Đối thoại đứt gãy, lệch pha

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 81 - 84)

NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN, KẾT CẤU, NGÔN NGỮ

3.4.1.Đối thoại đứt gãy, lệch pha

Đối thoại là một trong hai kiểu giao tiếp ngôn từ nghệ thuật cơ bản, bên cạnh độc thoại. Ngôn từ đối thoại biểu hiện sự giao tiếp qua lại (thường là giữa hai phía) trong đó sự chủ động và sự thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía bên này sang phía bên kia, mỗi phát ngôn đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là phản xạ lại phát ngôn có trước ấy.

Tác phẩm của Raymond Carver được xây dựng chủ yếu từ đối thoại. Đối thoại như một phương thức kể chuyện, trưng ra các sự kiện. Nhà văn đặc biệt thích kiểu đối thoại “không ai nghe ai”, kiểu đối thoại rời rạc, trống rỗng. Nhân vật bật ra lời nói của mình một cách lơ đãng thể hiện sự lệch pha và đứt quãng:

- Có và không. Đó không phải là một câu hỏi đơn giản.

- Em mơ thấy mình đang bày bán vitamin. Em bán cả ngày lẫn đêm. Chúa ơi, cuộc sống là gì. Cô đã uống xong.

- Pam làm việc thế nào? Tôi nói. Cô ta vẫn ăn cắp mọi thứ à? Tôi muốn thoát ra khỏi chủ đề này. Nhưng tôi không nghĩ ra một điều gì khác. Patti nói:

- Chết dẫm. Và lắc đầu như thể tôi không biết điều gì cả. Chúng tôi nghe trời đổ mưa.

- Không có ai bán vitamin, Patti nói. Cô đẩy kính lên. Nhưng cũng hết rồi. Không ai mua vitamin. Đó là những gì em muốn nói. Anh có nghe không?

Tôi lại hướng chúng tôi nghĩ về người khác.

-Donna làm gì?” [22]

Patti đang cố chia sẻ những giấc mơ tồi tệ ám ảnh cô mỗi đêm, cảm giác thất bại, đau khổ khi công việc đang rơi vào bế tắc còn “tôi” thì hầu như chỉ

hướng đến suy nghĩ về các cô gái, Pam, Donna; muốn thoát khỏi cuộc hội thoại, bằng chứng là anh ta luôn tránh các câu hỏi và câu chuyện về giấc mơ của Patti. Điều đó đã dẫn dụ đến cuộc phiêu lưu ái tình ở phần cuối truyện. Lời thoại của Patti, “anh có biết những gì em đang nói không?”, “anh có nghe em nói không?” như muốn thiết lập kết nối giữa hai người nhưng vô hiệu.Ở đây lời nói của người vợ đã mất dần khả năng tác động. Tình cảm của hai vợ chồng khó có thể hòa hợp lại được nữa khi mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng và họ không cố gắng hiểu, chia sẻ lẫn nhau. Cũng trong truyện ngắn “Sao không nhảy đi” cuộc mua bán diễn ra hết sức ngắn gọn kiểu luân phiên lượt lời rất đặc trưng cho lối đối thoại của Raymond Carver “chàng trai nói, cô gái nói, người đàn ông nói”.

Trong truyện ngắn của Raymond Carver mối quan hệ tương hòa phối bị phá vỡ, thể hiện ở các cuộc đối thoại lệch pha, kênh giao tiếp bị đứt gãy. Có thể khẳng định ngôn ngữ trong truyện ngắn của Carver là ngôn ngữ bi kịch. Mặc dù vẫn có những lượt lời qua lại nhưng lại không có sự ăn nhập với nhau. Hoặc là những lời đối thoại cụt ngủn, thô kệch. Tương tự như trong truyện ngắn “Cơ khí dân dã”:

“Tôi muốn mang con đi. Cút ra khỏi đây!

Chị quay phắt và tìm cách đặt đứa bé vào một góc phòng sau bếp lò. Nhưng anh sấn tới. Anh với tay qua bếp lò và nắm chặt lấy đứa bé.

Buông nó ra, anh nói.

Cút đi, xéo đi! chị kêu lên.” [12;164]

Những câu đối thoại khô khốc vang lên khiến người đọc giật mình bởi sự trống rỗng của tình người trong kẻ tự xưng là cha, là mẹ, là vợ, là chồng kia. Những câu đối thoại cộc lốc đã cho ta thấy mối quan hệ đứt gãy không thể cứu vãn giữa cuộc sống vợ chồng, dường như trong họ từ lâu đã xem nhau như kẻ thù. Họ kéo đứa con về phía mình như một đồ vật, cố sức làm sao kéo thật mạnh, thật dứt khoát mà không biết rằng hành động kia có thể làm tổn thương đứa trẻ.

