Như đã nói ở trên, nhân vật văn học được thể hiện thông qua những chi tiết về ngoại hình, về tính cách. Nhưng người ta không thấy nhân vật của Kafka diện mạo như thế nào, gầy béo thế nào, và cũng không biết tính cách của anh ta ra sao. Hay nói cách khác, nhân vật của Kafka là kiểu nhân vật không có tính cách, không có ngoại hình.
Về ngoại hình, Kafka nếu có miêu tả, là khi nhân vật không còn trong nhân hình nữa, như con bọ khổng lồ Gregor Samsa: “Lưng anh rắn như thể được bọc kín bằng giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên và nhìn thấy
bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ (…) Chân anh nhiễu ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh”. (7/ 15)
Nhà vô địch nhịn ăn được miêu tả kĩ lưỡng về ngoại hình là khi anh ta đang giết chết hình hài với mong nước nuôi sống một thứ danh hão của người nghệ sĩ - nghệ sĩ nhịn đói: “anh không cần đến cả ghế ngồi mà chỉ nằm dài trên đống rơm, nước da vàng võ, mặc cho chiếc áo dệt kim màu đen, với những chiếc xương sườn nhô cả ra ngoài, thỉnh thoảng khó nhọc trả lời mấy câu hỏi, gật đầu lịch thiệp đáp lại, thậm chí còn thò cánh tay qua chấn song ra ngoài để cho mọi người sờ xem anh gầy đến mức nào, sau đó anh lại chìm vào cõi mơ màng…” (7/ 761)
Nói một cách nghiêm ngặt, đây không phải là những chi tiết đặc tả ngoại hình nhân vật mà đó là những chi tiết mô tả một trạng thái tồn tại như một bi kịch của con người. Hình ảnh người nghệ sĩ gày trơ xương trong cũi, nằm trên một ổ rơm chỉ khiến người ta liên tưởng đến một con vật đang chết mòn chứ không còn bóng dáng, dù chỉ những hình ảnh ước lệ của con người.
Nhận xét về cách viết lạ lùng này của Kafka, Kundera cho rằng cái mà nhà văn người Séc gốc Do Thái này quan tâm là “dòng suy tưởng” của nhân vật chứ không phải nhân dáng, tiểu sử hay tên gọi: “…sau khi đạt tới độ sâu liên quan đến cuộc thám hiểm chi li đời sống nội tâm của bản ngã, những tiểu thuyết gia lớn bắt đầu, ý thức hay vô thức, kiếm tìm một khảo hướng mới. (…) chính Kafka mới là người cung ứng khảo hướng mới này: một khảo hướng hậu Proust. Hoàn toàn không ai tiên liệu cách thức ông nhận thức bản ngã. Cái gì định nghĩa K. là hiện hữu duy nhất? Không phải nhân dáng bên ngoài (chúng ta không biết chút gì về điều đó), không phải tiểu sử (chúng ta không biết), không phải tên tuổi (hắn vô danh), cũng không phải hồi ức, ý thích, mặc ảm hắn. Hành vi hắn? Phạm vi hành động của hắn bị giới hạn đến thảm thương. Ý nghĩ trong đầu hắn? Vâng, Kafka không ngớt truy xét dòng suy tưởng của K…” (15/ 32)
60 Như vậy, đọc những trang văn khác nhau của Kafka nhưng ta không nhận thấy ở các nhân vật của Kafka tính cá biệt, cụ thể trong sự miêu tả. Rõ ràng là chúng cách biệt hoàn toàn với nhân vật của chủ nghĩa hiện thực - những nhân vật “điển hình nhưng đồng thời cũng là một cá nhân riêng biệt, tức là “con người này” như Hêghen trước kia đã nói.” (1/ 326)