Nguyên nhân và điều kiện của các tội phạm trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng

Một phần của tài liệu Đặc điểm hình sự của tội phạm trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng và giải pháp phòng ngừa (Trang 42 - 56)

thuế giá trị gia tăng

2.3.2.1. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp

Về phía cơ quan quản lý, thi hành Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh mà lý lịch tư pháp chưa làm được, Luật chống độc quyền, chống phá giá chưa kịp ra đời thì một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân có thể thành lập nhiều doanh nghiệp khác nhau để làm ăn phi pháp, mua, bán hoá đơn là điều không khó khăn. Vụ Nguyễn Duy Thiện (quê Thái Bình) cùng đồng bọn lập ra tới 30 doanh nghiệp ma ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã phát hành hoá đơn khống với doanh số lên đến 674,7 tỉ đồng. Tại Gia Lai, kiểm tra sau đăng ký kinh doanh có 15 doanh nghiệp ma không có địa chỉ, không hoạt động, nhiều trường hợp thành lập rồi giải thể nhanh đến chóng mặt. Công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập, nhiều cơ quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nhưng chất lượng và hiệu quả còn thấp, gây phiền hà, tốn kém và gây tâm lý lo lắng cho doanh nghiệp. Nhiều trường hợp, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, thiếu nhất quán. Về phía doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, bên cạnh số đông nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình, chấp hành luật thì có một bộ phận doanh nghiệp chưa có ý thức tự giác thực hiện.

Chúng tôi xin đưa ra ví dụ một tỉnh ở Tây Nguyên. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Gia Lai, có tới hơn 90% doanh nghiệp trên địa bàn không nộp báo cáo tài chính theo luật định, trong khi con số này của cả nước là 80%. Phần lớn các doanh nghiệp chưa nắm chắc các qui định về pháp luật thuế, công tác kế toán tại doanh nghiêp còn yếu. Sai phạm trong chấp hành luật thuế phổ biến là tình trạng phản ánh không đầy đủ doanh thu để trốn thuế hoặc dùng bảng thống kê khống để khấu trừ thuế. Rất nhiều trường hợp, số liệu ghi hoá đơn giữa các liên không khớp nhau, không ghi địa chỉ người bán, người mua. Sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện

doanh nghiệp ma. Mặc dù doanh nghiệp ma là hiện tượng có từ trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời song cần thấy rằng, sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, “cộng hưởng” với những qui định dễ lợi dụng của Luật Thuế giá trị gia tăng – khấu trừ khống, hoàn thuế khống đầu vào trên diện rộng nhưng công tác quản lý hoá đơn, chứng từ còn nhiều bất cập, làm cho tình hình trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Luật Doanh nghiệp đã đụng đến hàng chục văn bản qui phạm pháp luật, từ Bộ Luật dân sự đến Luật Thương mại, Luật Đất đai và cả Luật Hôn nhân gia đình, có những nội dung rất trái ngược, thậm chí triệt tiêu nhau. Ngay trong Luật Doanh nghiệp cũng có nhiều điều mâu thuẫn. Ví dụ: Điều 9 Luật Doanh nghiệp qui định cụ thể tám đối tượng không được quyền thành lập và điều hành doanh nghiệp nhưng ở Điều 13 về hồ sơ đăng ký kinh doanh lại không đòi hỏi điều kiện để chứng minh người đăng ký không thuộc tám đối tượng trên. Trong Nghị định số 02/2000/NĐ-CP và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp cũng không nói đến cách nào lọc ra tám đối tượng đó. Như vậy, sơ hở đầu tiên của thủ tục lập doanh nghiệp chính là không kiểm tra nhân thân người đứng tên hay đại diện, điều hành doanh nghiệp. Thực tế có trường hợp, người tâm thần, người nghiện ma tuý, tội phạm... được thuê làm giám đốc. Cơ quan pháp luật khi phát hiện ra sai phạm của doanh nghiệp đã không tìm ra tung tích của những người giám đốc cho mượn tên này hoặc không thể đưa ra xét xử được vì theo Bộ Luật dân sự họ là những người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Để được công nhận là pháp nhân, Điều 94 Bộ Luật Dân sự qui định phải “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Thế nhưng, so với Luật Doanh nghiệp (Điều 13) thì không yêu cầu đưa ra bằng chứng xác thực về tài sản hay góp vốn. Thậm chí doanh nghiệp sau khi có con dấu và nhận được đăng ký kinh doanh là đương nhiên được hoạt động, dù có hay không có vốn. Tương tự, Điều 22 Luật Doanh nghiệp qui định người góp vốn phải làm thủ tục góp vốn nhưng cả Luật và các Nghị định 02 và Nghị định

