Bồi dưỡng ý thức pháp luật

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 129 - 134)

- Xem xét và ra quyết định xử phạt, trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình hoặc vượt quá thẩm quyền của mình thì chuyển hồ sơ

3.2.3.Bồi dưỡng ý thức pháp luật

3.2.3.1. Đổi mới nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức hải quan trongxử phạt vi phạm hành chính

Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao một bước hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính ở nước ta hiện nay. Hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức tồn tại một số quan niệm phổ biến về việc xử lý vi phạm hành chính là:

Thứ nhất, trong ngành Hải quan, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn tồn tại nhận thức cho rằng xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ của nhà nước nhằm trừng phạt nghiêm khắc người vi phạm, răn đe sự tái phạm và vi phạm pháp luật của người khác, là nguồn thu của nhà nước, là nguồn hỗ trợ kinh tế cho đội ngũ cán bộ thi hành công vụ, là nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho việc tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính mà chưa thấy được sự kết hợp chặt chẽ giữa thuyết phục và cưỡng chế trong quản lý hành chính nhà nước, chưa thấy được những hậu quả to lớn về nhiều mặt do vi phạm hành chính gây ra.

Thứ hai, đối với những cơ quan nhà nước, cán bộ công chức không có thẩm quyền xử phạt thì coi việc xử phạt vi phạm hành chính như là một loại chế tài áp dụng đối với những vi phạm trật tự quản lý hành chính công, chủ yếu để áp dụng ngoài cuộc sống công cộng. Nếu bản thân công chức vi phạm thì cũng bị xử phạt như đối với mọi công dân bình thường khác, chưa thấy trách nhiệm gương mẫu chấp hành luật pháp về xử phạt vi phạm hành chính của bản thân đội ngũ cán bộ, công chức.

Để đổi mới nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành Hải quan, trước mắt cần tiến hành một số các hoạt động chủ yếu sau đây:

Ngành Hải quan phải tích cực tổ chức học tập, nghiên cứu và quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật để thi hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định đó trong sinh hoạt và công tác, phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ công chức, phát huy tinh thần đảng viên trong việc đi đầu chấp hành các quy định của pháp luật. Trong trường hợp những đối tượng này vi phạm hành chính thì phải nghiêm chỉnh chấp hành việc xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền đối với vi phạm của mình.

Các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện tốt các nội dung được nêu trong Chỉ thị số 20/2002/CT-TTg ngày 01/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung này bao gồm: tiến hành sắp xếp lại bộ máy, kiện toàn về tổ chức để bảo đảm thực hiện tốt thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của mình; tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đề cao tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm và đạo đức trong sáng, lành mạnh của người cán bộ, công chức phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và những người có liên quan, đặc biệt là những chức danh mới được bổ sung trong Pháp lệnh 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm năm 2008; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ công chức có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực thi công vụ và việc tổ chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính để nhanh chóng chấn chỉnh và từng bước đưa công tác xử lý vi phạm hành chính vào nền nếp, có hiệu quả cao; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính vi phạm pháp luật, từng bước tạo lập kỷ luật nghiêm minh trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thường xuyên tổ chức học tập, phê bình và tự phê bình, tuyên truyền sâu rộng các tấm gương điển hình trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, giáo dục tinh thần, thái độ và ý thức kỷ luật trong công tác xử lý vi phạm hành chính; phát động phong trào thi đua trong công tác phòng chống vi phạm hành chính và kêu gọi sự hưởng ứng, ủng hộ của quần chúng nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra và khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm của các đơn vị Hải quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, từng bước kiện toàn đội ngũ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong sạch, vững mạnh.

3.2.3.2. Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Trình độ nhận thức và thái độ chấp hành của cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các qui định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Chúng ta biết, chính cá nhân, tổ chức là đối tượng trực tiếp thực hiện các qui định này. Do vậy, trình độ nhận thức và thái độ chấp hành đóng vai trò quyết định thực hiện qui định xử phạt vi phạm hành chính. Cho dù hệ thống chính sách pháp luật có hoàn thiện, phương pháp, hình thức quản lý đổi mới, cán bộ xử phạt vi phạm đáp ứng năng lực trình độ song vẫn không thể ngăn chặn triệt để việc vi phạm. Do đó, một mặt cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, mặt khác phải tuyên truyền giáo dục, vận động cá nhân, tổ chức tự giác chấp hành đúng nghĩa vụ và quyền lợi của họ.

Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là do sự thiếu hiểu biết của các cá nhân tổ chức hoặc biết nhưng vẫn cố tình vi phạm nhằm thu lợi ích. Đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ nhận thức về pháp luật còn yếu kém, cũng như khó khăn về kinh tế đã dẫn đến việc thực hiện các hành vi vi phạm. Chính vì lý do đó, ngành hải quan nói chung phải chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục tới mỗi người dân, đặc biệt là đối với các đồng bào dân tộc thì có thể thông qua các trưởng bản để đem thông tin đến với các đồng bào để tránh các vi phạm do thiếu hiểu biết

xảy ra làm ảnh hưởng đến lợi ích của những đồng bào còn khó khăn; riêng đối với những trường hợp biết nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cần có chế tài mạnh hơn, mang tính chất răn đe để người dân không dám vi phạm.

Để giúp nâng cao ý thức của cá nhân, doanh nghiệp, thì việc cơ quan Hải quan phải công khai, minh bạch trong việc tổ chức thực hiện, cũng như chính sách pháp luật là việc làm rất quan trọng. Từ sự công khai, minh bạch đó giúp cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có những hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này, từ đó làm cơ sở, điều kiện tốt cho cơ quan hải quan thực hiện pháp luật nhà nước có hiệu lực, hiệu quả. Thực tế cho thấy nhiều vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là do cá nhân, doanh nghiệp thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan, nên đã tạo ra những rào cản đối với quá trình thực hiện pháp luật của họ.

Vì vậy, tuyên truyền, thông tin đầy đủ về nội dung của các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện pháp luật là yếu tố tạo nên thành công trong việc thực thi các qui định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực hải quan.

Tăng cường sự tuân thủ và hợp tác giữa ngành Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp:

Hiện nay, quan hệ hợp tác với những ngành kinh tế tư nhân sẽ giúp tăng cường vai trò của cơ quan hải quan trong việc đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo môi trường thân thiện. Khu vực kinh tế tư nhân bao gồm chủ các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý tuân thủ. Thông qua việc phối hợp với các khu vực này, cơ quan hải quan có thể nắm được thông tin phục vụ kiểm soát vi phạm hành chính.

Pháp luật hải quan không qui định về việc thiết lập quan hệ hợp tác với các khu vực kinh tế tư nhân thông qua hiệp định và bản ghi nhớ. Gần đây, cơ quan hải quan đã liên hệ với cộng đồng doanh nghiệp và các ngành công nghiệp thông qua những buổi tọa đàm, hội nghị không chính thức, qua đó cơ

quan hải quan phổ biến thông tin, giới thiệu những thủ tục mới; còn các doanh nghiệp đưa ra ý kiến phản hồi. Những nỗ lực đó đã được hoan nghênh và nên được mở rộng theo những khía cạnh sau:

+ Tiến hành các hội nghị thường xuyên và những phiên tọa đàm riêng với những ngành kinh tế khác nhau trong cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ: các ngành kinh tế này có thể là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hãng vận tải hàng không, các hãng vận chuyển. Hội nghị này mới đầu có thể tổ chức định kỳ theo năm, quý và sau đó có thể là hàng tháng.

+ Chính thức hóa Bản ghi nhớ với các ngành kinh tế tư nhân để đảm bảo rằng qui định về thông tin từ các ngành này giúp tăng cường thông tin tình báo hải quan và cơ chế kiểm soát. Bản ghi nhớ có thể được ký với cảng vụ và các tổ chức vận tải, cung cấp thông tin về các việc làm phi pháp khi các cơ quan liên quan nhận được thông tin này.

+ Ngành Hải quan, các ngành kinh tế tư nhân có thể đào tạo cho nhau vì kiến thức và lợi ích chung trong kinh doanh và nghiệp vụ của mình.

Thực tế sự tuân thủ và hợp tác, một số doanh nghiệp lớn đã tuân thủ, được đánh giá là chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hải quan. Và đã được cơ quan hải quan cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên và ưu tiên đặc biệt như: Công ty Intel, công ty Samsung…

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để mọi hành vi vi phạm hành chính, nhất là trong lĩnh vực hải quan. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính thì vấn đề xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để vi phạm hành chính phải được trở thành phương châm thực hiện đối với các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thực tiễn. Đây thực chất cũng là một nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính. Xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, triệt để vi phạm hành chính có gắn bó mật thiết với trách nhiệm kỷ luật công vụ và tính chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Thực tế vừa qua đã phản ánh

nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính do quy định mức tiền phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và cũng không quy định hình thức phạt bổ sung kèm theo, dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp không đạt được ý nghĩa giáo dục, răn đe trong xử phạt vi phạm hành chính như mong muốn. Việc tuân thủ triệt để các quy định về trình tự thủ tục cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần để vi phạm hành chính được xử lý nhanh chóng, công minh, là yêu cầu của pháp chế trong xử lý vi phạm hành chính.

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 129 - 134)