NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
2.1.3. Không gian tâm tưởng
Ngoài không gian đời thường và không gian thảm họa, Raymond Carver còn sử dụng những mô hình không gian tâm tưởng trong các truyện ngắn của mình, nhằm xoáy sâu vào bi kịch trong tâm thức của nhân vật. Trong những không gian ấy nhân vật có cơ hội bộc lộ chiều sâu nội tâm, hay thể hiện rõ nét những góc khuất tâm hồn trong chính bản thể của mình.
Không gian tâm tưởng là không gian được mở rộng ra trong dòng suy tưởng, mơ ước của con người. Không gian tâm tưởng trong truyện ngắn của Raymond Carver được xây dựng với nhiều dạng thức khác nhau, chủ yếu là không gian thể hiện những ám ảnh, bất an và những mất mát, đổ vỡ trong cuộc sống của nhân vật. Điều đó góp phần phản ánh hiện thực đau khổ, cô đơn, chông chênh của nhân vật ở trong hiện tại.
Không gian tâm tưởng luôn đè nặng trong tâm hồn nhân vật cùng với những nỗi đau của hiện tại làm cho cuộc sống của nhân vật luôn ngột ngạt, bế tắc. Trong truyện ngắn “Em làm ơn im đi, được không?” người chồng tưởng tượng đến cảnh vợ mình ngoại tình với một gã tên là Anderson: “Nhưng đôi khi Ralph nghĩ
về chuyện ấy – thật lòng, anh phải thừa nhận rằng anh ngày càng hay nghĩ về chuyện ấy. Những hình ảnh ghê sợ ngày càng hiện rõ trong mắt anh, những chi tiết không thể chịu đựng được. Vì anh đinh ninh rằng vợ anh đã từng một lần phản bội anh với một gã tên là Mitchell Anderson” [15;309]. Người chồng cứ bị
ám ảnh và sống mãi với suy nghĩ vợ mình ngoại tình nên không lúc nào anh cảm thấy thoải mái và yên ổn. Anh luôn cảm thấy đau khổ, dằn vặt và muốn biết sự thật như thế nào về chuyện của vợ mình có thật sự đã ngủ với gã đàn ông kia không. Cũng có những lúc trong tâm tưởng của anh nghĩ tới việc sẽ thay đổi lại quá khứ, không cho vợ mình đi ra ngoài với người đàn ông khác trong đêm hôm đó. “Anh nhắm mắt lại. Anh lắc đầu, cố nghĩ ra những khả năng khác. Anh thực
sự băn khoăn không biết liệu anh có thể dựng lại cái đêm cách đây hai năm ấy và tưởng tượng ra chính anh đi vào bếp đúng lúc mấy người kia ra đến cửa, nghe giọng chính mình nói, xúc động mạnh, ồ không, không, em không được đi với gã Mitchell Anderson đâu đấy! Chẳng những hắn say mà hắn còn là một tài xế tồi, với lại bây giờ em còn phải đi ngủ để sớm mai dậy với Robert và Dorothea nữa, dừng lại đi! Ngươi phải dừng lại” [15;319]. Đó cũng là không
gian tâm tưởng của nhân vật với những đau khổ, dằn vặt, suy tư của người chồng, anh cứ sống mãi với cái quá khứ xa xôi và đau khổ với ý nghĩ mình bị cắm sừng.
Không gian tâm tưởng thể hiện những ám ảnh, bất an của nhân vật trong cuộc sống hiện tại. Đó là hình ảnh của người vợ Nancy trong truyện ngắn “Gọi
đến khi mình cần tôi” không ngủ được sau nhiều đêm thao thức và rồi quyết định
ra đi bỏ lại người chồng một mình trong căn nhà mới chuyển tới. “Em muốn lên
thăm mẹ và Richard. Một mình. Em muốn ở một mình thôi. Em nhớ Richard”
[22]. Mặc dù hiện tại Dan và Nancy đang cố gắng để thưởng thức kì nghỉ hè trọn vẹn theo đúng nghĩa vợ chồng, nhưng dù cố gắng đến đâu cô vẫn luôn sống trong những không gian tâm tưởng, với những rạn nứt trong tình cảm của vợ chồng. Và cuối cùng cô đã nhận ra “chúng ta không làm được” và quyết định ra đi. Quá khứ đổ vỡ, hiện tại chông chênh nên nhân vật thường có những khoảng sống trong không gian tâm tưởng như thế. Có lẽ sự ra đi của người vợ sẽ giúp họ thoát li được sự đơn điệu và nhàm chán khó cứu vãn được trong tâm hồn của cả hai người.
