2.2.1.Con người – Chủ thể sinh động của cuộc sống và sáng tạo
Đối với Andersen, con người chính là con người của xã hội. Trong môi trường đa dạng và phức tạp đó, con người với những nét tính cách riêng, theo các mức độ nông sâu khác nhau đã tạo nên một thế giới nhân vật phong phú, sinh động, thể hiện thế giới quan sâu sắc của chính tác giả.
Con người trong tác phẩm của Andersen là con người làm chủ số phận và cuộc đời mình. Truyện kể của ông mang phong vị thần tiên, với khung cảnh lung linh huyền ảo, thế nhưng đằng sau tất cả vẫn là hiện thực, là cuộc sống con người với bao trăn trở của người viết ra nó. Chính vì vậy mà truyện kể của ông thích hợp cho mọi người, ở bất cứ một thời đại nào. Nhưng trước hết, đối tượng gần gũi cùng ông nhất vẫn là thiếu nhi, nên ông luôn xây đắp rất nhiều hình tượng đẹp để các em nhìn vào đó mà học tập, suy ngẫm về bản thân mình, về sự rèn luyện, nhân cách, phẩm giá của
chính mình. Xuất phát từ hoàn cảnh riêng của bản thân, Andersen cũng thường khai thác hình ảnh những trẻ em nghèo, bất hạnh, những người lớn có hoàn cảnh đáng thương. Họ luôn bị ám ảnh bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền, bởi đói rét, bệnh tật. Họ là những mảng màu đối lập với cuộc sống hoa lệ, giàu sang xung quanh. Đó là một em bé bán diêm nghèo chết trong đêm mùa đông lạnh giá, đó là một em bé xuất thân từ tầng lớp thấp hèn trong xã hội nên không được tham gia buổi tiệc với đám trẻ em thượng lưu, đó là hai mẹ con người thợ giặt « vô tích sự », « hư hỏng » như người đời nhận xét dù người ta vẫn rất tốt bụng và lương thiện. Cuộc sống của họ chính là hình ảnh thu nhỏ của Đan Mạch hay bất cứ một quốc gia nào, nơi vẫn còn rất nhiều những ngang trái bất công.
Thế nhưng tất cả không phải đều khép cửa với họ. Bởi lẽ con người trong tác phẩm của ông còn luôn biết vươn lên, chiến thắng mọi khắc nghiệt của cuộc sống để làm chủ số phận của mình. Đứa trẻ xuất thân bần hàn kia sau thành nhà kiến trúc nổi tiếng. Mẹ con người thợ giặt vẫn có được tình thương từ nhiều người tốt bụng khác bởi bản chất của họ là tốt đẹp. Ngay cả cô bé bán diêm dù phải chết nhưng đã chết trong những mộng tưởng sung sướng cao đẹp, và ngay cả việc em không còn phải sống để tiếp tục chịu cảnh cực khổ đói rét cũng đã là một sự giải thoát rồi. Con người trong tác phẩm của ông luôn luôn đấu tranh để vươn lên, vượt qua những khó khăn thử thách của thực tại. Cuộc sống luôn là sự đấu tranh không ngừng. Trước những thế lực tàn ác, có sức mạnh, có quyền lực, thì con người vẫn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Câu chuyện « Bầy chim thiên nga » là liên tục những thất bại của mụ phù thủy. Những con cóc mụ thả vào bồn nước cho Lidơ tắm với mong muốn nàng trở nên xấu xí, tàn ác, ngu ngốc cuối cùng lại hóa thành những bông hoa xinh đẹp, bởi vì chúng đã chạm đến trái tim nàng Lidơ. Âm mưu biến mười một hoàng tử thành thiên nga vĩnh viễn cũng thất bại bởi vì tình thương của Lidơ dành cho các anh là quá lớn, nó đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nếu bỏ đi lớp vỏ thần tiên, huyền thoại, câu chuyện là một áng văn bất tử về tình người, về ý chí nghị lực vươn lên đấu tranh để giành lấy quyền sống, quyền được sinh tồn của con người. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xây dựng nên những chiến thắng của con người trong mọi cuộc đấu tranh với thiên nhiên kì bí, với những thế lực tàn ác Chẳng hạn
như câu chuyện về nữ chúa tuyết, đây là một minh chứng cho sự chiến thắng của con người trước thiên nhiên. Nữ chúa tuyết luôn muốn bắt sống Ruydi, nhưng hết lần này đến lần khác mụ đều thất bại. Cho đến lần cuối cùng, khi chàng cùng vợ sắp cưới đi chơi trên hồ, mụ mới thành công. Thế nhưng điều mà nữ chúa tuyết làm được cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài, có bắt được con người nhưng không thể động chạm đến tâm hồn họ, đến khát vọng về cuộc sống và sự vươn lên của họ. Và thực sự họ cũng không hề cảm thấy buồn « can chi mà buồn ». Rõ ràng Andersen muốn nhấn mạnh thiên nhiên dù rộng lớn bao la đến vô tận song con người vẫn vượt lên, vẫn luôn làm chủ nó. Đó chính là niềm tin bất diệt của tác giả về con người, những con người nhỏ bé nhưng sức mạnh lớn lao, vĩnh cửu.
