9. Lời cám ơn
3.1.1.2. Một số định hướng phát triển của du lịch Việt Nam
a. Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về du lịch
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về việc thành lập Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý tương ứng chức năng nhiệm vụ của một ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu của sự phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch trên phạm vi toàn quốc nhằm đảm
bảo lợi ích cho khách du lịch cũng như tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dịch vụ du lịch phù hợp với cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Triển khai Đề án phát triển du lịch sau khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO. Tuyên truyền giới thiệu tới các địa phương, doanh nghiệp về nội dung cam kết quốc tế mà du lịch Việt Nam tham gia.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng công khai, minh bạch, đặc biệt trong quy trình thủ tục xếp hạng khách sạn và cơ sở lưu trú, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp du lịch nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam.
Tiếp tục xây dựng các chính sách về xuất nhập cảnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam du lịch, cụ thể là miễn visa đơn phương cho các nước ở châu Âu có lượng khách đến Việt Nam nhiều như Pháp, Anh, Đức, Úc, Canada….Tiếp tục nghiên cứu tiến tới miễn visa song phương với các quốc gia còn lại trong ASEAN. Nâng cấp thêm nhiều cửa khẩu quốc gia thành cửa khẩu quốc tế, tiến hành làm visa nhanh tại các cửa khẩu quốc tế cho khách du lịch từ nhiều quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi vào Việt Nam du lịch. Nghiên cứu việc sử dụng giấy thông hành cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bằng đường bộ qua con đường xuyên Á.
Ngoài ra, Ngành cần thực hiện quy hoạch cán bộ, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho toàn Ngành, hướng dẫn địa phương, đơn vị, doanh nghiệp triển khai phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi thể chế hoá quy trình thủ tục về
phân cấp quản lý cán bộ. Tập trung đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương.
b. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Trên quan điểm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhằm đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo. Trong giai đoạn từ 2001 – 2006 Nhà nước đã cấp 2.766 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm. Riêng năm 2006, Nhà nước đã đầu tư 620 tỷ đồng cho 59 tỉnh, thành phố phát triển cơ sở hạ tầng du lịch [42].
Vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước đã khuyến khích các địa phương, các thành phần kinh tế đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cùng với đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế trong nước, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến cuối năm 2006, cả nước có 215 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được cấp phép với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực giấy phép là 190 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,3 tỷ USD (chiếm 4,18% số dự án và 3,99% vốn đăng ký trong lĩnh vực dịch vụ). Riêng trong năm 2006 có 14 dự án đăng ký đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 609 triệu USD [04].
Hiện nay đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, trong đó dẫn đầu là Singapore với 20 dự án và tổng vốn đầu tư là 1.282 triệu USD (chiếm 56,13% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch), tiếp theo là Hồng Kông, Pháp, Cook Island, Hàn Quốc…
Trong thời gian tới, hướng đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch tại Việt Nam sẽ theo hướng có quy mô lớn và chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là các khách sạn 4-5 sao với đầy đủ các tiện nghi, dịch vụ, đa chức năng; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tổng hợp (resort); các khu du lịch chuyên đề; hệ thống các nhà hàng phục vụ ăn uống chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của khách du lịch; các khu thể thao, vui chơi - giải trí tổng hợp có chất lượng cao; hệ thống các phương tiện vận chuyển tiện nghi thuận lợi…
c. Mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch
* Về thị trường
Tiếp tục có kế hoạch cụ thể trong việc khai thác các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Tây Âu, Bắc Mỹ trong đó chú trọng các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh và các thị trường ưu tiên khác ở Bắc Á, Bắc Âu, Úc, New Zealand. Bên cạnh đó khôi phục khai thác các thị trường truyền thống các nước thuộc khối SNG, Đông Âu.
Mặt khác cần mở rộng thị trường tới các quốc gia mới phát triển, có nguồn khách du lịch tiềm năng ở những khu vực chưa được khai thác như các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực vùng Vịnh, các nước ở khu vực Nam Mỹ, các quốc gia phía Nam châu Phi.
Chú trọng kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện cho nhân dân đi du lịch các vùng trong nước góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, điều hoà thu nhập dân cư giữa các vùng và các địa phương.