03 nói trên hướng dẫn thi hành không đòi hỏi chứng thực về vốn góp cũng như không đưa ra qui định kiểm tra xử lý nếu doanh nghiệp khai khống vốn. Về quan hệ giữa những thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn, Điều 26 Luật Doanh nghiệp không nói rõ mối quan hệ này phải như thế nào trong khi thực tế có những công ty hai thành viên là hai vợ chồng, điều này trái với Luật Hôn nhân và gia đình. Tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng là tài sản chung. Nếu hai vợ chồng cùng góp vốn mở Công ty thì không thể là công ty trách nhiệm hữu hạn mà thực chất doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp một chủ... Điển hình là vụ hai vợ chồng Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Trung Lâm (Thái Bình) đã lập ra 40 doanh nghiệp ma ở nhiều địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Nội... mua bán hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế trên 12 tỉ đồng.

Trường hợp hai vợ chồng thành lập hai doanh nghiệp khác nhau tại cùng một địa chỉ kinh doanh, lại là đối tác của nhau không phải là chuyện hiếm. Kiểu lòng vòng này nhằm khép kín việc sử dụng hoá đơn, chứng từ. Cùng với ý đồ này, có không ít trường hợp, một gia đình thành lập một doanh nghiệp tư nhân và một hộ kinh doanh dịch vụ (cùng một địa điểm kinh doanh). Theo đó, doanh nghiệp chỉ xuất những gì mà đã có thuế đầu vào. Những mặt hàng đầu vào khác mà không có hoá đơn đầu vào (mua hàng trôi nổi, hàng lậu...) thì hộ kinh doanh xuất – một sự vận dụng khá “tinh tế” Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, khép kín việc sử dụng hoá đơn theo hướng lựa chọn đầu vào, đầu ra sao có lợi nhất, tức lách luật thuế nhiều nhất. Điều này giải thích tại sao có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ, mặc dù về qui mô, họ hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế không làm như vậy. Nếu thành lập doanh nghiệp thì buộc phải tính thuế theo phương pháp khấu trừ, trong khi đầu vào của dịch vụ hầu như không có thuế, nhưng đầu ra chịu thuế suất 10%. Theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đều có tư cách pháp nhân và cùng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, trong khi tài sản kinh doanh là tài sản chung, điều này sẽ vi phạm nguyên tắc sở hữu.

Tình trạng một người đứng tên đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, liên tục thay đổi trụ sở và người đại diện pháp luật diễn ra phổ biến. Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhân Văn có trụ sở tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh đã bị Cục Thuế thành phố xử lý truy thu với số tiền 17 tỉ đồng. Vụ việc đã được chuyển đến phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là sau khi bị cơ quan chức năng xử lý, công ty này lại chuyển trụ sở về quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Việc thay đổi địa chỉ, người đại diện pháp luật gây nhiều khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra. Vi phạm thường gặp là sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn của doanh nghiệp khác để bán hàng... Không ít trường hợp sử dụng tên người đã chết để kinh doanh, biến người xin việc thành người đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp. Đại diện của của doanh nghiệp không bao giờ có mặt tại địa chỉ kinh doanh. Sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế thì thay đổi người đại diện cũng như thành viên công ty. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng cho mục đích khác nhưng lại giải trình là thu mua hàng nông, lâm, thuỷ sản để xuất khẩu.

