Khi viết những câu chuyện kể cho trẻ thơ, hơn ai hết, tác giả Andersen nhận thức được rằng trẻ thơ là lứa tuổi mà tư duy còn chưa phát triển hết, sự nhận thức về thế giới xung quanh chủ yếu qua tình cảm, sự quan sát thô sơ, và trí tưởng tượng mộc mạc, giản dị. Do vậy, những gì thu hút chúng phải là cái gần gũi, thân thương, dễ hiểu, luôn luôn trông thấy hàng ngày. Andersen đã đem vào trong những câu chuyện của mình sự hóm hỉnh, vui tươi với thế giới nhân vật khá quen thuộc của cuộc sống đời thường. Từ những đồ chơi của các em như con quay, quả bóng, một ống đựng tiền, đến những vật dụng trong nhà như cái chổi, cái kim thêu, cái cổ áo, hay những con vật nuôi quen thuộc như gà, vịt, ngỗng…tất cả đều được thổi hồn để trở nên sinh động. Dưới dạng nhân cách hóa, Andersen đem đến cho các nhân vật của mình những tính cách đa dạng : những thói hư tật xấu như ganh ghét, đố kị, ảo tưởng, nhiều chuyện…và cả những nét nhân cách tốt đẹp, điều này đã tạo nên sức hấp dẫn kì diệu cho trẻ thơ và sự thâm trầm, sâu sắc cho người trưởng thành.
Câu chuyện « Cây kim thêu » kể về cuộc hành trình của một cây kim, nó rất đỗi bình thường nhưng khổ nỗi nó lại không nghĩ như vậy. Luôn luôn tồn tại trong ý nghĩ
của nó rằng nó là một cây kim bằng vàng nên rất cao sang, quyền quý, nó không thể làm việc nặng nhọc. Cuối cùng, cây kim bị gãy, và phiêu lưu đến nhiều nơi : trong bụng cá, trong ống nước, và cuối cùng nằm vô dụng ở một nơi không ai biết đến. Tương tự, câu chuyện về cái cổ áo luôn tự huyễn hoặc mình về một nguồn gốc cao sang, nên đi tỏ tình với rất nhiều đối tượng như cây kéo, bàn là, bít tất…kết quả là nó bị cháy xém, bị cắt đi và vứt bỏ vào trong mớ vải vụn, thế nhưng nó vẫn luôn « hoài cổ » về một thế giới hào quang mà nó tự thêu dệt lên. Đã đọc truyện Andersen chắc có lẽ ai cũng biết đến câu chuyện « Vịt con xấu xí ». Thực chất đó là một chú thiên nga bị đặt nhầm vào ổ trứng vịt, cho nên mới có biết bao chuyện buồn xảy ra. Khi thấy một đối tượng khác mình, thế là ngay lập tức « cộng đồng » xúm lại chế giễu, dèm pha, xua đuổi, chú thiên nga lạc loài phải trải qua rất nhiều đau khổ trước khi tìm lại được giá trị đích thực của mình. Đây cũng chính là hiện thực của cuộc sống quanh ta, con người dù chưa biết là tốt hay xấu, có giá trị hay không, nhưng chỉ cần họ khác với tập thể, không giống với cái chung là ngay lập tức bị xa lánh, khinh thị. Từ câu chuyện về một ả gà mái bị rụng một chiếc lông nhưng qua miệng nhiều « cô nàng gà » khác lại trở thành câu chuyện có năm ả gà mái chết vì nhổ tiệt hết lông để làm duyên với gà trống, người đọc thấy đâu đây cuộc sống của mình với những thói hư tật xấu không dễ bỏ.(Một chuyện có thật). Đưa ra những câu chuyện hóm hỉnh, để cười đùa nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là sự mỉa mai, chua xót về thế thái nhân tình. Những câu chuyện này đem đến cho trẻ thơ bài học về sự khiêm tốn, giản dị, là bài học về cách sống biết người biết ta cho người trưởng thành. Thế mới thấy rằng, đồ vật vốn không chỉ nằm vô tri vô giác, nếu ta biết cảm nhận về chúng, thì chúng sẽ trở nên sống động biết bao nhiêu.
Thế nhưng Andersen không phải đến với cuộc đời để làm một người không thừa nhận. Ông chỉ ra những điều xấu, nhưng mục đích là để phát hiện và ca ngợi nhưng gì tốt đẹp, cao cả. Câu chuyện về chú chim họa mi hót hay được đức vua mời về cung, dù đã hót cho vua và các triều thần nghe bằng tất cả tâm huyết của mình, thế nhưng chú cũng không vượt qua được con chim họa mi giả. Nó được mọi người yêu chuộng hơn, vì có thể hót bất cứ lúc nào, và không phải chăm sóc cầu kì như chim họa mi thật. Thế nhưng cuối cùng chim họa mi giả bị hỏng, đức vua đau ốm sắp sửa
băng hà, quần thần đang sắp sửa tôn vinh một vị vua mới, thì chim họa mi thật đã đến hót cho vua nghe, và vua vượt qua cơn bệnh. Thế mới thấy chỉ có những gì xuất phát từ trái tim thì mới có thể đến được với trái tim, còn những gì là gian dối, giả tạo cuối cùng sẽ trở nên vô nghĩa. Lòng chung thủy của loài vật luôn được Andersen đề cao trong các tác phẩm của mình, một chú nai thông minh đã đưa cô bé Giécđa vượt qua bao hiểm nguy để tìm Kay trong « Nữ chúa Tuyết », một chú ngựa luôn bảo vệ cô chủ khi cô bị hãm hại trong « Nàng công chúa chăn ngỗng ». Hay một chú lính chì dũng cảm dù cho đến lúc chết vẫn tôn thờ, gìn giữ tình yêu của mình. Đó phải chăng chính là niềm tin tưởng của tác giả về tình yêu thương trong cuộc sống này ?