Như chúng ta đã biết, các nhân vật trong truyện cổ tích vốn không được xem là những nhân vật tính cách mà chỉ là các nhân vật chức năng. Nhân vật truyện cổ tích được chia làm hai tuyến rõ rệt, người tốt thì luôn tốt từ đầu đến cuối, còn kẻ ác thì cũng ác đến tận xương tủy, không có sự nhập nhằng, trùng lắp giữa thiện và ác, tốt và xấu. Đã là người tốt thì dù gặp bất cứ chuyện gì xảy ra, dù bị vùi dập đến mức nào thì vẫn luôn « ngây thơ » giữ chức năng là một người tốt trong truyện, còn kẻ ác thì không bao giời thay đổi, cấp độ xảo quyệt ngày càng tăng lên, chỉ đến khi bị trừng trị đích đáng mới thôi. Ví như cô Tấm và mẹ con nhà Cám trong cổ tích « Tấm Cám », mẹ con nhà Lí Thông trong « Thạch Sanh Lí Thông », hay mẹ con mụ dì ghẻ trong « Cô bé Lọ Lem »… Người đọc năm lần bảy lượt tức giận vì tại sao bọn người độc ác cứ mãi tác oai tác quái trong cuộc sống, nhưng thực chất đó là một chức năng trong truyện cổ, nhân vật phải hành động như vậy để cuối cùng nhận sự trừng phạt, bị sét đánh chết, hay bị trụng trong nước sôi, bị chim mổ mù mắt…
Nhân vật trong truyện kể của Andersen được miêu tả với nhiều nét tính cách đan xen, phức tạp, một nhân vật xấu song vẫn có le lói chút ánh sáng của lương tri, nhân vật tốt nhưng cũng không hoàn toàn « vô trùng ». Trong họ là nét tính cách tâm lí của con người hiện đại, họ có ước mơ, hoài bão, họ yêu thương, ghen tuông, đố kị…những tình cảm hết sức con người, cho dù tác giả đã khoát lên cho họ lớp áo của cổ tích (Chim họa mi, Nàng tiên cá). Một con quỉ trong truyện cổ luôn là hiện thân
của những điều ghê gớm, xấu xa nhất, thế nhưng đối với Andersen con quỉ đó vừa ham ăn món pho mát trộn kem nên ở nhà người bán tạp hóa, nhưng hành động nhảy vào lửa để cứu tập thơ cho chàng sinh viên và thở phào nhẹ nhõm « cái quí giá nhất trong nhà vẫn còn » thì lại chứng minh được rằng con quỉ vẫn biết yêu quí cái đẹp, sẵn sàng hi sinh vì cái đẹp. (Con quỉ và chủ tiệm tạp hóa). Hành động đó đâu phải dễ dàng tìm thấy được ở tất cả mọi người ? Một trường hợp khác đó là thần chết, đối với mọi truyện cổ, đó là nhân vật luôn đem đến nỗi buồn, sự đau khổ cho người khác. Thần chết luôn xuất hiện với bộ mặt gớm ghiếc, chiếc áo choàng đen, nhưng ở đây, thần chết lại chính là người được thượng đế giao cho trách nhiệm chăm sóc linh hồn con người nơi thiên đường. (Một bà mẹ). Có như vậy để thấy rằng đối với Andersen, việc sống chết trên đời rất nhẹ nhàng, bình thản, con người khi phải từ giã cõi đời nghĩa là đã đến lúc phải đi đến một nơi sống mới, không gì phải buồn.
