Không gian đời thường

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 39 - 44)

NHÂN VẬT CỰC HẠN THỂ HIỆN QUA KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

2.1.1. Không gian đời thường

Không gian trong truyện ngắn của Raymond Carver chủ yếu là không gian sinh hoạt đời thường nhỏ bé, tù túng và gợi lên cho người đọc sự ảm đạm của những thân phận con người đời thường, nhỏ bé, bế tắc, luẩn quẩn trong cuộc sống. Đó là không gian nhà bếp, không gian phòng khách, không gian phòng ngủ, ga xe lửa, quán bar, tiệm bánh nhỏ… không gian thực sự, trơ trụi và nhỏ bé. Nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver thường khép mình trong một giới hạn thu nhỏ, tối tăm như thế. Theo chân các nhân vật trong các truyện ngắn của Raymond Carver người đọc bị cuốn vào những không gian chật hẹp, đời thường và mỗi không gian là một câu chuyện, một biến cố tiềm ẩn trong đó.

Không gian phòng bếp là không gian sinh hoạt chủ yếu của các nhân vật

trong truyện ngắn của Raymond Carver. Không gian phòng bếp gợi cho người đọc cảm giác đó là một không gian chật hẹp, ẩm thấp, nhỏ bé như chính cuộc đời của con người vậy. Có thể thống kê được trên dưới hai mươi truyện Raymond Carver lấy không gian từ phòng bếp. Trong truyện ngắn “Mình nói chuyện gì khi

mình nói chuyện tình”, các nhân vật ăn uống, trò chuyện với nhau ngay trong

phòng bếp “Bốn chúng tôi ngồi quanh bàn bếp nhà anh, uống rượu gin. Từ

khung của sổ lớn đằng sau bồn rửa bát đĩa, ánh sáng ùa vào tràn ngập gian bếp.” [12;179]. Ở trong chính không gian chật hẹp đó bao nhiêu số phận được đề

cập, được bàn bạc, bình phẩm. “Một điều nữa thôi” là truyện ngắn lấy bối cảnh trong nhà bếp làm không gian chính. Ở đó diễn ra các cuộc cãi vã giữa cha và con, vợ và chồng, thậm chí là đánh nhau; và cũng chính nơi đó các mối quan hệ gia đình bị vứt bỏ. Hơn bao giờ hết không gian phòng bếp trở nên u ám, lạnh lẽo đến bất ngờ:

“Cô cởi cúc áo khoác và đặt ví xuống bệ bếp. Cô nhìn L.D. và nói, “L.D. tôi chịu hết nổi rồi. Rae cũng thế. Những ai quen anh cũng thế. Tôi nghĩ kĩ rồi. Tôi muốn anh dọn đi. Tối nay. Ngay phút này. Bây giờ. Hãy biến ra khỏi đây ngay lập tức.”

L.D. không định đi đâu cả. Hắn nhìn từ Maxine sang cái lọ dưa nằm trên bàn từ bữa trưa. Hắn cầm lọ lên và ném qua cửa sổ bếp.” [12;207].

Không gian này thể hiện sự đổ vỡ của gia đình, đáng lẽ phòng bếp phải là nơi quy tụ của gia đình, là nơi chứa đựng tiếng cười hạnh phúc bên cạnh những bữa cơm ấm áp, nhưng trong phần nhiều truyện ngắn của ông điều đó đã không xảy ra. Mở đầu truyện ngắn “Không ai nói gì” là không gian u ám của phòng bếp, nơi người bố và người mẹ đang cãi nhau. “Tôi có thể nghe tiếng họ ngoài

bếp. Không nghe rõ họ nói gì, nhưng tôi biết họ đang cãi nhau. Rồi đột nhiên im lặng và mẹ bắt đầu khóc.” [15;64].

