Con người – Khát vọng cao đẹp về Chân,Thiện, Mĩ

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 42)

Một trong những chức năng chính của văn học đó là chức năng giáo dục con người. Văn học phải làm sao để giúp cho độc giả của mình nhận thức được điều hay lẽ phải, hướng con người đến với cái đẹp, cái thiện. Andersen là một nhà văn gặp nhiều thăng trầm trên bước đường đời, nhưng lúc nào cũng vậy, ông luôn đem đến cho độc giả của mình những câu chuyện với đầy ắp mộng tuởng của cuộc sống. Người ta có thể nghèo đói, người ta có thể xuất thân thấp hèn, nhưng không gì ngăn cản được người ta vươn đến những điều tốt đẹp. Và cho dù có kể về những điều xấu xa, đáng bị chê trách thì mục đích vẫn để giúp cho con người nhận thức được để

không bị vướng phải.

Con người trong truyện kể của ông trước hết là những con người cao đẹp trong cuộc sống, vị tha, nhân hậu trong tình yêu. Andersen hướng về thế giới của những con người bất hạnh, nghèo khổ, nhưng không phải như một đối tượng đáng thương, mà ông khai thác cái phần tốt đẹp, trong trẻo như một sự đối lập với cái tối tăm, ảm đạm của cuộc đời. Thế giới vốn rộng lớn và phức tạp, và những nhân vật được phản ánh trong thế giới ấy cũng có muôn vàn dáng điệu, tính cách khác nhau. Điều mà Andersen muốn nhấn mạnh ở đây là mặt tốt đẹp của họ, ông muốn tô vẽ lên những gì tốt đẹp để làm xóa mờ đi những gì là xấu xa, không đáng được trân trọng trong cuộc đời. Một nàng công chúa Lidơ xinh đẹp sẵn sàng chấp nhận mọi đau đớn, sự nghi ngờ, kể cả bước lên giàn hỏa thiêu để cứu các anh mình khỏi âm mưu thâm độc của mụ dì ghẻ, một nàng tiên cá đánh đổi tất cả để có được tình yêu với hoàng tử, và không hề hận thù khi chàng không đáp lại tình cảm, một bà mẹ sẵn sàng cho đi đôi mắt, giọng nói và cả mạng sống của mình dù chỉ để gặp lại đứa con thơ vừa bị thần Chết bắt đi. Tất cả những sự hi sinh đó đều không cần trả giá, không cần bất cứ một đáp đền nào. Con người hành động hơn hết chỉ vì tình yêu thương của bản thân dành cho người khác, đó là tình yêu thương không hề toan tính, vụ lợi. Các nhân vật của ông cũng không cần đến nhiều sự phù trợ từ các lực lượng siêu nhiên, thần bí, bởi lòng vị tha của họ chính là sức mạnh lớn lao nhất để giúp họ vượt qua mọi thử thách mà chiến thắng. Hầu như không có nhân vật nghèo nàn nhưng tính tình xấu xa trong tác phẩm của Andersen. Cái nghèo đơn giản chỉ là hoàn cảnh sống, như một lớp áo bên ngoài, không thể ảnh hưởng được đến tâm hồn, tính cách bên trong. Hoặc có khi, chính cái sự nghèo nàn ấy lại là một thứ của cải vô giá không phải ai cũng có được. giống như câu chuyện Trạng Quỳnh cho chúa ăn món mầm đá của người Việt, Andersen nhiều lần nhắc tới niềm hạnh phúc vô biên khi được làm một con người bình thường, giữa một cuộc sống bình dân mà gần gũi, thân thiện, luôn mang những ước mơ, khát vọng vươn lên dù cho có gặp hoàn cảnh khó khăn, bị vùi dập trong cuộc đời Và hơn hết, để giành chiến thắng, con người buộc phải có lòng tin, tình yêu thương. Quan niệm đó về con người phải chăng luôn luôn mới mẻ qua bất cứ thời đại nào.