Về vốn của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp không đòi hỏi người đăng ký kinh doanh chứng minh mà họ tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Nhiều ý kiến nghi ngờ về sự dễ dãi này, song dù có qui định cũng không thể ngăn chặn sự gian lận một khi họ có chủ tâm. Luật Công ty năm 1991 cũng qui định về vốn của doanh nghiệp nhưng để đối phó người ta có thể vay rồi nộp vào ngân hàng khi đăng ký kinh doanh, sau đó lại rút ra hết, bởi vấn đề là, sau khi được cấp đăng ký kinh doanh, nếu thấy số vốn đăng ký là khống thì Nghị định 02 và Nghị định 03 không qui định về xử phạt trường hợp này. Rất nhiều ví dụ cho thấy cái thiếu của Luật Doanh nghiệp và hai Nghị định này chưa hướng dẫn xử lý vi phạm. Các văn bản xử lý vi phạm nói trên một mặt chưa điều chỉnh hết các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, kể cả việc rút giấy đăng ký kinh doanh, mặt khác thiếu qui định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý.

Trước kia, theo qui định của ngành Thuế, để được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, doanh nghiệp phải có đủ hoá đơn, chứng từ và các tài liệu khác, trong đó quan trọng nhất là bảng kê thu mua hàng nông, lâm, thuỷ sản (gọi tắt là BK04) và các hoá đơn có liên quan.

BK04 là một loại chứng từ “đặc biệt”, phù hợp với thực tiễn nước ta và được pháp luật thừa nhận trong giai đoạn quá độ tiến đến hoá đơn hoá mọi hoạt động kinh tế. Thực tế có trường hợp, nó được sử dụng như một công cụ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng và hạch toán tăng chi phí sản xuất kinh doanh nhằm trốn thuế.

Một đất nước với hơn 80% dân số sống ở nông thôn, phần lớn là tham gia trực tiếp sản xuất hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản. Việc đưa họ vào diện thực hiện hoá đơn, chứng từ như những người kinh doanh khác cần phải có thời gian và đầu tư lớn. Vì vậy, trong giai đoạn đầu áp dụng các luật thuế mới, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp khi mua hàng nông, lâm, thủy sản được lập BK04 làm chứng từ ghi chép sổ sách kế toán và kê khai nộp thuế. Việc lập BK04 qua các giai đoạn cải cách thuế cũng có sự khác nhau, theo hướng cởi mở và thông thoáng hơn, nhằm khơi thông hàng hoá do nông, ngư dân làm ra, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trước năm 1999, Luật Thuế doanh thu qui định các doanh nghiệp chỉ được lập BK04 khi mua hàng nông, lâm, thuỷ sản của người trực tiếp sản xuất, khai thác, đồng thời phải có xác nhận của cơ quan thuế địa phương nơi thu mua. Qua quá trình thực hiện, các nhà quản lý nhận thấy thủ tục xác nhận là không khả thi, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Bản thân cơ quan Thuế cũng không thể xác định được người nông, ngư dân có hàng có phải là người trực tiếp sản xuất ra toàn bộ sản phẩm ấy không. Thực tiễn đã phủ nhận vai trò xác nhận của cơ quan thuế đối với BK04. Từ năm 1999, Luật Thuế giá trị gia tăng được thực hiện. Quy trình quản lý thuế lại trao quyền “tự xác nhận và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với BK04” cho giám đốc doanh nghiệp khi mua hàng nông, lâm, thuỷ sản của người trực tiếp sản xuất. Người trực tiếp sản xuất với lượng hàng làm ra