Tuy nhiên, con người không phải lúc nào cũng đối đầu với thiên nhiên. Thực tế, con người chỉ có thể sống tốt, sống vui vẻ khi sống cùng với thiên nhiên. Truyện của Andersen còn là một bức thông điệp lớn về khả năng hòa hợp với thiên nhiên của con người. Trên những bước đường lưu lạc của nhân vật, khi họ bơ vơ, lang thang không nơi nương tựa, thì rừng xanh luôn mở rộng vòng tay để che chở cho họ. Cô bé Lidơ, nàng Bạch Tuyết đều phải trải qua những ngày tháng cô độc trong rừng, nhưng họ vẫn mạnh khỏe, xinh đẹp nhờ cây rừng trĩu quả ngọt cho họ hái, nhờ nước suối trong mát cho các nàng uống và tắm gội. Đại dương mênh mông là nơi con người gột rửa mọi dơ bẩn để tìm lại tâm hồn đích thực của mình. Dù thiên nhiên có mạnh mẽ, lớn lao bao nhiêu, nhưng con người vẫn có thể tìm thấy sự bình yên ở đó, khi họ biết yêu và sống hết mình cho người Mẹ thiên nhiên vĩ đại.
Khác với truyện cổ tích dân gian, Andersen đã không để cho nhân vật của mình có nhiều cơ hội được thần tiên giúp đỡ, họ không chỉ biết thụ động chờ đợi sự ban phát đơn thuần, mà họ chủ động đấu tranh để giành lấy hạnh phúc cho mình. Thậm chí ngay cả trong trường hợp được thế lực siêu nhiên giúp đỡ, thì quyền quyết định vẫn là ở con người. Không như cô Tấm của cổ tích Việt Nam, ngồi khóc và được Bụt giúp đỡ, nàng tiên cá phải mình quyết định hạnh phúc cho mình. Và vì tình yêu, nàng đã từ bỏ cuộc sống êm đềm nơi thủy cung, chấp nhận dấn thân. Lidơ phải cứu anh bằng chính sức mình. Vịt con xấu xí phải tự mình vượt qua mùa đông lạnh giá trước khi trở thành thiên nga xinh đẹp. Đây phải chăng cũng là lời nhắn nhủ của tác giả đến
người đọc, không có sự giúp đỡ nào tốt bằng sự nổ lực của chính bản thân mình ? Xuất phát từ quan niệm xem con người như một chủ thể của cuộc sống, nên đối với Andersen, mối quan tâm lớn nhất, được thể hiện nhiều nhất chính là con người. Dù cho truyện của ông kể về đồ vật, loài vật, thiên nhiên...nhưng tất cả đều mang dáng dấp của con người, là nói chuyện của con người. Và trong mỗi tác phẩm, con nguời luôn là trung tâm, con người thể hiện bản ngã của mình giữa vũ trụ. Thần tiên, ma quỉ, có chăng cũng chỉ để làm nổi bật con người lên chứ không có khả năng chi phối, quyết định số cho con người. Qua từng câu chuyện kể, Andersen đã bộc lộ niềm hứng khởi đến mức say mê khi viết về con người. Cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, sự khổ đau, bất hạnh, trừng phạt...thói quen, tính xấu, nết tốt...tất cả đều tập hợp, hiện diện trong các câu chuyện kể. Con người có thể tìm thấy ở đó những điều quen thuộc, gần gũi với bản thân, và cả những thứ mà họ không thể vươn tới trong hiện tại mà chỉ ước mơ, hi vọng ở tương lai. Từ con người, tác giả đã bộc lộ được thế giới quan, nhân sinh quan của chính mình và giúp cho con người nhìn nhận ra chính mình. Tình yêu không vụ lợi của nàng tiên cá, sự hi sinh quên mình của Lidơ, đó chẳng phải là điều mà mọi con người đều khao khát được hướng tới hay sao ?
Andersen là một nhà văn với cặp mắt nhìn xuyên suốt cuộc sống, ông quan tâm đến mỗi cành cây ngọn cỏ, đến từng rung động tinh tế nhất trong tâm hồn con người. Con người – theo quan niệm của ông, đó chính là chủ thể sinh động nhất của cuộc sống. Và nghệ thuật đích thực không gì khác chính là cuộc sống, xuất phát từ cuộc sống.