Trong những năm vừa qua, Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Một loạt các biện pháp kích cầu du lịch đã được Chính phủ và một số Bộ, ngành liên quan thực hiện như miễn visa có thời hạn cho Việt Kiều, công dân Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Âu,... đơn giản thủ tục cấp visa, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, roadshow ở nước ngoài, hợp tác hoặc mở nhiều đường bay trực tiếp đến Việt Nam,... đã tạo ra những làn sóng mới trong luồng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Luật Du lịch có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2006 cũng đã tạo dựng khuôn khổ pháp luật chặt chẽ hơn,
tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho Ngành Du lịch nói chung và lĩnh vực quản lý lưu trú du lịch nói riêng thực sự phát triển, ổn định, tranh thủ được thời cơ bên trong và bên ngoài đó là: (i) môi trường quốc tế; (ii) quyết tâm của Chính phủ trong phát triển du lịch; (iii) nhận thức và quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch cũng như toàn xã hội; và (iv) sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã có tác động không nhỏ tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng của Ngành Du lịch. Trong Luận văn này, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trú du lịch, phát triển bền vững hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, Luận văn đề xuất một số giải pháp như sau:
Giải pháp thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh mẽ theo hướng đổi mới bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, tránh trùng lắp, xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, phân cấp, phân quyền cho địa phương và đẩy mạnh cổ phần hóa, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển lưu trú du lịch
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cả về chuyên môn và đời sống; rà soát, loại bỏ những văn bản không phù hợp đồng thời bổ sung những văn bản mới đáp ứng các nhu cầu phát triển. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch theo định hướng - tự chủ, có cơ chế pháp lý khuyến khích một số tổ chức phi chính phủ phát triển như Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Nhà hàng, Hiệp hội đầu bếp,... phân biệt rõ giữa khái niệm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo cũng như điều hành của Ngành Du lịch.
Đặc biệt, đối với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đây là lĩnh vực nhạy cảm cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lưu trú du lịch sở hữu tài sản có giá trị cao, có đội ngũ lao động dồi dào, kinh nghiệm nhưng hiệu quả kinh doanh không cao, Chính phủ không nhất thiết áp dụng cơ chế cổ phần hóa theo hình thức Nhà nước
chiếm giữ 51% vốn, còn lại bán cho các đối tượng khác mà áp dụng việc định giá, bán đấu giá 100% tài sản nhà nước cho các đối tượng đáp ứng được yêu cầu. Trong điều kiện của nước đang phát triển như chúng ta, khi nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực lại hạn hẹp thì việc tận dụng và khuyến khích mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển các thành phần vào kinh doanh lưu trú du lịch là tất yếu.
Hơn nữa, lưu trú du lịch không phải là một ngành kinh tế then chốt buộc nhà nước phải nắm giữ, do đó cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia tích cực hơn vào kinh doanh lưu trú du lịch. Ngành Du lịch nên tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời đảm bảo các thành phần kinh tế phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Không đặt vai trò định hướng hay chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực lưu trú du lịch. Tăng cường công tác cổ phần hóa khách sạn nhà nước là nhằm tạo cơ hội hơn nữa cho doanh nghiệp chủ động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước.
Giải pháp thứ hai, triển khai điều chỉnh quy hoạch, chiến lược phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trong chiến lược phát triển của du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung
Trong những những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2005 đến nay, công suất buồng khách sạn hạng cao cấp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm du lịch lớn quá cao, cung vượt cầu đã đẩy giá trung bình cho 1 đêm lưu trú tại các khách sạn này vượt xa so với các nước trong khu vực, giá khách sạn cao đẩy giá tour du lịch Việt Nam lên cao, một lượng lớn khách du lịch khó tiếp cận với Việt Nam. Đây là sự bùng phát của thị trường ngoài dự kiến và cũng là xu hướng, tỷ lệ tăng trưởng, phát triển của Du lịch Việt Nam và thế giới, vì vậy cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, dự báo tốc độ phát triển của hệ thống CSLTDL trong những năm tới. Thực tế này cần có hội
đồng khoa học, công trình nghiên cứu tin cậy đảm nhận nhiệm vụ này. Quy hoạch và chiến lược phát triển phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin để các nhà đầu tư được biết, đồng thời Du lịch và các Bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã phê duyệt.
- Giải pháp thứ ba, triển khai, thực hiện phát triển cơ sở lưu trú du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả theo xu thế phát triển của thế giới và ở Việt Nam
Phát triển du lịch và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng một cách bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của quản lý nhà nước. Trên phạm vi toàn quốc, phát triển cơ sở lưu trú du lịch bền vững có ý nghĩa là cung cấp những sản phẩm lưu trú hấp dẫn đối với thị trường nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế và giữ gìn môi trường sinh thái. Nói cách khác, phát triển những loại hình, sản phẩm lưu trú du lịch đáp ứng "các yêu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai", chu kỳ sống của sản phẩm gần như không có giới hạn. Tuy vậy, do thị hiếu của khách du lịch luôn thay đổi, cần chú trọng thường xuyên nâng cấp hoàn thiện đổi mới sản phẩm đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Đối với Ngành Du lịch hiện nay, nên tập trung phát triển những loại hình lưu trú du lịch mà chúng ta có thế mạnh như du lịch biển, nghỉ dưỡng và sinh thái. Trong quá trình phát triển sản phẩm lưu trú du lịch, nhà nước cần có biện pháp tăng cường kỷ cương quản lý nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, bảo toàn được môi trường thiên nhiên, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Trên góc độ thị trường, phát triển bền vững còn có ý nghĩa là thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng và duy trì hình ảnh sản phẩm lưu trú của quốc gia như nơi nghỉ hấp dẫn và an toàn. Trong điều kiện của Việt Nam đi đôi với việc quảng bá và xúc tiến trên thị trường du lịch quốc tế, Ngành Du lịch cần có những biện pháp khuyến khích đầu tư xây dựng sản phẩm lưu trú du lịch tương xứng với luồng khách
quốc tế. Hạn chế các hiện tượng bắt chẹt khách, tăng giá quá mức và cạnh tranh không lành mạnh.