thường không lớn. Việc vận chuyển hàng đi bán trực tiếp cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Xét về mặt kinh tế, họ nhường lại khâu lưu thông cho lực lượng thu mua gom mà thường gọi là “đầu nậu”. Hoạt động của những người thu mua gom mang tính thời vụ, thường không chịu sự kiểm soát của cơ quan Thuế nên không thể sử dụng hoá đơn, chứng từ được. Mặt khác, về phía doanh nghiệp khi mua hàng cũng không thể nhận biết đâu là hàng của người trực tiếp sản xuất, đâu là hàng của người thu mua gom. Doanh nghiệp buộc phải “lờ đi” qui định kém khả thi của BK04 là ghi rõ họ, tên, địa chỉ của nông, ngư dân bán cho mình. Doanh nghiệp khai bịa tên, tuổi, địa chỉ người bán. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra thấy không có ai như BK04, áp đặt cho doanh nghiệp tội gian dối. Một lần nữa, qui định về BK04 lại được thay đổi. Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 (được thực hiện từ 1/1/2001) của Bộ Tài chính đã “cơi nới” điều này: mua của người bán không có hoá đơn theo chế độ qui định được lập BK04. Như vậy, Thông tư 122 chính thức thừa nhận “người thu mua gom” cũng là đối tượng hợp pháp của BK04. Ở những thời điểm giao thời do chính sách thay đổi, những qui định “cơi nới” lại không có hiệu lực hồi tố. Do đó, khi phát hiện có sự sai lệch trong BK04 được lập trước ngày 1/1/2001, mỗi nơi xử lý theo một cách khác nhau. Thực tế, có doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị vạ lây như Công ty xuất khẩu thuỷ sản Thừa Thiên Huế (doanh nghiệp Nhà nước) trực tiếp mua hải sản trong tỉnh để chế biến, xuất khẩu nhưng phải qua một số doanh nghiệp khác ở Đà Nẵng lập bảng kê thu mua, viết hoá đơn xuất bán lại. Vụ việc được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện và thu hồi số thuế được khấu trừ là 480 triệu đồng. Mặc dù, Công ty xuất khẩu thuỷ sản Thừa Thiên Huế không bị khởi tố, nhưng rõ ràng, những qui định bất hợp lý đã gây thiệt hại cho những doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc.

Từ khi Luật thuế giá trị gia tăng ra đời, ngành Thuế còn phải đương đầu với vấn nạn mua bán hoá đơn, xác minh hoá đơn. Tất cả các vụ án về chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đều có sự mua, bán hoá đơn hoặc viết hoá đơn khống theo những nội dung mà doanh nghiệp vi phạm yêu cầu.

Việc mua bán hoá đơn được nguỵ trang dưới nhiều hình thức khác nhau: lập hợp đồng giả về mua, bán hàng hoá giữa hai bên để hợp pháp hoá việc xuất và nhận hoá đơn; giá trị thật của việc mua, bán hàng hoá là thấp, song bên mua yêu cầu bên bán ghi tăng giá trị lên gấp nhiều lần để tăng thuế đầu vào.

Trắng trợn hơn, bên bán còn xuất ra một lúc vào chục tờ hoá đơn mà không cần kèm theo bất kỳ hợp đồng nào, miễn là bên mua trả giá cao. Việc xuất hoá đơn có thể là hoá đơn trắng, hoá đơn ghi giá trị theo yêu cầu bên mua, bên bán hưởng tỉ lệ % theo giá trị ghi trên hoá đơn. Thủ đoạn thực hiện tinh vi, vừa công khai trắng trợn, vừa bí mật kín đáo. Bên bán hoá đơn nhằm mục đích vụ lợi. Bên mua hoá đơn nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Hai bên đều nhận thức rõ hành vi mua, bán hoá đơn là trái luật. Bên bán có thể biết bên mua nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế, song có trường hợp bên bán không cần biết bên mua mua hoá đơn nhằm mục đích gì, chỉ cần bên mua chấp nhận giá bên bán đưa ra là xuất hóa đơn, có nghĩa là bên bán bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, những người mua bán hoá đơn đã phát hiện được những sơ hở, thiếu sót trong chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn. Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mua, bán hoá đơn, xuất hoá đơn khống, sản xuất, mua bán hoá đơn giả... Những biện pháp xử phạt vi phạm chế độ hoá đơn, chứng từ chỉ được qui định trong Pháp lệnh, Nghị định, Thông

Một phần của tài liệu Đặc điểm hình sự của tội phạm trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng và giải pháp phòng ngừa (Trang 42 - 56)