Trong truyện ngắn “Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà” Claire trở về từ đám tang của cô gái xấu số, đầu tóc rối bù nhưng cô lại sốt ruột muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, muốn bình thường hóa thái độ thù địch giữa cô và người

chồng nên cô đã chủ động để Stuart làm tình với mình ngay trong chính không gian chật hẹp của phòng bếp:

“Anh cạn ly và đứng dậy. Anh nói: “Anh nghĩ anh biết em đang cần gì.”

Anh quàng một cánh tay ôm ngang eo tôi, bàn tay kia bắt đầu cởi khuya áo khoác rồi anh tiếp tục cởi khuy áo sơ mi của tôi

“Cái gì trước làm trước”, anh nói.” [12;117]

Với không gian chật hẹp, tù túng, ngột ngạt, không phù hợp cho những cuộc làm tình như vậy đã phần nào cho ta thấy cuộc sống vợ chồng đổ vỡ, họ thèm khát tình dục, muốn giải quyết vấn đề sinh lí hơn là tình cảm vợ chồng. Họ cảm thấy sự đổ vỡ ngay trong chính bản thân của mỗi người. Với không gian này gợi lên sự bất an của con người trong cuộc sống và sự không thấu hiểu nhau trong đời sống vợ chồng. Không gian chật hẹp như chính cuộc sống mỏng manh, ngột ngạt của con người.

Không gian phòng ngủ cũng được sử dụng nhiều trong truyện ngắn của

Raymond Carver. Đó là không gian thầm kín của vợ chồng, đồng thời đó cũng là nơi chứa đựng nỗi đau, nỗi cô đơn trong bi kịch gia đình. Không gian trong truyện ngắn “Vọng lâu” chủ yếu là không gian của phòng ngủ. Phòng ngủ gắn với những tháng ngày hạnh phúc của Holly và Duane, phòng ngủ cũng gắn với những trắc trở trong đời sống vợ chồng khi họ đang phải đối mặt với những khó khăn trong đời sống tinh thần do hành vi ngoại tình của Duane. Hai người cảm thấy lạc lõng ngay trong chính cái gọi là thiên đường của tình yêu và hạnh phúc. Chưa bao giờ không gian phòng ngủ trở nên chật hẹp và ngột ngạt đến như thế. Trong truyện ngắn “Tôi thấy được những thứ nhỏ nhặt nhất” mặc dù họ vẫn còn ngủ với nhau chung một giường nhưng tâm hồn họ đã rời xa nhau. Trong một chỗ riêng tư thầm kín, tình yêu của họ đã bị bóp méo, trước khi buộc họ phải bỏ đi, từng người một trong khoảng không gian này. Trong truyện ngắn “Vợ người

sinh viên” cũng thế. Cô vợ đã bắt đầu cảm thấy sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình. “Và nàng bắt đầu cảm thấy sợ, và trong một khoảnh khắc mong chờ không lí giải được nàng cầu nguyện để đi vào giấc ngủ.

Xin Chúa hãy cho con ngủ Nàng cố ngủ” [15;176]

Ngay cả khi nằm trong phòng ngủ của vợ chồng, nơi cách biệt với cộng đồng, với cuộc sống bon chen hối hả con người vẫn cảm thấy bất an, chính không gian đó đang dự báo cho những đổ vỡ sắp xảy ra của đôi vợ chồng.

Ngoài không gian ở phòng ngủ, trong truyện ngắn “Những điều tốt lành

nho nhỏ” là không gian chật hẹp của xưởng bánh nhỏ nơi Ann – mẹ của cậu bé

sinh nhật tới đặt bánh. Nhờ việc đặt bánh và những cú điện thoại vô tình nhắc nhở về chuyện cái bánh mà các tâm hồn cô đơn đã gặp nhau. Người làm bánh cũng là một người cô độc. Mọi niềm vui và nỗi buồn của ông ấy đều chất đầy không gian chật hẹp của xưởng bánh nhỏ. Là một người già đơn thân nên ông chỉ biết quanh quẩn trong xưởng bánh bé nhỏ này vừa để bầu bạn, vừa để kiếm sống qua ngày: “tháng ngày cứ lặp đi lặp lại với những lò bánh hết đầy ắp rồi lại

rỗng không”. Đó cũng là không gian gặp gỡ của ba con người cô đơn. Chính ở

nơi đó – trong không gian không mấy thoải mái và sáng sủa này tình người được biểu hiện rõ nét nhất, con người thông cảm và chân tình với nhau nhất.