Hết lòng ca ngợi con người, Andersen cũng thẳng tay và mỉa mai đối với tất cả những gì khinh thị con người, đối với bất công và lừa dối. Từ đó, ông phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu trong cuộc đời. Nhưng phê phán không phải để triệt tiêu nó, mà là để cảm hóa, phục thiện cho nó. Bởi vì Andersen hiểu rằng bản chất sâu xa của mọi người luôn là tốt đẹp. Câu chuyện « Bộ quần áo mới của hoàng đế » là một lời châm biếm sâu cay dành cho những kẻ kiêu căng, hãnh tiến, muốn có được sự hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong lại rỗng tuếch, vô nghĩa. Mà điều đáng nói hơn là nó đã lây lan ra toàn xã hội, người ta dù nhận ra hay không vẫn không dám chỉ mặt, vẫn ngấm ngầm công nhận, thỏa hiệp cùng với nó. Chiếc áo tưởng tượng do bọn thợ may lừa bịp may cho hoàng đế đã che mắt được tất cả xã hội, kể cả những quan lại tài giỏi, những sinh viên có học thức, những người già có vốn sống dày dạn. Đó phải chăng chính là thực tại của cuộc sống, con người ta vốn không đủ dũng cảm để làm những điều trái với thói quen, nề nếp của xã hội, dù họ biết thói quen nề nếp đó là xưa cũ, là lỗi thời, cần phải xóa bỏ đi ? Có phải vì vậy mà người ta phải trả giá bằng cái chết khi dám tuyên bố là trái đất hình cầu, trái với niềm tin bất diệt từ xưa đến nay là trái đất hình vuông và đứng yên ? Thế nhưng chân lí thì bao giờ cũng phải được phơi bày, dù cho có phải trả giá như thế nào chăng nữa.Và Andersen cho cái người dám đứng ra nói sự thật ấy là một đứa trẻ con. « Ra đường hỏi mụ tra, về nhà hỏi con nít ». Trẻ em, một đối tượng còn ngây thơ, trong trắng, chưa bị bất cứ một chút vụ lợi nào làm cho vẫn đục, chính là ngọn nguồn để hướng những người lớn, trưởng thành quay trở về với chân lí, với những niềm tin thánh thiện trong cuộc đời. Nghĩa là chân lí chỉ đến với những ai biết nhìn nhận thẳng sự thật mà không qua bất cứ một lớp vỏ bọc che chắn nào. Chân lí đối với Andersen gắn với sự thật, chỉ những ai vô tư, không vụ lợi mới đến được với sự thật. Có chất hài hước, vui vẻ, châm biếm, nhưng sâu xa ở đó, câu chuyện thể hiện niềm tin bất diệt của tác giả vào một thế giới với những điều trong sáng, thánh thiện, đó chính là sức mạnh để giúp con người vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Đọc các tác phẩm của Andersen, ta như thấy được bóng dáng của chính mình ở đó, một chút những nét tính cách tốt đẹp, kể cả những thói hư tật xấu. Cho nên nhân vật của ông thường kết thúc không gặp một kết thúc dữ dội, bi thảm kiểu truyện cổ

tích dân gian, kẻ ác phải bị trừng trị đích đáng, mà ông luôn dành cho họ một khoảng trống, khoảng lặng để suy ngẫm. Vị vua thích quần áo mới kia cảm thấy xấu hổ, hoài nghi khi đứa bé phát hiện ra sự thật, nhưng ông vẫn phải tiến hành cho xong buổi nghi lễ, và có lẽ sau đó ông sẽ phải suy ngẫm lại tất cả. Câu chuyện « Cô gái dẫm lên bánh mì » kể lại câu chuyện một cô gái kiêu căng, không hề xem người khác ra gì, kể cả cha mẹ đẻ của mình. Một ngày nọ, cô được người khác cho một ổ bánh mì dặn đem về cho mẹ, nhưng trên đường đi phải qua một chỗ lầy lội, sợ bẩn giày mới, cô đã ném ổ bánh mì xuống bùn để dẫm lên mà đi. Không ngờ cô đã bị lôi xuống đầm lầy. Nhưng nhờ biết ân hận, cuối cùng cô bé hóa thành con chim hải âu, một loài chim tốt bụng luôn giúp đỡ, chia sẻ với đồng loại của mình. Nghĩa là con người ta luôn có một con đường để quay đầu lại, miễn là họ biết phục thiện mà thôi. Như vậy, đối với Andersen, trong mỗi con người luôn tồn tại những phần tốt đẹp, có khi nó bị phần xấu xa lấn át, nhưng nếu nó được dẫn đường mở lối thì nhất định nó sẽ chiến thắng. Đó cũng là niềm tin tưởng của ông ở con người, lòng nhân hậu của ông vì vậy mà không bao giờ cạn.

Là một người sáng tạo nghệ thuật và dành hết tâm huyết cuộc đời mình cho nghệ thuật, Andersen nhấn mạnh nghệ thuật đích thực phải gắn liền với cuộc sống, không gì có thể gọi là nghệ thuật nếu nó nằm ngoài cuộc sống, nếu nó không vì con người mà lên tiếng. Và suốt cả cuộc đời ông, ông đã dành mọi tâm huyết để chứng minh cho điều ấy. Andersen đã hiểu được những ước mơ, khát vọng cháy bỏng của con người, ông đã đưa họ vượt qua bao vất vả, khó khăn của cuộc sống thường nhật để vươn đến một chân trời mới tốt đẹp hơn, ông nhấn mạnh quà tặng tươi đẹp nhất, quí giá nhất của cuộc sống này chính là con người. Chính vì những ý nghĩa nhân văn ấy mà Andersen hơn hết là một người bạn, của tất cả những ai biết buồn vui trong cuộc đời.

Với những quan niệm nghệ thuật về con người như vậy, Andersen đã xây dựng lên trong truyện kể của mình một thế giới nhân vật đa dạng, sống động với những tính cách, tâm lí khác nhau, tạo nên muôn mặt, muôn chiều của cuộc sống

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)