Nhân vật truyện kể Andersen-Một thế giới cổ tích thần kì dành cho

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 50)

thiếu nhi

Đối với những độc giả nhỏ tuổi, truyện kể của Andersen như một cánh cửa mở ra một thế giới diệu kì, đủ để các em thỏa sức thả trí tưởng tượng, ước mơ của mình bay cao, bay xa. Vẫn chỉ là những vật dụng thường ngày, nhưng qua những trang viết của ông đã trở nên có hồn hơn, bay bổng hơn, các em có thể nghe được tiếng nói của chúng, lắng nghe được hơi thở, hiểu được mọi tâm tư tình cảm của nhân vật, để rồi từ đó học cách sống nhân hậu hơn, chân thành hơn.

Bất cứ một trẻ em nào trên thế gian này sinh ra đều được tạo hóa dành cho một đặc ân, đó là khả năng tưởng tượng phong phú và sức sáng tạo kì diệu. Những niềm tin trong trẻo vào cuộc đời giúp cho các em xây đắp lên một thế giới huyền ảo nhưng vô cùng sống động, ở đó tất cả đều tốt đẹp, đáng yêu, đáng quí, và tất nhiên cái gì xấu xa, ác nghiệt sẽ bị trừng trị. Niềm tin đó các em có thể tìm thấy trong các câu chuyện cổ tích, với bà tiên, hoàng hậu, mụ phù thủy, với công chúa, hoàng tử…Và Andersen, với tình yêu thương vô bờ bến dành cho các em cũng đã làm được điều đó. Ông đã đem đến cho độc giả của mình một thế giới huyền thoại với biết bao niềm say mê, thích thú.Ta có thể tìm thấy trong truyện của ông những nhân vật, đồ vật thần kì, những yếu tố siêu nhiên giúp con người khi họ bị yếu thế, đơn độc, những kết thúc có hậu cho nhân vật xứng đáng được hưởng…Niềm tin an lành ấy đã cùng ông xây đắp nên tâm hồn bao trẻ thơ qua nhiều thế hệ khác nhau, qua từng miền đất khác nhau trên khắp quả đất này.

Thông qua những nhân vật thần kì, những yếu tố huyền ảo của cổ tích, Andersen đã xây đắp cho độc giả nhỏ tuổi một niềm tin bất diệt vào cuộc đời, đó là ở hiền nhất định phải gặp lành, thiện chắc chắn sẽ thắng ác, cứ ước mơ rồi chắc chắn sẽ đạt được ước nguyện, cứ tin tưởng ở người khác rồi nhất định sẽ được đền đáp. Đối với lứa tuổi nhỏ, khi các em chưa vấp phải những khó khăn, chưa phải đối mặt với những điều ngang trái trong xã hội, tâm hồn các em như tờ giấy trắng tinh khôi, thì đó là một việc làm hết sức cần thiết và cao cả. Thực tế điều này không phải chỉ truyện Andersen mới có, ta còn có thể bắt gặp ở bất cứ một câu chuyện cổ tích nào, ở bất cứ nước nào. Nhưng điều đặc biệt ở ông là ông đã xây đắp niềm tin cho trẻ em mà không cần nhiều đến những thế lực siêu nhiên, thần tiên. Những đứa trẻ nghèo nàn

nhưng cuối cùng đã trở thành những con người tài giỏi như con trai người gác cổng, cậu bé tên có vần « sen » ở cuối, tất cả đều bằng tài năng và sự nỗ lực hết mình của bản thân. Chỉ cần có niềm tin ở bản thân mình mà thôi. Chính vì vậy mà truyện kể của Andersen không giống như một truyện cổ tích đơn thuần, nó là truyện ngắn dành cho tất cả mọi người, dù vẫn có những yếu tố kì ảo, nhưng kì diệu nhất vẫn là khả năng tuyệt diệu của con người trong cuộc chiến vươn lên để chống lại số phận.