Không gian phòng khách cũng được sử dụng trong nhiều trang viết của

Raymond Carver. Rời những phòng bếp ảm đạm, những phòng ngủ cô độc chúng ta lại được tác giả đưa đến với không gian của phòng khách với những chiếc sofa nhỏ bé trong phòng. Sofa là vật dụng quen thuộc, là nơi để con người ta thả mình thư giản hoặc suy nghĩ về vấn đề gì đó. Chiếc sofa là vật kết nối quá khứ với hiện tại. Sofa vô tình trở thành một phần của những đau đớn, những băn khoăn trăn trở trong cuộc đời. Ghế sofa dường như có mặt trong tất cả các hoạt động sinh hoạt của các nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver. Đứa trẻ trong truyện ngắn “Tắm” kể lại câu chuyện mình bị tai nạn như thế nào cho mẹ nghe khi “cả hai người đang ngồi cùng nhau trên ghế sofa” [12;62], rời bệnh viện trở về nhà người mẹ cũng ngồi trên ghế sofa để giải tỏa lo lắng trong lòng. Trong truyện “Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà” bị ám ảnh bởi cái chết của cô gái và nghi ngờ chồng mình có liên quan đến chuyện đó, cô không muốn ở gần chồng nên đã ngủ trên ghế sofa suốt một đêm. Trong “Vọng lâu”, hai vợ chồng cãi vã, nói chuyện với nhau trên ghế sofa: “Chúng tôi đang ngồi trên sofa trong

phòng suite trên lầu. Có nhiều phòng trống ở đủ các tầng để lựa chọn. Nhưng chúng tôi cần phòng suite, nơi để đi lại và nói chuyện” [12;27]… Thậm chí là họ

làm tình với nhau trên ghế sofa như trong truyện ngắn “Túi quà”: “Rồi, lúc đó

cha hôn cô ấy. Cha ngả đầu cô ấy ra sofa và hôn cô ấy, và cha cảm thấy lưỡi cô ấy ở sẵn ngoài đó chỉ chực xông vào miệng cha” [12;55]. Tương tự trong “Ngài café và ngài sửa chữa” cũng là cảnh làm tình của người mẹ và tình nhân trên ghế

sofa: “Tôi đến nhà mẹ ở lại vài đêm. Nhưng ngay khi tôi bước lên đầu cầu thang,

tôi thì nhìn còn bà thì đang ngồi trên sofa hôn một gã. Bấy giờ là mùa hè, cửa mở toang. Tivi đang bật Đó là một trong những thứ tôi nhìn thấy.” [12;21]. Có

thể thấy những chiếc ghế sofa là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của các nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver.

Nhân vật trong truyện ngắn của Raymond Carver thường khép mình trong một thế giới hạn hẹp. Chiếc sofa trở thành không gian biệt lập của người chồng trong “Bảo quản”. Anh ta gắn chặt mình vào chiếc ghế ấy và xem đó là nơi ở mới của mình, tách hẳn với không gian của người vợ - Sandy. Sandy chỉ có thể đứng từ xa nhìn về không gian đó như nhìn về một nơi không hề thuộc về mình mặc dù chiếc sofa ấy đặt ngay trong chiếc phòng khách của gia đình:

“ Từ chỗ cô đang đứng trong bếp nhìn về phía phòng khách có thể thấy mặt sau của ghế sofa và màn hình tivi”

“Cô ta thấy anh ngồi xuống ghế sofa và cầm cuốn sách lên. Anh ta mở chỗ đánh dấu nhưng một lúc sau anh ta lại đặt nó xuống và nằm trên sofa. Cô thấy anh để gối lên phần dựa tay của ghế sofa. Anh ta chỉnh lại gối và đưa tay ra sau cổ. Sau đó, anh nằm yên. Cô gấp mảnh giấy lại. Cô đứng lên và lặng lẽ đến phòng khách, nơi mà cô nhìn về phía sau bộ sofa”

“Cô ấy nhìn thấy đầu anh nhấc ra khỏi phần cuối của ghế sofa” [26].

