp đôi trong bệnh viện nơi anh đang làm bác sĩ. Cuối cùng người trần thuật xưng tôi lại xuất hiện, dẫn dắt câu chuyện. Raymond Carver xây dựng kiểu cốt truyện đa lớp, truyện lồng trong truyện để cho người đọc tùy thuộc khả năng của mình có thể bóc tách từng lớp cốt truyện khác nhau để hình thành nên những cách viết khác nhau.
Cái hay truyện ngắn cực hạn nằm ở chỗ không nói nhiều và không có điều gì to tát, nhưng đằng sau nó là biết bao chuyện hệ trọng, bao vấn đề cốt tử của con người. Câu chuyện “Thánh đường” kể về cuộc đối diện giữa “tôi” với một người mù. “Tôi” tự cho mình là người “sáng” hơn người mù kia. Nhưng rốt cuộc, khi người mù yêu cầu “tôi” nhắm mắt vẽ ngôi thánh đường, “tôi” tự thú rằng mình chẳng có ngôi thánh đường nào trong đầu. Người mù lại tiếp tục khuyên “tôi” kiên nhẫn và điều kì lạ là dưới sự dẫn dắt của người mù, trong đầu
“tôi” bỗng hiện lên một ngôi thánh đường. Cái ngôi thánh đường luôn ở trong
tiềm thức “tôi”, nhưng tôi đâu có nhận ra điều đó. Chỉ khi nhận được cú huých từ người mù, tâm thức tôi lóe sáng, ngôi thánh đường hiện diện. Người kể và câu
chuyện chỉ dừng lại ở đó. Nhưng với người đọc, câu chuyện vẫn chưa thực sự dừng. Những câu hỏi chờ người đọc giải đáp vẫn luôn hiện diện: Vậy thì ngôi thánh đường đó có ý nghĩa gì? Người mù có thực sự mù lòa khi mắt họ không nhìn thấy gì? Và kẻ sáng có luôn sáng suốt trước mọi chuyện?... Người đọc sẽ viết tiếp câu chuyện còn dang dở đó.
Cốt truyện có lúc chỉ kể về việc anh chàng tiếp thị máy hút bụi tìm mọi cách để moi tiền của một người khách thất ngiệp (Những người đi thu tiền). Các chi tiết chỉ xoay quanh việc hút bụi từ phòng ngủ tới phòng khách và những lượt lời đối thoại rời rạc. Cả hai đều hành động một cách bị động, quán tính. Có lẽ cả hai con người đều hiểu rõ sự vô ích của cuộc gặp gỡ, nhưng có lẽ họ vẫn muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người. Nhưng cốt truyện đó đã gợi mở cho người đọc nhiều lớp truyện sau đó, đó là đời sống thường nhật của một lớp người trung lưu trong xã hội Mỹ. Cốt truyện đó cho thấy phong cách viết truyện của Raymond Carver “nói được nhiều nhất bằng những lời ít nhất”. Raymond Carver để cho người đọc tự khám phá và kết thúc câu chuyện.
Tác phẩm “Sao không nhảy đi” kể về một người đàn ông li dị vợ. Người đọc có thể đoán được điều đó thông qua cách kể chuyện và lời dẫn dắt của tác giả. Người đàn ông đã sắp xếp mọi đồ đạc của mình ra ngoài sân để bán. Sau khi buộc chúng lại bằng sợi dây ông đi mua những thứ sinh hoạt cần thiết khác. Trong lúc ông vắng nhà, một cặp đôi đang có ý định trang trí nhà của họ đi qua và họ vào xem xét các thứ đồ một cách tự nhiên, thậm chí tự ý bật chiếc ti vi để xem. Khi người đàn ông trở lại, ông đã khuyến khích đôi bạn trẻ cứ tiếp tục xem, chọn đồ theo ý muốn, trả giá cho các món đồ, cùng ông uống Whiskey và nhảy. “Vài tuần sau” khi đã tóm tắt những việc xảy ra đêm đó, cô gái đã không hiểu được ý nghĩa của chúng: “Cô cứ nói mãi. Cô kể với mọi người. Còn có thứ gì đó
hơn nữa mà cô cứ cố nói ra bằng lời. Sau một thời gian, cô thôi không cố nữa”. [12;14]. Cốt truyện có vẻ rất đơn giản, chẳng có gì gay cấn, cũng chẳng có hành động nào đáng chú ý, chỉ đơn thuần là một người đàn ông bán đồ đạc và một cặp đôi muốn mua vài món đồ. Nhưng ẩn chìm đằng sau câu chuyện mỏng manh đến tẻ nhạt đó là những tầng ý nghĩa sâu xa. Người đọc sẽ giật mình băn khoăn và tự đặt câu hỏi: Tại sao đồ đạc trong phòng ngủ lại ở ngoài sân?, tại sao mọi đồ đạc
sinh hoạt lại được đặt ở ngoài sân mà không phải trong nhà?. Một cách kín đáo người đàn ông đã cho biết chuyện đổ vỡ hôn nhân của mình. Đó là sự đổ vỡ của một gia đình, kết cục thảm hại của một cuộc hôn nhân. Cốt truyện của Raymond Carver thường không lấy thời điểm tai họa giáng xuống làm cao trào mà nhiều khi chính là cách phản ứng của nhân vật.
Mỗi lớp truyện như một mảnh ghép để từ đó người đọc có thể nhận diện được phần nào bức tranh của nước Mỹ thời kì hậu hiện đại, khi con người đã bắt đầu cảm nhận được sự bất ổn trong cấu trúc kinh tế, xã hội và trên hết là những rạn nứt trong các mối quan hệ.