Bảo đảm quyền của người bị tạm giam trước giai đoạn xét xử

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam trong pháp luật quốc tế và việt nam (Trang 31 - 33)

5. Bố cục của đề tài

2.1.1 Bảo đảm quyền của người bị tạm giam trước giai đoạn xét xử

Ở giai đoạn trước khi xét xử, những người đang bị tạm giam là những người đang bị tình nghi có hành vi phạm tội vì thế cơ quan có thẩm quyền áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để chứng minh hành vi phạm tội và vì vậy, tuỳ trường hợp cụ thể họ có thể bị

25

áp dụng những biện pháp ngăn chặn nhất định. Tuy nhiên ở giai đoạn này, dù có đủ chứng cứ để chứng minh họ phạm tội hay chưa thì họ vẫn là người vô tội.

Theo các quy chuẩn quốc tế ở giai đoạn trước khi xét xử, người bị tạm giam chờ xét xử có các quyền pháp lý sau đây:

Trước hết đó là: quyền được coi là vô tội và phải được đối xử như là người vô tội. Đây là quyền pháp lý rất quan trọng, xuyên suốt quá trình tố tụng từ khi khởi tố đến khi xét xử và bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Nhận thức đầy đủ quyền này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động điều tra, đặc biệt là trong quy định và áp dụng các hình thức đối xử thích hợp với người bị tạm giam chờ xét xử. Vì thế Nguyên tắc 8, Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay tù dưới bất kỳ hình thức nào được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 9 tháng 12 năm 1988 theo Nghị quyết số

43/173 quy định: “Những người đang bị giam phải được đối xử đúng với địa vị chưa bị

kết án của họ. Do vậy bất cứ khi nào có thể, họ phải được tách riêng khỏi những người đang bị tù”.

Việc quyết định có giam giữ hay không giam giữ ở giai đoạn này, các quy định quốc tế đều xác định tránh áp dụng biện pháp giam giữ. Và nếu có áp dụng việc giam giữ trước khi xét xử phải được sử dụng như là biện pháp cuối cùng trong tố tụng hình sự. Và theo Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955 quy định tại mục C từ Điều 84 đến Điều 93 những tù nhân chưa xét xử phải được hưởng chế độ đặc biệt mà những yêu cầu căn bản của nó được thể hiện trong các nguyên tắc sau đây:

“Điều 84:

a. Những người bị bắt và bị tù do bị buộc tội hình sự mà bị giam giữ ở đồn cảnh sát hay trong tù nhưng chưa xét xử và kết án, từ đây trở đi, trong các quy tắc này sẽ được gọi là “tù nhân chưa thành án”;

b. Tù nhân chưa thành án được coi là vô tội và phải được đối xử như vậy;

c. Không phương hại đến cá nguyên tắc pháp lý của việc bảo vệ tự do cá nhân hay quy định các thủ tục phải được tuân thủ liên quan đến tù chưa thành án, các tù nhân này phải được hưởng một chế độ đặc biệt có những yêu cầu căn bản thể hiện trong những nguyên tắc dưới đây.

Điều 85:

a. Tù nhân chưa thành án phải được giam giữ riêng với tù nhân đã tuyên án.

b. Tù nhân thanh thiếu niên chưa thành án phải được giam giữ riêng với những người lớn và về nguyên tắc phải được giam giữ trong những nhà tù riêng.

Điều 86: Những tù nhân chưa thành án phải ngủ một mình trong những buồng riêng, có chú ý đến phong tục địa phương khác nhau có liên quan đến thời tiết.

Điều 87: Trong giới hạn phù hợp với trật tự của nhà tù, nếu muốn, tù nhân chưa thành án có thể đặt mua thức ăn bên ngoài bằng tiền của họ hoặc qua ban quản lý nhà tù hoặc qua gia đình hay bạn bè của họ. Nếu không thì ban quản lý nhà tù phải cung cấp thức ăn cho họ.

Điều 88:

a. Tù nhân chưa thành án phải được phép mặc quần áo của mình nếu nó sạch và phù hợp;

b. Nếu tù nhân đó mặc quần áo tù, thì nó phải khác với những quần áo cấp cho những tù nhân đã bị tuyên án.

Điều 89: Một tù nhân chưa thành án phải luôn được tạo cơ hội làm việc, nhưng không bắt buộc phải làm việc. Nếu tù nhân đó chọn làm việc thì phải được trả công.

Điều 90: Một tù nhân chưa thành án được phép đặt mua bằng tiền của mình hoặc của bên thứ ba những thứ như sách báo, vật dụng để viết và những phương tiện nghề nghiệp khác phù hợp với lợi ích của của hoạt động tư pháp và an ninh trật tự của nhà tù.

Điều 91: Một tù nhân chưa thành án phải được phép được bác sĩ hay nha sĩ riêng của mình khám và điều trị nếu có lý do chính đáng cho việc đó và nếu người đó có khả năng chi trả bất kỳ khoản chi phí nào phát sinh.

Điều 92: Một tù nhân chưa thành án phải được phép thông báo ngay cho gia đình mình về việc bắt giữ và phải được cung cấp những tiện nghi hợp lý để liên lạc với gia đình và bạn bè người đó, được tiếp những cuộc tới thăm của họ và chỉ chịu sự hạn chế, giám sát trong chừng mực cần thiết cho lợi ích của việc hoạt động tư pháp và an ninh trật tự của nhà tù.

Điều 93: Với mục đích bào chữa cho mình, một tù nhân chưa thành án phải được phép nhận sự giúp đỡ pháp lý miễn phí ở nơi nào có sẳn sự trợ giúp nầy, được phép tiếp cố vấn pháp luật của mình nhằm mục đích phụ vụ việc bào chữa, và được phép chuẩn bị và trao cho cố vấn pháp luật đó những tài liệu kín. Vì các mục đích này, nếu muốn thì người đó phải được cung cấp các vật dụng để viết. Cảnh sát hay các cán bộ nhân, viên nhà tù có thể quan sát, chứ không được nghe những trao đổi giữa tù nhân đó với cố vấn pháp luật của người đó.”24

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo đảm quyền con người của người bị tạm giam trong pháp luật quốc tế và việt nam (Trang 31 - 33)