Truyện cổ tích không dùng việc miêu tả hành động để nhấn mạnh tính cách của nhân vật, thường là tính cách của nhân vật được giới thiệu ngay từ đầu, và các hành động chẳng qua là sự minh họa cho nét tính cách ấy mà thôi. Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại, tính cách nhân vật chỉ có thể được toát ra qua chuỗi hành động của họ, và người đọc không được tác giả báo trước mà phải tự nhận xét suy đoán. Từ đó dẫn tới mỗi người đọc tùy theo lứa tuổi, trình độ mà có những cảm nhận khác nhau về nhân vật. Nhân vật của Andersen mang dáng dấp như thế, phải trải qua một chuỗi hành động, những thể hiện của họ người đọc mới có thể tự rút ra những nhận xét cho mình. Câu chuyện « Mụ ấy hư hỏng » kể về người thợ giặt luôn bị ông thị trưởng cho là « hư hỏng », « vô tích sự », vì bà suốt ngày uống rượu, làm việc gì thì hỏng việc đó…Nhưng thực tế không phải vậy, đây là một con người tội nghiệp, đã gặp phải rất nhiều những bất hạnh trong cuộc đời. Do làm việc vất vả, suốt ngày phải ngâm mình trong nước lạnh nên bà thường phải uống rượu cho ấm. Chỉ có đứa con trai và người bạn già nghèo là hiểu được điều đó. Đến lúc chết, mặc cho những lời dèm pha của ông thị trưởng thì bà vẫn là một người mẹ tốt đẹp trong mắt đứa con trai, vì những điều bà đã làm cho nó. Con chim họa mi hót hay được đưa vào cung để hót phục vụ đức vua, nhưng rồi nó bị xua đuổi vì người ta chuộng con chim họa mi giả hơn. Chim trở về rừng sâu, nhưng cuối cùng vì tình cảm với vị hoàng đế đang hấp
hối mà đã quay trở lại, tiếng hót của nó đã giúp ông hồi sinh, hơn thế nó giúp ông nhận ra sự thật của « thế thái nhân tình ». Chim không hề nhớ tới những nỗi buồn mà đức vua đã gây ra cho mình. Hành động của chim họa mi gợi lên hình ảnh của những con người trung thành, tận tụy với đất nước, với vua. Không cần những lời nói sáo rỗng, không cần những chúc tụng màu mè mĩ lệ, hành động của họa mi đã thể hiện được bao tính cách tốt đẹp, mà chim họa mi giả với tiếng hót được lập trình sẵn không thể có được. Nàng tiên cá là một biểu tượng sáng ngời cho sự hi sinh cao cả vì tình yêu. Nàng cứu sống hoàng tử, nàng đổi tiếng hát mê hồn để lấy đôi chân, nàng không giết hoàng tử dù đó là cách duy nhất giúp nàng trở lại với thủy cung. Cho đến chết, nàng vẫn nghĩ cho người khác, vì người khác. Cho nên không cần tác giả đưa ra bất cứ một lời nhận xét nào về nàng, chúng ta vẫn thấy toát lên từ nàng tấm lòng nhân hậu, sự vị tha, độ lượng. Nàng tiên cá phải sống kiếp bọt biển ba trăm năm, nhưng hễ nàng bay vào phòng của một đưa trẻ ngoan thì thời hạn đó sẽ được giảm xuống một năm. Phải chăng Andersen muốn răn dạy trẻ thơ hãy ngoan ngoãn, vì chúng rất yêu nàng tiên cá, và ông muốn người lớn hãy sống đẹp vì tình yêu, vì chính điều đó làm nên nhân cách con người ?
Trở lại với « Sáu con thiên nga », Grimm cũng không miêu tả nhiều về tính cách và tâm lí của nhân vật cô em út, nàng chỉ im lặng hoàn thành nhiệm vụ cứu anh của mình mà thôi. Riêng Andersen lại để cho nhân vật của mình nhiều ưu ái. Khi Lidơ ở với gia đình người nông dân trong rừng, đức hạnh của nàng được so sánh « ngoan hơn cả sách », và nàng « đẹp hơn cả hoa hồng». Nàng luôn có những suy nghĩ, thể hiện qua độc thoại nội tâm để thể hiện nỗi lo lắng khi chưa cứu được các anh trai mình. Rõ ràng dù là nhân vật cổ tích nhưng Lidơ hiện lên là một nhân vật đời thường với nét đẹp riêng, suy nghĩ riêng, tâm lí riêng, người đọc có thể khám phá ra rất nhiều những vẻ đẹp nơi tâm hồn của nàng. Hoặc câu chuyện ngắn gọn « Công chúa hạt đậu», nàng công chúa bị đau lưng vì một hạt đậu dưới mười tấm nệm, không cần phải giới thiệu đây là nàng công chúa xinh đẹp, quí phái như thế nào cả, chỉ cần một chi tiết nhỏ vậy thôi thì tác giả đã để cho người đọc tự ngẫm ra những gì mình muốn nói. Như vậy có thể thấy đây là điểm rất khác biệt giữa truyện kể Andersen với các câu chuyện cổ tích khác.
Nét tính cách tâm lí nhân vật được thể hiện rõ qua các lời độc thoại nội tâm, đây cũng là nét khác biệt so với truyện cổ. Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó. Ngôn ngữ vốn là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong giao tiếp, con người giao tiếp với nhau thì có giao tiếp một chiều và giao tiếp hai chiều. Trong giao tiếp một chiều chỉ có một bên nói còn bên kia tiếp nhận, không phát biểu, hình thức này thường gặp ở những mệnh lệnh, lời khấn và ngày nay trong diễn văn và lời của phát ngôn viên truyền thanh, truyền hình. Trong hoạt động giao tiếp thường diễn ra các hình thức hội thoại như : song thoại, tam thoại, đa thoại…. còn có hình thức hội thoại đặc biệt mà chúng tôi đề cập đến là vấn đề giao tiếp bằng hình thức độc thoại, mà là độc thoại nội tâm. Nếu đối thoại là hình thức giao tiếp sử dụng hình thức nói năng giữa người này với người khác thì độc thoại là dạng giao tiếp đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Mà qua lời độc thoại đó người tiếp nhận ngôn bản ( người đọc) có thể hiểu được tâm trạng nhân vật dù đó chỉ là kiểu ý nghĩ – tư duy bằng ngôn ngữ thầm. Các nhân vật trong truyện cổ Andersen rất hay tự độc thoại, trong khi ở truyện cổ thì nhân vật được tác giả giúp thể hiện tất cả mọi suy nghĩ, tâm tư.
Sau đây là bảng thống kê một số truyện kể có độc thoại nội tâm của nhân vật :
Tên truyện Độc thoại nội tâm
Nữ chúa tuyết Ruyđy tự nhủ « Nói cho cùng, chẳng ai có thể vắt vẻo trên cao đến nỗi không thể đụng tới được. Chỉ cần biết leo và cho dù có phải leo dốc dựng đứng đến đâu cũng không bao giờ ngã, miễn là đừng có tin rằng mình sẽ ngã ».
Anh bất giác cựa quậy và tự nhủ : « không bao giờ lùi bước, không bao giờ thất vọng. Cứ liều vào cối xay. Chào ông chủ, chào Babet. Nói như vậy có gay không nhỉ ?Khi tin chắc không ngã thì chẳng thể ngã
được. ».
Bên gốc liễu Knút nghĩ thầm : « đến chủ nhật này gặp nhau, mình sẽ nói với nàng rằng nàng đã chiếm hết tâm hồn ta rồi và nàng sẽ phải trở thành vợ ta. Ta chỉ là một thợ giày nghèo nàn, nhưng ta nhất định sẽ trở thành ông chủ. Ta sẽ làm việc chịu thương chịu khó đến mấy cũng được. Phải, mình cứ nói thẳng. Mối tình câm không đem lại kết quả gì. »
Chàng tự nhủ : « Ta yêu nàng biết bao !Nàng cũng rất yêu ta, như thế đủ để san bằng tất cả. »
Chiếc kim thêu Ả kim nói : « Thế là mình đã trở thành trâm cài rồi. Mình biết lắm, biết là mình sẽ rất danh giá mà. Khi con người ta vốn dĩ đã có giá trị thế nào rồi cũng nổi danh. »
Cô ả lẩm bẩm : « Mình thật quá nhỏ nhắn đối với cái thế gian này. »
Ả lẩm bẩm : « Hãy xem cái tụi kia bơi với lội kìa. Thậm chí mình nằm ngay đây mà chũng cũng chẳng ngờ rằng bên dưới chúng có gì cả. »
Ả nằm dí ở đấy, ôm ấp những hoài bão vĩ đại : « Mình rồi cũng phải đến tin rằng mình là con của một tia nắng vì mình nhỏ nhắn thế kia mà. »
Bông cúc trắng Nó nghĩ thầm : « Ta được nhìn, được nghe, nắng sưởi ấm ta, gió ôm ấp ta, thế là đủ. Ôi chao, nếu còn than phiền thì thật sai lầm. »
Bù nhìn tuyết Bù nhìn tuyết tự nhủ : « Mình chẳng hiểu gì cả, nhưng mình có linh tính rằng con chó đã báo trước cho mình một điều chẳng lành. Lại còn cái vật tròn tròn cứ nhìn mình chòng chọc trước khi biến mất, mà con chó gọi là mặt trời ấy, mình cũng cảm thấy rõ ràng nó không phải bạn mình. »
Anh chàng ước : « Thèm quá, đến vỡ tan xác mình ra mất thôi. Giá mình được vào trong ấy nhỉ ? Ước mơ cũng ngây thơ, thực hiện được cũng dễ thì mới phải. Vào, vào, đó là mong ước tha thiết nhất của mình. Mình phải được tựa vào cái bếp lò, dẫu có phải nhảy qua cửa sổ cũng xin vâng. »
Bộ quần áo mới của hoàng đế
Hoàng đế nghĩ thầm : « Quần áo ấy mới quí. Ta chỉ cần mặc vào là biết được trong quan lại ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Hơn nữa là phân biệt được người khôn hay kẻ ngu, ta phải cho dệt thứ vải ấy mới được. » Hoàng đế nghĩ thầm : « Hừ quái thật, ta chẳng thấy gì cả. Gay thật, ta mà ngu ư ? Hay ta không phải là một vị hoàng đế nhân đức. Thế này thì không còn gì là nhục nhã cho bằng. »
Cây thông Cây thông non thở dài: “- Ôi ! Giá ta cũng to lớn bằng những cây khác nhỉ ! Lúc ấy ta sẽ vươn nổi các nhánh rất xa ra xung quanh và từ trên ngọn ta có thể ngắm nhìn khắp đồng quê. Chim chóc sẽ đến làm tổ trên các cành của ta và khi gió thổi ta cũng sẽ nghiêng
mình một cách đường bệ như các cây khác.” Thông ta tự hỏi: “- Chúng đi đâu thế nhỉ ? Chúng chẳng lớn gì hơn ta, có một cây còn bé hơn ta nữa kia. Sao người ta lại giữ cả cành và đem chúng đi đâu thế ?”