Trong thế giới nhân vật phong phú của mình, Andersen đã dành nhiều trang viết để miêu tả thiên nhiên và thế giới đồ vật phong phú trong cuộc sống. Đây chính là cách tốt nhất để mở rộng tầm nhìn cho các em. Thiên nhiên trong truyện của ông bao la từ biển cả đến rừng núi sâu thẳm, với nghệ thuật miêu tả điêu luyện, ông đã vẽ lên cho người đọc những khung cảnh thần vừa thần tiên huyền ảo nhưng vẫn mang dáng dấp của cuộc sống xung quanh. Một trong những lí do khiến cho câu chuyện « Bầy chim thiên nga » của ông hấp dẫn hơn hẳn « Sáu con thiên nga » của Grimm cũng chính ở điều này. Nếu như Grimm chỉ tập trung kể lại câu chuyện mấy anh em bị mụ phù thủy hãm hại, thì Andersen dành rất nhiều trang để miêu tả cảnh. Đó là cảnh khu rừng khi Lidơ lạc vào, đó là biển cả mênh mông khi nàng nằm trên tấm lưới dày và được các anh mình kéo bay qua biển. Cảnh tượng trước mắt nàng luôn luôn thay đổi, lúc là một tòa lâu đài hùng vĩ, lúc lại hóa thành những con tàu đang lướt đi trên biển, lúc lại là những pháo đài hùng tráng…Phải có khiếu quan sát, khả năng tưởng tượng và tài miêu tả thì mới có thể tái hiện lại được những khung cảnh mĩ lệ như vậy, và điều đó làm nên nét đặc sắc cho truyện kể của ông. Nó góp phần bồi đắp cho tâm hồn người đọc khả năng suy nghĩ, tưởng tượng, đưa người đọc nhỏ tuổi vào những thế giới thần tiên huyền ảo, tạo nên bao sắc màu tươi đẹp cho cuộc sống. Để rồi tâm hồn trong sáng hơn lên, thánh thiện hơn lên.

Khi bất kì một nhà văn nào đó sáng tạo một tác phẩm, bên cạnh việc thể hiện nội dung ý tưởng, tâm tư tình cảm của mình, điều nhà văn đó mong mỏi còn là làm được một điều gì đó tác động đến tâm hồn người đọc, phải làm sao cho họ cũng suy tư trăn trở những điều như mình, làm sao cho giữa nhà văn và người đọc có một mối đồng cảm sâu sắc để người đọc đồng sáng tạo cùng với nhà văn. Có như vậy thì tác phẩm của nhà văn mới vượt qua giới hạn của một vài người, trở thành tài sản chung

của toàn xã hội. Andersen đã làm được điều đó khi ông đem đến cho những độc giả nhỏ tuổi những bài học sâu sắc nhưng rất đỗi nhẹ nhàng, thậm chí tới mức không ngờ được.

Trước hết, ông đem đến cho độc giả nhỏ tuổi những bài học đạo đức quí giá để rèn luyện nhân cách cho các em. Các em đọc câu chuyện về con bọ cánh cứng chuyên ngủ trong chuồng ngựa của vua, nhưng lại bay đi khắp nơi khoác lác huênh hoang như thể mình là một loài vật quyền quí (Con bọ cánh cứng); hay câu chuyện về gã cổ áo, cô nàng bít tất luôn nhận mình có một xuất thân cao cả…tất cả cuối cùng đều có một kết thúc thảm hại. Điều gì đọng lại trong lòng các em tốt hơn cả là bài học cần phải khiêm tốn, biết mình biết ta hơn để khỏi phải trả giá. Hay những câu chuyện răn dạy về lòng dũng cảm, sự chân thành, lòng hiếu thảo với cha mẹ, hay gởi gắm cho các em một ý chí vươn lên trong cuộc sống, Andersen chưa bao giới nói rằng « các em phải làm như thế này, như thế kia », nhưng chắc chắn độc giả của ông sẽ làm theo lời ông, bởi chúng luôn nhìn thấy kết quả, người tốt sẽ như thế nào, còn người xấu sẽ gặp hậu quả ra sao. Câu chuyện « Nàng tiên cá » kết thúc rất buồn, nhân vật chính với lòng nhân hậu, trái tim tràn đầy tình yêu mãnh liệt cuối cùng tan thành bọt biển. Nàng không được tình yêu, không còn cả giọng hát, không còn mạng sống, không được trở lại thủy cung…và nàng phải đợi hàng trăm năm để trở thành bất tử. Nhưng nếu mỗi khi nàng bay qua phòng một đứa trẻ ngoan, thì thời gian lại rút ngắn được một năm, nếu có thêm một đứa trẻ hư, thì thời gian sẽ kéo dài thêm một năm. Có đứa trẻ nào lại không yêu quí nàng tiên cá, có đứa trẻ nào lại không muốn nàng sớm được hạnh phúc. Vậy nên chúng sẽ rất ngoan, bài học đến nhẹ nhàng nhưng thấm sâu vào lòng hơn bất kì một lời giáo huấn hay răn đe nào. Bên cạnh đó là còn rất nhiều những bài học về sự hiếu thuận, về lòng kiên nhẫn, khả năng chịu đựng của con người. Những bài học đó không cần các em phải nằm lòng qua bài học đạo đức khô khan, mà cứ mỗi ngày nó thấm sâu vào tâm trí các em qua những lời thủ thỉ đầy yêu thương của người kể chuyện cổ tích thiên tài.

