- Xem xét và ra quyết định xử phạt, trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình hoặc vượt quá thẩm quyền của mình thì chuyển hồ sơ
3.1.2. Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan
Hiện đại hoá hải quan là một tất yếu của sự phát triển, là nhu cầu tự thân của ngành hải quan cũng như đòi hỏi khách quan của quá trình mở cửa, hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới và khu vực. Hiện đại hoá hải quan gồm nhiều cấu phần khác nhau, trong đó có cải cách, hiện đại hoá thể chế, chính là hiện đại hoá hệ thống pháp luật hải quan mà hệ thống pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là một bộ phận không thể tách rời. Đây có thể khẳng định là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật hải quan hiện đại, minh bạch, mặt khác là cơ sở để triển khai các nội dung khác của hiện đại hoá hải như hiện đại hoá bộ máy quản lý nhà nước, hiện đại hoá trang thiết bị, khoa học, công nghệ.
Xuất phát từ nguyên tắc xây dựng hệ thống pháp luật về hải quan đảm bảo: tính minh bạch, rõ ràng; tính ổn định; tính dự báo; tính linh hoạt; luôn cập nhật các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tiên tiến nhất thì các quy định theo các hiệp ước quốc tế, các cam kết quốc tế phải được chi tiết hoá thành các điều trong Luật hải quan, các điều khoản luật phải được xây dựng ở mức độ chi tiết nhất có thể để tránh phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn. Đồng thời với việc bổ sung các nội dung về quản lý hải quan hiện đại, thủ tục hải quan điện tử thì các qui định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng phải xây dựng theo hướng hiện đại hoá, đưa được các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật vào các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Đây cũng là mục tiêu cần thiết phải tiến hành nhằm hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trước điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, hệ thống các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan gồm có Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính,
Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP. Thực hiện chủ trương xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ cần phải cụ thể hóa các nội dung có thể được trong Luật, Nghị định, hạn chế đến mức thấp nhất ban hành thông tư cũng như các văn bản hướng dẫn dưới Luật hoặc Nghị định, thì các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng cần phải được tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện để đưa những nội dung thực hiện mang tính ổn định, thống nhất vào trong một văn bản có tính pháp lý cao hơn, tránh tình trạng phải hướng dẫn quá nhiều nội dung của nghị định tại thông tư. Thực hiện được nội dung này, một mặt để minh bạch và công khai hóa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, mặt khác cũng thể hiện được tinh thần cải cách hành chính, cải cách thể chế trong giai đoạn hiện nay.