9. Lời cám ơn
3.1.1.1. Mục tiêu và quan điểm phát triển chủ đạo
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát triển kinh tế với phương châm “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Để thực hiện mục tiêu này, cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước từ nông – lâm – ngư nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, coi khu vực dịch vụ trở thành một khu vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Trong khu vực dịch vụ, du lịch được xem như một động lực quan trọng để thúc đẩy không chỉ ngành dịch vụ mà cả các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định: “Từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” [11].
Mục tiêu tổng quát là: “Phát triển nhanh và bền vững làm cho du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tập trung đầu tư có chọn lọc một số khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và đa dạng để thu hút các đối tượng khách quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và thu hút khách trở lại Việt Nam nhiều lần. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực, phấn đấu sau năm 2010 đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực”.
Mục tiêu cụ thể là: “Phấn đấu đến năm 2010 đón 5,5 – 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3 lần so với năm 2000, nhịp độ tăng trưởng mỗi năm trong giai
đoạn 2006 - 2010 từ 10-20% và 25 – 26 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 2 lần so với năm 2000, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2006-2010 là 15-20%; tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 4 – 5 tỷ USD, gấp hơn hai lần năm 2005” [43].
Để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì hiệu quả kinh tế từ du lịch phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP). Trong khi GDP của Việt Nam năm 2006 là 65 tỷ USD [50] thì tổng doanh thu xã hội từ du lịch của Việt Nam cùng trong năm đó chỉ là 51.000 tỷ đồng tương đương 3,2 tỷ USD, tức chỉ chiếm chưa đến 5% GDP của Việt Nam. Như vậy tỷ trọng đóng góp về kinh tế của du lịch Việt Nam trong GDP quốc gia là hết sức khiêm tốn. Du lịch golf là loại hình du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu chi tiêu bình quân của một khách du lịch quốc tế là 80,6 USD/ ngày [41] thì chi tiêu bình quân của một khách du lịch golf là khoảng 150 USD/ngày, tức là có hiệu quả kinh tế gần gấp đôi. Chính vì thế việc phát triển du lịch golf là rất cần thiết.
Việc phát triển du lịch golf là một hướng tích cực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo xu hướng chung trên thế giới nền kinh tế càng phát triển thì cơ cấu các ngành kinh tế cũng có tỷ trọng khác nhau. Ở các quốc gia có kinh tế phát triển thì tỷ trọng của khu vực dịch vụ là cao nhất, sau đó mới đến tỷ trọng của khu vực công nghiệp và nhỏ nhất là tỷ trọng của khu vực nông nghiệp. Ví dụ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, … tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm từ 50 – 60% trong GDP, tỷ trọng của ngành công nghiệp chiếm từ 30 – 40% trong GDP và ngành nông nghiệp chỉ chiếm từ 5 – 10% của GDP [71]. Ở Việt Nam năm 2006, tỷ trọng của khu vực dịch vụ mới chỉ chiếm khoảng 38% GDP quốc gia trong khi tỷ trọng của khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tới hơn 20% GDP [59]. Như vậy để phát triển nền kinh tế cần chú trọng nhiều hơn tới phát triển dịch vụ. Phát triển golfing sẽ tạo cơ hội cho những người dân địa phương thay đổi tính chất nghề nghiệp của họ từ nông nghiệp chuyển sang dịch vụ và qua đó sẽ nâng cao đời sống kinh tế của họ.
Phát triển golfing sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Golfing là một hoạt động thể thao – giải trí – nghỉ dưỡng cao cấp do vậy các dịch vụ đi kèm với nó như ăn uống, lưu trú, giải trí, thể thao, hội thảo và các dịch vụ bổ sung khác cũng đều phải có chất lượng cao. Yêu cầu đòi hỏi có các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ golfing sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế có liên quan khác phát triển như nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế biến, viễn thông, giao thông, ngân hàng, thương nghiệp, văn hoá… . Các ngành kinh tế phát triển sẽ làm cho nền kinh tế chung phát triển. Hơn nữa việc phát triển golfing còn góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Việc phát triển du lịch golf ở Việt Nam hiện nay cũng đúng với tinh thần của Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP của Chính Phủ ngày 19/01/2007, trong đó nêu rõ “Nâng cao chất lượng dịch vụ đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam; phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chất lượng cao”. Du lịch golf không những là một loại hình du lịch cao cấp mà còn là một hình thức du lịch sinh thái vì tính chất hướng tới các yếu tố thiên nhiên của nó. Đồng thời nó cũng là một hình thức du lịch nghỉ dưỡng vì đem lại cho khách du lịch sự thư giãn về tinh thần và phát triển về thể chất.
Mặt khác phát triển du lịch golf còn góp phần bảo vệ các tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái cho đất nước.