Đối thoại trong truyện ngắn của Carver còn được thể hiện ở những khoảng trống vô ngôn, tức là sau câu hỏi của nhân vật là một khoảng trống để ngỏ không được đáp lại, nhân vật không tập trung vào cuộc đối thoại của mình. Điển hình là cuộc đối thoại của hai cha con trong truyện ngắn “Túi quà”:

“Cha có trốn kịp không? Tôi nói. “Anh ta không đuổi theo cha à?”

Cha nhìn tôi như thể tôi bị điên. Ông đăm đăm nhìn cái ly không. Tôi nhìn đồng hồ, duỗi tay chân. Tôi hơi bị nhức đầu, chỗ sau mắt.

Tôi nói, “Con nghĩ tốt hơn là phải ra ngoài đó sớm thôi”. Tôi đưa tay lên cằm và vuốt thẳng cổ áo. “Cô ấy vẫn ở Redding phải không, người phụ nữ ấy ấy?”

“Con không biết gì cả phải không? cha tôi nói. “Con chả biết gì sất. Con không biết gì ngoài việc bán sách.” [12;58]

Qua đoạn đối thoại đó ta thấy sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa cha và con. Câu hỏi của người con bị bỏ trống thể hiện cuộc đối thoại ngập ngừng, dường như giữa họ không có sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Người con chẳng quan tâm và theo dõi những gì người cha đang nói. Mỗi người đang mang trong mình một suy nghĩ riêng nên kênh giao tiếp của họ bị phá vỡ. Họ đang đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư. Phương thức này đã phần nào thể hiện bút pháp cực hạn của nhà văn và cũng phản ánh tính thực dụng của con người trong xã hội Mỹ thời hậu hiện đại – họ chẳng mấy khi quan tâm tới những vấn đề của người khác kể cả đó là mối quan hệ cha con ruột thịt. Đằng sau những lời đối thoại đó ẩn dấu tầng sâu kín, đa nghĩa, đầy ẩn ý, chính điều đó đã giúp cho tác phẩm của ông súc tích mà hấp dẫn.

Ngoài ra, đối thoại trong truyện ngắn của Raymond Carver còn là câu thoại ngắn, rời rạc. Những câu trao đáp bình thường trong trang viết đều gợi lên những vỉa tầng cực đa. Tiêu biểu là câu thoại ngắn trong truyện “Kính ngắm”: “bắt đầu”, “tôi không chụp ảnh động”. Nó là nét vẽ quan trọng hình thành nên bức

tranh vừa hài hước lại vừa bi kịch. Tuy cả hai cùng hoàn cảnh như nhau nhưng họ lại không thể hiểu và chia sẻ cùng nhau. Tất cả lời trao đổi, bày tỏ trước đó hóa ra đều vô nghĩa. Họ vẫn bị khuôn hạn trong thế giới của mình với nỗi đau riêng. Tình trạng và tâm trạng của nhân vật cũng được bộc lộ qua một câu thoại ngắn như thế “thứ gì đó đã chết trong em” (Vọng lâu) [12; 30]. “Xin anh. Đó là cái

gạt tàn của chúng mình” (Một cuộc nói chuyện nghiêm túc) [12;151]. Lời nói ít

nhưng lượng thông tin đằng sau đó là rất lớn. Lời nói của nhân vật rút gọn đến mức tối đa nhưng giàu sức biểu hiện vô cùng, ông muốn thể hiện nhiều hơn những điều ông biết. Nhân vật mơ hồ về những điều đang diễn ra nhưng biết rằng mình đang dần chết mòn đi trong nỗi tuyệt vọng và chán chường. Cả cô và cả người chồng của mình đều không thể cứu vãn được tình trạng suy sụp của cả hai. Họ cứ dần chôn vùi bản thể trong men rượu và sự dằn vặt.

Tóm lại, đối thoại trong truyện ngắn của Raymond Carver rất đặc biệt. Những câu đối thoại cụt ngủn thể hiện sự chông chênh, bất an và đau khổ của những con người trong xã hội Mỹ hậu công nghiệp. Qua những câu đối thoại trong truyện của ông ta thấy sự đổ vỡ và đứt gãy trong chính bản thân mỗi nhân vật, trong quan hệ với những người xung quanh.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 81 - 84)