Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 43 - 49)

Điều 34 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Điều 28, 28a Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan như sau:

* Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ có quyền: - Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 200.000 đồng.

* Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng

* Chi cục trưởng Hải quan (bao gồm Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan); Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan); Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 20.000.000 đồng,

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. * Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng đối với lĩnh vực hải quan, 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thuế.

- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; * Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 32 và 33 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi

vi phạm hành chính về hải quan được quy định tại Điều 13 Nghị định 97/2007/NĐ-CP.

* Chi cục trưởng Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại khoản 4 Điều 9; Điều 14, Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 97/2007/NĐ-CP.

* Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 28 Nghị định 97/2007/NĐ-CP có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện bằng văn bản và phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.

* Cấp phó được ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cấp hải quan quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định (Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP) là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về hải quan thì thẩm quyền xử phạt được xác định như sau:

+ Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

+ Trường hợp mức tiền phạt hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt.

Như vậy, căn cứ qui định của Pháp lệnh hiện hành, Cục trưởng cục Hải quan tỉnh được xử phạt tiền đến 100.000.000 đồng. Đối với các vụ vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng, thì chuyển để Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương nơi bắt giữ để thực hiện việc xử phạt theo qui định chung, qui định này phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước theo lãnh thổ. Trừ trường hợp các vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, thụ lý thì các đơn vị này thực hiện việc xử phạt.

Việc xác định thẩm quyền xử phạt của các cấp hải quan đối với các hành vi vi phạm qui định tại các Luật thuế: Hiện tại chưa có văn bản nào qui định cụ thể thẩm quyền của các cấp hải quan trong việc xử phạt vi phạm về thuế. Mức phạt vi phạm về thuế từ 1 đến 5 lần số thuế ẩn lậu trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều mức phạt mà các cấp Hải quan có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, việc thực hiện thẩm quyền xử phạt cụ thể được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; do đó, để bảo đảm tính thống nhất, thẩm quyền xử phạt của các cấp hải quan nêu trên nên bao gồm cả các hành vi vi phạm pháp luật Thuế. Nếu mức phạt đối với các hành vi vi phạm về thuế vượt thẩm quyền xử phạt của các cấp hải quan như quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì cơ quan hải quan chuyển vụ việc đến cấp có thẩm quyền để thực hiện việc xử phạt.

Những hành vi vi phạm phát hiện được trong quá trình thực hiện kiểm tra sau thông quan mà còn thời hiệu xử phạt thì tuy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người có thẩm quyền xử phạt nêu trên thực hiện việc xử phạt theo quy định chung. Nếu vụ việc do Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện mà còn thời hiệu xử phạt thì chuyển đến Cục Hải quan tỉnh, nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan để thực hiện việc xử phạt.

Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị hải quan, đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên thì đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị thụ lý vụ vi phạm.

Vi phạm liên quan đến hàng hóa chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu phát hiện, nếu có dấu hiệu hình sự thì Chi cục Hải quan cửa khẩu yêu cầu Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự; Hàng chuyển cửa khẩu có vi phạm hành chính thì Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển hồ sơ để Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai xử phạt theo thẩm quyền. Nếu tang vật vi phạm là hàng cấm nhập khẩu, chất thải nguy hại, lây lan dịch bệnh được phát hiện tại cửa khẩu thì Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai chuyển hồ sơ để Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện việc xử phạt theo thẩm quyền; "trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định xử lý, đơn vị chủ trì xử lý phải thông báo kết quả xử lý cho đơn vị hải quan liên quan biết" [8, tr. 13].

Đối với những vi phạm pháp luật về hải quan xảy ra trên đất liền, vùng lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta thuộc địa bàn quản lý của Hải quan nơi nào thì hải quan nơi đó có trách nhiệm xử phạt theo thẩm quyền qui định.

Đối với các vụ vi phạm do các đơn vị thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện bắt giữ mà có mức phạt vượt quá thẩm quyền của Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu thì thẩm quyền xử phạt do Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện theo quy định.

Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan được thực hiện theo đúng qui định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và qui định của Luật hải quan. Trong địa bàn hoạt động hải quan, hải quan xử

phạt tất các hành vi vi phạm về hải quan được qui định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan và các Nghị định khác có xác lập thẩm quyền xử phạt cho cơ quan Hải quan (bao gồm cả những vụ vi phạm pháp luật Hải quan do các cơ quan khác phát hiện): Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và xử phạt theo qui định chung. Trong trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đã đưa ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan nhà nước hữu quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì theo thẩm quyền, cơ quan đó thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, những quy định hiện hành về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan đã được thay đổi, tăng thêm thẩm quyền xử phạt cho cán bộ công chức Hải quan như: nâng mức xử phạt vi phạm, giao quyền xử phạt vi phạm cho nhân viên Hải quan (trước đây, từ cấp Đội trưởng đội nghiệp vụ trở lên mới có thẩm quyền xử phạt), cấp trưởng được ủy quyền cho cấp phó… Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Hải quan trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, làm tăng thêm vị thế cũng như trách nhiệm của ngành Hải quan đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 43 - 49)