Không gian thảm họa

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 44 - 48)

NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

2.1.2.Không gian thảm họa

Ngoài những không gian sinh hoạt đời thường kể trên trong các sáng tác của Rayond Carver còn đề cập đến những không gian thảm họa. Không gian đó chất chứa những biến cố, những lo lắng của nhân vật.

Không gian thảm họa trong truyện ngắn của Raymond Carver chủ yếu là mô tả không gian ở bệnh viện, trại cai nghiện, những căn phòng khép kín. Đó là hình ảnh căn phòng khép kín cô độc (Hàng xóm, Mồi lửa), là không gian ở bệnh viện (Tắm,

Những điều tốt lành nho nhỏ), là không gian của trại cai nghiện (Mình đang gọi từ đâu)… gợi ra cho ta những thảm họa trong cuộc sống của các nhân vật.

Căn phòng khép kín có tính chất đối lập với không gian quán xá ồn ào.

Những căn phòng khép kín gợi đến sự chia biệt, cô độc. Myers trong “Mồi lửa”

đã bị đẩy vào không gian như thế khi anh ta bước ra khỏi trại cai nghiện. Ban đầu, đó là một nơi yên ổn cho Myers sau những tháng ngày sóng gió (sống trong cai nghiện, bị vợ đuổi đi) nhưng càng lúc nó càng bóp chặt lấy cuộc sống của anh. Nó khiến nhân vật luôn phải đối mặt với sự cô độc, tình trạng thảm bại của mình. Điều đó càng tăng cấp hơn khi đặt căn phòng cô độc ngay sát cạnh căn phòng hạnh phúc của đôi vợ chồng Sol.

Ở truyện ngắn “Vọng lâu” căn phòng khép kín ám gợi về không gian thảm họa, khởi nguồn của sự sụp đổ. Người kể chuyện xưng tôi – Duane bắt đầu gây thảm họa “ở bất cứ phòng nào ả có mặt khi đi lau dọn. Tôi chỉ bước vào nơi ả

đang làm việc và đóng cửa lại sau lưng. Nhưng hầu hết là ở phòng 11.11, là phòng may mắn của bọn tôi” [12;34]. Trong những thời điểm đó, tình yêu của

Duane dành cho Holly không thay đổi, những phút lên đồng của cảm xúc mới lạ lùng với sự thay đổi không gian khiến nhân vật dần rơi vào cuộc phiêu lưu tình ái. Không gian ấy ám ảnh tới mức dù khi tất cả đã đi qua, Dolly vẫn liên tục chất vấn “anh có làm nó trên giường này không?” Nó khiến Duane cảm thấy “cạn từ bên

trong”, khiến Holly cứ vụn vỡ dần. Từ căn phòng khép kín, không gian thảm họa đã

lan tỏa, bao trùm lên toàn bộ câu chuyện. Đằng sau căn phòng khép kín đó là biết bao hệ lụy và đau khổ, biết bao đổ vỡ trong cuộc sống gia đình.

Ở một truyện khác, “Hàng xóm”, căn phòng khép kín mang ý nghĩa trái ngược, là chốn thiên đường hư ảo. Cuộc sống tẻ nhạt và quá đơn điệu khiến con người luôn có xu hướng tìm cho mình sự đổi thay mà trước hết là đổi thay về không

gian. Nhưng thực chất đó chỉ là không gian hư ảo. Khi chiếc chìa khóa không còn nữa, không gian đó biến mất hoàn toàn. Cả hai cảm thấy mình như rơi vào vực thẳm khi cánh cửa dẫn lối vào căn hộ của hàng xóm bị khóa sập trước mắt:

“Anh thử xoay nắm cửa. Cửa khóa. Rồi cô thử xoay. Nắm cửa không xoay. Môi hé mở, cô thở nặng nhọc, chờ đợi. Anh giang tay và cô áp vào. Anh nói vào tai cô:

- Đừng lo Chúa ơi, đừng lo.

Họ đứng đó. Họ ôm lấy nhau. Họ tựa vào cánh cửa như để chống lại cơn gió. Họ ôm nhau.” [15;27].

Đứng bên nhau, họ cảm nhận rất rõ sự hư vô. Mọi sự hiện tồn đều có thể mất đi trong khoảnh khắc mà không thể níu giữ hay tìm lại được. Khám phá ra cuộc sống mới, chốn thiên đường tuyệt đẹp, cả hai hoàn toàn sống dựa vào đó. Khi đánh mất chìa khóa, nhân vật như rơi vào vực thẳm, không thể trở lại chốn thiên đường vừa khám phá cũng không thể bình nhiên bước chân trở lại cuộc sống trước đây của mình. Họ mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, giữa không gian hư ảo và hiện thực. Đứng bên nhau tựa vào cánh cửa, họ cảm nhận được sự trống rỗng của cuộc sống và nhận ra họ biết rất ít về nhau.

Những căn phòng khép kín trong sáng tác của Carver thể hiện không gian ngột ngạt, đầy cám dỗ, thảm họa. Bị khuôn hạn và phụ thuộc vào đó, con người luôn cảm thấy bất an, cô độc. Xét ở một phương diện khác, chính nhân vật cũng là căn phòng khép kín. Họ khước từ mối liên hệ với những người xung quanh, giam cầm bản thể. Mỗi người là một cá thể biệt lập và rời rạc giữa cộng đồng.

