Thời hiệu xử phạt và hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 37 - 43)

thời điểm Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng tại thời điểm xử phạt, Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP đã có hiệu lực thì việc xử phạt áp dụng theo quy định của Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP nếu Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

- Các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực hải quan mà không được quy định tại Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP thì thực hiện xử phạt hành chính theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Các quy định khác về xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan không được nêu trong Nghị định 97/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật khác liên quan.

1.3.3. Thời hiệu xử phạt và hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan lĩnh vực hải quan

1.3.3.1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là thời hạn (khoảng thời gian) để áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân hay tổ chức vi phạm pháp luật hành chính.

Việc quy định thời hiệu trong xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa rất quan trọng, nó tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như thi hành các quyết định xử phạt. Mặt khác, việc quy định thời hiệu trong xử phạt vi phạm hành chính cũng là một yêu cầu đối với người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải nhanh chóng xem xét hồ sơ vụ việc, xác minh các nội dung liên quan để giải quyết vụ việc vi phạm một cách nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật.

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 110 Luật Quản lý thuế. Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói chung là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Thời hạn này là 2 năm với vi phạm hành chính thuộc một số lĩnh vực như tài chính, xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai, đê điều, xuất bản, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả. Trên cơ sở các quy định này, Nghị định 97/2007/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với hành vi khai thiếu nghĩa vụ thuế, hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và hành vi chậm nộp tiền thuế quy định tại khoản 4 Điều 9, Điều 14 và Điều 15 Nghị định 97/2007/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 05 (năm) năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Quá thời hiệu xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 97/2007/NĐ-CP; đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định.

Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 97/2007/NĐ-CP; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và hồ sơ vụ vi phạm.

Trong thời hạn quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị định 97/2007/NĐ-CP (trong thời hạn 2 năm và thời hạn 3 tháng đối với trường hợp đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và trả về để xử phạt hành chính) nếu cá nhân, tổ chức lại tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị định 97/2007/NĐ-CP; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

1.3.3.2. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hảiquan

Hình thức xử phạt vi phạm thể hiện sự răn đe, trừng phạt của pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước thông qua việc buộc người vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về vật chất hoặc tinh thần. Ngoài ra hình thức xử phạt còn mang tính giáo dục đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt, góp phần nâng cao ý thức của công dân trong việc chấp hành pháp luật và các quy tắc quản lý nhà nước.

Căn cứ quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 97/2007/NĐ-CP thì các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan gồm có: hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính).

- Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Hình thức xử phạt cảnh cáo được quyết định bằng văn bản. Việc áp dụng hình thức xử phạt này được tiến hành với thủ tục đơn giản, không phải lập biên bản vi phạm.

Hình thức phạt cảnh cáo thể hiện sự đánh giá của Nhà nước đối với hành vi vi phạm do người thực hiện hành vi vi phạm gây ra, nhưng mang tính giáo dục nhiều hơn là tính xử phạt, như quy định cảnh cáo được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện là thể hiện tính giáo dục nhiều hơn tính xử phạt vì ở độ tuổi này người vi phạm chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình.

Việc quy định hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện là quy định mới của pháp lệnh hiện hành.

- Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được áp dụng nhiều nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt này tác động trực tiếp đến quyền lợi vật chất, gây hậu quả bất lợi cho người vi phạm. Mức phạt tiền thể hiện mức cưỡng chế của Nhà nước đối với người vi phạm, thể hiện sự đánh giá của Nhà nước về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, đây là hình thức xử phạt đem lại hiệu quả cao nhất trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật hành chính về hải quan.

Nhà nước quy định mức phạt tối thiểu và mức tối đa, để trên cơ sở đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân người vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt quyết định mức phạt cho phù hợp.

+ Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì mức phạt tiền là từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, gian lận.

+ Đối với hành vi khai thiếu nghĩa vụ thuế hoặc khai tăng số thuế được miễn, giảm, được hoàn thì mức phạt tiền là 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn khai tăng.

+ Đối với hành vi chậm nộp tiền thuế thì mức phạt tiền là 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế nộp chậm.

+ Đối với hành vi không thực hiện trích, chuyển toàn bộ hoặc một phần tương ứng số tiền phải nộp từ tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế vào ngân sách nhà nước thì bị phạt tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển.

Việc quy định mức phạt tiền trong lĩnh vực hải quan, được dựa trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ xâm hại của hành vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ: quy định mức phạt đối với lĩnh vực hải quan thì mức phạt tối đa là 70 triệu đồng, nhưng ở lĩnh vực khoáng sản, sở hữu công nghiệp, hàng hải, hàng không, thuế thì mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng (trừ trường hợp các Luật có quy định khác như: các Luật thuế không quy định mức tiền phạt tối đa mà số tiền phạt được xác định theo số lần tương ứng với số thuế trốn lận...). Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể được tăng lên nhưng không vượt mức tối đa của khung tiền phạt.

Đối với mỗi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung được quy định nhằm mục đích hỗ trợ cho hình thức xử phạt chính, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Ngoài các hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền trên, trong lĩnh vực hải quan còn có các hình thức xử phạt bổ sung sau:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Theo Điều 16 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (có thời hạn hoặc không có thời hạn) là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn và được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Trong lĩnh vực hải quan, chỉ có Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan mới có quyền tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền. Khi phát hiện giấy phép giả mạo, giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật, cơ quan Hải quan phải lập biên bản thu giữ, sau đó thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan biết.

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính nhằm tước bỏ quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức vi phạm đối với tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, sung vào công quỹ Nhà nước. Chỉ áp dụng hình thức này nếu các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định. Và tại điểm b, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ-CP đã quy định hình thức xử phạt này.

Đối với tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan nhưng không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức vi phạm mà bị cá nhân, tổ chức này chiếm đoạt, sử dụng trái phép (không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc sử dụng sai mục đích ban đầu đã thỏa thuận với chủ sở hữu) thì không được áp dụng hình thức xử phạt tịch thu mà phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp vì chủ sở hữu những tài sản đó không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về việc tang vật, phương tiện thuộc sở hữu của họ bị sử dụng để vi phạm hành chính ngoài ý muốn của họ.

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, chỉ áp dụng 1 trong 2 hình thức phạt chính nêu trên; không được áp dụng cả 2 hình thức xử phạt chính đối với cùng một hành vi vi phạm. Phạt cảnh cáo được thể hiện bằng văn bản, tức là hình thức viết. Những hành vi vi phạm hành chính bị người có thẩm quyền xử phạt nhắc nhở bằng lời nói không được coi là hình thức phạt cảnh cáo.

Hình thức xử phạt chính luôn được áp dụng độc lập, không phụ thuộc vào việc có hay không có việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; hình thức xử phạt bổ sung được quy định nhằm mục đích hỗ trợ cho hình thức xử phạt chính, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, không được áp dụng một cách độc lập. Hình thức xử phạt chính được áp dụng đối với tất cả các vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định; trong khi đó, hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng đối với một số vi phạm hành chính nhất định, tùy theo tính chất, mức độ của vi phạm hành chính đó.

Một phần của tài liệu Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (Trang 37 - 43)