đã cùng thống nhất tuyên bố khôi phục lại hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với những thay đổi trong bối cảnh quốc tế, khu vực và cụ thể là quan hệ Việt – Trung được cải thiện rõ rệt vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, quan hệ Trung Quốc với Lào cũng ngày càng được đẩy mạnh, hợp tác trên các lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau.
Từ giai đoạn này trở đi, các nhà lãnh đạo của hai nước đã tiến hành khá nhiều những chuyến thăm viếng chính thức lẫn nhau. Đáng chú ý là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tới Viên Chăn vào tháng 12 năm 1990, với cam kết cho Lào vay dài hạn không lãi suất 50 triệu Nhân dân tệ (NDT) và xây dựng cho Lào một trạm vệ tinh mặt đất. Năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 10 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng CHDCND Lào Sisavat Keobunphan đã có chuyến thăm đến Bắc Kinh. Hai bên đã cùng nhìn lại những thành tựu đạt được trong quan hệ ngoại giao và tiến hành ký kết 5 văn kiện hợp tác.28 Tháng 11 năm 2000, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân – chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Lào đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Trung Quốc với Lào. Trong chuyến thăm chính thức này, hai bên đã ký Tuyên bố chung với phương châm “Láng giềng hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, ổn định lâu dài” làm kim chỉ nam cho quan hệ hai nước.
Có thể thấy, từ những năm cuối của thế kỷ XX, Trung Quốc đã bắt đầu coi trọng việc tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao với Lào. Trước hết, Lào là nước láng giềng gần gũi với Trung Quốc, có được quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Lào đồng nghĩa với việc tạo được môi trường hòa bình xung quanh. Thứ hai, để chuẩn bị cho những bước chuyển mình lớn lao của quốc gia, Trung Quốc tìm đến Lào như một “sân sau”, một “cửa ngõ” để có thể đến gần hơn với các nước ASEAN lục địa nhằm gia tăng vị thế của một cường quốc khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong quan hệ chính trị Trung Quốc với Lào ở giai đoạn này