Không gian trại cai nghiện trong truyện ngắn của Raymond Carver cũng

là biểu hiện của không gian thảm họa. “Mình đang gọi từ đâu” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Raymond Carver. Bối cảnh truyện là trại cai nghiện của Frank Martin – một biểu hiện của không gian thảm họa thường gặp trong thế giới nghệ thuật của Carver. Kiểu không gian thường có tên cụ thể chứ không hề phiếm chỉ như ở các nhà hiện đại, Kafka chẳng hạn. Những người nghiện rượu - vì nhiều nguyên nhân – đều đến đó nhằm thoát khỏi sự cám dỗ của ma men và làm lại cuộc đời. Câu chuyện ở trại cai nghiện này kể rất dung dị nhưng lại chuyển tải trong đó nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, cùng hướng và ngược

hướng. Ngay sau khi kể cho các bạn cùng cai nghiện rằng anh ta đã khỏe hơn và chẳng mấy chốc sẽ rời viện. Ở trại cai nghiện họ sống trong một thế giới tách biệt với thế giới bên ngoài và họ khát khao được giao tiếp. Không gian này rất phù hợp với trạng thái trung gian của tri giác và ý chí của nhân vật “tôi” và J.P. Cả “tôi” và J.P đều mong muốn tìm sự ẩn náu bằng cách chạy trốn vào trại cai nghiện, vừa nỗ lực giao tiếp để chống trả lại nỗi cô đơn. Tính hai mặt của không gian trại cai nghiện phù hợp để diễn tả trạng thái giằng xé trong tinh thần của nhân vật “một phần trong tôi muốn được giúp đỡ, một phần thì không”. Con người trong truyện thì luôn cố gắng vượt thoát cảnh ngộ, song dường như cảnh ngộ chẳng hề buông tha họ hoàn toàn. Lúc này họ chiến thắng song lúc khác họ lại thất bại thảm hại.

Một không gian thảm họa mà Raymond Carver còn sử dụng trong những sáng tác của mình đó là không gian ở bệnh viện – một không gian u ám, chết chóc. Đó là không gian của mất mát, thảm họa và đau thương. Trong truyện

“Tắm” kể lại cảnh hai vợ chồng có đứa con bị tai nạn phải đưa vào bệnh viện,

hai vợ chồng trực trong bệnh viện với nỗi chờ đợi phấp phỏng và tình trạng mất phương hướng. Họ đã chờ đợi hàng giờ trong bệnh viện với sự sợ hãi: Tình trạng của con trai mình như thế nào? Liệu con mình có tỉnh lại hay không? Cả y tá và bác sĩ đều không giúp họ có câu trả lời chính xác ngoài sự chờ đợi. Họ đang đau đớn cả về thể xác và tinh thần do phải đương đầu với một vấn đề quá sức chịu đựng của họ. Không gian bệnh viện thể hiện sự bế tắc, mất mát và đổ vỡ khiến con người phải hoang mang, lo lắng. Và chính ở nơi đây họ đã vĩnh viễn mất đứa con trai yêu quý khi nó vừa tròn tám tuổi.

Những cái chết, những không gian thảm họa trong truyện ngắn của Raymond Carver, một phần là xuất phát từ sự ám ảnh về cái chết của con trai Carver, cái chết của người cha nghiện rượu. Không gian trong truyện ngắn của Raymond Carver khởi nguồn từ cảm giác chông chênh về thân phận con người, về những sự mất mát và đổ vỡ trong cuộc sống con người. Qua không gian đó tác giả muốn nói lên cuộc sống của tầng lớp trung lưu trong xã hội Mỹ, họ luôn gặp bế tắc và những áp lực. Như vậy, việc lựa chọn không gian của Raymond Carver không phải là ngẫu nhiên tình cờ mà nhà văn luôn đặt nhân vật đúng chỗ, mỗi

không gian mà nhân vật xuất hiện đều là những không gian có ý nghĩa. Nhưng thảm họa lớn nhất không phải ở xã hội mà là ở chính tâm hồn con người.

Ngoài những không gian ám gợi thảm họa kể trên, trong truyện ngắn của ông chúng ta cũng thấy hiện nhiều kiểu không gian tương tự khác như không gian đám tang (Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà):

“Quan tài đậy nắp và phủ những vòng hoa. Tôi vừa kiếm được chổ ngồi xuống thì đại phong cầm bắt đầu cử. Mọi người tiếp tục vào và tìm chổ ngồi. Có một chú bé mặc quần đỏ chói và áo sơmi vàng cộc tay. Một cánh cửa mở và tang quyến vào, đi thành tốp tiến đến một chỗ che rèm bên cạnh. Mọi người ngồi xuống, những dãy ghế cọt kẹt. Liền đó, một người đàn ông đẹp trai tóc vàng trong bộ đồ đen đẹp đứng lên yêu cầu chúng tôi cúi đầu. Ông đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi, những người còn sống, và sau đó đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.” [12;116].

Đó là sự khái quát về không gian thảm họa – xã hội Mỹ. Những biến động mạnh mẽ của xã hội dẫn đến vô số mối đe dọa cuộc sống của con người. Cái chết bí ẩn của cô gái là một câu hỏi lớn về tình trạng mất ổn định của xã hội. Nhưng thảm họa lớn nhất không phải ở xã hội mà là ở chính tâm hồn con người. Những cái chết, những không gian thảm họa trong truyện ngắn của Raymond Carver, một phần xuất phát từ sự ám ảnh về cái chết của con trai Carver, cái chết của người cha nghiện rượu. Không gian trong truyện ngắn của Raymond Carver khởi nguồn từ cảm giác chông chênh về thân phận con người, về sự mất mát và đổ vỡ trong cuộc sống của nhân vật. Qua không gian đó tác giả muốn khái quát lên cuộc sống của tầng lớp trung lưu trong xã hội Mỹ, họ luôn gặp bế tắc và những áp lực. Họ đang phải sống trong xã hội mà con người luôn phải dành dật và mất ổn định.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 44 - 48)