Người vợ trong truyện ngắn “Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà” luôn cảm thấy tiếng nước chảy ở quanh mình, ngay cả khi đang làm tình với chồng trong bếp, “làm sao tôi có thể nghe được cái gì khác khi mà tai tôi bao nhiêu
nước chảy”. Đó chỉ là một hình ảnh trong suy nghĩ, tâm tưởng của cô vì thường
ngày cô luôn bị ám ảnh bởi cái chết của cô gái xấu số bên dòng suối mà cô nghĩ là có liên quan đến chồng mình. Trong truyện ngắn “Sợi lông” người đàn ông bị mắc một sợi lông sau khi ăn và anh ta cứ bị ám ảnh mãi về chuyện đó, anh ta luôn sống trong nỗi ám ảnh với những lo âu và sợ hãi. Trong truyện ngắn “Vọng lâu” người vợ cũng đã sống trong không gian tâm tưởng về quá khứ tốt đẹp bên
cạnh người chồng, với những mộng ước muốn cùng nhau thực hiện.
Không gian tâm tưởng trong truyện ngắn của Raymond Carver còn được thể hiện ở các giấc mơ của các nhân vật. Những giấc mơ không đầu không cuối nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những không gian tâm tưởng của nhân vật. Trong truyện ngắn “Mồi lửa” cả ba nhân vật Myers, Sol và Bonnie đều có những giấc mơ của riêng mình: “Trong giấc mơ, Myers thấy ai đó mời
anh một ly scotch nhưng khi anh sắp sửa cầm lấy thì anh thức giấc, mồ hôi đầm đìa, tim đập thình thịch. Sol mơ thấy anh đang thay lốp xe tải và dùng cả hai tay. Bonnie mơ thấy chị đang dẫn hai – mà không, ba đứa con đi công viên.” [19]
Trong cùng một thời khắc, trong cùng một giấc mơ nhân vật xuôi theo những giấc mơ của riêng mình, sống những giây phút thăng hoa nhất, cũng là hư ảo nhất để có thể quên đi nỗi buồn đau trong thực tại. Nhưng thực ra trong chính
những thời khắc ấy, cả ba người họ đều là những người cô đơn bậc nhất. Mỗi người đều xuôi theo giấc mơ trong sự nhập nhằng và hồ nghi của riêng họ.
Nhân vật Carlyle trong truyện ngắn “Cơn sốt” lửng lơ giữa tỉnh và mê, anh luôn sống trong những hồi ức về người vợ, luôn hồi tưởng lại những tháng ngày ngọt ngào mà hai vợ chồng đã có. Hiện tại anh không thể nắm bắt hay định hình về bất cứ điều gì. Cơn sốt là kết quả của những tháng ngày khủng hoảng tâm lí tinh thần của nhân vật. Anh không hiểu vì sao mà người vợ Eileen bỏ đi theo đồng nghiệp của mình. Anh hồi tưởng lại những nguyên cớ khiến nàng bỏ đi như một cách tự an ủi mình nhưng thường thì những hình ảnh của các cuộc tranh cãi trở về và xua tan đi tất cả. Trống rỗng, anh thoát khỏi những ý niệm về quá khứ, trở về với thực tại. Sống trong những không gian hồi tưởng đan xen với hiện tại như vậy đã chứng tỏ tình trạng rối bời, không làm chủ được tâm trí trước sự xáo trộn của cuộc sống của nhân vật Carlyle.
Tóm lại, không gian tâm tưởng trong truyện ngắn của Raymond Carver thể hiện những ám ảnh và bất an của nhân vật trong các cuộc hôn nhân, trong cuộc sống gia đình thường nhật. Không gian tâm tưởng góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công trong việc xây dựng nhân vật cực hạn của Raymond Carver.