Hệ protein gan người

Một phần của tài liệu Xác định kháng nguyên phản ứng miễn dịch của bệnh nhân ung thư gan (Trang 26 - 27)

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể người, chỉ đứng thứ hai sau não về mức độ phức tạp. Gan có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, trao đổi chất, thanh lọc độc tố và cũng là nơi sản sinh ra nhiều loại protein nhất. Các protein được tạo ra từ tế bào gan thực hiện hàng ngàn phản ứng sinh hóa phức tạp.

Tại hội thảo khoa học của Tổ chức Proteome người (Human Proteome Organisation - HUPO) diễn ra ngày 28-29/04/2002 ở Bethesda (Hoa Kỳ), đã đánh dấu cho sự ra đời của dự án Proteome gan người (Human Liver Proteome Project -

17

HLPP). Đây là dự án lớn thứ 3 của tổ chức HUPO có mục đích nghiên cứu là: xây dựng bản đồ protein toàn diện của gan người, nhận dạng sự biểu hiện của protein, những cải biến sau dịch mã, thiết lập bản đồ tương tác protein - protein, tiếp cận theo hướng proteomics để tìm hiểu về trạng thái sinh lý, bệnh lý trong gan từ đó giúp phát triển các chỉ thị chẩn đoán và điều trị các bệnh về gan, thành lập ngân hàng dữ liệu HLPP [47].

Dự án HLPP được triển khai với tiến độ nghiên cứu nhanh và đã thu được nhiều kết quả đáng kể. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của dự án đã thiết lập quy trình thao tác chuẩn, tối ưu hóa kỹ thuật phân tích proteomics và khảo sát thành công hệ protein mô gan phôi thai và mô gan người trưởng thành. Dự án đã thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra là xác định được 5000 protein gan, 5500 khung đọc mở của các gene biểu hiện ở gan người được lưu giữ trong ngân hàng khung đọc mở. Bên cạnh đó, một hệ thống hơn 1000 tương tác giữa protein - protein ở gan người được tìm thấy và miêu tả. Những thay đổi về proteomics trong mô gan và huyết tương đã được nghiên cứu và so sánh trong quá trình tiến triển của các bệnh về gan, từ mô gan bình thường tới viêm gan, xơ gan, ung thư gan và ung thư gan di căn. Từ những nghiên cứu đó, 10 chỉ thị sinh học tiềm năng cho các bệnh về gan được tìm ra và được khẳng định tính hiệu quả của chúng trong chẩn đoán các bệnh về gan. Đặc biệt, dự án đã xây dựng và công bố 3 cơ sở dữ liệu về gan: Liverbase, dbLEP, LiverMap nhằm cung cấp thông tin về đặc điểm protein biểu hiện trong gan, định vị protein, mô tả tương tác của protein và quá trình hoạt động chức năng của protein trong gan [47].

Một phần của tài liệu Xác định kháng nguyên phản ứng miễn dịch của bệnh nhân ung thư gan (Trang 26 - 27)