Andersen vốn là một đứa trẻ nghèo, ngoại hình lại không được bắt mắt cho lắm, nên có nhiều giai đoạn trong cuộc đời ông gặp phải những điều không vui, những tự ti, mặc cảm không thể che giấu. Thế nhưng cuối cùng ông đã trở thành con

người vĩ đại trên toàn thế giới, người ta chen nhau chỉ để được nhìn thấy ông, được bắt tay ông. Điều gì đã giúp ông làm nên được một kết thúc có hậu như vậy ? Ông đã hé mở cho chúng ta qua rất nhiều tác phẩm của mình. Ông muốn nhấn mạnh, nét đáng quí không phải ở hình dáng bên ngoài, mà chính là vẻ đẹp tâm hồn bên trong, và con người một khi đã có được tài năng và bản lĩnh thì không cần phải ngại ngần, không cần trốn tránh mà hãy dũng cảm đối đầu. « Vịt con xấu xí » là một minh chứng đầy đủ. Chú thiên nga nở không đúng chỗ, bị cho là xấu xí, dị hợm, chú phải mang mặc cảm suốt thời gian dài trước khi trở thành thiên nga xinh đẹp thực sự. Trong cuộc sống có bao nhiêu người là thiên nga nhưng phải sống cuộc đời của vịt con xấu xí ? Lời nhắn nhủ của Andersen đó là chúng ta hãy biết nhận ra chân giá trị đích thực của mình, để không phải mang những mặc cảm tự ti không đáng có. Như vậy bài học về niềm tin ông đã đem đến cho biết bao thế hệ độc giả của mình thật nhẹ nhàng mà thâm trầm biết bao nhiêu. Để rồi từ đó, con người có thêm nghị lực phấn đấu để vượt qua số phận mà thay đổi nó.

Từ những bài học về đạo đức, điều quan trọng mà bất cứ nhà kể truyện cổ tích nào cũng mong mỏi, đó là làm sao cho người đọc của mình mang được linh hồn của truyện kể vào cuộc sống. Đó là con người phải biết sống chân thành, vị tha, biết tha thứ khi cần phải tha thứ. Andersen đã rất thành công về điều đó khi ông chưa từng để cho các nhân vật của mình có một kết thúc thảm hại, dù họ có độc ác rất nhiều lúc đầu đi chăng nữa. Vị hoàng đế trong « Chim họa mi » đã cư xử rất tệ với chú chim trung thành với mình, ông vì những lời xúc xiểm của bọn nịnh thần mà xua đuổi chú chim đã dám từ bỏ cuộc sống tự do nơi rừng sâu để về hót cho ông nghe. Thế nhưng cuối cùng chú chim họa mi ấy tha thứ cho ông, chú không để ông cô độc khi đám nịnh thần vội bỏ mặc quay lưng vì tưởng ông đã chết. Điều tốt đẹp luôn luôn có sức mạnh trước mọi giông bão. Điều đó đã đem đến cho biết bao con người niềm tin bất diệt vào cuộc sống này, tin vào đồng loại xung quanh mình, rằng mỗi người ai ai cũng có một nét tốt đẹp riêng, dù đôi khi nó bị chìm lấp, che khuất dưới bao thói hư, tật xấu, nhưng chỉ cần có niềm tin tưởng lẫn nhau thì con người sẽ tìm thấy, sẽ khám phá hết thảy.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)