9. Lời cám ơn
2.1.2.6. Vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng lên cao
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào năm 1986, Nhà nước ta đã có những định hướng, chủ trương là đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ với các quốc gia khác, cụ thể thông qua khẩu hiệu “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới”, nhằm đưa nước ta từng bước hội nhập với khu vực và thế giới trong nhiều lĩnh vực. Với những chủ trương, đường lối đổi mới như vậy mà vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam tươi đẹp và mến khách đang ngày càng chiếm được nhiều niềm tin và thiện cảm của các cộng đồng trên thế giới. Việt Nam được biết đến như một đối tác tin cậy trong hợp tác kinh tế, một “con hổ” mới nổi lên về phát triển kinh tế ở châu Á.
Việt Nam đã chủ động và tích cực trong việc hội nhập vào đời sống kinh tế chính trị quốc tế. Cụ thể là việc gia nhập vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 1995, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995, gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC năm 1998, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tháng 11/2006, hưởng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR với Hoa Kỳ từ tháng 12/2006, hơn nữa trong cuộc họp thường kỳ của Tổ chức Liên Hợp Quốc vào ngày 16/10/2007, Việt Nam
đã được các quốc gia thành viên của tổ chức này nhất trí cao bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO công nhận là “Điểm đến an toàn thân thiện”. Thủ đô Hà Nội của Việt Nam cũng được Tổ chức Văn hoá Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình của thế giới” và được tạp chí “Travel and Leisure” một tạp chí du lịch lữ hành hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ chuyên phân tích, đánh giá chất lượng du lịch liên tục bình chọn là 1 trong 10 thành phố hấp dẫn nhất châu Á trên tiêu chí về cảnh quan, văn hoá, con người và nghệ thuật trong 5 năm gần đây [37].
Với những thành tựu đạt được về vị thế chính trị nổi bật trên trường quốc tế như vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm giao cho tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, thể thao lớn mang tính khu vực và thế giới như tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Francophonie năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 tháng 12/1998, Đại hội thể thao Đông Nam Á Seagames 22 năm 2003, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Á-Âu ASEM 5 tháng 10/2004 và gần đây nhất là tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC tháng 11/2006 tại Hà Nội [01].
Các sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế lớn được tổ chức ở Việt Nam ngày một nhiều là một điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển golfing ở Việt Nam vì các sự kiện đó chính là loại hình du lịch MICE (Hội họp, Khen thưởng, Hội thảo, Sự kiện), một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ hiện nay trên thế giới. Trong số 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2006, ước tính có trên 20% là khách du lịch MICE [46]. Du lịch MICE thường gắn với các sản phẩm du lịch - các hoạt động giải trí, thể thao cao cấp và golfing là một sản phẩm du lịch tiêu biểu.
Mặt khác golfing còn được coi là một phương tiện hữu hiệu gắn liền với các hoạt động chính trị, ngoại giao giữa các quốc gia. Do vậy việc vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển của golfing Việt Nam.