Lịch sử hình thành phát triển

Một phần của tài liệu Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh (Trang 36 - 38)

9. Lời cám ơn

2.1.1.1. Lịch sử hình thành phát triển

Nếu như cách đây khoảng 15 năm, chơi tennis được coi là một hoạt động thể thao “quý tộc” và báo hiệu một trào lưu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam thì nay một môn thể thao khác lặp lại lịch sử đó chính là golf.

Cho đến nay, golf vẫn còn là một môn chơi xa lạ đối với đại đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên sẽ là một sự ngạc nhiên lớn khi biết rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á đi tiên phong trong việc xây dựng sân golf.

Theo trang tin điện tử của tỉnh Lâm Đồng [63]vào năm 1922, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã cho xây dựng sân golf đầu tiên ở Việt Nam trên 3 ngọn đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương tại Đà Lạt, vùng đất vào thời đó được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ” (đất của nhà vua). Diện tích toàn khu vực “Đồi Cù” chiếm khoảng 65 héc ta nhưng công trình chỉ được thiết kế dưới dạng sân golf 9 lỗ. Đây là nơi giải trí cho giới thượng lưu và các quan chức thuộc địa, chính vua Bảo Đại cũng thường chơi ở sân golf này. Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 và cũng từ đó, một trong những sân golf đầu tiên của vùng Đông Nam Á bị bỏ hoang để trở thành Đồi Cù theo tên gọi quen thuộc của người dân Đà Lạt. Phải đợi đến cuối thập niên 1950, sân golf mới từng bước được phục hồi với lòng nhiệt thành của một số người dân địa phương, trong đó công đầu thuộc về bác sỹ Đào Huy Hách, một người mê đánh golf từ năm 1956.

Với sự hợp tác của các hội viên Câu lạc bộ golf Sài Gòn thuộc sân golf Gò Vấp, bác sỹ Đào Huy Hách và nhóm bạn tâm huyết đã thành công trong việc phục hồi sân golf, một công trình kéo dài gần 15 năm. Việc đầu tiên là làm sao xác định được những vết tích của sân golf ngày xưa đã bị cỏ dại che lấp từ năm 1945. Theo lời bác sỹ Hách, ngoài sự hướng dẫn của một nhân viên lượm bóng (caddie) từ thời Bảo Đại, ông còn phải sử dụng cả ảnh viễn thám của Nha Địa dư Đà Lạt (tương đương với sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay) để từng bước khôi phục sân golf bằng máy cắt cỏ.

Lỗ golf đầu tiên trên sân được phục hồi năm 1959 và ngay sau đó lỗ golf thứ hai cũng được định hình. Cả hai lỗ được giới “ghiền” golf lúc đó ở Sài Gòn và Đà Lạt dùng làm sân tập và mãi đến năm 1965 mới hoàn toàn phục hồi được 9 lỗ golf nguyên thuỷ. Thiếu loại cỏ đặc biệt, sân golf đã được thay thế bằng cát trộn với dầu nhớt để tạo hình cho các đường bóng (fairway).

Vào thập niên 60s của thế kỷ trước, Câu lạc bộ golf Đà Lạt đã được hình thành với khoảng 40 hội viên, đa số là các nhà ngoại giao, các chuyên gia Nhật Bản sang giúp xây dựng thuỷ điện Đa Nhim và một số viên chức dân sự Hoa Kỳ [63].

Trong khoảng thời gian dài chừng 20 năm từ 1975 đến 1994, golfing một lần nữa lại bị lãng quên. Hai sân golf duy nhất đều ở phía nam của Việt Nam là sân golf Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) và sân golf Đà Lạt (Lâm Đồng) trở nên hoang vắng.

Vào năm 1990, thực hiện chính sách mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Đảng và Chính phủ nước ta đã có chủ trương cho liên doanh hợp tác, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sân golf với mục đích tạo nơi giải trí thể thao lành mạnh trước hết là cho người nước ngoài làm việc và sinh sống ở Việt Nam và sau đó dần dần cho người Việt Nam theo mức thu nhập và yêu cầu sinh hoạt thể thao của mọi thành phần. Nhờ chính sách trên mà golfing đã có cơ hội quay

trở lại Việt Nam, đánh dấu bằng việc năm 1991 hai dự án sân golf bao gồm dự án đầu tư cải tạo sân golf Đà Lạt thành sân golf 18 lỗ và dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí, du lịch và sân golf Fairy Land trị giá 97 triệu USD tại Vũng Tàu được cấp phép. Lần đầu tiên tại Miền Bắc, một sân golf tiêu chuẩn quốc tế được khai trương vào tháng 8 năm 1993. Đó là sân golf 18 lỗ King’s Valley - Đồng Mô (Hà Tây) [08].

Hiện nay golfing tại Việt nam đã có một bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Tính đến tháng 8/2007, cả nước đã có 14 dự án đầu tư sân golf với tổng số vốn hơn 400 triệu USD đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có khoảng gần 30 dự án đầu tư xây dựng sân golf đang được thực hiện sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam [06]. Số lượng người chơi golf ở Việt Nam cũng tăng theo cấp số nhân, nếu như vào năm 1996 số lượng người chơi golf còn chưa đến con số 70 bao gồm cả caddie (người nhặt bóng) thì nay cả nước có hơn 5.000 hội viên chính thức kể cả người nước ngoài và người Việt Nam [13]. Cơ cấu hội viên chơi golf nhanh chóng thay đổi, cho đến năm 2002 số hội viên người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam vẫn chiếm đa số khoảng 82% còn số hội viên quốc tịch Việt Nam chỉ khoảng 18% thì đến năm 2005 theo ông Henrik J. Andersen, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, cơ cấu hội viên chơi golf quốc tịch Việt Nam đã chiếm hơn 50% ở một số sân golf. Nhiều câu lạc bộ golf được thành lập, phát triển và số lượng cũng như trình độ các giải đấu golf ngày càng tăng lên. Tất cả những điều này đã là minh chứng cho ý kiến cho rằng thời của golf ở Việt Nam đang đến.

Một phần của tài liệu Golfing với việc thu hút khách du lịch tại hai sân golf Đồng Mô và Chí Linh (Trang 36 - 38)