Phát triển du lịch quốc tế ra nước ngoài của công dân Việt Nam ở mức độ hợp lý, vừa đảm bảo phù hợp khả năng thanh toán của nhân dân, đáp ứng nhu cầu giao lưu hội nhập, vừa góp phần cân đối cán cân thanh toán quốc tế của đất nước.
Đánh giá thực trạng các sản phẩm du lịch Việt Nam, gắn sản phẩm với thị trường, đặc biệt đối với những thị trường quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và nguồn khách lớn.
Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của thị trường khách quốc tế và khách nội địa thông qua việc nâng cao chất lượng môi trường du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch. Từng bước đưa chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam ngang tầm với mặt bằng sản phẩm du lịch của khu vực và quốc tế.
Trong thời gian tới sẽ hướng tới các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế và cũng phù hợp với xu thế phát triển du lịch chung trên thế giới. Đó là tập trung phát triển các loại hình du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, các loại hình du lịch thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù quốc gia, địa phương, khai thác nghệ thuật ẩm thực Việt Nam phục vụ phát triển du lịch, chú trọng tới các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
d. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch
* Hợp tác song phương
Du lịch Việt Nam tiếp tục trao đổi, thúc đẩy khả năng ký kết các hiệp định, kế hoạch hợp tác với các nước. Trong đó, Ngành cần chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có đường biên giới, nối đường bộ bao gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… các nước thuộc các thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức… cũng như các thị trường tiềm năng mới gồm Liên Bang Nga, các nước Nam Mỹ… Đồng thời, Ngành cũng cần tiếp tục triển khai nội dung các thoả thuận hợp tác đã được ký kết, cũng như nội dung thoả thuận tại phiên họp Hỗn hợp chung Việt Nam với các nước.
Tiếp tục triển khai những cam kết có liên quan đến du lịch trong WTO; tranh thủ các tổ chức đa phương mà du lịch Việt Nam là thành viên, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực xây dựng văn bản pháp luật, cung cấp thông tin, kinh nghiệm. Tranh thủ hỗ trợ của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trong triển khai dự án điểm phát triển du lịch gắn với xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) triển khai dự án “Phát triển du lịch tiểu vùng Mêkông” (GMS).
Phối hợp triển khai đề án thực hiện sáng kiến hợp tác du lịch “3 Quốc gia – Một điểm đến” đã được Chính Phủ 3 nước cam kết thực hiện. Phát triển du lịch trên cơ sở Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC: East West Economic Corridor) [42]. Trên cơ sở đề xuất dự án trong hợp tác ACMECS, phối hợp với cơ quan du lịch quốc gia thành viên đề nghị các tổ chức liên quan hỗ trợ triển khai bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên trong ACMECS. Tiếp tục tham dự các sự kiện, phiên họp trong các khuôn khổ đa phương: ASEAN, APEC, ACMECS, UNWTO, PATA…
e. Tiến hành xúc tiến quảng bá du lịch
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với Ngành du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới cần tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước như chương trình quảng bá “Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn” trên Đài truyền hình Việt Nam – VTV1, Đài tiếng nói Việt Nam, CNN (Hoa Kỳ), TV5 (Pháp) và các tờ báo viết có số lượng phát hành lớn khác [42].
Tiếp tục tổ chức các Ngày văn hoá Việt Nam, liên hoan du lịch văn hoá Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Tiến hành các hội thảo, hội nghị và diễn đàn du lịch quốc tế ở Việt Nam, tham dự các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du lịch ở ngoài nước, tổ chức nhiều đợt phát động thị
trường ở các thị trường trọng điểm. Phát hành nhiều xuất bản phẩm, ấn phẩm tuyên truyền quảng bá, quảng cáo, sách hướng dẫn, phim ảnh và đĩa CD-ROM.
Đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong du lịch như việc xây dựng thêm nhiều trang web về những lễ hội văn hoá, sự kiện thể thao, các điểm du lịch cụ thể ở Việt Nam. Tranh thủ các sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam để giới thiệu du lịch Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Các hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại của Nhà nước và các cấp các ngành tạo thêm cơ hội nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Việt Nam.