- Giải pháp thứ tư, hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn Quốc gia về xếp hạng CSLTDL, quản lý nghiêm chất lượng cơ sở lưu trú du lịch hạng thấp cấp và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực
Đây sẽ là tài liệu quý cho các nhà đầu tư, các cơ sở lưu trú du lịch trong việc định hình, xây dựng chuẩn mực chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ. Bộ quy chuẩn cũng sẽ là công cụ đắc lực phục công tác thống kê và quy hoạch du lịch của Ngành Du lịch. Giúp nhà đầu tư không mất thời gian tìm tòi tiêu chuẩn xây dựng, đồng thời quy chuẩn là công cụ góp phần minh bạch thị trường cơ sở lưu trú du lịch, là phương tiện để thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các CSLTDL có chất lượng thấp, kinh doanh không lành mạnh.
Cơ sở lưu trú du lịch hạng thấp cấp được xác định là loại hạng 1-2 trở xuống, làm sao để đảm bảo những khách sạn này đáp ứng tốt các yêu cầu của Ngành Du lịch, đón được các đối tượng khách lẻ, đặc biệt là khách đi ba lô, các đoàn nhỏ, giảm sự quá tải khách sạn lớn mà khách du lịch vẫn được đáp ứng nhu cầu đi du lịch tại Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam không thiếu CSLTDL về mặt số lượng, nhưng do quản lý chất lượng không đồng đều nên khách du lịch tập trung vào các CSLTDL có thứ hạng cao dẫn đến hiện tượng thiếu buồng cục bộ.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn đánh giá, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sẽ giúp Ngành Du lịch, khối các trường đào tạo du lịch và chính cơ sở lưu trú du lịch có định hướng tham khảo, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ Ngành Du lịch. Việc bắt buộc tiêu chuẩn nhân lực, tiêu chuẩn đào tạo và các chứng chỉ, bằng cấp đối với nhân
việc phục vụ trong CSLTDL sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuẩn hóa đào tạo và nâng cao tay nghề theo tiêu chuẩn phục vụ quốc tế.
- Giải pháp thứ năm, Nhà nước cần có hình thức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ nhân viên trong CSLTDL, đặc biệt là đối với những khách sạn có cấp hạng thấp (hạng 1-
2 sao trở xuống) và một số loại cơ sở lưu trú du lịch khác để tăng năng lực phục vụ khách. Cần có chế tài xử lý nghiêm khi các loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch này sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề không theo đúng quy định của Ngành Du lịch.
- Giải pháp thứ sáu, minh bạch trong xếp hạng, đảm bảo công bằng hình ảnh hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, định hướng nguồn khách
Nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước trong việc xếp hạng, đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú du lịch bằng cách đưa công khai danh sách khách sạn chính thức được xếp hạng vào trang web của Tổng cục Du lịch. Điều này tạo tính minh bạch trong thông tin và bình đẳng cạnh tranh khi khách hàng dễ nhận biết được chất lượng thật, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.
Phát triển có trọng điểm cần phải được quán triệt trên cả hai hướng thị trường và sản phẩm. Về thị trường, do nguồn lực còn hạn chế, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam cần tập trung phát triển một số thị trường quốc tế mà chúng ta có lợi thế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và du lịch nội vùng ASEAN. Với mỗi thị trường, Ngành Du lịch nên định hướng chọn thị trường mục tiêu mà sản phẩm lưu trú du lịch Việt Nam có khả năng đáp ứng cao nhất nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Đối với phát triển sản phẩm du lịch cần tránh cách làm tràn lan, chỉ nên tập trung phát triển tại những khu vực tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn và giá trị cao.
- Giải pháp thứ bảy, xã hội hóa hội nghề nghiệp thông qua việc thành lập Hiệp hội liên quan đến lưu trú du lịch nhằm đảm bảo ứng phó kịp linh hoạt với những thay đổi trong môi trường quốc tế
Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế chứa đầy những nguy cơ biến động thì việc xây dựng những phương án đối phó với các tình huống bất thường là việc làm cần thiết. Khi có những biến cố bất lợi ở một thị trường trọng điểm thì cần phải chuyển hướng nhanh sang thị trường khác. Chiến lược đối với thị trường Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Khi các thị trường quốc tế khác đang thuận lợi, các doanh nghiệp lữ hành thường không mặn mà với thị trường này, nhưng khi các thị trường khác bị suy giảm nghiêm trọng thì đây có thể là một con bài chiến lược nhằm duy trì tình trạng hoạt động bình thường của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung và nguồn khách cho các cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa việc thành lập các hội nghề nghiệp liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch giúp các doanh nghiệp có thể chung sức, hỗ trợ nhau mạnh mẽ hơn nữa để ứng phó với những thay đổi bất thường của thị trường du lịch khi nhà nước chưa kịp có những chính sách kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp.