nhân loại
Andersen đã như một con ong thợ cần mẫn, hút mật từ hoa trái cuộc đời để đem lại cho nhân loại một loại mật rất thơm ngon. Sự trải nghiệm cuộc sống, những chuyến đi, những được và mất trong mấy mươi năm cuộc đời đã giúp cho ông có một nhãn quan sâu sắc để nhìn nhận và đánh giá thời cuộc. Không chỉ đơn giản là những câu chuyện thần tiên dành cho thiếu nhi, tác phẩm của ông nói lên được tiếng nói của muôn người, của mọi thời đại với bao khát vọng sâu xa, thầm kín về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không quá nặng nề, không cần phải đao to búa lớn, ông cứ như một người vừa kể chuyện vừa suy ngẫm, vậy mà không có điều gì vượt ra khỏi tầm mắt quan sát của ông.
Trước hết, ông đã thể hiện thành công qua tác phẩm của mình một thực trạng xã hội với tất cả những gam màu tối sáng. Xã hội mà Andersen đã từng sống và chứng kiến đó là một xã hội đầy bất công ngang trái, phân biệt giàu nghèo, lạnh lùng vô cảm. Câu chuyện « Cô bé bán diêm » làm thổn thức lòng người bao thế hệ đã nói lên được điều đó. Một đêm mùa đông lạnh lẽo, một cô bé bán diêm không tiền, không quần áo ấm, không thức ăn ngon…em ngồi đó giữa dòng người hối hả chuẩn bị cho buổi tiệc Giáng sinh. Người ta chăn ấm nệm êm, người ta đời sống đủ đầy, nhưng không ai san sẻ cho em một chút gì. Ngay khi em chết, họ cũng chỉ nhìn và « phân tích » cái chết đó với một sự hiếu kì vừa đủ, không ai nhỏ cho linh hồn bé bổng tội nghiệp đó một giọt nước mắt xót thương. Câu chuyện « Mọi thứ đều đặt đúng chỗ » lại nhấn mạnh đến sự phân biệt đẳng cấp đến mức đáng sợ. Cô bé con nhà nghèo bị đoàn xe ngựa của người giàu hất vào vũng nước tù đọng, bởi vì vị trí của cô bé là ở đó. Câu chuyện « Cái bóng » với một xã hội mà ở đó ai cũng mải mê chạy theo những cái bóng phù du hào nhoáng đến mức đánh mất đi giá trị thực sự của bản thân mình. Xã hội mà nơi đó thực giả lẫn lộn, trắng đen không thể phân biệt đến mức sự thật thì bị đưa ra hành hình, còn cái ác thì được lấy công chúa giàu sang quyền lực. Hay « Bộ quần áo mới của hoàng đế » dành cho những ai chỉ biết chạy theo số đông mà tự đánh lừa luôn cả bản thân mình, người ta không dám nói lên sự thật vì sợ ảnh hưởng đến bản thân, đến quyền lợi của chính họ. Cho nên họ trốn cả vào vỏ bọc và mặc nhiên chấp nhận những sự thật thô thiển, nực cười. Phải chăng đây là hiện
thực của xã hội Đan Mạch hay bất cứ một đất nước Châu Âu nào lúc bấy giờ ? Hiện thực ấy được tác giả thể hiện một cách xót xa, đau đớn dù ông đã cố tình che giấu đi qua vẻ hóm hỉnh, cười cợt bên ngoài. Đó là tấm lòng của một người có tâm huyết với dân tộc, với nhân loại và mong muốn có một sự đổi thay nào đó.
Ngoài ra còn là những thói hư tật xấu cần phải được phê phán để triệt tiêu hẳn đi. Thói ngồi lê đôi mách, thói bịa chuyện, sự kiêu căng…tất cả đều được đưa ra mà châm biếm mỉa mai đến tận cùng. Xã hội luôn tồn tại những con người với bao nhiêu tính xấu như vậy, và nó gây nên nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm, thậm chí còn làm hại bao nhiêu người. Dù xã hội có văn minh, có hiện đại đến đâu chăng nữa thì vẫn không thể xóa bỏ hết. Và từ đó nó tạo nên những định kiến trong xã hội mà người ta không thể xóa bỏ nỗi. Andersen đã quan sát và thể hiện những điều này vào tác phẩm của mình. Ông khiến người đọc phải dừng lại ngẫm nghĩ khi tìm thấy một chút gì đó bóng dáng của mình trong đó. Sự thật ai trong chúng ta lại không có một chút thói hư tật xấu như trên ?
Không chỉ đem lại niềm tin tưởng vào cuộc đời cho lứa tuổi nhỏ, Andersen còn làm được điều đó cho tất cả mọi độc giả của mình, những người trưởng thành, với con tim và tình cảm chai sạn vì trải qua bao đắng cay của cuộc đời, thế nhưng họ lại dễ dàng tìm lại được niềm tin trong trẻo ở cuộc sống khi đọc truyện Andersen. Truyện của ông là tiếng nói đồng cảm sâu sắc đối với những kiếp người bé nhỏ, lạc loài, bị rẻ rúng trong xã hội. Tinh thần nhân văn cao cả của văn học có thể dễ dàng được tìm thấy qua các tác phẩm tưởng chừng như rất đỗi vô tư của ông.
Đó là sự đồng cảm với thân phận khổ cực bất hạnh của con người. Xuất phát từ hoàn cảnh bản thân, ông hiểu được những nỗi đau đớn mà người ta phải trải qua khi nghèo khó, không nơi nương tựa, không một mái nhà để che mưa nắng. Ông hiểu được sự tủi hổ khi người ta bị chế giễu châm chọc trong sự đơn độc. Bởi ông cũng đã từng trải qua những điều đáng sợ ấy trong cuộc đời mình. Thế nên ông đã dành những trang viết cảm động của mình để viết về những người nghèo. Không như truyện cổ tích, luôn có sự xuất hiện của vua chúa và những người giàu sang, trong khi người nghèo có mặt để làm nền cho những phép màu, sự thần tiên xuất hiện để phù trợ cho họ ; con người trong truyện của Andersen là những con người có cuộc sống
riêng, tâm tư tình cảm riêng, và hơn hết họ có nhân cách cao đẹp của họ dù họ không giàu sang, không quyền lực. Câu chuyện về một bà lão nghèo, không ai để tựa nương, không tiền để xây nhà…cuối cùng bà được người thợ xây tốt bụng làm giúp cho một căn nhà nhỏ để che mưa, che nắng. Nhưng có một lần, bà nhìn thấy đám đông đang say sưa vui chơi trên một dòng sông lớn đã bị đóng băng, và họ say sưa đến mức không biết rằng băng đang tan ra. Chỉ có bà lão là nhìn thấy tất cả, bà không thể kêu lên được vì sức yếu. Cuối cùng để cứu mọi người, bà đã đốt ngôi nhà của mình, và chết cháy trong đó, nhưng nhờ trông thấy bà lão đang gặp nguy mà đám đông rời khỏi nơi nguy hiểm, thoát chết trong gang tấc. Andersen cho chúng ta gặp lại bà lão nơi thiên đường, vì đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho sự hi sinh cao thượng của bà. Hơn thế nữa, khi ở thiên đàng, bà còn xin cho người khác được vào cùng với mình, đơn giản vì anh ta là em của người thợ đã xây cho bà căn nhà nọ. Lòng thương người, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi về phía mình vì người khác, điều đó không cần phải thể hiện qua những bài học đạo đức khô khan, và đi vào lòng người như một mạch nước ngầm mát diệu. Ông đã ca ngợi nét nhân cách cao đẹp đó với niềm hứng khởi say mê. Con người dù nghèo khổ nhưng lòng tốt, sự tự trọng của họ vẫn sáng ngời. Con người bị vùi xuống đáy xã hội nhưng vẫn cố gắng vươn lên để khẳng định mình.
Đó còn là những niềm tin, sự hi vọng mà Andersen gởi gắm vào con người, sinh vật nhỏ bé nhưng cũng vĩ đại biết bao nhiêu. Hôm nay có thể yếu đuối, có thể bị ức hiếp, có thể bất hạnh đến cùng cực, nhưng ngày mai nhất định sẽ thay đổi, mạnh mẽ hơn, tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn. Một cô bé Lidơ, một nàng Bạch Tuyết, một cô công chúa chăn ngỗng…tất cả họ cuối cùng đều có hạnh phúc, cốt lõi không phải do họ được giúp đỡ, mà chính bằng nghị lực sống phi thường của họ, họ đã dám đối đầu với cái ác, cái bạo tàn. Họ là những nàng công chúa cổ tích, và họ cũng là con người của cuộc sống mọi thời đại, biết sống, biết yêu thương, biết hận thù và tha thứ. Hàng loạt các nhân vật nghèo khổ bất hạnh, bị chế giễu trong truyện của ông cuối cùng đều có hạnh phúc. Andersen tin tưởng điều đó sẽ xảy ra bởi vì đó là sự tất yếu, là kết quả cuối cùng cho những cố gắng phi thường của con người.
người thành công khi hiểu tâm lí của từng người, hiểu được người đọc của mình họ muốn điều gì, họ có thể học hỏi, suy ngẫm được gì từ những điều mình chuyển tải đến cho họ. Đối với trẻ em, ông vẽ lên một thế giới thần tiên diệu kì, và những bài học nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, điều đó góp phần xây đắp tâm hồn các em trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Đối với người lớn, ông đã là một người bạn chân thành với họ, ông đồng cảm sẻ chia với họ bao điều. Cho nên đâu phải Andersen là nhà kể chuyện của thiếu nhi, ông là bạn của tất cả, những ai yêu cái đẹp, yêu lẽ phải và muốn hướng tới Chân, Thiện, Mĩ.
CHƯƠNG 3 : NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRUYỆN KỂ ANDERSEN