Sự trở đi trở lại của ánh mắt Sandy, khoảng cách giữa phòng khách và phòng bếp, từ ghế sofa đến vị trí của cô cho thấy sự phân rã của mối quan hệ vợ chồng. Sandy bất lực, đau khổ tột cùng và đỉnh điểm là ý muốn ngay lập tức thoát ra khỏi sự ngột ngạt, buồn chán. Còn người chồng vẫn bước từng bước lặng lẽ trở về với thế giới riêng của mình.

Sự hạn hẹp không chỉ thể hiện ở không gian sống mà còn được thể hiện ở không gian của các mối quan hệ. Nhân vật chính trong “Thánh đường” không có bạn bè, và hoàn toàn bất lực trong các mối quan hệ với người khác. Sự liên kết

duy nhất với thế giới bên ngoài chính là người vợ nhưng đôi khi cô cũng không đủ sức giúp anh. Anh ta hoàn toàn không mang tính xã hội, đến mức tên của anh cũng không được đề cập đến dù chỉ một lần trong cốt truyện và định danh người khác bằng đặc điểm, gọi Robert là một người mù và đó là cách anh ta gọi người khách này hết lần này đến lần khác.

Sống trong không gian chập hẹp, tù túng, nhân vật muốn rời bỏ không gian gia đình đó để đến với không gian rộng hơn như không gian quán xá (Em làm ơn

im đi, được không?, Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, Vitamins), không gian thiên nhiên (Bảo bọn đàn bà là chúng mình đi chơi, Biết bao nhiêu

nước ở ngay gần nhà), tìm kiếm một nơi ở mới (Dây cương, Vọng lâu, Túi quà, Mình đang gọi từ đâu…) hoặc tạm di trú vào không gian ảo truyền hình và những

giấc mơ. Truyền hình tuy là một thế giới ảo nhưng nó là một phần không thể thiếu trong truyện ngắn của Raymond Carver. Họ xem truyền hình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là kênh thông tin giải trí. Carlyle (Cơn sốt) thường ngủ thiếp trước màn hình tivi, người khách mù xem tivi (Thánh đường), tivi luôn ở trong trạng thái bật (Sao không nhảy đi, Ngài café

và ngài sữa chữa) hay tivi ở chế độ tắt âm (Sau đồ jeans). Sự đổ vỡ trong cuộc

sống hiện tại khiến con người muốn tìm kiếm cho mình một không gian yên ổn, tự do, một không gian ngoài thực tại, ngoài không gian chật hẹp, tù túng trong cuộc sống thường ngày. Nhưng những không gian này đều u buồn, hẻo lánh, con người vẫn không sao thoát khỏi tình trạng bế tắc. Họ vẫn phải trở về với cuộc sống thực tại, với những đổ vỡ, sau khi bỏ đi người chồng vẫn trở về và làm tình với người vợ (Em làm ơn im đi, được không?), Jerrry trong truyện ngắn “Bảo bọn đàn

bà là chúng mình đi chơi” anh đã kết thúc mối quan hệ đó bằng một hòn đá.

Tất cả đó là những không gian cực hạn bởi chính trong không gian đó gợi lên nhiều vấn đề về bi kịch cuộc sống của nhân vật. Chỉ cần quan sát nhân vật di chuyển và cảm thấy như thế nào trong không gian ấy độc giả có thể hình dung ra được các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Tính chất cực hạn của không gian này đã góp phần đắc lực trong việc thể hiện kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Kiểu nhân vật cực hạn trong truyện ngắn của Raymond Carver (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w