Thông lẩm bẩm: “- Số mình không được hưởng cái tương lai sáng lạn ấy hay sao? Còn thích hơn là đi biển nhiều. Ôi ! Giá bây giờ lại là lễ Noel nhỉ? Nay mình đã lớn chẳng kém gì những cây được người ta đem đi năm ngoái. Ôi! Giá mình được lên xe, được trồng trong căn phòng ấm áp, giữa những vật huy hoàng ấy! Nhưng sau đó sẽ ra sao? Hẳn là sẽ có gì nữa, nếu không thì người ta trang điểm cho cây như thế để làm gì? Phải, nhất định sẽ có cái gì tuyệt hơn. Không gì khổ bằng chờ với đợi! Nóng ruột quá đi mất.”
Thông ta tự nhủ: “- Ồ! Sao cho chóng đến tối nhỉ? Đèn nến thắp lên thì phải biết! Rồi còn gì nữa nhỉ? Giá các cây trong rừng đến được đây mà ngắm ta! Có lẽ lũ chim cũng sẽ đến ngắm ta qua cửa kính đấy. Liệu đông qua, hạ tới, ta có được trồng ở đây mãi với tất cả trang sức này không?”
Riêng cây thông vẫn đứng im và tự hỏi:
“- Họ không đếm xỉa gì đến mình nữa
à? Không cần đến mình nữa chắc?”
Đất đã cứng ra và phủ đầy tuyết. Giờ thì người ta không đem trồng mình được nữa rồi.
Tất nhiên là mình phải ở đây đến tận mùa
xuân. Tất cả đều tuyệt mỹ và loài người cũng tốt thôi. Giá cái kho gớm ghiếc này đỡ tối
một chút thì hay quá! Chẳng có lấy một chú
thỏ nào! Trong rừng khi tuyết rơi và đàn thỏ chạy ngang qua thật là vui… thế mà hồi đó mình lại đâm cáu khi chúng nhảy qua ngọn mình. Chốn này quả là hoang vu đáng sợ.”
Như vậy, với việc xây dựng các chi tiết nhân vật độc thoại nội tâm, Andersen đã dần xa rời nét truyền thống của cổ tích, đưa tác phẩm của mình gần gũi với truyện ngắn hiện đại. Các nhân vật của ông không xuất hiện một cách bình lặng, mờ nhạt nhằm để phục vụ cho một vài mục đích giáo huấn của câu chuyện, mà họ có một thế giới nội tâm phức tạp. Đứng trước mọi diễn biến cuộc sống họ đều băn khoăn, trăn trở, tìm ra cách tốt nhất để giải quyết, và chính vì vậy, lời độc thoại nội tâm làm toát lên được nét tính cách tâm lí của họ. Tất cả những âm mưu, toan tính, những nét tốt xấu của tâm hồn đều được bộc lộ. Có thể nói, nhân vật tự mình thể hiện nhân cách phẩm giá, chứ không cần đợi tác giả quyết định hộ. Chỉ cần qua những suy nghĩ của cây kim thêu, chúng ta thấy được sự kiêu căng, hợm hĩnh, tưởng mình là « trung tâm của vũ trụ » trong khi thực tế chỉ là một cây kim rất tầm thường. Đó phải chăng là hình ảnh quen thuộc của cuộc sống ? Rất nhiều người vì tự cao tự đại mà cuối cùng gặp phải kết quả đáng tiếc. Thêm vào đó còn trở thành trò cười cho người khác.